Đạo Phật trong tim tôi

Một đoàn thể đẹp

Thứ năm, 30/01/2023 08:49

Vào thời Đức Phật còn tại thế, tăng đoàn thường sống du cư trong rừng, nơi gò mã, dưới gốc cây, mặc y phấn tảo, ôm bát đi khất thực vào giờ ngọ... và chính những ảnh đẹp nhưng giản dị, gần gũi ấy đã phần nào thay đổi, cảm hóa tư tưởng của con người bấy giờ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Người xuất gia chuộng lối sống nơi núi rừng heo hút không vì lánh chốn phồn hoa, ồn náo hay chạy trốn cuộc đời thị phi mà vì lối sống phạm tu tập phạm hạnh, hòa mình với thiên nhiên, muôn loài, tăng sĩ bỏ sau lưng những hào nhoáng, danh lợi cuộc đời. Trong khi người thế gian lại mưu cầu phú quý, quyền lực, thậm chí là tranh đoạt, giết hại lẫn nhau. Khất thực chẳng mong cầu của ngon vật lạ hay vì biếng nhát làm lụm mà vì sở nguyện hóa độ, gieo duyên lành đến với chúng sanh. Tu khổ hạnh để thấy được sự nguy hại của dục lạc xa hoa không đưa đến hạnh phúc, an lạc. Thân thể này chỉ cần mảnh áo che thân, ngăn nóng lạnh là đủ, mạng sống này cần ăn uống để duy trì, chủ yếu vẫn là sự tu tập, giác ngộ, giải thoát, đặc biệt là được an lạc ngay trong hiện tại, trong chính thân và tâm của mỗi người.

Ví như ngài Đại Ca Diếp vì lòng thương tưởng đến người nghèo khổ, thiếu phước nên phát nguyện chỉ đi khất thực nơi xóm nghèo nhằm gieo duyên lành đến với họ, dù rất nhỏ. Một lần đang đi khất thực, ngài gặp một kẻ ăn xin bị cùi lỡ loét, vì lòng bi mẫn, ngài đến gần, người ăn xin chỉ còn 1 bát cháo thiu, với bàn tay cùi lấy thức ăn để vào trong bát, ngón tay rơi xuống, nhưng Ngài vẫn thọ dụng với tâm không chán ghét, phân biệt. Hình ảnh một tỷ kheo già khoác trên mình tấm y sờn cũ kỹ, ôm bát khất thực đến những thôn quê bần hàn, không chê giàu nghèo, tốt xấu đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng mỗi người. Chỉ những ai có lòng đại bi rộng lớn, đủ định lực như ngài Ca Diếp mới có thể thực hành được, người xuất gia bình thường khó có thể làm được. Tuy nhiên, chúng ta có thể học hạnh của ngài theo hình thức chánh niệm tỉnh thức, sống thiểu dục tri túc, tương thân tương ái… đó cũng là lối sống cần có của xã hội ngày nay.

Khi cuộc sống ngày một phát triển kéo theo nhu cầu hưởng thụ của con người sẽ ngày càng cao thì sự ích kỷ, vô tâm càng lớn, họ chỉ biết sống cho bản thân, vùi đầu vào công nghê ảo hóa mà dần bỏ quên mọi thứ xung quanh. Vậy nên, Phật giáo xuất hiện như điều kiện cần và đủ, với “chủ trương đời sống thoát ly gia đình, đơn độc, thanh tịnh và là một lối sống thuận tiện nhất cho sự huấn luyện tâm linh, thích hợp nhất để đào tạo những chiến sĩ xã hội, đủ sáng suốt, tự tại và tác phong đạo đức để giáo hóa chúng sanh, kiến tạo xã hội”. Nói như vậy, không có nghĩa Phật giáo chủ trương yếm thế, khuyến khích con người sống độc thân, buông bỏ mà chính giáo lý ấy đang dần cảm hóa con người, đã đào tạo ra những tăng sĩ đủ tài đức, sáng suốt trong việc hoằng hóa độ sanh, đưa những ai đang sống hối hả, tấp nập giữa dòng đời quay về với thực tại an yên.

Thật vậy, không thể phủ nhận rằng, nếu như lời dạy của Đức Phật không phù hợp, không giải quyết được vấn đề của mọi thời đại thì Phật giáo sao có thể lưu truyền lâu dài, phát triển bền vững cho đến ngày nay. Hơn 2500 năm, trải qua bao cuộc thịnh suy, Phật giáo vẫn hiên ngang dương cao ngọn cờ chánh pháp, đem lại lợi ích cho nhân dân, cho đến ngày nay, con người vẫn đang học theo lời dạy của Đức Phật và cảm nhận được sự an lạc, tự tại thân tâm. Và không đâu xa chính tăng đoàn của Đức Phật là minh chứng hùng hồn trong việc thực hành giáo lý của Ngài, dù xưa hay nay, đệ tử Phật đã thành công xây dựng nên một tăng đoàn thanh tịnh, hòa hợp mà không phải tôn giáo, giáo phái có thể làm được.

Chú thích: (1). Thích Minh Châu, Hãy tự thắp đuốc lên mà đi, NXB Tổng hợp tp HCM, 2012, tr 53.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Võ Thị Hồng Thương; địa chỉ: Chùa Châu Phong, thôn Phong Ngũ, xã Điện Thắng, thị xã Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam.

loading...