Chùa Việt

Nhận diện những ngôi chùa xưa ở Nam bộ qua “Gia Định thành thông chí'

Thứ sáu, 02/07/2015 10:23

Trong sách Gia Định thành thông chí, cụ Trịnh Hoài Đức có ghi chép lại một cách khái quát một số chùa danh tiếng có liên quan tới công cuộc mở cõi về phương Nam của dân ta. Vì các chùa được ghi chép rải rác khắp cuốn sách nên khó nắm bắt hết đối với độc giả không có nhiều thì giờ tìm đọc. Do vậy, chúng tôi xin liệt kê ra theo thứ tự từng trấn để cho quý độc giả tiện nghiên cứu, tìm hiểu.

I. Trấn Biên

1) Chùa Bửu Phong: Chùa nằm trên núi Bửu Phong, còn gọi là núi Lò Gốm. Núi ở phía Tây cách trấn lỵ 4 dặm, phía Tây Nam trông xuống sông lớn, làm tấm che đằng sau cho núi Long Ẩn...; phía trái núi có đá đầu rồng đứng sững, bên phải có nhiều đá phẳng mặt như giường thiền; xung quanh khói mây man mác, cây cối um tùm, văn nhân nghiêng chén vịnh mùa đẹp, mỹ nữ nối gót kẻ hành hương, thật là thắng cảnh đệ nhất của trấn thành.

2) Chùa Vân Tỉnh: ... Ở mặt Bắc thuộc thôn Long Thành, giữa đồng bằng trải ra một gò cao như vách dựng, sau gò ấy là nơi vị Ni tên Lượng tu hành, có dựng am Vân Tỉnh, tục gọi là chùa Vãi Lượng, trông rất u nhã; về sau quân Tây Sơn đập phá bỏ chùa Phật, nhưng đến nay nền cũ hoang phế vẫn còn.
3) Chùa Hội Sơn: Ở cuối núi Châu Thới (sách ghi Chiêu Thái). Về phía Bắc tại ngã ba chẻ ra một nhánh chạy đến địa phận thôn Long Tuy thì dừng, rồi bỗng nổi thành gò cao bằng phẳng rộng rãi, bên núi có khe suối và hang hố, dân chúng ở ven quanh, trên ngọn núi có chùa Hội Sơn là nơi nhà sư Khánh Long dừng gậy tu hành. Chùa nhìn xuống sông lớn, khách hành hương lên thăm, có cảm giác tiêu sái thoát tục.

4) Chùa Bà Vãi: Chùa nằm trên núi Thị Vãi, tục gọi là núi Bà Vãi hay núi Nữ Tăng. Nguyên có người con gái họ Lê con nhà giàu có nhưng do kén chọn mãi thành ra lỡ thì, sau khi cha mẹ qua đời mới có chồng. Không bao lâu chồng lại chết, bà thề ở vậy không tái giá. Do bị các hào mục địa phương dòm ngó đưa lời bướm ong, nhờ người mai mối mãi, nên bà trốn đời xuống tóc, lập am trên đỉnh núi, tự làm thầy cả, kẻ ăn người ở làm đồ đệ, giữ lòng tu tập, sau thành chánh quả, do đó người đời lấy từ Bà Vãi mà đặt tên cho am.

5) Chùa Đức Vân: Núi Trấn Biên, tục gọi là núi Mô Xoài ở về phía Đông cách trấn lỵ 145 dặm. Hình núi cao ngất cổ kính, có nhiều hang nai, đồi thông mây phủ, thác suối rì rầm, cảnh trí tịch mịch, chầu về thành Gia Định từ xa, cảnh núi trải ra đẹp đẽ. Lưng chừng núi có động đá sâu quanh co, chật hẹp chưa có ai vào sâu bên trong được. Có nhà sư tịch cốc tên là Ngộ Chân, dựng chùa Vạn Đức nơi cửa động để tu hành, hàng ngày chỉ ăn rau quả, chuyên tâm niệm Phật hiệu, thuần phục được cả hùm beo, lại giỏi bùa chú trị bệnh, nhưng thâu được lễ tạ bao nhiêu đều đem chia hết cho người nghèo khổ. Đây đúng là một vị cao tăng đắc đạo vậy.

