Sách Phật giáo

Lễ Phật để làm gì?

Thứ bảy, 17/02/2013 09:45

Phải có một sự giao cảm nhạy bén trên phương diện hướng dẫn cuộc đời con cái. Căn bản giáo dục con cái là tinh thần Phật giáo, tức tinh thần tự do, khoan dung, khai phóng, đề cao trí tuệ

Mấy lời tâm huyết

Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ, được như thế hạnh phúc không gì bằng, đó gọi là pháp thí.

Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, chúng ta thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, sau đó lần lượt cho nhà khác mượn, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ. Việc làm này quý giá vô biên, đây cũng gọi là pháp thí.

 

Chính đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí, pháp thí có công đức lớn nhất, không công đức nào có thể sánh bằng”.

Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng nên lo nghĩ, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo. Đó là mục đích chính, thiêng liêng và cao cả nhất của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, một tảng đá hay một viên gạch v.v… ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vững và kiên cố đời đời.

Chúng ta không nên quan niệm về công đức, hãy nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng tội lỗi không lối thoát xung quanh chúng ta. Hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý, giúp họ tìm ra lẽ sống, niềm vui. Được thế, chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.

Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy “Tất Cả Vì Phật Pháp”. Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho mọi người xem!

Được vậy, niềm phúc lạc vô bờ chắc chắn sẽ đến với chúng ta! Tha thiết mong mỏi như thế!

Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui, nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn nữa. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ vài ngàn, nhưng vẫn quý hơn tiền trăm bạc triệu.

Quý vị nào muốn phát tâm ấn tống kinh sách, xin liên hệ:
CHÙA HOẰNG PHÁP, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
ĐT: 7130002–7133827.
Email: [email protected]

Lễ phép

Đã là Phật tử thì ai cũng lễ Phật, nghĩa là đứng trước bàn thờ Phật, trước tượng hoặc hình ảnh của đức Phật, nghiêm trang làm lễ, năm vóc sát đất.

Lễ Phật để làm gì?

Lễ Phật không có ý nghĩa là lễ một vị Thần linh hay thờ cúng và lễ bái trước một hình tượng (idolatrie). Làm như thế là mê tín, trái với giáo lý của đạo Phật. Đức Phật đã dạy tất cả hình tướng, ngay cả xác thân của Ngài khi còn tại thế, đều là giả dối, vô thường, vậy nên Ngài không dạy chúng ta phải lạy Ngài và lạy những tranh, tượng vẽ hình dang của Ngài.

Nhưng chúng ta là những kẻ phàm phu, còn sống trong vòng thế gian, còn phải sửa mình, nên chúng ta còn cần phải có một cái gì để tượng trưng trước mắt ta và trong trí ta những đức tính rộng lớn vô biên, từ bi, hỷ xả, thanh tịnh. Cho nên, đảnh lễ trước hình tượng Phật không phải là chúng ta lễ bái hình tượng ấy, mà là chúng ta lễ, chúng ta tỏ lòng kính ngưỡng những đức tính rộng lượng, tâm từ bi bao la của Ngài. Trước những đức tính cao cả vô biên ấy, chúng ta còn biết bao nhiêu mê lầm, bao nhiêu tội lỗi! Chúng ta phải sụp lạy để tôn kính những đức hạnh cao đẹp đã soi sáng cho chúng ta hướng về sự cao đẹp của chân, thiện, mỹ. Chúng ta đảnh lễ hình tượng Ngài với năm vóc sát đất để tỏ rõ lòng tự cao tự đại ngu xuẩn trong ta đã được dẹp bỏ, và dần nâng chúng ta lên đến những đức tính cao quý, sáng suốt và rộng lớn như đức Phật.

