Góc nhìn Phật tử

Lễ Phật Đản trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Chủ nhật, 16/05/2022 08:03

Đại Lễ Phật đản là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh lớn của hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới. Đây là Lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra vào thế kỷ VII TCN trong hình hài của một nhân vật lịch sử.

Trước đây, Lễ Phật đản được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Tuy nhiên có nơi lại tổ chức vào ngày rằm tháng tư. Và kể từ năm 1950, Đại hội Phật giáo Quốc tế đã thống nhất lấy ngày 15 tháng 4 âm lịch làm ngày kỷ niệm Phật đản. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Lễ Phật đản đã được diễn ra từ rất sớm và được các triều đại tổ chức chu đáo, trang nghiêm.

FB_IMG_1652581959402

Lần theo nguồn sử liệu, đặc biệt là qua ghi chép của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, thì Lễ Phật đản ở Việt Nam được gắn liền với nghi lễ Mộc dục - Tắm Phật. Đây là nghi lễ thiết yếu của đại Lễ Phật đản và có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó lan truyền đến các quốc gia Phật giáo khác trong đó có Việt Nam. Lễ Mộc dục được tổ chức lần đầu tiên ở nước ta vào năm Nhâm Tý (1072), dưới triều vua Lý Nhân Tông. Vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, vua Lý Nhân Tông đã cùng hoàng hậu và quần thần đến chùa Diên Hựu để làm lễ cầu phúc và thực hiện nghi lễ Tắm Phật. Dân chúng các nơi cũng tụ về rất đông để dự Lễ. Năm Ất Dậu (1105), vua Lý Nhân Tông tiếp tục thực hiện nghi lễ này cũng tại chùa Diên Hựu: “Ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hằng năm lấy làm lệ thường”.

Về kể từ năm Ất Dậu (1105) trở về sau, cứ theo lệ, triều Lý đều tổ chức nghi lễ Mộc dục vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Như thế, đủ thấy triều Lý, đặc biệt là thời vua Lý Nhân Tông, Lễ Phật đản với nghi lễ Tắm Phật đã đã được phổ biến trong các sinh hoạt của Phật giáo. Lễ Phật đản cũng như lễ tắm Phật ngay từ thời Lý không chỉ đơn thuần là nghi lễ của cộng đồng Phật giáo mà nó đã trở thành những sinh hoạt văn hóa chung trong dân gian.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến triều Nguyễn, cùng với sự phát triển của Phật giáo, Lễ Phật đản được các vua Nguyễn hết sức coi trọng. Để chuẩn bị ngày Lễ Phật đản, trước đó, các vua Nguyễn hạ lệnh cho các chùa lớn ở Kinh cũng như ngoài tỉnh, dựng lễ đài lớn, trang trí chùa thật đẹp. Ngoài ra, các triều vua còn cấp tiền cho các chùa để tổ chức Lễ Phật đản được trang nghiêm, trọng thể. Như Lễ Phật đản năm Giáp Dần (1854), vua Tự Đức ban tiền cho các chùa như Linh Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế, Thánh Duyên, Long Quang, quán Linh Hựu; chùa Tam Thai, chùa Ứng Chân ở Quảng Nam; chùa Khải Tường ở Gia Định. Năm Ất Dậu (1885), vua Đồng Khánh cũng chuẩn cấp tiền cho các chùa nhân ngày Lễ Phật đản.

Có thể nói, Lễ Phật đản là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo, bên cạnh Lễ Vu LanLễ Thành đạo. Lễ Phật đản ngoài ý nghĩa tưởng nhớ ngày sinh của đức Phật còn mang ý nghĩa thiêng liêng nhắc nhở đệ tử Phật không ngừng nỗ lực tu tập, sống “tốt đời đẹp đạo”.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H49, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

1. Hồ sơ H31, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

loading...