6) Chùa Hải Nhật: Chùa ở trên đỉnh Thùy Vân. Núi này ở phía Đông cách trấn lỵ 184 dặm, thế núi đứng dựa bờ biển, cao lớn đẹp lạ thường, đỉnh chọc thẳng lên trời, nhìn thấy có mây tỏa xuống nên mới gọi là núi Mây Tỏa (Thùy Vân sơn). Trên núi có chùa Hải Nhật là chỗ trông ra biển để đo bóng mặt trời.

7) Chùa Sắc Tứ: Chùa ở bờ Nam sông Phước Giang (sông Đồng Nai bây giờ) cách trấn lỵ về hướng Đông 8 dặm, do quan Chính Thống suất Nguyễn Vân kiến lập. Năm Giáp Dần, đời vua Túc Tông Hiếu Minh hoàng đế thứ 10, ngự ban biển ngạch chữ vàng đề “Sắc tứ Hộ Quốc tự”, bên trái khắc “Vân Tuyền đạo nhân viết”, nét chữ mạnh mẽ. Cảnh chùa trang nghiêm thanh tịnh, thật là nơi lạc thổ. Sau, chùa bị Tây Sơn phá hủy tượng Phật, cột mái đều hư hỏng, nay làm nhỏ lại lợp tranh, nhưng vẫn giữ được di tích.

Chùa này hiện nay ở giữa Tân Vạn và Chợ Đồn, nằm cạnh sông Đồng Nai, với biển hiệu đề bằng chữ Hán là “Sắc tứ Hộ Quốc Quán tự” và bằng chữ Quốc ngữ là chùa Sắc tứ Hộ Quốc Quan. Biển đề như vậy vừa thừa chữ vừa phiên âm nhầm chữ Quán thành Quan. Nguyên khi xưa, từ Quán để chỉ nơi tu hành của đạo sĩ đạo Lão như Tam Thanh quán chẳng hạn, và từ đạo sĩ dùng để chỉ tu sĩ đạo Lão... Nhưng về sau, từ Quán cũng được dùng để chỉ chùa Phật, bằng cớ là ngay trong Gia Định thành thông chí, cụ Trịnh Hoài Đức cũng đã dùng chữ Quán để chỉ ngôi chùa, đó là ở trang 506, phần nguyên văn đoạn nói về miếu Quan Đế “Điện vũ hoằng lộ, sóc tượng cao trượng dư, hậu Quan Âm quán”, nghĩa là: “(Miếu Quan Đế) điện mái to đẹp, đắp tượng cao hơn trượng, phía sau có chùa Quan Âm. Vậy đã “Tự” thì không “Quán” như tên biển hiệu vua ban thời xưa. Còn nay đã sửa “Tự” thành “Quán” thì đã có “Quán” không thêm “Tự” nữa và chữ trong ngữ cảnh này không thể đọc là Quan được mà phải đọc là Quán. Cũng vì đọc nhầm là Quan nên có người lý giải nhầm là Quan Tự tức chùa công, chùa của quan dựng, bởi chùa này do Chính Thống suất Nguyễn Vân xây... Hiểu như vậy là do nghĩ rằng Quan tự viết là tức chùa của cơ quan, như Quan điền là ruộng công, nguyên do sâu xa là không phân biệt quan và quán. Theo Từ Hải, Quan tự là chùa do vua ra lệnh xây hồi xưa, trong tâm lý quần chúng không thích loại chùa này nên Bạch Cư Dị có câu thơ mỉa: “Quan tự thành hương thiểu. Tăng phòng ký túc đa”, nghĩa là: “Chùa công đàn việt hành hương ít. Phòng tăng sư ở nhiều”. Vậy xin đề nghị Hòa thượng trụ trì hãy để biển lại là “Sắc tứ Hộ Quốc quán” -  “Chùa Sắc tứ Bộ Quốc”.
 Cổng thành Gia Định
II. Phiên Trấn

