Kiến thức

Lòng tôn kính Phật phải được bày tỏ bằng hành động lễ kính mỗi ngày

Thứ hai, 27/06/2023 02:30

Hành động lễ kính Phật phải được duy trì suốt đời suốt kiếp, và sẽ tạo thành công đức cho chúng ta hết kiếp này sang kiếp khác. Không nên chỉ thắp nhang rồi gõ chuông vài tiếng là coi như xong bổn phận.

Mỗi ngày chúng ta nên có một thời lễ Phật cá nhân. Vì sao? Bởi vì, khi lễ Phật chung với đại chúng, ta dễ bị phân tâm do phải để ý hòa theo mọi người trong lời tụng và cử động nên không dồn hết tâm thành. Còn khi lễ Phật một mình, không bận tâm vì nghi thức, chúng ta dễ dàng dồn hết tâm thành để tôn kính Phật vô lượng vô biên. Cũng có thể nhiều người cũng lạy chung trong chánh điện rộng, nhưng mệnh ai nấy lạy, không bận tâm hòa theo nhau, để dành trọn tâm thành. Còn khi vào khóa tụng niệm chung thì vẫn theo chúng để lễ tụng như thường.

Lòng tôn kính Phật càng mãnh liệt, đạo quả càng cao

78

Ngay cả cư sĩ cũng phải có thời lễ Phật mỗi ngày để tăng trưởng phước duyên. Cư sĩ cũng phải siêng năng lễ Phật chứ không được coi thường. Nhà cư sĩ cũng phải thiết trí bàn thờ Phật nơi mà mình có thể lạy được, chứ đừng để bàn thờ ở trên cửa buồng đi ra vào phòng trước. Góc thờ Phật phải tương đối tách rời với sinh hoạt hoặc tiếp khách để việc thờ cúng được trang nghiêm và việc lễ bái được thanh tịnh. Không nên chỉ thắp nhang rồi gõ chuông vài tiếng là coi như xong bổn phận.

Chẳng những người cư sĩ biết tu mà còn phải cưỡng bách con mình cùng tu theo để gieo duyên với Phật Pháp cho nó. Tại sao chúng ta bắt buộc con cái mình tu theo? Vì con trẻ không hề biết điều gì đúng điều gì sai. Ngay cả như việc học văn hóa khi đến tuổi đi học cũng vậy, nếu để cho con trẻ tự giác thì chắc chắn chẳng đứa trẻ nào chịu đến trường. Cha mẹ cũng phải dỗ ngọt, răn đe, cưỡng bách rồi mới đưa trẻ tới trường được.

Phật Pháp cũng vậy, nếu không bắt buộc thì con trẻ cũng chẳng biết đạo đức nhân quả gì. Và đó là cái tội của cha mẹ đã không hết trách nhiệm đối với con cái. Sau này lớn lên chúng hư hỏng thì cha mẹ cũng phải chịu tội một phần. Do đó, một gia đình đạo Phật gương mẫu phải có nề nếp chặt chẽ chứ không để lỏng lẻo được.

Khi lễ Phật với lời tán thán công hạnh nào, chúng ta dần dần sẽ thành tựu công hạnh đó. Có những đứa trẻ vốn là học sinh kém, nhưng sau một thời gian thường chuyên cần lạy Phật như thế, bỗng trở nên học khá hơn, làm toán làm văn dễ dàng hơn khiến bố mẹ vui mừng. Chúng cũng bớt nghịch ngợm quậy phá làm cho cha mẹ vui mừng hơn mong đợi. Chư Phật quả thật rất nhiệm mầu, rất từ bi. Chỉ vì chúng ta không đủ lòng tôn kính, không làm tròn bổn phận nên không được những điều tốt đẹp. Nếu chúng ta siêng năng lạy Phật thì điều tốt lành chắc chắn sẽ đến với chúng ta.

Khi lạy Phật chúng ta nên phát những lời nguyện kèm theo chứ đừng lạy suông. Trong suốt đời tu hành, một người phải phát dần dần rất nhiều lời nguyện. Một số lời nguyện được phát qua vài ba năm, đến khi thấm sâu rồi, tự nhiên những tâm nguyện khác lại hiện ra để được phát tiếp. Những lời nguyện đó chính là sự định hướng cho sự tu hành của chúng ta trong vô lượng kiếp sắp tới.

Trích Tâm Lý Đạo Đức - Bài "Hiểu và tôn kính Phật".

loading...