Quốc tế

'Nhà sư' robot gây chú ý ở Nhật Bản

Thứ năm, 01/08/2023 09:05

Một trong những điểm thu hút khách du lịch ở Kyoto, Nhật Bản, là Kodai-ji, một ngôi chùa 400 năm tuổi của trường phái Thiền tông Rinzai. Gần đây, ngôi chùa này đã thu hút rất nhiều du khách và tín đồ Phật giáo muốn nghe thuyết pháp từ một "nhà sư" robot, theo Science Times.

'Nhà sư' robot Mindar tại Đền Kodai-ji ở Nhật Bản. Ảnh: YouTube

"Nhà sư" robot Mindar tại Đền Kodai-ji ở Nhật Bản. Ảnh: YouTube

Nhà thuyết giảng Phật giáo được lập trình

"Nhà sư" robot ở Nhật Bản được tạo ra từ nhôm và silicon, ra đời vào năm 2019. Đây là sản phẩm của sự hợp tác giữa Chùa Kodai-ji và một nhóm các nhà khoa học do Giáo sư Hiroshi Ishiguro từ Khoa Đổi mới Hệ thống của Đại học Osaka (Nhật Bản) đứng đầu, có tên là Mindar.

Mindar được tạo ra để giúp nâng cao trải nghiệm tâm linh và nhấn mạnh mối quan tâm đến Phật giáo.

Ngoài việc trích dẫn các bài giảng được lập trình sẵn, "nhà sư" robot còn có thể thực hiện các nhiệm vụ khác. Mindar có một ống kính máy ảnh ở mắt trái, cho phép "nhà sư" duy trì giao tiếp bằng mắt với những người đang thờ phượng trong khi thân và tay của có thể bắt chước tương tác giống như con người. Thiết kế của robot cũng có một bản đồ hình chiếu 3D tương tác, cho phép Mindar hiển thị video của những người thờ phượng trên tường.

Các “nhà sư AI” có đáng tin không?

Mindar đại diện cho lực lượng lao động robot đang ngày càng gia tăng, gây ra tình trạng mất việc làm trong các ngành công nghiệp khác nhau. Người máy đã được sử dụng trong các lĩnh vực vốn chống lại sự tự động hóa như báo chí và tâm lý trị liệu. Hiện nay, đã có những cuộc tranh luận về việc liệu người máy và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế các linh mục và tu sĩ hay không.

Tâm lý học tự động hóa tiết lộ rằng, mặc dù robot đã thể hiện những khả năng giống con người, nhưng chúng vẫn thiếu độ tin cậy. Không có “phẩm chất” này, những cỗ máy không bao giờ có thể vượt trội hơn con người. Trong khi thiết kế, các kỹ sư hiếm khi nghĩ đến độ tin cậy của robot.

Trong tôn giáo, các giáo sĩ thể hiện uy tín thông qua việc sống độc thân và hành hương và những hành động này sẽ không có ý nghĩa nếu họ không bám vào niềm tin của mình một cách chân chính. Nói cách khác, có những hy sinh phải được thực hiện thể hiện độ tin cậy của một tu sĩ.

Những tiến bộ trong khoa học đã làm cho robot có nhiều khả năng hơn nhưng chúng có thể không đủ tin cậy trong mảng tôn giáo. "Nhà sư" robot có thể thuyết giảng và viết các thông điệp, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng thực sự hiểu niềm tin mà mình đang truyền tải.

Để kiểm tra xem việc thiếu uy tín sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các tổ chức tôn giáo sử dụng linh mục robot, một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu do trợ lý giáo sư khoa học hành vi Joshua Conrad Jackson từ Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago (Mỹ) đứng đầu. 

Cuộc điều tra của họ cho thấy mọi người coi Mindar là một nhân vật tôn giáo kém tin cậy hơn so với các nhà sư con người làm việc tại Chùa Kodai-ji. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người tới để xem "nhà sư" robot này ít có khả năng quyên góp hơn 12% so với những người đến thăm ngôi đền không phải để xem Mindar. 

Nguồn: Báo Lao Động

loading...