Trong nước

Nhất tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà

Thứ năm, 18/09/2022 04:26

Đừng rời tâm niệm Phật, buông hết mọi sự thị phi và thường nhớ mọi sự việc ở thế gian này đều là giả tạm, chỉ có một lòng hướng về Phật. Cần trì niệm như là đang thở, tự nhiên, nhẹ nhàng, nhưng không lúc nào thiếu vắng.

Hỏi: Trong kinh A Di Đà có nhắc người tu theo pháp môn Tịnh độ cần phải nhất tâm chuyên trì danh hiệu Phật từ một ngày đến bảy ngày. Vậy mỗi ngày, người tu cần niệm Phật mấy thời và ngoài ra có cần tu thêm việc gì khác hay không?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáp: Trong Kinh A Di đà có nêu rõ: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Cực lạc của đức Phật A Di Đà”. Đoạn kinh nhắc nhở người sắp lâm chung cần biết nương tựa và có lòng tin chắc chắn vào danh hiệu Phật để được vãng sinh về cõi Cực lạc. Điểm mấu chốt của việc niệm Phật không phải nằm ở chỗ hành trì bằng nhiều thời khóa hay niệm được nhiều xâu chuỗi, mà chính là phải có được sự nhất tâm bất loạn trong khi thực hành. Lúc đang niệm Phật, tâm của chúng ta phải có sự tương đồng với tâm của đức Phật, tức là có được sự thanh tịnh và sáng suốt. Miệng niệm, tai nghe, từng câu từng chữ rõ ràng, không lúc nào thiếu xót. Lại nữa, không nên bám chấp vào câu chữ mà tính số lượng hoặc căn cứ theo sự ước lượng về thời gian, bởi vì sẽ khiến cho tâm nôn nóng mong muốn niệm cho đủ số hoặc chỉ thực hiện cho đúng giờ mà không có được sự chân thật niệm Phật. Thật ra, cụm từ “một ngày hoặc hai ngày… cho đến bảy ngày” chỉ là những con số dùng để ước lệ cho sự nhiếp tâm tinh tấn của người chuyên trì danh hiệu Phật. Trong khi đó việc trì niệm chính yếu vẫn là sự nhất tâm hay một lòng hướng về Phật.

Cần phải luyện tập từng bước từ đơn giản cho đến phức tạp. Dù khỏe mạnh hay khi đau yếu đều nghĩ nhớ tới danh hiệu Phật không để quên sót. Phải xem việc niệm Phật trong mọi sinh hoạt hằng ngày là vấn đề then chốt và trọng yếu trong đời sống tu tập cũng như làm việc. Đừng rời tâm niệm Phật, buông hết mọi sự thị phi và thường nhớ mọi sự việc ở thế gian này đều là giả tạm, chỉ có một lòng hướng về Phật. Cần trì niệm như là đang thở, tự nhiên, nhẹ nhàng, nhưng không lúc nào thiếu vắng. Sự tu tập thuần thành theo thời khóa hằng ngày hoặc trong những lúc đi, đứng, nằm, ngồi hoặc lúc bận rộn hoặc lúc rảnh rỗi đều nghĩ về đức Phật A Di Đà đã trở thành một thói quen tốt ở sâu trong tâm thức của người niệm Phật. Thực hành được như vậy thì khi lâm chung, câu danh hiệu Phật sẽ luôn thường hằng ở trong tâm của mình.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên siêng nghe chánh pháp và dùng trí tuệ để quán xét, suy tư về lẽ thật vô thường tạm bợ của cuộc đời để làm phá trừ giảm dần ba độc tham, sân si. Chinh phục được cơn giận và thâu nhiếp được mọi sự hơn thua, phải quấy thì tâm sẽ dần an định và sáng suốt trong câu danh hiệu Phật, phát khởi tâm từ bi đối với mọi người. Đến khi chúng ta gặp vấn đề trầm trọng về sức khỏe hoặc vào vào giờ phút lâm chung, do công đức đã gieo trồng từ trước, cho nên tâm thuần nhất trong danh hiệu Phật vẫn được duy trì và thực hiện tốt. Chính điều này giúp cho tâm của chúng ta không bị tán loạn sợ hãi và quyết định chắc chắn được vãng sinh về cõi Tịnh. Ngược lại, nếu chỉ bám chấp trên văn tự, giải đãi phóng tâm và lầm nghĩ rằng đến khi bệnh đau hoặc lâm chung chỉ cần niệm mười danh hiệu sẽ được Phật rước là một điều sai lầm to lớn.

loading...