Góc nhìn Phật tử

Khủng hoảng của Boeing và bài học từ việc che đậy sự thật

Chủ nhật, 03/08/2022 10:09

2018 và 2019 là những năm đen tối nhất trong lịch sử của hãng máy bay Boeing, khi hai tàu bay Boeing 737 Max của họ lần lượt gặp tai nạn ở Indonesia và Ethiopia chỉ trong vòng 5 tháng. Cả hai vụ tai nạn đã làm 346 người chết, thương vong về người là không gì có thể bù đắp.

Những chiếc Boeing 737 Max từng là niềm tự hào của thương hiệu Hoa Kỳ. Nguồn: VietnamPlus

Những chiếc Boeing 737 Max từng là niềm tự hào của thương hiệu Hoa Kỳ. Nguồn: VietnamPlus

Trả lời trước truyền thông, lãnh đạo Boeing đã ngay lập tức đổ lỗi cho các phi công. Nhưng không lâu sau đó, các cuộc điều tra sơ bộ đã chỉ ra rằng vấn đề nằm ở một trong những phần mềm điều khiển chuyến bay. Dù cần thêm thời gian để các nhà chức trách xác định cụ thể vấn đề nằm ở phần mềm nào, nhưng những gì ban lãnh đạo Boeing từng nói sẽ là một vết nhơ khó lòng gột rửa.

Thượng tầng Boeing cùng với FAA – Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ từng dính cáo buộc thân thiết với nhau quá mức, dẫn đến tình trạng nhiều sai sót và sự cẩu thả của lãnh đạo Boeing đều được dàn xếp êm đẹp. Boeing còn là hãng máy bay nổi tiếng với văn hoá giấu giếm, giỏi che đậy trước truyền thông và không ngừng đổ lỗi dù biết rằng bản thân còn nhiều thiếu sót.

Uỷ viên điều tra Quốc hội Mỹ cho rằng, Boeing thậm chí đã biết trước những vấn đề liên quan đến hệ thống an toàn bay, nhưng 737 Max luôn được xem là niềm tự hào lớn nhất của thương hiệu có trụ sở tại bang Virginia. Có lẽ vì vậy mà ban lãnh đạo Boeing đã cố tình che giấu những vấn đề đó, đặc biệt là với đội ngũ phi công.

Khi một số vấn đề ở hệ thống an toàn bị che đậy, đồng nghĩa rằng chúng cũng không được phổ biến trong các giáo án huấn luyện an toàn bay. Hậu quả là, một số chi tiết trong hệ thống an toàn bị buộc phải hoạt động trong tình trạng không đảm bảo, chỉ vì các phi công không hề hay biết gì đến chúng và vẫn vô tư kích hoạt lên.

Tiếp sau hai vụ tai nạn thảm khốc chỉ trong vòng chưa đến nửa năm, một chiếc máy bay Boeing 737 Max khác đã phải hạ cánh khẩn cấp hồi giữa năm 2020 vì sự cố kỹ thuật. Đến tháng 3 năm nay, tai nạn tiếp tục xảy đến khi chiếc Boeing 737 Max của hãng China Eastern Airlines đã rơi tự do xuống dãy núi thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc làm toàn bộ 132 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Giá như đội ngũ và ban lãnh đạo Boeing sớm công khai những vấn đề nằm ở hệ thống an toàn bay của họ, giá như Boeing xử lý khủng hoảng truyền thông tốt hơn bằng cách chấp nhận và sớm sửa đổi, thay vì liên tục giấu giếm, có lẽ những vụ tai nạn thảm khốc đã không xảy ra. Giờ đây không chỉ nhãn hiệu Boeing 737 Max phải nhận những ánh nhìn ái ngại từ phía truyền thông, mà cả thương hiệu Boeing cũng mất điểm trong lòng công chúng với phương án xử lý khủng hoảng truyền thông theo kiểu trẻ con của mình.

Bài học: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại trong thế giới thương hiệu, tình huống của Boeing là bài học sâu sắc về tính minh bạch và tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm trong kinh doanh. Bản chất của kinh doanh là mang lại giá trị cho cộng đồng, chứ không phải mang đến sản phẩm cho khách hàng mục tiêu để rồi lo lắng, sợ hãi khi thiếu sót của sản phẩm xảy đến và phải tìm mọi cách che đậy chúng trước cộng đồng.

Nguồn: Vũ Digital

loading...