Kiến thức

Một số vong linh cũng biết đền ơn

Thứ ba, 14/03/2023 10:40

Chúng ta thấy người chết cũng biết oán thù, biết đền ơn. Dù họ đã chết chúng ta cũng không nên coi thường, bởi họ luôn xem cái xác của họ như nhân phẩm, như giá trị cần được tôn trọng. Nếu ta vô tình xúc phạm, họ cũng sẽ mang lòng oán thù.

Audio

Một số vong linh cũng biết đền ơn. Ví dụ, họ âm thầm giúp đỡ người hằng ngày cúng thí thực cho mình ăn, hoặc phù hộ cho ân nhân đã chôn cất họ tử tế. Mấy mươi năm trước có một phụ nữ bán bánh bèo, giữa đường tình cờ gặp xác chết của một đứa bé vô thừa nhận chẳng biết từ đâu đến, bà động lòng thương xót quyết định làm một nấm mồ chôn cất nó ngay trên đường đèo. Không ngờ từ đó quán của bà tự nhiên đắt khách lên. Phía đối diện cũng có quán bánh bèo khác, mà người Huế nấu bánh bèo thì ngon như nhau, nhưng chỉ mỗi quán bà bán chạy. Bên kia thắc mắc chẳng biết tại sao. Có lẽ vong hồn đứa bé đã theo phù hộ, ai định tới ăn bánh bèo đều được nó bí mật chỉ sang quán của bà.

Yêu thương vong linh

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nơi cõi người này, mỗi lần đi gần đến các quán ăn chúng ta hay thấy có người ngoắc ngoắc xe lại, ta tưởng chuyện gì, đến gần rồi mới biết thì ra là “cò cơm”. Thằng bé trong câu chuyện này chắc cũng là “cò bánh bèo” giúp cho người phụ nữ kia. Chúng ta thấy người chết cũng biết oán thù, biết đền ơn. Dù họ đã chết chúng ta cũng không nên coi thường, bởi họ luôn xem cái xác của họ như nhân phẩm, như giá trị cần được tôn trọng. Nếu ta vô tình xúc phạm, họ cũng sẽ mang lòng oán thù. Ngược lại, nếu ta kính trọng, cúng kiếng đầy đủ, họ cũng mang lòng biết ơn và tìm cách trả ơn lại.

Các chùa hay có tục cúng thí thực mỗi chiều cũng vì lý do này. Tuy nhiên, trong chùa cúng không được bao nhiêu, mà người cúng chưa chắc đã hiểu hết sự quan trọng của việc cúng thí thực nên đôi khi tâm còn hời hợt. Người cúng hời hợt thì hương linh ăn không no được, lạ như vậy. Ví dụ, buổi chiều chú tiểu ra gõ cốc cốc keng keng, miệng lầm rầm đọc tụng mà đầu óc nghĩ lung tung, chỉ mong cúng nhanh để chạy vào chơi... thì hôm đó các hương linh trong chùa ăn không no, chưa nói đến vong linh bên ngoài. Người chết lệ thuộc rất nhiều vào tâm người sống là vậy. Làm người sống là một vinh dự, cũng là cái phước. Chết rồi tự nhiên ta không làm được nhiều việc lắm.

Hiểu điều này rồi các Phật tử nên tranh thủ cúng thí thực mỗi ngày nơi cổng nhà mình và mời những vong linh quanh đó về ăn. Sự thực là ngoài đường có rất nhiều vong linh vất va vất vưởng đói khổ. Mỗi lần cúng như thế chúng ta sẽ tụng một bài kinh cho họ nghe để khuyên họ tu hành. Thời gian đầu chúng ta sẽ thấy một vài hiện tượng khó chịu do một số vong linh tâm chưa thuần, hay nghịch ngợm, sau khi ăn họ lại quậy phá một chút. Họ sẽ khiến trong nhà xuất hiện vài hiện tượng lạ, ví dụ như nghe có tiếng kêu ngoài sân, tiếng bát đũa khua loảng xoảng.

Chúng ta cứ kiên nhẫn cúng vài tháng như vậy. Một thời gian sau, nhờ mỗi chiều đến ăn cơm đều được nghe lời kinh nên tâm hồn họ sẽ dần thuần hòa, biết tu hành. Họ sẽ âm thầm giữ gìn cho gia đình ta làm ăn thuận lợi, ít bị trộm cắp hoặc bị ai đó quấy phá... Lúc sống là vậy, đến lúc chúng ta qua đời, nếu chưa đủ phước lên cõi trời thì họ sẽ đến bảo vệ ta, không để các vong linh khác đến hà hiếp. Do lúc sống ta đã cúng cho họ ăn nên từ lâu họ đã xem ta như ân nhân, bằng hữu của họ. Khi ta qua cõi giới bên kia họ sẽ lập tức theo bảo vệ, nếu không ta rất dễ bị bắt nạt.

loading...