Góc nhìn Phật tử

Nhìn lại

Thứ hai, 25/02/2022 10:59

Đâu đó trong lòng ta không khỏi hoài niệm về những điều đã cũ. Ta gọi đó là những kỉ niệm xưa. Thật tình mà nói, thì kỉ niệm nào mà không xưa?

Xuân đang đến, Tết sắp về. Đâu đó trong lòng ta không khỏi hoài niệm về những điều đã cũ. Ta gọi đó là những kỉ niệm xưa. Thật tình mà nói, thì kỉ niệm nào mà không xưa? Những thành công, thất bại, những cay, đắng, ngọt, bùi có thể khiến ta chạnh lòng khi nhớ lại. Cuộc sống là vậy mà, tiếng Pháp gọi là “C’est la vie” – Cuộc sống là vậy! Chữ “la vie” chính là hiệu của nước khoáng La Vie mà chúng ta hay uống.

“Cuộc đời là khổ là vui

Là cay, là đắng, ngọt bùi cộng chung”.

(Trích Bùn -  HT. Chân Tính)

2511-du-khach-thanh-kinh-dang-huong-cung-duong-1042-1455

Chúng ta cũng không nên lúc nào cũng để tâm vào quá khứ mà quên đi thực tại cuộc sống. Quá khứ và tương lai đều là những khái niệm rất khó nắm bắt. Nó cũng chỉ là vọng tưởng. Hễ là vọng tưởng thì dễ dẫn dắt ta đi xa xăm đây đó, rong chơi quên mất đường về. Bản thân chúng con cũng đang như thế. Và để tự trấn an mình, chúng con mò mẫm vào Trung bộ, đọc lại bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả (HT. Nhất Hạnh gọi là Kinh Người Biết Sống Một Mình). Chúng con dẫn một đoạn ngắn như sau:

“Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông: ‘Nhất Dạ Hiền Giả’ (Bhaddekaratta), tổng thuyết và biệt thuyết. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ thuyết giảng.

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Ðêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhất dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng….

Bài kệ này là một bài kệ nổi tiếng. Chúng ta thường để tâm mình rong ruổi và lăng xăng, tìm cầu về tương lai hoặc quá khứ. Trong khi ấy, ta "bị" vui hoặc buồn. Ta đánh mất đi thời khắc chánh niệm - tỉnh giác của bây giờ và ở đây.

Những đoạn kinh tiếp theo diễn tả về sự đắm chấp vào quá khứ, tương lai và cả hiện tại (trích lược):

Và các Tỷ-kheo, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị trí nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự vui mừng trong đó (diễn đạt tương tự với thọ, tưởng, hành và thức)”.

“Và các Tỷ-kheo, thế nào ước vọng trong tương lai? Mong rằng như vậy sẽ là đời sống của tôi trong tương lai, và truy tìm sự hân hoan trong đó”.

“Và các Tỷ-kheo, như thế nào là cuốn cuốn trong các phương pháp hiện hành? quán sắc là tự ngã, hay tự ngã là có sắc, hay quán sắc có trong tự ngã, hay tự ngã có trong sắc; (diễn đạt tương tự với thọ, tưởng, hành và thức)”.

Chính sự nhớ tưởng và vui mừng hay buồn lo trong kỉ niệm bản thân, chính là sự truy tìm quá khứ. Chính sự ước vọng không rõ ràng và mơ hồ về sinh hoạt đời sống chính là ước vọng tương lai. Chính sự chấp vào năm uẩn và tự mãn kiêu ngạo về nó chính là sự đắm chấp bị lôi cuốn trong hiện tại.

Nhớ tưởng, ước vọng, tự mãn chính là ba chi phần cấu thành sự buông thả, phóng dật. Do đó, đức Thế Tôn dạy:

“Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đoạn tận,

Tương lai chưa tới,

Chỉ có hiện pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rúng chuyển

Biết vậy, nên tu tập…”

c6-1607

Trạng thái này được Sư ông Nhất Hạnh dịch là:

"Kẻ thức giả an trú

Vững chãi và thảnh thơi"

Chúng ta được quyền nhìn về quá khứ hoặc tưởng tới tương lai, miễn sao là kinh nghiệm hỗ trợ cho định, tuệ tu tập. Quán sát bản thân đôi khi cũng là một thú vui tao nhã mà ta đã đánh mất trong vô lượng kiếp. Muốn thành tựu điều gì, đầu tiên nên quán sát nó. Muốn thân tâm này an lạc, thảnh thơi, hết khổ, cũng đi từ bước đầu quán sát vậy!

Những ngày cuối năm là khoảng thời gian “vàng” để chúng ta nhìn lại bản thân, quán sát những điều tốt hoặc chưa tốt mà khắc phục hay phát triển. Mong sao bài kinh này với sự chia sẻ của chúng con sẽ là một món quà nhỏ ý nghĩa gửi tặng đến mọi người, ngõ hầu thắp lên chút ánh sáng của yêu thương và tỉnh thức, để thông điệp từ bi – trí tuệ của đức Phật được lan xa mãi trên cõi đời tươi đẹp này!

Ngày gần hết năm, 25 tháng chạp năm Tân Sửu

loading...