1) Chùa Ân Tông (tục gọi là chùa Cây Mai): Chùa tọa lạc trên gò Cây Mai (Mai khâu). Gò này ở về phía Nam cách trấn thành 13 dặm rưỡi (nay là vùng Phú Lâm), gò đất nổi cao, có nhiều cây nam mai thân cỗi, khi trổ hoa thì không nở bung xòe mà năm cánh vẫn còn tóm lại để giữ mùi hương. Thứ nam mai này do bẩm thụ linh khí mà sinh ra, không thể dời trồng ở nơi khác được. Trên đồi có chùa Ân Tông, đêm tụng kinh, ngày giộng chuông, âm thanh tản mạn trong mây khói. Lại có suối trong chảy quanh chân núi, các du nữ chiều mát quẫy mạnh mái chèo đi hái sen. Gặp khi trời đẹp, văn nhân, thi sĩ mang bầu rượu leo từng cấp bậc lên tận chùa, ngâm vịnh dưới gốc hoa mai ở đầu gò, câu chữ nồng nàn, thật là một thắng cảnh cho người du lãm thiền môn (nay thì gò đã bị con người qua bao thế hệ bào mòn ngọn đồi, chùa và mai chỉ còn khép nép bên vệ đường thôi).

Nơi đây thời xa xưa là chỗ chùa tháp đất Phật của nước Cao Miên, nền móng xưa còn thấy rõ. Năm Bính Tý (1816) niên hiệu Gia Long thứ 15 có nhà sư sửa sang lại chùa đã đào lấy được nhiều gạch kích thước to, ngói xưa và cả hai miếng vàng lá hình vuông, mỗi bề hơn mười phân, mỗi miếng nặng ba đồng cân, trên mặt chạm hình Cổ Phật cỡi voi. Có thể đây là cổ vật của Hồ tăng (Tăng Ấn Độ).

2) Chùa Kim Chương: Chùa này hiện nay vẫn còn và tọa lạc trong thành Ô Ma, sau chùa Lâm Tế bên đường Nguyễn Trãi. Chùa là di tích lịch sử rất quan trọng đối với các chúa Nguyễn trong cuộc tranh bá đồ vương với Tây Sơn... Nguyên ngày 8 tháng 10 năm Bính Thân (1776), Mục vương Nguyễn Phúc Dương từ phủ Quy Nhơn trốn khỏi căn cứ của ngụy Nhạc, theo đường biển lẻn vào Gia Định... Tướng người Tàu Lý Tài hay tin, sai bốn phó tướng Tân, Hổ, Hiền, Nam đem cả bốn bộ binh mã thẳng xuống Bến Nghé nghinh đón Mục vương về Thủ Dầu Miệt (Một). Khi ấy binh tướng Đông Sơn không dám cự lại binh của Lý Tài, lui quân về thủ căn cứ Ba Giồng, chỉ còn mấy mươi quan triều ở lại hộ giá cho Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế (Nguyễn Phúc Thuần) tại Bến Nghé mà thôi. Ngày 4 tháng 11 cùng năm, Lý Tài lại hộ giá Mục vương xuống Bến Nghé, dưới danh nghĩa “chịu mệnh” của Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế, được nhường ngôi ở chùa Kim Chương (thật ra là ép Duệ Tông nhường ngôi)... Nhưng sau đó Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế chạy xuống Long Xuyên đạo (Cà Mau) còn Mục Vương chạy về Ba Vát (Bến Tre) đều bị quân Tây Sơn vây bắt đem về Bến Nghé giết hết. Đây là hành động hết sức sai lầm về chiến lược của Tây Sơn vì khiến dân Nam Bộ chỉ tập trung sự ủng hộ duy nhất một người là Nguyễn Ánh.

