Trong nước

Lễ đúc đại hồng chung tại chùa Kê

Thứ bảy, 18/12/2022 03:34

Ngày 18/12/2022, nhằm ngày 25 tháng 11 năm Nhâm Dần tại Chùa Kê (Đống Khể), thôn Văn Ông, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa đã long trọng tổ chức Lễ đúc đại hồng chung.

Audio

Về chứng dự có Hòa thượng Thích Tâm Vượng – UV HĐTS, Phó Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trụ trì Tổ đình Cổ Lễ; Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Giám đốc Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Thanh Hùng – Chánh Văn phòng Trường Trung cấp Phật học Hà Nội; Đại đức Thích Minh Thiện - Ủy viên Ban Trị sự Thành hội, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Ứng Hòa; Đại đức Thích Đạo Tĩnh – Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Ứng Hòa; cùng Chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trong và ngoài thành phố.

IMG_0002

Về phía chính quyền có sự tham dự của Ông Đỗ Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Tảo Dương Văn; Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch UBMTTQ xã; Ông Nguyễn Bá Duân, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ứng Hòa, cùng đại diện TT Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ các ban ngành đoàn thể xã Tảo Dương Văn. Đặc biệt có sự tham dự của NSND Minh Vượng, NSND Thanh Vân – Nguyên giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội. Cùng hơn 1000 Phật tử, nhân dân về tham dự.

IMG_9906

Đại đức Thích Mật Quang – Trụ trì Chùa Kê, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu chào mừng:

“Hôm nay trong không khí trang nghiêm thắm tình đạo đời, trên quê hương Tảo Dương Văn thân yêu giàu lòng mến khách, Ban Tổ chức vinh dự được cung đón Chư Tôn giáo phẩm, Chư Đại đức Tăng Ni; Qúy vị Lãnh đạo các ban, sở ngành của Thành phố, huyện Ứng Hòa và địa phương các cấp; Chư vị Đại biểu khách quý; cùng toàn thể bà con Phật tử nhân dân thập phương về dự lễ. Thay mặt cho địa phương, xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện quý báu và tình cảm thân thiết của Chư Tôn đức; Qúy vị Quan khách; Đại biểu cùng toàn thể pháp hội. Xin được gửi đến toàn thể Chư vị lời chào mừng đại hoan hỷ, đại đoàn kết, lời kính chúc sức khỏe bình an, cát tường và hạnh phúc. Chúc Lễ đúc đại hồng chung của chúng ta thành công tốt đẹp”.

Phật tử Nguyễn Tri Khúc, đại diện cho các tín chủ và cư sĩ Phật tử Chùa Kê đã nói:

“Trong những năm, kể từ khi Chùa Kê (Đông Khể tự) có Đại đức Thích Mật Quang về Trụ trì, thêu hương cúng Phật, đã trùng hưng ngày càng khang trang diễm lệ, huy hoàng trên mảnh đất Tảo Dương Văn. Bởi có lẽ âm phù dương trợ, lên đời sống vật chất của nhân dân được no ấm, đời sống tinh thần được phong phú đa dạng, lòng người lại hướng về cội nguồn bản sắc văn hóa Dân tộc, trong đó có văn hóa Phật giáo. Công cuộc kiến tạo phục hưng chùa Kê là một trong những công trình tâm linh thế kỷ, với tầm cỡ quy mô lớn của địa phương, mang nét đặc trưng của thời đại Hồ Chí Minh, với sự Hội tụ và lan tỏa. Mong rằng, sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm ủng hộ về mọi phương diện của Chư Tôn đức và toàn thể Qúy Đại biểu, các mạnh thường quân để Chùa Đống Khể ngày càng anh linh cẩm tú, trên mảnh đất hoa lệ, ngàn năm lịch sử”.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt ban đạo từ: “Nhìn vào những ngôi chùa rêu phong thuần hậu, lúc hoàng hôn buông phủ xóm làng, hay những lúc canh gà tản sáng hương thôn, tiếng chuông chùa lại ngân dài một âm thanh nhẹ nhàng siêu thoát, lan toả khắp mọi nơi, mang âm hưởng ngọt ngào, lắng đọng trong tâm hồn của mỗi người dân Việt. Tiếng chuông chùa gióng lên, là sự thức tỉnh cho chúng ta luôn hướng thượng để trở về nguồn tâm, gạt bỏ đi những ý niệm sai biệt đang chi phối trong tâm thức của mỗi con người. Mỗi tiếng chuông ngân lên làm phiền não rơi rụng, xoá tan đi bao sự khổ luỵ của dương trần, vỗ về, an ủi cho tâm hồn chúng ta lúc nghiệt ngã đau thương, chia sẻ vui buồn với thế nhân từ bao thuở. Ở khung cảnh trang nghiêm tĩnh mịch nơi cửa Thiền, tiếng chuông được coi là lời nhắn nhủ thân thiết của đấng Thế Tôn, khuyên bảo chúng sinh hãy bỏ ác làm lành. Tiếng chuông ấy, là hiện thân của Từ bi và Trí tuệ, nó đư¬ợc xuất phát từ bản thể thanh tịnh của Phật tính Chân như. Vì thế. Mái chùa bình yên còn đó, thì tiếng chuông chùa vẫn còn mãi ngân vang. Tiếng chuông còn ngân lên thì truyền thống đạo lý của tổ tiên còn có mặt, phẩm tính cao đẹp của dân tộc lại càng được phát huy. Hình ảnh và âm thanh đó là nơi hội tụ của sự cởi mở và bao dung, làm vơi đi những niềm đau nỗi khổ của con người, tô bồi thêm cho một nếp sống thuần lương, để rồi mái chùa và tiếng chuông vẫn mãi là nơi nuôi dưỡng hồn thơ và phong nhiêu tự tình của dân tộc. Do đó, chuông chùa là một pháp khí không thể thiếu được trong mỗi thôn quê, làng xã. Nó đã trở thành nét đặc trưng của văn hoá. Pháp khi ấy không còn là của riêng Phật giáo nữa, mà nó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Nếu mất nó đồng nghĩa với sự mất cội nguồn, mất tổ tông và quê hương bản xứ”.

Việc đúc chuông có ý nghĩa rất lớn lao. Bảo vật hồng chung này sẽ là pháp khí khuông phù xã tắc, gióng lên sớm chiều cầu đất nước phồn vinh, quốc gia hưng thịnh, mang lại sự lợi ích cho cả dương gian và âm giới. Đây là một việc làm hết sức quan trọng “Tác nhất thời, Lưu vạn đại”, nó vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang trọng trách truy nguyên, khôi phục lại trang sử cội nguồn của quê hương bản quán, góp phần cho nền văn hoá dân tộc, thêm niềm tự hào về tinh thần bất khuất tự lập của đất nước chúng ta. Nhận thấy được ý nghĩa to lớn đó, nay gặp thời đất n¬ước thái bình, nhân dân hưng thịnh, nên Đại đức Trụ trì cùng địa phương phát tâm, con dầu một bó con khó một nén, hằng tâm hằng sản đóng góp tài vật và trí tuệ để đúc đại hồng chung nặng 1,5 tấn trị giá gần 1 tỷ đồng do các nghệ nhân tại Nam Định thực hiện nhằm lưu lại muôn đời, để thức tỉnh lòng người về chỗ chân như.

Đúng là:

Từ bi Cửa Phật hưng long

Lòng người, biển đảo, núi sông chan hòa

Chuông chùa Đống Khể ngân nga

Nguyện cầu muôn thuở nước nhà yên vui

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:

IMG_9902
IMG_9914
IMG_0001
loading...