Kiến thức

Người Phật tử tin vào điều gì?

Chủ nhật, 29/09/2023 03:43

Đây là một câu hỏi thông thường nhưng không dễ trả lời. Nếu nói chúng tôi không có tín điều, người ta sẽ bảo: "Vậy là ông không tin gì hết!" 

Và nếu nói: "Không, không phải vậy. Chúng tôi cũng không cho là không có gì hết" thì họ sẽ bảo là "Vậy thì ông tin có một cái gì đó, có phải ông tin Thượng Đế không?" 

Tiếp theo nếu trả lời là "chúng tôi không thấy cần phải tin Thượng đế", thì họ sẽ bảo, "Vậy là ông không tin có Thượng đế?" 

Và như thế, chúng ta cứ cãi qua cãi lại, vì người đời thường cho là theo một tôn giáo thì phải tin vào một cái gì đó: tin ở giáo lý và thái độ hữu thần hay tin ở thái độ vô thần. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đây là hai thái cực của tâm thức con người - một là tin vào sự vĩnh hằng, hai là tin vào sự diệt tận.

Tuy nhiên, bạn không thể dùng những khái niệm của các tôn giáo khác để hiểu Đạo Phật. Chúng ta tiếp cận với Đạo Phật từ một góc độ khác. Chúng ta không muốn tin vào các tín điều hay giáo lý mà người khác bảo chúng ta phải tin. Chúng ta muốn tự mình đi tìm chân lý.

Chúng ta phải tìm ra được sự thật về các pháp. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ là những chúng sinh lạc loài và bơ vơ trong vũ trụ đầy bí ẩn nầy, không thể nào hiểu được những gì xảy đến với chúng ta, hay hiểu tại sao sự vật xảy ra như nó đang xảy ra. 

Có phải sự có mặt của chúng ta trên đời này chỉ là một sự tình cờ hay có một cái gì hơn thế nữa? 

Loài người luôn cảm thấy rằng có một cái gì cao hơn và vượt lên trên cõi Dục giới nầy. Ở các xã hội sơ khai và hiện đại, chúng ta bắt gặp tình cảm tôn giáo vận hành như một luồng năng lượng hướng đến một cái gì đó hay một cố gắng để vươn đến một cái gì cao hơn. Tất cả chúng ta đều nằm trong cái bí ẩn vô biên đó và chúng ta muốn tìm cách liên hệ và tiếp cận với nó.

Thế thì chúng ta phải làm gì trong tư thế của mình - tư thế bị giam hãm trong tấm thân làm người nầy trong suốt sáu, bảy, tám, chín chục năm trời? Nếu có chân lý, chắc chắn chúng ta sẽ mở rộng, tiếp nhận, và hiểu được nó. Trái lại, nếu chúng ta cứ luôn sống trong ảo tưởng và mê lầm, thì kiếp người nầy quả thật là đáng buồn và không có mục đích. 

Nếu không có chân lý, cuộc đời nầy sẽ vô nghĩa và cho dù bạn làm gì đi nữa, cuộc sống vẫn không có giá trị gì hết. Mặc dù bạn có thể theo chủ nghĩa hư vô cho rằng cuộc đời nầy chẳng có nghĩa gì hết, nhưng phải chăng sâu thẳm bên trong, bạn vẫn không tin chắc về điều nầy? 

Những gì bạn có thể biết chắc ngay bây giờ chính là bạn không biết gì về cuộc đời này, và đó là tình trạng hiện tại của bạn.

Phải chăng con người có khả năng hiểu được chân lý? 

Con người có trí thông minh. Con người có khuynh hướng đi tìm cái Thiện và cái Mỹ. Ai cũng muốn trốn tránh sự đau khổ và những điều xấu xa thấp hèn. Con người luôn ước vọng về một cái gì cao hơn. 

Chúng ta chán ghét chính bản thân mình khi chúng ta sống đời thấp hèn, trụy lạc và đáng ghê tởm. Chúng ta cảm thấy xấu hổ khi làm những điều xấu ác hay hẹp lượng và không muốn ai biết về những gì chúng ta làm. 

Nếu quả thật cuộc đời này là vô nghĩa thì chúng ta đâu cần phải xấu hổ? Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì và chả cần để ý đến ai cả. Nhưng chúng ta vẫn cảm thấy là có những việc chúng ta làm là đáng chê trách hay thiếu sáng suốt nên chúng ta luôn tìm cách vượt lên trên những thôi thúc bản năng của mình.

Con người có trí thông minh; chúng ta có thể tư duy về những điều hay ho và cao siêu nhất. Đầu óc chúng ta có thể nghĩ ra những giải pháp tốt đẹp nhất. Những thể chế dân chủ, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản - đây là kết quả của quá trình tư duy cao cấp nhất về những hình thức nhà nước chính đáng và công bằng nhất. Điều này không có nghĩa là nhà nước chúng ta đã đạt được mục tiêu lý tưởng nhưng họ đã có cố gắng. 

Chúng ta cũng biết thưởng ngoạn những gì tinh tế và đẹp đẽ: cái hay và đẹp trong âm nhạc, nghệ thuật, và văn chương. Tất cả điều này nói lên ước vọng của con người về một cái gì đẹp hơn và toàn thiện hơn. 

Chúng ta có thể ước mơ về một nhân sinh quan rộng lớn và phổ biến hơn: một trái đất, một hệ thống sinh thái, và một gia đình chung cho toàn nhân loại. Ngày nay, những nhận thức này ngày càng trở nên phổ biến. Về nhiều mặt, nhân loại ngày nay đang trở thành một đại gia đình: những gì xảy ra ở Mông Cổ hay Argentina (Nam Mỹ) đều ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Chúng ta có thể mở rộng khả năng thấy biết của mình, từ cái nhìn cá nhân hạn hẹp trong đó chúng ta chỉ biết có mình đến cái nhìn toàn cầu. Với cái nhìn mới này, chúng ta mở rộng và tiếp nhận tất cả loài người vào trong gia đình của chúng ta thay vì chỉ có gia đình và quốc gia riêng của mình. Khi tâm thức được khai mở, nhận thức và tư tưởng chúng ta sẽ từ ái và bi mẫn hơn và vượt lên trên tình cảm cá nhân ích kỷ. Chúng ta sẽ không chỉ lo cho gia đình, tập thể, giai cấp, hay chủng tộc của chúng ta. Chúng ta sẽ mở rộng tâm thức để tiếp nhận tất cả loài người và rồi tất cả chúng sinh. 

Và Tâm chúng ta sẽ phủ trùm tất cả và trở thành vô biên...

loading...