Chùa Kim Chương cách trấn lỵ về phía Tây Nam chỉ hơn 7 dặm, ở phía Bắc của đường cái quan. Ở giữa là điện thờ Phật, trước sau có Đông Tây đường. Sơn môn phương trượng, nhà chứa kinh, hương viên và nhà ăn đều chạm trổ, sơn son, thếp vàng trang nghiêm đẹp đẽ. Phía Bắc chùa có dòng suối nước ngọt ngầm, bốn mùa chảy rịn thấm ướt cả đường đi. Năm Ất Hợi (1755) đời Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát năm thứ 18, có nhà sư Đạt Bản từ Quy Nhơn vân du, dừng gậy trụ lại chùa này, được vua ban tấm biển đề là “Sắc tứ Kim Chương tự”. Đạt Bản viên tịch, truyền lại cho đồ đệ là Quang Triệt. Năm 1775, chùa lại được ban sắc tứ một lần nữa. Quang Triệt tịch, Quang Trạm nối pháp. Quang Trạm tịch, Quang Tuệ nối theo. Năm Quý Dậu, Gia Long thứ 12 (1813), Phó tướng Thần Võ quân Trần Nhân Phụng vâng di chỉ Cao hoàng hậu ban tiền 10.000 quan để trùng tu và sửa sang kinh tạng, trống chuông cho thêm phần trang nghiêm. Hiện nay đây là ngôi chùa có tiếng của Gia Định.

3) Chùa Giác Lâm: Chùa ở trên gò Cẩm Sơn, cách Lũy Bán Bích về phía Tây 3 dặm. Gò chùa này như đống vàng bỗng nổi lên giữa chỗ đồng bằng trải thẳng cả trăm dặm, giống như bình phong, đội nón, mở trướng, trải thảm, rộng 3 dặm, cây to thành rừng, hoa núi dệt gấm, sớm chiều mây khói bốc lên quấn cuộn, tuy nhỏ nhưng lý thú. Mùa Xuân năm Giáp Tý (1744) đời Thế Tông năm thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch, đến ngày Thanh minh, Trùng cửu nhàn hạ, thi nhân du khách kết đoàn năm ba người đến đây mở tiệc thưởng hoa, nâng chén quỳnh mà ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa đời thường bụi bặm xa cách khỏi tầm mắt, thật là một nơi đáng du lịch và thưởng ngoạn. Gần đây có Viên Quang đại lão Hòa thượng, đời thứ 36 thuộc phái Lâm Tế chính tông, mật hạnh kiên trì, trải từ tuổi nhỏ cho đến khi già, kiên trì tu hành ngày càng tinh tấn, lại có tánh yêu cảnh sương khói suối khe, ít khi để chân đến chốn thị thành huyên náo. Từ khi ngài đến đây dừng trụ, trong núi dứt phiền não, dưới rừng lộ chùa chiền. Năm Gia Long thứ 16 (1817) ngài, mở Đại giới đàn, từ đó thiện nam, tín nữ quy y rất đông, mà sơn môn lại thêm phần khởi sắc.

Ngài và Trịnh Hoài Đức là bạn đồng tu khi còn nhỏ. Sau đó hai người chia tay, đạo đời đôi ngả. Ngài trở thành vị đại lão Hòa thượng trụ trì chùa Giác Lâm, còn Trịnh Hoài Đức làm An Toàn hầu, Thượng thư Bộ Lại, Phó Tổng trấn thành Gia Định. Một bữa nọ, Trịnh Hoài Đức đi dạo mé Tây thành bỗng gặp lại người xưa tại cổng chùa Giác Lâm bèn tặng Hòa thượng Viên Quang một bài ngũ ngôn cổ thi mà chúng tôi xin phiên âm và tạm dịch như sau:

Ngũ ngôn cổ từ thi vân:
Ức tích thái bình thì
Lộc động phương thạnh mỹ
Thích Ca giáo hưng sùng 
Lâm ngoại tổ phú quý
Ngã vi thiêu hương đồng
Sư tác trì giới sĩ
Tuy ngoại phân thanh hoàng
Nhược mật khế tâm chi
Phong trần thức lương bằng
Thế giới nhập ngạ quỷ
Bình ngạnh nhiệm phù trầm
Bào ảnh đẳng sanh tử
Yêm tứ thập dư niên
Hoảng thuấn tức gian sự
Tây giao thích nhàn hành
Sơn môn ngẫu tương trị
Ngã Hiệp biện trấn công
Sư đại Hòa thượng vị
Chấp thủ nghĩ mộng hồn
Đàm tâm tạp kinh quý
Vãng sự hà túc luận
Đại đạo hiệp như thị

(Khâm sai Lại bộ Thượng thư thành Gia Định, Hiệp biện Tổng trấn sự, An Toàn hầu Trịnh Cấn Trai đề).

Thơ năm chữ cổ từ rằng:
Nhớ thuở xưa thái bình
Đồng Nai vừa thạnh mỹ
Đạo Phật được hưng sùng
Ông ngoại Lâm phú quý
Ta là điệu đốt hương
Sư làm trì giới sĩ
Tuy ngoài phân xanh vàng
Mà mật khế tâm chí
Gió bụi hiểu bạn hiền
Thế giới vào ngạ quỷ
Bèo ngạnh mặc nổi chìm
Bọt bóng cứ tùy ý
Trải đã bốn mươi năm
Như phớt qua chốc tí
Mé tây chợt rảo bước
Cổng chùa bỗng gặp "nị"
Ta nay Phó Tổng trấn
Sư Đại Hòa thượng vị
Cầm tay ngẩn ngơ hồn
Nỗi lòng biết nói chi
Chuyện qua nào đáng kể
Đạo lớn nên như thế 

(Khâm sai Lại bộ Thượng thư, giữ chức Phó Tổng trấn thành Gia Định, An Toàn hầu Trịnh Cấn Trai đề).

III. Trấn Hà Tiên

1) Chùa Địa Tạng: Chùa tọa lạc trên núi Địa Tạng. Núi có tên Địa Tạng là lấy theo tên chùa. Núi ở về phía Bắc của trấn thành, cách núi Phù Dung 5 dặm. Chùa Địa Tạng công đức trang nghiêm, ai vào cửa chùa cũng thấy tắt hẳn niềm tục lụy, thật là cảnh giới làm bậc thang để đến non Thúy. Đây là cảnh “Tiêu tự hiếu chung” (Chuông mai chùa vắng), là một trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên.

2) Chùa Bạch Tháp: Chùa này do nhà sư ở Quy Nhơn là Đại Hòa thượng Hoàng Long vân du dừng gậy tu hành. Đến năm thứ 13 đời Túc Tôn Hiếu Ninh hoàng đế là năm Đinh Tỵ (1737), Đại Hòa thượng Hoàng Long viên tịch, đồ đệ của Ngài xây tháp bảy cấp để trân tàng xá lợi thầy. Mỗi khi đến tiết Tam nguyên và Phật đản, thì sáng có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh cúng quả, cả hai lưu luyến bồi hồi như có ý muốn tham thiền, nghe kinh, đáng gọi là cõi Tịnh độ tiêu sái của vườn Kỳ vậy.

3) Chùa Lũng Kỳ: Chùa này tọa lạc bên mé sông do Tổng binh Mạc Cửu xây nên. Nguyên trước đó vì không phòng bị nên khi quân Xiêm tấn công Hà Tiên, Mạc Tổng binh đánh không lại phải chạy đến Lũng Kỳ. Người vợ của Mạc Cửu là Bùi Thị Lẫm đang có mang gần ngày khai hoa nở nhụy. Đêm mồng bảy tháng Ba, bà đang ở trong thuyền trên sông bỗng có hào quang chiếu sáng, lần theo dấu thấy tượng Phật vàng cao bảy thước ta dọi sáng đáy sông thì hạ sanh Mạc Thiên Tứ. Đến sáng cho người khiêng lên nhưng cả ngàn quân binh cũng xê dịch không được bèn cất chùa nơi sông để thờ.

