Sách Phật giáo

Ngẫm về “nhân – duyên – quả” để “Bình an mà sống”

Thứ năm, 27/07/2022 09:44

Có lúc tôi từng nghĩ mình bất hạnh, kém may. Đó là khi tôi chưa có cái nhìn sâu sắc về nhân-duyên-quả trong đời sống, nơi hiện tại thân, tâm của mình. Và tôi từng trách người này, người nọ, trách trời, trách đất… Cho đến khi tôi gặp được con đường sáng.

Bình an mà sống là cuốn sách thứ 5 của tác giả Lưu Đình Long - một cư sĩ có học và thực tập pháp môn “hiện pháp lạc trú” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một vị tu sĩ có ảnh hưởng tâm linh lớn trên thế giới, sau Đức Dalai Lama thứ 14.

Bình an mà sống là cuốn sách thứ 5 của tác giả Lưu Đình Long - một cư sĩ có học và thực tập pháp môn “hiện pháp lạc trú” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một vị tu sĩ có ảnh hưởng tâm linh lớn trên thế giới, sau Đức Dalai Lama thứ 14.

Ánh sáng từ con đường đó phát ra cho tôi nhận diện, mọi biểu hiện trong cuộc đời này đều có nhân-duyên của nó. Và mình đã từng gieo trồng, kiến tạo nên những hạt giống ấy.

Tôi được mở mắt, rồi chấp nhận cuộc sống đang là. Từ đó, tôi học gieo những hạt giống mới, những hạt giống bình an hơn. Tôi nhìn về những nỗi khổ của người khác và thương. Tôi cảm thông hơn với những điều chưa tốt nơi người vì biết chắc họ có khó khăn nào đó mới hành xử như vậy. Tôi dừng trách cứ người đã bỏ rơi mình và nghĩ rằng mình không được bỏ rơi một ai nhất là với người thân thương của mình…

Những thay đổi từ bên trong giúp tôi thay đổi cái nhìn đến hành vi sống, từng chút mỗi ngày. Cho đến một ngày, tôi nhận ra, hóa ra chỉ cần mình buông bỏ bớt những phiền não do trách cứ, ít đòi hỏi, giảm ham muốn nhiều hơn nữa… thì mình đã dần có thêm những niềm vui, hạnh phúc.

Tôi bắt đầu trân quý những hạnh phúc nhỏ ngay “bây giờ, ở đây”, thay vì muốn vứt bỏ tất để tìm kiếm hạnh phúc lớn lao (theo mình nghĩ, mình mơ) ở thì tương lai. Tôi cũng không còn cảm thấy khó khăn hoặc khó chịu khi gặp bất như ý. Vì tôi nghĩ tới nhân-duyên biểu hiện của nó. Tôi tập tư duy tích cực thay vì chỉ nhìn vào điểm tiêu cực. Chẳng phải trong cuộc sống này, bất cứ ai và thứ gì cũng có hai mặt của nó?

Tôi gọi đó là bình an mà sống. Bởi thực sự, ta không thể chạy trốn khỏi những mùa quả mà mình đã gieo nhân trước đó. Việc của mình ngay lúc này là gieo những hạt mầm an vui hơn, tích cực nhất có thể.

Lưu Đình Long

– trích “Bình an mà sống“

loading...