Chùa Việt

Ngày xuân vãn cảnh những ngôi chùa ở miền biên cương

Thứ sáu, 04/02/2017 10:01

Lễ chùa đầu năm đã trở thành nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người việt. ngày xuân Đinh Dậu, hãy cùng hòa vào khung cảnh Thiền môn nơi miền biên cương Tổ quốc.

Chùa Tân Thanh, Lạng  Sơn

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam  Thanh

Câu ca dao nổi tiếng khi nhắc đến xứ Lạng, xuân về vãn cảnh di tích, danh thắng chùa chiền trên quê hương xứ Lạng, mỗi người chắc chắn sẽ cảm nhận được nhiều điều ý nghĩa. Và ý nghĩa hơn hẳn vùng biên nơi cửa khẩu Tân Thanh, ngày nay còn có chùa Tân Thanh.
 
Chùa Tân Thanh rộng 21ha, thiết kế lựa chọn những tinh hoa kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Trong 2,7ha xây nội viện chùa kiến trúc gỗ lim nội công ngoại quốc, 7 gian tiền đường, 3 gian ống muống và 5 gian hậu cung.
 
Xây dựng giảng đường với diện tích 1.000m2. Trên núi phía sau chùa tôn trí đại Phật đài. Ngôi Tam bảo với diện tích 1.300m2, chất liệu gỗ lim Lào, kiến trúc hình chữ công, hiên bắt vần theo lối truyền thống.

Chùa Xuân Lan và chùa Cô Tô ở Quảng Ninh

Móng Cái là một thành phố nằm trong vùng duyên hải Bắc bộ, bên bờ sông Ka Long. Móng Cái giáp với Trung Quốc, có đường biên giới trên biển và đất liền dài hơn 70 km. Nằm sát biên giới là  chùa  Xuân  Lan  được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê.

Không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, chùa Xuân Lan còn là một di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng Tổ quốc.
 
Chùa  Xuân Lan được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1999.

Trên huyện đảo Cô Tô có ngôi chùa Cô Tô, chùa là một trong những điểm nhấn, là địa chỉ để bà con trên đảo thực hiện đời sống tín ngưỡng và ngư dân đánh bắt cá qua làm lễ, hàng ngày lao động nhưng không quên cội nguồn của dân tộc thực hiện qua hình thức tín ngưỡng lễ chùa trên đảo Cô Tô.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, Cao Bằng

Chùa thuộc địa phận núi Phia Nhằm bên thác Bản Giốc, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Tháng 6/2013 chùa được khởi công xây dựng trên diện tích 2 ha với  kinh phí  khoảng 38 tỷ đồng.
 
Cách cửa khẩu Tà Lùng khoảng 1km, ngày 01/12/2014, ngôi chùa Trúc Lâm Tà Lùng  được  xây  dựng  với  diện  tích hơn 5.300 m2.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc

Các hạng mục của chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc như Tam quan chùa, lầu tượng Bồ Tát, Tam Bảo, nhà Tổ... được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam. Tại đây còn có đền thờ vị anh hùng Nùng Trí Cao - một nhân vật, biểu tượng Văn hoá thế kỷ XI tại Cao Bằng, người có tài thao lược quân sự và ngoại giao, có công lớn trong việc gìn giữ bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam.
 Chính điện Chùa Trúc Lâm Tà Lùng
Chùa Trúc Lâm Tà Lùng

Cổng Tam quan được xây bằng gạch đặc, khung cột bằng bê tông cốt thép. Mái lợp ngói di. Cổng được xây 2 tầng, tầng 1 làm cổng ra vào, tầng 2 đặt chuông, khánh. Các câu đối được viết bằng chữ quốc ngữ.
Tam Bảo và nhà Tổ được thiết kế theo lối cổ truyền kiểu nội công, ngoại quốc, phía trước là Tiền đường được chia thành 7 gian với lối kiến trúc giả gỗ kiểu truyền thống, Hậu cung gồm 3 gian. Cửa đi và cửa sổ được làm bằng gỗ lim. Cửa đi bức bàn, thượng song hạ bản kiểu truyền thống.
Nhà Tổ được thiết kế 7 gian, bao gồm gian giữa thờ Tổ, hai gian bên thờ đức Thánh Trần và thờ Mẫu.
Hệ thống hoành phi câu đối trong Tam Bảo, cũng như tên chùa trước cổng Tam quan được viết bằng chữ quốc ngữ.