4) Chùa Quán Thế Âm ở đảo Đại Kim: Chùa do Ni cô Tống Thị Sương (không biết pháp danh là gì) lập nên, thờ Đức Quán Thế Âm. Nguyên vào đời Mạc đô đốc có cô gái tên Tống Thị Sương là con gái nhà giàu, tuổi vừa cập kê, nữ công tuyệt xảo. Mai mối tới lui nườm nượp nhưng cô không ưng, chỉ nói đợi có Phật dạy thì mới kết nhân duyên. Cha mẹ không hiểu ý nhưng cũng miễn cưỡng nghe theo... Lúc ấy có vị Tăng tên Ngộ Chân tu hành nghiêm túc, chỉ niệm Phật hiệu chớ không học kinh điển, không ăn vật hôi tanh và ngũ cốc mà chỉ ăn rau quả mỗi ngày một bữa, lại có nhiều phép lạ, người ta quen gọi là “Thái Tăng” tức thầy Tăng chỉ ăn rau. Bữa nọ sư đi ngang qua ngõ thấy Tống Thị Sương phơi áo lót bèn hớn hở vào năn nỉ hỏi xin, bảo là để nguyện cúng dường Phật. Khi ấy mẹ cha cô Sương chửi mắng đuổi đi, cô ra khuyên giải mãi mới yên chuyện. Thầy Ngộ Chân cười lớn một tiếng rồi đi thẳng. Từ đấy cô phát lòng từ bi, miệng thường niệm Phật, nguyện bỏ hết việc đời, xuống tóc đi tu, hầu Đức Bồ tát Quán Thế Âm ở thế giới Cực Lạc. Gia đình khuyên bảo mãi mà không được, bất đắc dĩ phải cất cái am ở phía trái đảo Đại Kim cho cô tu hành. Cô Sương vui mừng đến đó tu niệm, thêu bức tượng Quán Thế Âm Đại sĩ to bằng người thật, đặc biệt mỗi lần đâm mũi kim xuống mặt vải là cô niệm Phật một tiếng rồi mới rút mũi kim, cho nên phải trải qua ba tháng mới thêu xong, sắc thái bức tượng thật linh động như vị Phật sống, các danh họa đều không bì kịp.

5) Chùa Tam Bảo: Chùa tọa lạc phía sau trấn thự, cảnh chùa rộng rãi, tượng Phật to lớn. Chùa do Tổng binh Mạc Cửu xây dựng từ buổi đầu. Mẹ Tổng binh ngoài tám mươi tuổi ngày ngày tại Lê Quách (Quảng Đông) tựa cửa trông con tha thiết. Mạc Cửu cho người đem thuyền rước từ Lôi Châu (Trung Quốc) vượt biển đến Hà Tiên để phụng dưỡng. Thái phu nhân rất mộ Phật, lòng tin thật thành kính. Nhân ngày lễ tắm Phật, Thái phu nhân vào chùa chiêm bái cúng dường, trong khoảnh khắc bỗng hóa luôn tại điện Phật. Mạc Cửu theo lễ chôn cất trọng hậu tại Bình Sơn, rồi đúc tượng mẹ bằng đồng thờ trong chùa này, đến nay tượng hãy còn.

Nói chung, Tăng đồ ở trấn Hà Tiên hay vào đất Việt bên Trung Quốc, đến chùa Hải Tràng để tìm người giải chính xác quan điểm Thiền Nam Đốn của Lục Tổ Huệ Năng, cho nên pháp giới và kinh điển tụng tán đúng tông chỉ thiền môn được thời ấy coi là tuyệt diệu phong cách.

