Lời Phật dạy
Nhân quả tu hành theo lời Phật dạy
Thứ bảy, 21/05/2022 09:28
Do nắm vững lý nhân quả để tu hành nên không tu lầm lẫn. Làm dữ, hại người, hại vật mà cầu Phật ban phước lành, là chuyện không thể có.
Xây dựng cuộc đời mình trên định luật nhân quả
Trong kinh A-hàm Phật có kể câu chuyện:
Có các vị Bà-là-môn đến hỏi Phật:
– Thưa Ngài Cồ Đàm! Đệ tử Ngài sau khi chết, Ngài có thể cầu nguyện cho họ sanh về cõi lành được không?
Phật không trả lời mà hỏi lại:
– Đệ tử các ông chết, các ông có thể cầu nguyện cho họ sanh về cõi lành được không?
Các vị ấy đáp:
– Được.
Phật liền dùng thí dụ: như có cái giếng sâu, một người lăn cục đá lớn để trên miệng giếng, rồi mời vài chục thầy Bà-la-môn đến hỏi: tôi xô hòn đá này xuống giếng, xin các thầy cầu nguyện cho nó đừng chìm được chăng?
Các thầy Bà-la-môn đáp:
– Không được.
Phật hỏi:
– Tại sao?
Các thầy đáp:
– Vì đá nặng phải chìm tận đáy giếng thôi, dù cho cả ngàn người cầu cũng không được.
Phật lại dùng thí dụ:
– Như có người đem dầu đổ xuống giếng, rồi yêu cầu các thầy tới cầu nguyện cho dầu kia chìm tận đáy giếng, các thầy làm được chăng?
Các thầy Bà-la-môn đáp:
– Không được.
Phật hỏi:
– Tại sao?
Các thầy đáp:
– Vì dầu nhẹ nên phải nổi, dù có bao nhiêu người cầu cho nó chìm nó cũng không chìm.
Phật bảo:
– Cũng vậy, nếu người làm lành, làm đi tốt dù cho các ông cố cầu cho họ đọa địa ngục, họ cũng không đọa. Còn người làm dữ, tạo quá nhiều tội ác, dù các ông cầu nguyện mấy, họ cũng không thể sanh cõi lành.
Đây là lời Phật dạy nhân quả rành rõ, người học Phật nắm vững tu hành không lầm lẫn thì được kết quả như ý nguyện. Sâu hợn, nếu người tu giải thoát mà lo luyện cho thân sống lâu bền chắc thì sao? Là trái nhân quả, lấy cái vô thường mà muốn cho thường sao được? Không khéo lại nuôi dưỡng niệm ái ngã trở lại, trái xa cái nhân giải thoát rồi. Hoặc tu Phật mà tưởng cầu thần thông, mong được điểm đạo, là trái với thể như như, rơi vào trong thức tưởng, có được có mất, cũng thuộc vô thường, không phải con đường chánh giác.
Trong sử thiền Trung Hoa có nói đến một nhân duyên của thiền sư Đạo Ưng. Sư cất am nơi Tam Phong, trải qua tuần nhật không xuống trai đường thọ trai. Hòa thượng Động Sơn thấy lạ, gặp sư hỏi:
– Mấy ngày nay sao ông không đến thọ trai ?
Sư thưa:
– Mỗi ngày có thiên thần cúng dường rồi.
Động Sơn bảo:
– Ta bảo ông là kẻ vẫn còn kiến giải. Ông rảnh chiều hãy đến đây!
Chiều sư đến. Động Sơn gọi:
– Am chủ Ưng!
Sư đáp ứng:
– Dạ.
Động Sơn bảo:
– Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?
Sư trở về am ngồi yên lặng lẽ, thiên thần tìm mãi không thấy, trải qua ba ngày như thế mới thôi cúng dường.
Theo thông thường, tu được thiên thần cúng dường là mọi người lễ bái không chán. Song đối trong nhà thiền, đó là còn có tâm bị thấy, tức chưa được chấp nhận. Huống nữa, tự mình mong cầu được thế này, thế kia thì càng bị quở.
Nếu đi sâu hơn nữa, hành giả phải thấu tột đến chỗ vừa khởi niệm liền rơi vào nhân quả rồi! Vì khởi niệm là động, là sanh, phải có quả là diệt, đây là nhân quả quả sanh diệt vi tế, người công phu thật sâu mới thấu tột. Đã nhận rõ đến đây, hãy công phu tỉnh giác ngay trong từng tâm niệm, không để lầm theo một niệm nào, dù rất nhỏ nhiệm. Lý nhân quả đến đây có thể bảo là phổ thông, là chỉ dạy cho người cơ sở mới vào đạo được chăng?