Chùa Sùng Khánh, Hà  Giang

Vị Xuyên một mảnh đất lịch sử, sau chiến tranh mảnh đất này trải qua nhiều gian khổ, đời sống đồng bào dân tộc nơi đây còn khó khăn, tuy nhiên, quan tâm đến đời sống tinh thần của bà con, những năm qua chùa Sùng Khánh đã được trùng tu xây dựng phục vụ đời sống tâm linh và tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Vị Xuyên nói riêng, Hà Giang nói chung và đây cũng là một trong những ngôi chùa vùng biên ải địa đầu của Tổ quốc.
 
Chùa Sùng Khánh tọa lạc trên đỉnh một quả đồi nhỏ thuộc thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên. Chùa do chú của Phụ Đạo (Tù trưởng) Nguyễn Ẩn khởi dựng vào tháng Giêng năm Bính Thân, niên hiệu Thiệu Phong thứ 16 (1356) đời Trần Dụ Tông. Tháng 3 năm 1367, Thứ sử Tạ Thúc Ngao (hiệu Sở Khanh), nhân chuyến kinh lý qua vùng này được mời soạn văn bia cho nhà chùa. Năm 1705, chùa được trùng tu sửa chữa.
Ở đây còn lưu giữ hai di vật: Bia đá thời Trần (1367) ghi lại công lao của người sáng lập ra chùa và một quả chuông cao 0.90 m, đường kính 0.67 m, đươc đúc thời Hậu Lê (1705). Đặc biệt là ở 4 múi chuông, mỗi múi có 2 phù điêu hình người đắp nổi (cao 10cm bố trí ở góc các múi) để bảo vệ và trấn 8 hướng.
Bài văn bia có đầu đề “Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự” (bài minh và bài tự chùa Sùng Khánh). Cả bia có 18 dòng chữ Hán gồm 436 chữ; mặt sau bia có 2 hàng gồm 65 chữ, là một văn bản gốc có nhiều ý nghĩa và một số chữ Nôm là danh từ riêng.

Chùa Hộ Quốc, Kiên Giang

Nằm ở cực Nam của Tổ quốc Kiên Giang, chùa Hộ Quốc được coi là một ngôi chùa lớn nhất tại đảo Phú Quốc và lớn nhất trong các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, được xây dựng năm 2011.
 
Chùa Thiền viên Trúc Lâm Phú Quốc có kiến trúc cổ kính, chạm khắc tinh tế theo phong cách đình chùa thời nhà Lý và nhà Trần, thời đại mà Phật giáo phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.

Khácvới những ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm, chùa Hộ Quốc thiền viện Trúc Lâm Phú Quốc có thêm bàn thờ Đức Ông như các chùa ở đồng bằng Bắc bộ. Các gian thờ đều được chạm khắc cầu kỳ, sơn son, thếp vàng lộng lẫy.

Các ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa

Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa đã có 6 ngôi chùa tạo thành một quần thể  kiến  trúc giàu giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử trên Biển Đông...
 
Chùa Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn được xây dựng sớm nhất. Những ngôi chùa ở đây đều có những điểm chung như: chính điện hướng về thủ đô Hà Nội; tượng Phật làm bằng đá quý; gỗ xây chùa là loại gỗ tốt chống chịu được sự bào mòn của gió, muối biển; các câu đối, hoành phi đều được sơn son thếp vàng và viết bằng chữ quốc ngữ. Trong khuôn viên các chùa đều có bàn thờ anh hùng liệt sĩ - những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chùa Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất trong số những ngôi chùa tại huyện đảo.
 
Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn, mang dáng dấp của một ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ. Bên trái sân chùa có bia tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh oanh liệt trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.
 
Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc tại thị trấn Trường Sa, có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Chùa có thư viện với đầy đủ các đầu sách Phật học để bộ đội và người dân đến tìm hiểu, tu học. Trong chùa có tượng đá quý màu xanh bằng ngọc thạch do Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó, Thủ tướng đã tặng lại cho cán bộ và nhân dân trên đảo.

Cũng giống như các ngôi chùa khác trên quần đảo Trường Sa, Vinh Phúc tự (đảo Phan Vinh) được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt, với số gian lẻ là một gian hai chái, hệ mái cong, có đầu đao, mặt tiền chùa hướng về thủ đô Hà Nội.
 
Chùa Nam Yết, thôn Nam Yết, xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân trên Quần đảo Trường Sa, mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo từ xa xưa, với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giống như dấu ấn của các thời kỳ trước, công trình xây dựng chùa Nam Yết hiện nay đều được làm bằng gạch có in hình Quốc huy, khẳng định chủ quyền dân tộc.

Nằm trên đảo Sơn Ca, chùa Sơn Linh có kiến trúc với những mái ngói cong vút cùng các bộ hoành phi, câu đối được trạm trổ cầu kỳ.

Minh Anh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1/2017
loading...