Góc nhìn Phật tử

Một bài thơ với 6 lần “xin”

Thứ bảy, 06/09/2023 09:55

Khi viết những dòng trạng thái “Hai lần bất hiếu” đăng ngày 24/8/2023 (đã đăng trên trang Phật giáo Việt Nam), tôi bất chợt nhớ đến bài thơ nổi tiếng “Bờ sông vẫn gió” của cố nhà thơ Trúc Thông viết về mẹ. 

Audio
Nội dung bài thơ 'Bờ sông vẫn gió'

Nội dung bài thơ "Bờ sông vẫn gió"

Trong bài này, Trúc Thông đã có 3 lần “xin”:

Lần 1:

“Xin người hãy trở về quê/

Một lần cuối … một lần về cuối thôi”.

(Xin là thực, điều không thực là mẹ không bao giờ về được nữa nên câu thơ đọc lên, đau nghẹn).

Lần 2:

“Lệ xin giọt cuối để dành

Trên phần mộ mẹ, nương hình bóng cha”

Theo lẽ thường, khi ta đau, lệ sẽ tuôn cạn. Nhà thơ đã phải “xin” được dành giọt cuối để dâng lên mộ mẹ, cũng là khó thực hiện.

Lần 3:

“Con xin ngắn lại đường gần

Một lần … rồi mẹ hãy dần dần đi…”

Mong gặp mẹ quá nên lại “xin” một điều không thực nữa “đường ngắn lại” để sớm gặp. Lời xin của một người đàn ông ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” (tuổi 40 không nói hai lời) cảm động xiết bao!

Nhà thơ đã 3 lần “xin” cho 3 điều “không thể“. 

Nay tôi cũng có 3 lần “xin” liên quan đến bài thơ này và đều “có thể”:

Lần 1: tôi “xin” cô giáo dạy văn Phan Thanh Vân, một giọng ngâm thơ nổi tiếng nhờ khả năng thẩm thơ, niềm đam mê sáng tạo và cả chất giọng trời cho với các bài ngâm đã tạo nên tên tuổi chị như: “Tiếng choa”, “Sông Lam” … (có đăng ở tường tôi ngày 28/6/2023). May mắn được cô giáo đồng ý, đã khổ luyện dựng thành bài, nay hầu bà con.

Lần 2: tôi “xin” bạn tâm giao Lê Quốc Hán (một nhà toán học nổi tiếng, một nhà thơ tâm linh cuốn hút, một cây bút bình thơ tinh tế) cho đăng một đoạn bình về bài thơ này như dưới đây để hầu bà con: 

“Cả bài thơ gồm sáu cặp lục bát, được chia thành ba khổ. Khổ đầu gồm một cặp lục bát, trong đó câu tám được cắt đôi, ngỡ như lòng tác giả bị cắt ngang ruột: Bờ sông vẫn gió/ người không thấy về. Sự đối xứng lệch của câu thơ càng tăng thêm tâm trạng hụt hẫng của tác giả trước cảnh: Lá ngô lay ở bờ sông. Nó gợi lên hình ảnh mong manh, ngắn ngủi của kiếp phù du mẹ anh vừa đi qua.

Khổ thứ hai gồm bốn cặp câu lục bát, nó vang lên như một lời khẩn cầu, một lời ước nguyện. Cả bài thơ vẻn vẹn 84 từ mà tác giả không ngần ngại nhắc ba lần từ “xin”, ba lần từ “một lần”, năm lần từ “về”, đủ biết anh tha thiết gặp lại mẹ anh dù chỉ một giây, một phút chừng nào! Nhưng đáp lại anh chỉ có những hình ảnh quá khứ xen lẫn hiện tại: Một đời tóc xanh, cây cau cũ, giại hiên nhà…hiện ra qua giọt nước mắt của người con trai mất mẹ, những giọt nước mắt tưởng như sắp cạn: Lệ xin giọt cuối để dành/Trên phần mộ mẹ, nương hình bóng cha.

Kết thúc bài thơ, nhà thơ một lần nữa nhắc lại lời khẩn cầu thiết tha của mình: Con xin ngắn lại đường lần/ Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi…Câu sáu là một câu thơ lạ. Đường từ nhà ra bờ sông, nơi mộ mẹ anh - chỉ gần trong gang tấc mà xa cách nghìn trùng. Dẫu có cầu xin khoảng cách đó ngắn lại bao nhiêu lần, thì anh và mẹ anh vẫn ở hai thế giới hoàn toàn cách biệt. Ước mơ thật bé nhỏ: Một lần…rồi mẹ hãy dần dần đi…cũng chỉ thực hiện được trong trí tưởng tượng, và nếu may mắn hơn, trong giấc chiêm bao.

Bài thơ khép lại, nhưng dấu chấm lửng…cuối bài thơ như mở rộng dần, mở rộng dần đưa hồn thi sĩ về gặp mẹ, dù là trong thế giới thi ca. Và vì thế bài thơ cứ ám ảnh, cứ day dứt hồn” (Nguồn “Thơ trong ký ức” - NXB Văn học - 2002).

Lần 3: Tôi “xin” bà con, những người cao huyết áp, nhanh mạch tim, hãy bình tĩnh để khi nghe bài ngâm này, có khóc thì cũng đừng quá xúc động mà ảnh hưởng đến sức khoẻ! Tôi nói thật đó!

Hai lần bất hiếu

loading...