Kiến thức

Kiên nhẫn là bản chất của tình thương chân thật

Chủ nhật, 20/09/2023 02:00

Nếu thật sự thương người nào, mình phải biết kiên nhẫn với người đó. Tất cả chúng ta đều có những người thân đang gặp những khó khăn và khổ đau. Ta rất khao khát muốn giúp người thân của ta bớt khổ, nhưng ta không phải là những nhà tâm lý trị liệu.

Ta có thể thực tập như một nhà tâm lý trị liệu, vấn đề là nên thực tập lắng nghe như thế nào để những hạt giống khổ đau trong ta không bị tưới tẩm.

Muốn lắng nghe một cách hiệu quả, trước hết ta phải biết thực tập đi thiền, ngồi thiền và thở có chánh niệm trong đời sống hàng ngày để chế tác ra năng lượng của Niệm, Định, của vững chãi và thảnh thơi. Điều này rất quan trọng. Ta phải tự giúp bản thân trước, rồi sau đó mới nghĩ tới chuyện giúp người. Đó là nguyên tắc của sự thực tập tự độ và độ tha. Nếu ta mới thực tập lắng nghe lần đầu, có thể ta sẽ thấy rằng khả năng lắng nghe của mình chỉ giới hạn trong vòng mười lăm phút. Sau mười lăm phút ta sẽ cảm thấy mệt, không thể nghe tiếp được nữa. Trong trường hợp này, ta nên nói với người kia rằng: "Thưa chị, em hơi mệt. Em xin được tiếp tục lần sau, được không? Bây giờ em muốn đi dạo một chút. Nếu chị muốn, mời chị đi cùng với em cho vui.”

Sử dụng ái ngữ và lắng nghe sâu

01

Mình phải làm mới lại chính mình. Mình phải có cơ hội để tiêu hóa những gì mình đã đưa vào trước khi tiếp tục lắng nghe. Biết được mức giới hạn của mình là điều rất quan trọng. Nếu không, mình sẽ thất bại, sẽ bị đột quỵ. Yếu tố kiên nhẫn cũng rất quan trọng trong quá trình lắng nghe. Tôi có tham dự một buổi họp trong đó có một người đã không có ai lắng nghe và người đó cũng không có cơ hội bày tỏ nỗi khổ của mình.

Chúng tôi đã ngồi và thở trong chánh niệm một lúc thật lâu. Chúng tôi đã ngồi có mặt cho ông ta, rất chăm chú và ông ta đã cố gắng thật lâu mới có thể nói ra được nỗi khổ của ông cho chúng tôi nghe. Kiên nhẫn là bản chất của tình thương chân thật. Nếu thật sự thương người nào, mình phải biết kiên nhẫn với người đó.

Nghệ thuật sử dụng ái ngữ

Khía cạnh khác của sự thực tập là học cách sử dụng ngôn từ hòa ái. Khi quý vị tham dự khóa tu hoặc đến tu học tại một tu viện nào đó, quý vị có cơ hội để vun xới khả năng lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái.

Lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái là hai khía cạnh của sự thực tập rất thiết yếu để tái lập sự truyền thông, phục hồi niềm an lạc và hòa giải trong xã hội. Phải thực tập mới có thể khôi phục lại được sự vững chãi và thảnh thơi của mình.

Quý vị cần nói cho người kia biết nỗi khổ và niềm đau của mình, đặc biệt nếu người đó là người mà quý vị thương và tin cậy nhất. Tuy nhiên phải học nói như thế nào để người kia có thể tiếp nhận được, nghĩa là phải học cách nói bằng ngôn ngữ ngọt ngào, hòa ái, không có tính cách buộc tội, trách móc và trừng phạt thì mới thành công. Ngôn từ hòa ái sẽ giúp người kia lắng nghe và tiếp nhận dễ dàng hơn.

Chánh niệm là nền tảng của tất cả các khía cạnh của sự tu tập. Chánh ngữ có công năng nuôi dưỡng chánh niệm trong mình và nơi người kia. Trong truyền thống đạo Bụt, có một vị bồ tát hiệu là Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm có khả năng lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi, lắng nghe với tâm không thành kiến, không phán xét, không phản ứng. Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (Manjushri) là người có khả năng nhìn sâu để hiểu. Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Quán Thế Âm đều có mặt trong ta.

Khi ta thực tập nhìn sâu để hiểu những khổ đau của người, thì biết rằng đức Bồ Tát Văn Thù đang có mặt. Ta vun xới khả năng ấy bằng sự thực tập. Bồ Tát Quán Thế Âm có mặt trong ta khi ta biết lắng nghe với tâm từ bi để có thể hiểu được những nỗi khổ niềm đau của người khác. Đây không phải là vấn đề tín ngưỡng, sùng tín đối với một vị thần linh ngoài ta như một thực thể biệt lập. Đây là khả năng tiếp xúc được với năng lượng tình thương trong ta và năng lượng ấy được biểu lộ qua cách nhìn và cách nghe của ta. Hình ảnh bên ngoài chỉ là phương tiện giúp ta trở về và tiếp xúc với khả năng hiểu và thương trong ta.

loading...