Góc nhìn Phật tử

Nhớ hoài hai chữ 'nhà thương'

Thứ ba, 05/02/2021 08:49

Ngày xưa, người dân Nam bộ rất quen dùng 2 chữ “nhà thương” để nói về các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước (lúc nầy không có bệnh viện tư nhân như bấy giờ).

Nhiều người lý giải “nhà thương” biểu hiện cho tình thương, sự quan tâm lo lắng của chính quyền, sự chăm sóc điều trị bệnh tận tâm, tận lực của đội ngũ thầy thuốc nên có tên như vậy.

Xin đơn cử một số nhà thương vốn dĩ rất nổi tiếng ngày xưa như: “nhà thương” Biên Hòa ( Đồng Nai); Chợ Rẫy, Bình Dân, Từ Dũ, Chợ Quán, Đồn Đất ( TPHCM); Sùng Chính, Triều Châu ( giành cho người Hoa); Phong Dinh (Cần Thơ)... Hồi xưa cũng không có 2 từ “Đa khoa” như các bệnh viện thời nay. Sau đó đã xuất hiện 2 từ “Bịnh Viện” rồi mới đến “Bệnh Viện” như ngày nay.

Một “Bịnh Viện” ngày xưa

Một “Bịnh Viện” ngày xưa

Ở những “nhà thương” công cộng, bệnh nhân đi khám bệnh điều trị hoàn toàn miễn phí ngày cả chuyện gởi xe, vệ sinh...Vì vậy nơi đây còn được nhiều người gọi là nhà thương “thí” (bố thí) cho người nghèo.

Ngày nay 2 từ “nhà thương” đã đi vào quá khứ thay vào đó là những bệnh viện công lập lẫn tư nhân mọc lên như nấm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho cộng đồng. Cụ thể là các bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa về Mắt, Tai, Mũi, Họng, Chấn thương Chỉnh hình, Lao và bệnh phổi, tim mạch, Nhiệt đới, Tâm thần kinh...Tùy theo khả năng tài chính mà người bệnh có thể lựa chọn khám và điều trị với tấm thẻ BHYT hay tự thanh toán toàn bộ chi phí tại các bệnh viện tư nhân.

Điều rất mừng là hầu hết các bệnh viện công lập từ trung ương đến tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã thường có mặt những bếp ăn từ thiện cúng cấp cơm, cháo, nước sôi, thức ăn miễn phí cho bệnh nhân cùng người thân khi đang điều trị nội trú giúp họ giảm bớt khó khăn trước mắt.

Với tôi luôn có ấn tượng đẹp, nhân văn với 2 từ “nhà thương” vì đã quen thuộc với mình ngay từ tấm bé cho đến ngày nay. Mỗi khi nghe lại 2 từ nầy từ những người cao tuổi tôi lại bồi hồi nhớ lại những “nhà thương” xưa giờ chỉ còn trong ký ức xa xôi.

loading...