Sách Phật giáo

Những chánh pháp nói về khẩu ngữ

Thứ năm, 08/05/2013 10:31

Trong sâu lắng tâm hồn, người có tứ vô lượng tâm đã có trong ý nghĩ, trong ý thức của mình (ý), rồi thể hiện tứ vô lượng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả bằng hành động (thân) và bằng lời nói (khẩu ngữ), hoặc chỉ bằng hành động hay chỉ bằng lời nói

Trong vô lượng pháp môn để cứu độ chúng sinh, ngoài giáo lý về  Hành Thập Thiện đã được nói ở trên, để hướng dẫn chúng sinh hữu tình trên con đường tu đạo, Đức Phật còn nói đến nhiều pháp môn khác nhau rải rác trong quá trình hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh khi Người còn tại thế. Trong đề tài này, xin chỉ nêu những pháp tu có liên quan đến việc thực hiện mười điều lành và chủ yếu là bốn điều lành về khẩu nghiệp, tức là các pháp tu có liên quan đến tu nói, tu khẩu ngữ. Đó chính là con đường đưa ta đến giải trừ khẩu nghiệp. Đó là những phương pháp dạy ta diệt trừ những nghiệp ác do lời nói sinh ra. Những giáo lý đó đã thể hiện trong các pháp môn mà đức Phật đã giảng dạy về Tứ Diệu Đế, Tứ Nhiếp pháp, Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Y pháp…

A. Tứ Diệu Đế nói về Chính ngữ.

Trước tiên cần phải nói rằng toàn bộ giáo lý của đức Phật, những điều Phật dạy trong 49 năm hoằng pháp của Người, mà sau này các đệ tử đã tập kết và biên soạn ra các bộ kinh để ngày nay con người ta được hưởng trong Tam tạng kinh điển (Kinh, luật, luận) đều là nhằm mục đích giáo hóa cho chúng sinh hữu tình biết rõ con đường đi đến giải thoát, giác ngộ. Tất cả mọi pháp môn trong tam tạng kinh điển đểu mang một ý nghĩa giáo dục cho con người hướng thượng, làm những điều lành. Ta hãy khảo sát một cách sơ lược những pháp môn hay nói khác đi là những lời Phật dạy để chúng sinh hữu tình hướng đến sự tu tập trên con đường giải trừ các nghiệp quả để đạt đến giải thoát giác ngộ.

1. Tứ Diệu Đế, bài học đầu tiên.

Sau 49 ngày tĩnh tọa dưới gốc cây bồ đề, đức Phật đã đi thuyết pháp. Buổi thuyết pháp đầu tiên tại Bồ đề đạo tràng trước năm anh em Kiều Trần Như, đức Phật đã nói về vấn đề Bốn chân lý mầu nhiệm hay còn gọi  là Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế, Tứ Chân Đế…

Tứ Diệu Đế, chữ Phạn là Catvary Aryasatyani. Arya (Diệu) là màu nhiệm, cao quý hay diệu kỳ. Satya (Đế) là chân lý, là sự thật. Tứ Diệu Đế là bốn chân lý màu nhiệm, là bốn sự thật diệu kỳ, còn được gọi là Tứ Thánh Đế hay Tứ Chân Đế. Giáo lý Tứ Diệu Đế được nói đến trong các kinh: Đế phân biệt tâm kinh (Trung Bộ III), kinh Phân biệt thánh đế (Trung A Hàm), kinh Chuyển pháp luân (Tương Ưng & Tạp A Hàm),

Bốn chân lý màu nhiệm đó là:

1.1. Khổ đế (Dukkha): Khổ đế là thực trạng đau khổ của con người. Nỗi khổ đó con người phải chịu ngay từ khi còn trong lòng mẹ, khi ra đời và suốt cả cuộc đời cho đến khi rời trần thế. Khổ là một chân lý, một sự thật trong đời người. Trên đời này không có ai là không đau khổ. Điều đó là một thực tế mà không ai có thể phủ nhận được.

1,2. Tập đế (Samudaya): Tập đế là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ. Tập là tập hợp, nghĩa là do các phiền não, chấp trước, vọng tưởng tập hợp tạo thành năng lực dẫn đến khổ đau. Đây là nguyên nhân, là nguồn gốc của các nỗi khổ. Khi nhận thức được nguyên nhân, nguồn gốc và bản chất của nỗi khổ một cách rõ ràng, ta mới có thể đi vào con đường để diệt tận khổ đau (Đạo đế).

