Lời Phật dạy
Ngũ dục là một chướng ngại trên đường tu đạt giải thoát
Chủ nhật, 19/05/2022 01:46
Đức Phật thường dạy về sự quán chiếu ngũ dục có vị ngọt, với đặc tính dính mắc và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, khổ lụy khó lường. Vì tham ái ngũ dục là bản chất của chúng sinh trong cõi dục nên không dễ vượt qua.
"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Tôn giả A-nan ở nơi nhàn tĩnh, ngồi trầm lặng tư duy và suy nghĩ như vầy: ‘Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm’.
Rồi Tôn giả A-nan, vào lúc xế chiều, từ chỗ yên nghỉ đứng dậy, đi đến trước Phật, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên và thưa:
- Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con ở chỗ nhàn tĩnh, ngồi trầm lặng tư duy, đã suy nghĩ như vầy: ‘Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm’.
Phật bảo A-nan:
- Đúng như vậy, đúng như vậy! Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm.
Nhưng này A-nan, trong thế gian, những người đối với dục mà không thỏa mãn, không nhờm tởm, ghê sợ cho đến chết thì thật quá nhiều! Thật quá nhiều!”…
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Vương tương ưng, kinh Tứ châu, số 60 [trích])
Dục hay ngũ dục (tài sản, sắc đẹp, danh vị, ăn uống, ngủ nghỉ) là những thứ khiến con người mê đắm, chạy theo, tìm cầu. Cũng dễ hiểu vì ngũ dục mang lại hạnh phúc, thỏa mãn khát khao; người có phước báo mới hưởng dục đầy đủ, bền lâu, sung mãn. Với người thế tục, tự tạo ra ngũ dục theo cách chính đáng rồi thọ hưởng có kiểm soát, điều độ, chừng mực thì có thể xem đó là thành công và hạnh phúc.
Cái nguy là nhiều người tìm cầu ngũ dục bằng mọi giá để rồi phải trả giá. Cái hại là không nhận ra tham muốn ngũ dục là vô tận, không có điểm dừng và đó cũng là nguyên nhân của “người giàu cũng khóc”. Thế nên, người Phật tử tại gia tìm cầu ngũ dục phải bằng phương cách chánh mạng và hưởng thọ chúng có tiết độ, đồng thời tích cực sẻ chia mới có thể an vui lâu dài. Việc hưởng dục trong tinh thần muốn ít và biết đủ nhưng không ngừng lao động, sáng tạo và cống hiến, theo quan điểm Phật giáo, chẳng những không ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội như một số người lầm tưởng mà còn tạo ra sự nâng đỡ, cân bằng, ổn định và bền vững.
Đối với người Phật tử xuất gia thì ngũ dục thật sự là một chướng ngại giải thoát. Tài sản, sắc đẹp, danh vị thực sự không cần thiết trong đường tu. Một số người dù không cầu nhưng vẫn có, tuy vậy họ chỉ xem đó là phương tiện hành đạo và giáo hóa, tâm không một chút mảy may vương vấn. Còn ăn uống và ngủ nghỉ thì cần nhưng chỉ vừa đủ sống khỏe mạnh để tiến tu. Thế nên buông xả ngũ dục sẽ giúp thanh nhẹ để bật lên, bay xa vào khung trời tâm linh cao rộng. Ngược lại, dính mắc vào ngũ dục liền bị trì trệ, nặng nề, hướng hạ; có cái gì chỉ khổ thêm cái nấy mà thôi.
Đức Phật thường dạy về sự quán chiếu ngũ dục có vị ngọt, với đặc tính dính mắc và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, khổ lụy khó lường. Vì tham ái ngũ dục là bản chất của chúng sinh trong cõi dục nên không dễ vượt qua. Người bình thường, ai cũng ước mơ sở hữu thật nhiều ngũ dục, đắm chìm trong hưởng thụ rồi xót xa vì hụt hẫng và đau khổ. Người phi thường thì luôn muốn ít và biết đủ, “có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết” nhưng lại quá khó tìm kiếm ở đời.