Chùa Việt

Lắng nghe những hoài vọng nơi núi rừng Nhẫm Dương…

Thứ sáu, 23/01/2016 09:33

Nhân duyên, lần đầu tiên tôi về với chùa Nhẫm Dương tại thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương dịp tham dự Hội thảo khoa học “Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo” những ngày cuối năm 2015.

Một buổi sáng đầu tuần, giữa tháng cuối cùng của năm 2015, chúng tôi có mặt nơi ngôi chùa nhỏ lưng chừng núi thuộc địa phận tỉnh Hải Dương. Hàng trăm quý tăng, ni, phật tử cùng về tham dự Hội thảo.

Thoạt nhìn, khuôn viên quanh chùa không có gì đặc sắc. Hội trường lớn ngoài trời, quây dựng rạp che khuất nhiều không gian kiến trúc.

Một không gian chùa Nhẫm Dương nhìn từ lối mòn dẫn lên núi

Một không gian chùa Việt truyền thống, bao bọc xung quanh là núi đá rêu phong. Rừng cây xanh rì, đa dạng sắc thái phủ che. Vẫn có những lối mòn nguyên sơ, còn đó những thảm thực vật sắc màu nguyên sinh…

Gần cuối phiên thảo luận buổi sáng, trời mưa lây phây. Mưa rừng rì rào, xôn xao như mời gọi, khiến người lữ khách theo trực giác rảo bước về phía lối mòn dẫn lên núi.

Theo từng bước chân, tôi như nghe rõ tiếng rì rầm:



Hang Thánh Hóa

Ngôi chùa trên núi, chùa trên núi
Nay chỉ còn núi thấy chùa đâu?
Núi dần khuất những canh thâu
Chỉ còn đống đá tiêu điều ngổn ngang
Mấy chục hang dần dần biến mất
Chẳng động đất, cớ bởi vì đâu
Còn hang Thánh Hóa khuất sâu
Nương kề Tam Bảo sống lâu vững bền…

Đôi chân vẫn cứ bước đi, thoáng chút ngoảnh lại, tôi đã thấy mình bên lưng chừng núi. Từ đó nhìn về hậu viên chùa Nhẫm Dương thật đẹp.

Mưa rừng. Se lạnh nhẹ, thanh mát lạ. Xung quanh tôi như được bao bọc bởi khoảng không vô hình, từ lực cảm niệm linh thiêng, bình yên khó tả.

Trên mỏm đá lưng chừng núi, cách mặt đất chừng 150-200m, theo tầm mắt, một quần thể kiến trúc chùa hiển hiện: Gian Tam Bảo ở chính giữa, Vườn tháp ngay hậu viên cuối phía sau gian chính điện Tam Bảo. Phía bên phải là từng thiết tầng kiến trúc chùa Việt, cùng 3-4 gian có thiết kế đơn giản, chủ đạo là mái ngói đỏ, tường sơn vàng…

Gác mái Chính điện Tam Bảo

Tầm mắt phía bên trái, một không gian địa đồ trải dài hàng km, mô phỏng rõ những hang đá nguyên sinh, lòng hang địa đạo tự nhiên, nhũ đá tạo hình thật đẹp mắt… Ngỡ như mơ, đang say sưa chiêm ngưỡng, người lữ khách lại nghe văng vẳng bên tai:

Nơi đây từng rất nhiều hang động
Một quần thể rộng khắp đất trời
Linh thiêng để lại biết bao đời
Chùa được xây dựng từ xưa, thời Trần
Danh tiếng lừng lẫy khắp xa gần
Trung tâm Phật giáo thời Trần, hậu Lê
Năm tháng phong hóa những sơn khê?
Chỉ nghe hoài vọng hư không gọi về…

Làn gió mát rượi khôn tả đưa người lữ khách trở về thực tại. Đã nghe thật gần những sôi nổi tranh biện từ Hội thảo khoa học “Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo”…

Toàn cảnh "quần thể di tích" Nhẫm Dương còn lại nhìn từ lưng chừng vách núi, nơi lối mòn nhỏ dẫn lên Tháp Tổ

Được biết, đây là một quần thể kiến trúc Phật giáo với hơn 50 hang động bao bọc, cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, in dấu cách mạng. Mong rằng, những sở tích còn được lưu giữ đến nay, cần được bảo tồn nguyên bản.

Hành trình tìm lại dấu tích xưa sẽ nhiều lắm những gian nan, phục hưng tôn tạo lại như xưa cần lắm những sức mạnh vượt xa những yếu tố tự nhiên cả không gian và thời gian. Để, Nhẫm Dương dần tìm lại bản tự ý nghĩa thâm uyên một thời. Không còn là hoài vọng chốn tổ Tào Động Việt Nam…

Thường Nguyên
loading...