Trong nước
Lễ khởi công động thổ xây dựng chùa Khô
Thứ năm, 20/05/2022 04:15
Sáng 20/5/2022 (nhằm ngày 20/04/Nhâm Dần), tại chùa Khô (xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) đã long trọng diễn ra Lễ khởi công động thổ xây dựng chùa Khô với kinh phí dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.
Quang lâm và chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của: Thượng tọa Thích Tâm Thuần – Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ, Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Phó trưởng BTS GHPGVN quận Long Biên (Hà Nội); Thượng tọa Thích Thanh Trung – Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN quận Long Biên (Hà Nội); Đại đức Thích Quảng Phú – Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Phó trưởng BTS GHPGVN huyện Thạch Thất (Hà Nội); Ni trưởng Thích Đàm Thành – Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng phân ban đặc trách Ni giới GHPGVN thành phố Hà Nội; Ni sư Thích Đàm Luyện – Phó trưởng BTS GHPGVN quận Đống Đa (Hà Nội); Ni sư Thích Đồng Hòa – Ủy viên thường trực Ban văn hóa TƯ, Ủy viên BTS GHPGVN huyện Ba Vì, trụ trì chùa Khô cùng chư tôn đức Tăng Ni trụ trì một số chùa lân cận.
Về phía lãnh đạo chính quyền có sự hiện diện của ông Phùng Văn Bạch – Phó trưởng Phòng nội vụ UBND huyện Ba Vì; ông Nguyễn Thành Sơn – Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì; bà Kiều Thị Nga – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Phong; ông Đỗ Đình Trưởng – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong; ông Bùi Hữu Dược – Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, Giảng viên cao cấp Học viện HCM cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, cùng đông đảo quý phật tử, quý thiện nam tín nữ gần xa và nhân dân địa phương.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Ni sư trụ trì Thích Đồng Hòa đã khái quát qua về lịch sử hình thành và phát triển của chùa Khô qua các thời kỳ. Theo đó, chùa Khô (Khô Sơn Tự) tọa lạc tại Đồi Khô (Đồi Ngọc), thôn Vị Nhuế và Thanh Lũng, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Tp Hà Nội. Là một ngôi chùa cổ, với bề dày lịch sử cả nghìn năm tuổi. Chùa Khô có lịch sử ra đời gắn liền với lịch sử hai làng Vị Nhuế và Thanh Lũng. Tuy nhiên, khoảng 600 năm trở lại đây, ngôi chùa không có người kế đăng, trụ trì. Cho đến năm 2014, nhân duyên hội đủ, hai giới các cụ và toàn thể nhân dân Phật tử có tâm nguyện thỉnh sư về phục vụ tín ngưỡng tâm linh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Ba Vì, Tp Hà Nội đã ra quyết định cử Sư Thầy Thích Đồng Hoà về kiêm nhiệm trụ trì chùa Khô. Trong niềm vui hân hoan đó, ngày mùng 01/3/2014, cán bộ, chính quyền và nhân dân Phật tử hai làng Vị Nhuế và Thanh Lũng đã làm lễ nhập tự, thỉnh Sư Thầy Thích Đồng Hoà về trụ trì chùa Khô, xã Tiên Phong.
Đến nay, ngôi chùa đã xuống cấp rất nghiêm trọng có nguy cơ sập đổ. Trên tinh thần “Hoằng dương Phật pháp” cùng với tâm nguyện “Trùng hưng Tam Bảo”, Nhà chùa cùng Chính quyền địa phương và Nhân dân Phật tử chùa Khô phát đại nguyện trùng tu xây dựng lại ngôi Tam Bảo để trang nghiêm cảnh Phật và giúp cho nhân dân Phật tử có điều kiện tốt hơn để về chùa lễ Phật, nghe Pháp, tu dưỡng tâm Bồ Đề.
Bản báo cáo kế hoạch xây dựng cho biết, yêu cầu được đặt ra trong công tác trùng tu xây dựng chùa: Công trình phải đảm bảo đủ không gian thờ Phật, lễ bái, tu tập của nhà chùa, nhu cầu tín ngưỡng của toàn dân, thiết kế, kết cấu, kiến trúc có tính kế thừa, tuân theo các nguyên tắc kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Bố cục đăng đối hài hòa trong một chỉnh thể thống thống nhất, phù hợp với địa hình, địa thế phong thủy của một ngôi chùa. Theo đó, kiến trúc chùa Khô đi theo lộ trình: Tiền Phật, hậu Tổ, nội công, ngoại quốc. Tam bảo thiết kế hình chữ đinh, gồm 05 gian tiền đường, 03 gian hậu cung, kiến trúc bên trong dựa trên nền tàng kiến trúc thời hậu Lê như: Lộng, tàn, chồng giường, kẻ truyền, đấu sen, thượng chồng giường con nhị, hạ giường nách ván hiên, giá chiêng kẻ suốt, câu đối hoành phi…. đều được làm bằng chất liệu gỗ, đá và bê tông giả gỗ…
Ban đạo từ tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Tâm Thuần đã nói lên ý nghĩa của việc xây chùa, cũng như công đức của việc xây chùa, là một trong ba việc lớn mà chúng ta nên làm bởi bậc cổ đức đã dạy:
“ Làm chùa tô tượng đúc chuông
Trong ba việc ấy thập phương nên làm.”
Đồng thời thượng tọa cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, người góp công, người góp của, đóng bè tập phúc, phát tâm trợ duyên cùng Ni sư trụ trì để ngôi già lam được hoàn thành theo đúng kế hoạch và Thượng tọa cũng hy vọng sau khi ngôi Đại Hùng Bảo Điện khánh thành, chùa Khô không chỉ là nơi tu học, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh của Phật tử và nhân dân địa phương, mà còn là một trong những điểm sáng cho hoạt động du lịch tâm linh của huyện Ba Vì đang trên đà phát triển.
Nhân dịp này, thể hiện tinh thần “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, với lòng từ bi của Đạo Phật, Ni sư trụ trì chùa Khô đã trao tặng 50 phần quà cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của hai thôn Vị Nhuế và Thanh Lũng, mong muốn sẻ chia phần nào với những khó khăn vất vả và động viên những người dân nơi đây cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Trước khi kết thúc buổi lễ, chư tôn đức tăng ni và các Phật tử đã cử hành nghi lễ trì chú, niêm hương bạch Phật và xúc những xẻng cát đầu tiên, chính thức động thổ ngôi xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Khô trong không khí hoan hỷ, ấm tình đạo vị.