Góc nhìn Phật tử

Nhân ngày sinh nhật, nhớ về bác sĩ Yersin

Thứ sáu, 22/09/2023 01:37

Hôm nay là ngày sinh nhà bác học Alexandre Esmile Jean Yersin - Người đã yêu thương, cống hiến, chữa bệnh cho người Việt và là người nước ngoài duy nhất còn được đặt tên cho một con phố ở Hà thành. 

Chân dung nhà bác học Alexandre Esmile Jean Yersin

Chân dung nhà bác học Alexandre Esmile Jean Yersin

Alexandre Émile Jean Yersin (22 tháng 9 năm 1863 – 1 tháng 3 năm 1943) là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thuỵ Sĩ. Ông nổi tiếng vì là người đầu tiên phát hiện ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, sau này được đặt tên để vinh danh ông (Yersinia pestis)...Yersin cũng lần đầu tiên chứng minh rằng loại trực khuẩn có trong bộ gặm nhấm cũng xuất hiện trong bệnh dịch ở người, do đó nhấn mạnh được các phương thức lây truyền khả thi. Ông cũng là một nhà thám hiểm, người đã khám phá Cao nguyên Lâm Viên và vạch ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y khoa Hà Nội (tiền thân của Đại học Y Hà Nội). Ông được người dân xóm Cồn gọi bằng cái tên thân thuộc: "Thầy Năm".

Năm 1943, sau hơn 50 năm sống tại Việt Nam, Alexandre Yersin qua đời tại Nha Trang. Theo ước nguyện của Alexandre Yersin, ông được an táng tại Suối Dầu. Là một nhà khoa học lớn nhưng với đức tính khiêm nhường, gần gũi với mọi người, Yersin là một tấm gương sáng về lòng say mê khoa học, say mê tìm tòi nghiên cứu, khám phá những mảnh đất mới lạ.

Nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam ngưỡng mộ trước những cống hiến to lớn mà ông dành trọn đời phấn đấu. Vẫn còn đó con đường Yersin ở thành phố Nha Trang. Vẫn còn đó con đường Yersin ở thành phố Hà Nội. Để tỏ lòng biết ơn với những cống hiến khoa học của ông, năm 2014, bác sĩ Alexandre Yersin được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận là “Người Công dân Danh dự Việt Nam".

“Yersin là một con người đơn độc. Ông biết rằng không có sự kỳ vĩ nào được thực hiện ở số nhiều. Ông căm ghét bè nhóm, ở đó hàm lượng trí tuệ tỉ lệ nghịch với số lượng thành viên tạo nên đám đông ấy. Thiên tài luôn đơn độc.” (Patrick Deville, nhà văn)

“Chắc chắn rất hiếm có người ít tư lợi đến thế. Yersin tự xóa mờ mình đi để người khác được tự do sáng kiến, sự tự do mà chính bản thân ông hết sức gắn bó” (Noël Bernard, người đầu tiên viết tiểu sử Yersin)

loading...