Cũng xin nói thêm, chùa Hải Tràng là một trong 8 cảnh đẹp của Dương Thành (Quảng Châu) ở Quảng Đông. Tương truyền đất này là di chỉ của chùa Thiên Thu thời Hán triều. Vào năm Khang Hy thứ 18 nhà Đại Thanh, Thượng Khả Hỉ xuất tiền trùng tu điện Thiên Vương. Vợ ông trùng tu Đại Hùng bửu điện. Tổng đốc Hứa Nhỉ Hiển trùng tu điện hai bên chái và gác sau, Tuần phủ Lưu Bỉnh Quyền dựng sơn môn. Do đó mà phạm vi của chùa nới ra hết sức rộng rãi. Trong chùa trồng nhiều kỳ hoa dị thảo, đại thọ, trong đó cây ưng trảo là một trong những cây quý. Lại có nhiều cụm đá hình thù quái dị như Thái hồ thạch, Vân đầu vũ cước, và Mãnh hổ hồi đầu. Tứ Đại Kim Cương trong chùa là những tượng đắp trứ danh, mỗi tượng cao 20m, khí phách hùng vĩ, hiếm có tượng nơi nào sánh bằng. Chùa có nhiều danh tăng uyên thâm Phật lý, triệt xiến chỉ ý Thiền tông.

Lý Việt Dũng

Phụ chép lời khẩu thuyết

Đồng Nai là một tên của trấn Biên Hòa, mà chợ Đồng Nai lại ở phía Nam hạ lưu sông Phước, có cái thổ trấn độ 8 dặm, khởi lên làm trước là đồng nội cho nai hươu ở. Tiếng Việt ngữ gọi là Đồng Nai, chữ Hán gọi là Lộc Dã, lại gọi là Lộc Động.

Đất Gia Định có 5 trấn khác nhau: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Ở trong trấn ấy xứ sở danh mục vẫn cũng nhiều, mà thổ nhãn thường nói thì chỉ gọi đất Biên Hòa là Đồng Nai, Bà Rịa; gọi đất Phiên An là Bến Nghé, Sài Gòn; gọi đất Định Tường là Vũng Gù, Mỹ Tho; gọi đất Vĩnh Thanh là Long Hồ, Sa Đéc; gọi đất Hà Tiên là Cà Mau, Rạch Giá. Ấy là lấy tên chỗ lỵ sở hoặc chỗ nhóm họp đông lớn, hoặc chỗ địa đầu, nói tổng quát đại khái mà không phải thuật kỹ những chỗ nhỏ mọn linh tinh.

Còn như Gia Định mà xưng là Đồng Nai tất nhiên cũng có sở cứ, từ Gia Định bắt đầu khai thác tự chỗ Đồng Nai, cho nên người đời trước có ý nói một cách toàn thể, như cử cái gốc thì tóm được cả cái ngọn, xách chỗ đầu thì kéo được cả cái đuôi, bèn tổng xưng là Đồng Nai; nay hoặc cứ tập gọi theo mà không xét cho rõ, người bản xứ gọi bừa là Đồng Nai thì người biệt hạt cũng nghe theo là Đồng Nai, chẳng biết rõ ràng. Kịp khi gặp việc cử hành, trong lúc nghị luận hoặc phỏng vấn, thì mờ mịt chẳng biết xứ sở tông tích đâu là đâu cả, như vậy là thường có lắm.

Từ lúc Tây Sơn chiếm cứ, Thế Tổ Cao hoàng đế đem binh Đồng Nai thu phục Xuân Kinh, lược định Bắc Hà, quét sạch giặc biển, bình 3 đại địch, từ đấy cái tên Đồng Nai mới tràn khắp trong nước. Rồi đến mùa Thu năm Nhâm Tuất (1802) là năm đầu Gia Long, nước ta qua cống Đại Thanh, đã thấy sử sách Trung Quốc chép người Đồng Nai là người Nông Nại thì cái tên ấy lại càng biểu dương với thiên hạ. Tuy nhiên danh hiệu xưa nay xưng hô có khác, nhưng nguyên ủy thay đổi dị đồng cũng cần phải biết rõ vậy.

loading...