Góc nhìn Phật tử
Nhân phiền não ở Giác Lâm cổ tự nghĩ về đất chùa
Chủ nhật, 02/01/2020 07:00
Một chuyện như thế rất đáng lo lắng ở thành phố lớn nhất nước và cả khó tin (nhưng có thực) bởi: thành phố lớn an ninh và hành chính tốt, đất chùa cấm kỵ do tâm linh và văn hóa, cổ tự nổi tiếng…
Phiền não ở Giác Lâm cổ tự diễn biến đáng lo ngại, từ sự phản ánh - điều tra của một số tờ báo, nay một nhật báo hàng đầu ở TP HCM - Báo Tuổi Trẻ - đã làm tin nổi bật về chuyện một nhân sự cũ của Chùa đã hết trách nhiệm, rao bán và bán thành công một phần đất chùa vốn được giao quản lý trước đây (bao gồm khu tháp xá lợi Phật, văn phòng chùa…) với con số 10 tỷ VNĐ qua giấy đặt cọc nhận tiền. Một chuyện như thế rất đáng lo lắng ở thành phố lớn nhất nước và cả khó tin (nhưng có thực) bởi: thành phố lớn an ninh và hành chính tốt, đất chùa cấm kỵ do tâm linh và văn hóa, cổ tự nổi tiếng… Phiền não lớn không chỉ cho Giáo hội và nhà chùa, lo lắng về một tiền lệ chuyện đã rồi sẽ tạo nên hiệu ứng rất xấu cho xã hội, các chùa chiền, kích hoạt lòng tham khi quỹ đất ngày càng hiếm hoi và giá cả đắt đỏ tăng mãi.
Về pháp lý hiện hành, đất và hạ tầng trên đất các cơ sở Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo VN được nhà nước cấp chứng nhận (sổ đỏ - bằng khoán) khác đất tư hữu chung hay các loại đất còn lại ở đặc điểm chế tài: không thuộc về cá nhân, không thể chuyển nhượng thông thường hay các hình thức kinh doanh khác bao gồm thế chấp chẳng hạn.
Ở Việt Nam, trong thực tế, khi xuất hiện nhu cầu thông thường như mở rộng xây dựng hay nhượng lại cho bên ngoài… thường thông qua con đường “mềm” như nhà chùa tặng cho đất có xác nhận của chính quyền, bên được cho tặng cúng dường tùy tâm vào quỹ nhà chùa; hay hiến đất cho chùa tự nguyện và nhà chùa “giúp” lại một khoản tiền tự nguyện…. Đề cập như thế ý tứ muốn cho thấy khác biệt với đất chùa do lý do thiêng liêng và từ lâu nhà nước địa phương vẫn bất thành văn thừa nhận tình trạng ấy như một tập quán. Đất và hạ tầng trên đất chùa hoàn toàn không thể giao dịch như đất và hạ tầng trên đất nông nghiệp, dân sự - kinh tế…
Do vậy, những văn bản giấy tay “mua bán” đất như với Giác Lâm cổ tự đương nhiên vô hiệu về luật, thành lập văn bản ấy không hợp pháp, chưa xét đến các yếu tố khác. Và nhà chùa phản ứng thích hợp theo luật với những hành vi như đã diễn ra – báo chí đã phản ánh- với các hành vi ấy chỉ và chỉ là hành động phương hại đến nhà chùa dưới góc độ an ninh trật tự, thuộc về trị an. Hành vi mua bán đất chùa như đang nói đến không có giá trị tự thân, cũng như đã nói, không có những giao dịch như thế được cho là hợp pháp và có lẽ về luật, các điều này là thường thức.
Các hành vi như thế công an địa phương có bổn phận can thiệp về trị an, và nhà chùa căn cứ chứng nhận quyền sử dụng đất chính danh trình chính quyền - cơ quan hành chính - cùng bộ phận địa chính thuộc quyền và cơ quan địa chính cấp trên, cơ quan địa chính quản lý hồ sơ đất chùa đang nói đến, ngăn chặn các bước pháp lý nào đấy nếu có để hợp thức hóa hành vi mua bán đất chuyển nhượng đất dưới bất cứ hình thức nào, tránh sự lạng lách lừa đảo tinh vi nào đấy… Và cũng như mọi sự, tòa án là lựa chọn sau.
Báo Tuổi Trẻ đã chỉ ra đương sự “bán” đất chùa Giác Lâm và sự chú tâm của các cấp Giáo hội Phật giáo liên đới càng cần cao độ để hỗ trợ nhà chùa bảo vệ chốn thiêng liêng.