Góc nhìn Phật tử

Lòng biết ơn làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người

Thứ bảy, 13/01/2023 10:45

Cuộc sống đem đến cho ta cơ hội cùng với khó khăn, khi mọi thứ không xảy ra theo cách mình muốn, chúng ta hãy cố gắng chấp nhận để vượt qua. Có thể khi bạn thất bại sẽ có người sẵn sàng giúp đỡ bạn,cho dù là người lạ hay người quen thì bạn vẫn nên cảm kích và nhớ ơn của họ.

Audio

Không chỉ biết ơn cha mẹ, biết ơn những người giúp đỡ khi ta gặp thất bại mà ngay cả những người đẩy mình vào hoàn cảnh khó khăn, để bản thân có thể nhận ra mình thất bại ở đâu và nên làm lại từ đâu. Đừng vội oán trách mà hãy biết ơn họ, vì họ đã giúp chúng ta có thêm nhiều bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.

Văn hóa ứng xử là khía cạnh giá trị mang yếu tố tích cực, được chắt lọc thành các kinh nghiệm, quy tắc xã hội, chuẩn mực đạo đức thể hiện ở các tình huống ứng xử văn hóa trong đời sống của một cộng đồng, dân tộc. Ứng xử luôn là một vấn đề được mọi người trong cộng đồng, xã hội quan tâm. Đó là cách đối xử với người khác, với thế giới xung quanh mình và với chính mình. Cùng một tình huống, hoàn cảnh nhưng mỗi người có cách ứng xử riêng. Ứng xử thể hiện nghệ thuật sống của cá nhân, phản ánh phong tục, trình độ văn hóa, đặc trưng dân tộc và thời đại.

Lòng biết ơn - Giá trị sống, vẻ đẹp nhân cách con người

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mỗi chúng ta đều nằm lòng câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Đây không chỉ là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được trao truyền từ đời này qua đời khác, mà còn là lẽ sống cao cả, là tình cảm ân nghĩa thủy chung, là thái độ ứng xử có trước có sau của một nhân cách văn hóa. Biết trân trọng, ghi nhớ tất cả những gì mà tổ tiên, ông cha đã tốn bao công sức, trí tuệ và cả xương máu để ươm trồng, vun đắp và tạo dựng cơ đồ, sự nghiệp cho con cháu hôm nay và mai sau, chính là việc làm ý nghĩa nhất để góp phần hiện thực hóa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Lòng biết ơn còn là một giá trị sống, đồng thời là một phương châm ứng xử nhân văn, tinh tế để góp phần làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người. Nhờ có lòng biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ trước, của hậu duệ đối với tiền nhân, của con cháu đối với ông bà, cha mẹ mà các thế hệ người Việt Nam đã bồi đắp nên truyền thống văn hóa tri ân “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Biết ơn những thứ từ bé nhỏ đến lớn lao quanh mình để thấy cuộc đời đẹp hơn. Biết ơn một cách chân thành để những giá trị thiết thực cho cộng đồng được lan tỏa rộng khắp hơn. Mỗi khi chúng ta biết ơn một điều gì đó, những điều tốt đẹp đó sẽ tiếp tục quay trở lại. Với nhiều người, “thi ân bất cầu báo”, tức là giúp đỡ thì không cần báo đáp nhưng hẳn người đó sẽ hạnh phúc hơn khi nghĩa cử của mình được lặp lại ở người khác.

Nếu là cha mẹ, hãy thường xuyên kể những câu chuyện cụ thể và gần gũi về lòng biết ơn cho con nghe. Suy nghĩ thật kỹ về những gì người khác đã làm cho mình và kể cho con nghe. Khi con thấy cha mẹ nói về những hành động giúp đỡ của người khác mà cha mẹ nhận được với tấm lòng biết ơn thật sự, con cũng sẽ hiểu. Chính thái độ biết ơn của người lớn có giá trị vô cùng lớn để dạy con trẻ.

Con người là tổng hoà của các mối quan hệ trong xã hội, vì không ai có thể sống một mình mà phát triển tạo dựng cuộc sống thành công và hạnh phúc được. Chúng ta cần sống và cùng nhau phát triển để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp. Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào đạo đức con người và lòng biết ơn tạo nên sức mạnh cho chúng ta trong cuộc sống hôm nay.

loading...