Giáo dục con cái

Cha mẹ nên nhận thức rõ về thời đại và xã hội hiện tại mà thế hệ con cái của họ đang sống, khác nhau ở điểm nào với thời trước về mọi mặt mà họ đã trải qua. Phải thấy rõ những nhu cầu cần thiết của thời đại ngày hôm nay và những gì của ngày trước phù hợp hay không phù hợp v.v…

Cha mẹ không nên cố chấp, bảo thủ theo kiểu xưa bày nay làm, tinh thần đó không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Hơn nữa, xã hội loài người ngày càng tiến bộ, văn minh khoa học ngày một đổi mới và phát triển, nếu mình cứ ôm giữ mãi những tập tục cổ hủ, có khác nào ôm những xác bả mía khô, đã hết chất nước ngọt ngào tinh túy! Do đó trước tiên, đòi hỏi cha mẹ phải có trí tuệ nhận định một cách sáng suốt về tâm lý thời đại của con cái chúng ta, để bắt nhịp theo đó mà có phương hướng giáo dục con cái tốt hơn, tìm hiểu con cái mong ước những gì trong cuộc đời. Nếu cảm thấy phù hợp và không đánh mất giá trị con người, thì cha mẹ nên tìm cách trợ lực giúp đỡ. Yếu tố quan trọng là cha mẹ phải trang trải tình thương yêu nhưng phải có một sự hiểu biết nghiêm trang nhưng độ lượng.

 
Không câu nệ hình thức giữa cha mẹ và con cái, cần phải có một tình thương luôn quan tâm đến chúng, tạo cho con có một thứ tình cảm luôn gần gũi không xa vời với chúng. Thiết nghĩ, cha mẹ cũng nên áp dụng tâm lý giáo dục ở ngoài xã hội vào gia đình để giáo dục con cái tốt hơn. Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc của con cái về tinh thần cũng như vật chất, mà ở đây, chỗ dựa cần nhất của con cái đó là tình yêu thương rộng lớn của cha mẹ đối với con cái. Muốn được vậy thì cha mẹ cần phải hiểu con cần gì để kịp thời giúp đỡ. Có những chuyện con cái không biết tỏ bày cùng ai mà cha mẹ là chỗ để cho chúng tỏ bày. Nhưng đặc biệt nhất, người mẹ là người mà con cái dễ gần và rất muốn gần hơn là người cha. Do đó, người mẹ có điều kiện giáo dục con nhiều hơn, nhưng không khéo thì con cái dễ hư nếu như người mẹ dành tình thương cho con không đúng chỗ, hay cưng chìu con một cách quá đáng. Vì mẹ là tượng trưng cho tình thương yếu mềm, do đó, nếu người mẹ không khéo thì con cái nó sẽ lợi dụng điểm này thì khó giáo dục nó. Vì vậy, người mẹ dùng tình thương cho con nhưng phải có trí phán xét cần và đúng để giáo dục con tốt. Còn cha là thể hiện của tình thương nghiêm nghị, vì vậy con cái ít có cơ hội gần cha.

Vì vậy, khi giáo dục con cái, chúng ta phải biết cách kết hợp giữa hai thứ tình thương hiền hòa và nghiêm nghị thì giáo dục con cái sẽ tốt đẹp. Giáo dục con cái không phải dùng phương pháp đánh đập mà giáo dục con tốt, cũng có lúc cần roi đòn để dạy con cái nhưng điều này không phải là cách giáo dục tốt, dùng tình thương giáo dục là điều tốt nhất và có kết quả tốt hơn. Thí dụ như hôm nào đó ta kiểm tra tập học của con, thấy nó viết chữ không được đẹp hay điểm ít thì chúng ta dùng biện pháp nào để giáo dục? Phải dùng biện pháp tâm lý tình thương để giáo dục. Phải có một sự giao cảm nhạy bén trên phương diện hướng dẫn cuộc đời con cái. Căn bản giáo dục con cái là tinh thần Phật giáo, tức tinh thần tự do, khoan dung, khai phóng, đề cao trí tuệ, lòng yêu thương mọi người và muôn loài, tinh thần trách nhiệm cá nhân, sự liên hệ mật thiết giữa mình với tha nhân và xã hội cũng như với mọi sự sống nguyên tắc bất bạo động; không những bất bạo động trong hành động mà còn bất bạo động trong lời nói: luôn nói lời ái ngữ, từ hòa, dịu dàng, thân ái, không nên có những lời la hét, nạt nộ, mắng chửi, nóng giận, thô ác đối với con cái.


Tác giả  Thích Nhuận Thạnh
Theo: Nếp Sống Đạo phần XI
loading...