1.3. Diệt đế (Nirodha): Diệt đế là sự kết thúc hay sự chấm dứt khổ đau. Diệt là chấm dứt, là dập tắt. Đó là sự chấm dứt hay dập tắt phiền não, vọng tưởng, chấp trước, những cái đó là nguyên nhân đưa đến đau khổ. Sự chấm dứt khổ đau cũng có nghĩa là đưa đến niềm an vui và hạnh phúc. Có chấm dứt được khổ đau, phiền não, chấp trước, vọng tưởng, con người mới thấy được niềm an vui, thanh tịnh và hạnh phúc, mới đến được giải thoát, niết bàn. Chính vì vậy Diệt đế đồng nghĩa với Niết bàn.

1.4. Đạo đế (Magga): Đạo đế là con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến sự chấm dứt khổ đau, đưa đến hạnh phúc trong đời sống hàng ngày hay đến hạnh phúc tuyệt đối Niết Bàn. Con đường ấy hay phương pháp ấy chính là các pháp môn mà Đức Phật giảng giải, dạy cho chúng sinh đạt đến giải thoát và giác ngộ. Vì vậy, Đạo đế là cốt lõi của bài pháp Tứ Diệu Đế, là phần mà ta nghiên cứu sau đây:

 Buổi thuyết pháp đầu tiên tại Bồ đề đạo tràng trước năm anh em Kiều Trần Như

2. Nội dung của Đạo đế:

Có thể nói toàn bộ giáo lý mà đức Phật đã dạy đều nằm trong Đạo đế. Giáo lý này rất rộng lớn, đề cập đến nhiều mặt và bao gồm nhiều pháp môn. Có thể nói tóm tắt trong phần Đạo đế mà Đức Phật đã dạy, bao gồm 37 pháp mà ta thường gọi là 37 phẩm trợ đạo. Đó là Tứ niệm xứ, Tứ chính cần, Tứ thần túc hay Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phận (hay Thất giác chi) Bát chính đạo phận (hay Bát thánh đạo) hay còn được gọi là Bốn niệm xứ, Bốn chính cần, Bốn thần túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phận, Tám thánh đạo phận. (4+4+4+5+5+7+8=37). Nội dung cụ thể của từng phần trong 37 phẩm trợ đao là:

2.1. Tứ niệm xứ là bốn phép quán cơ bản về sự tỉnh giác. Đó là bốn điều mà người học Phật cần ghi nhớ thực hành, để phát huy tuệ quán. Đó là phương pháp thiền quán của Phật giáo nguyên thuỷ gồm:

2.1.1. Thân niệm xứ (tức Quán thân là bất tịnh), bao gồm sự tỉnh giác trong hơi thở, cũng như tỉnh giác trong bốn dạng cơ bản của thân (đi, đứng, nằm, ngồi). Tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát yếu tố tạo thành thân cũng như quán tử thi.

2.1.2. Thụ niệm xứ (tức Quán thụ là khổ), là nhận biết rõ những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm, biết chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính, là khổ và biết tính vô thường của chúng.

2.1.3. Tâm niệm xứ (tức Quán tâm là vô thường), là chú ý đến các tâm pháp (ý nghĩ) đang hiện hành, biết nó là vô thường, tham hay không tham, sân hay không sân, si hay không si

2.1.4. Pháp niệm xứ (tức Quán pháp là vô ngã), là biết rõ mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, đều vô ngã, biết rõ con người chỉ là Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đang hoạt động, biết rõ gốc hiện hành của các pháp và hiểu rõ Tứ diệu đế.

Phương pháp quán chiếu này được nói rõ trong kinh Tứ niệm xứ và Phật từng nói rằng, pháp này có thể đưa đến Niết bàn. Ngày nay, phép quán bốn niệm xứ được phổ biến rộng, trong đó hành giả ngồi toạ thiền hay áp dụng phép quán này trong các hoạt động hàng ngày.

2.2. Tứ chính cần là pháp tu gồm bốn phương pháp dùng trí tuệ để thực hiện một cách chuyên cần, một cách chân chính, giải trừ thói lười nhác, nhằm ngăn ngừa tội ác cũng như sự phát sinh của tội ác, là biện pháp tốt nhất để cho thân, khẩu, ý được thực hành đúng đắn, được thanh tịnh. Đó là:

2.2.1. Cần cù tinh tấn để ngăn ngừa những tội ác chưa phát sinh không thể phát sinh;

2.2.2. Cần cù tinh tấn để ngăn ngừa và diệt trừ những tội ác đã phát sinh;

2.2.3. Cần cù tinh tấn để phát triển những điều lành phát sinh.

2.2.4. Cần cù tinh tấn để những điều lành đã phát sinh ngày càng phát triển.

2.3. Tứ thần túc hay bốn thần túc là pháp tu gồm bốn phép thiền định, tức bốn phương tiện giúp hành giả đạt thành tựu chính định. Bốn phép thiền định đó còn được gọi là Tứ Như ý túc, Tứ Như ý phần. Như ý có nghĩa là đạt được như ý. Dựa vào việc gia hành mà đặt tên, thì Tứ thần túc gồm có:

2.3.1. Dục như ý túc (hay Dục thần túc) là phép thiền định phát sinh do năng lực của ý muốn, tư tưởng mà đạt được thần thông. Dục ở đây chỉ cho ước muốn, mong cầu một cách thiết tha, mong muốn đạt được những gì mình chưa có hay mong cầu và tìm cách đạt được những sở nguyện, là mong muốn hướng thượng để được giải thoát ra khỏi biển khổ sinh tử luân hồi.

2.3.2. Tâm như ý túc (hay Tâm thần túc) là nhất tâm, chuyên tâm vào định cảnh không bao giờ tán loạn. Đây là phép thiền định phát sinh nhờ sức mạnh của tâm niệm, một lòng chuyên tâm nhất niệm nương vào sức mạnh của tâm, nên định dẫn phát sinh.

2.3.3. Cần như ý túc (hay Cần thần túc) là tinh tấn dũng mãnh, bền tâm vững chí mà tu hành. Đây là phép thiền định phát sinh nhờ vào sức tinh tấn nỗ lực tu tập. Khi đã có mong cầu thì phải tinh tấn nỗ lực để tu tập làm thiện, đoạn trừ cái ác.

2.3.4. Quán như ý túc (hay Quán thần túc) là dùng trí tuệ sáng suốt để quán sát những phương pháp mà mình đang tu tập. Đây là phép thiền định phát sinh nhờ sức mạnh tư duy quán sát, nương vào sức mạnh tư duy quán sát ấy nên phát sinh sức định.

Bốn cách gọi này của Tứ thần túc cũng tương đương với cách gọi là Tập định đoạn, Tâm định đoạn, Tinh tiến đoạn và Ngũ định đoạn.

2.4. Ngũ căn[1] ở trong 37 phẩm trợ đạo   chỉ cho năm vô lậu căn (nền tảng), là con đường đưa về Thánh đạo. Theo Luận Trí Ðộ 10 thì: Năm căn này là nền tảng căn bản để phát sinh ra tất cả các thiện pháp, nên gọi là ngũ căn”. Và theo Luận Câu xá 3 thì: Đối trong pháp thanh tịnh thì năm căn này có tác dụng tăng thượng. Vì sao vậy? Vì thế lực của chúng có khả năng hàng phục tất cả các thứ phiền não, đưa hành giả đến Thánh đạo.

Năm căn ấy gồm:

2.4.1. Tín căn là lòng tin đưa đến giải thóat, lòng tin một các vững chắc vào Tam bảo, là đức tin vào ba ngôi báu có sức sinh xôi và phát triển. Lòng tin ở đây là con đẻ của lý trí, là kết quả của sự suy luận so sánh đối chiếu sáng suốt, của sự quan sát tư duy kỹ càng chứ không phải của tình cảm đam mê lú lẫn.

2.4.2. Tấn căn hay còn gọi là Tinh tiến căn hay Cần căn tức là khả năng sinh lòng dũng mãnh tu thiện pháp,là sự nổ lực siêng năng, tinh tấn dũng mãnh trong việc thực hành tu tập các pháp lành mà hành giả đã lựa chọn, không bao giờ để cho thối lui.

2.4.3. Niệm căn là khả năng nhớ tới chính niệm pháp. Mục tiêu của niệm là nhớ nghĩ đến những pháp liên quan đến giải thóat, giúp hành giả nếu muốn đạt được mục đích thì, cần phải nhờ vào những pháp phương tiện trợ duyên pháp hành của mình. Nhớ nghĩ ở đây liên quan đến Niệm thí là nhớ nghĩ đến việc tu tập bố thí và Niệm giới là nhớ nghĩ đến việc trì tịnh giới để đoạn trừ các phiền não nghiệp chướng.

2.4.4. Định căn là khả năng giúp cho tâm hành giả trụ vào một nơi, một chỗ để lắng tâm yên tịnh, chuyên chú vào chánh pháp, không cho tâm hành giả tán loạn mà quán sát suy đạt thật nghĩa của nó.

2.4.5. Huệ căn hay Tuệ căn là khả năng suy nghĩ chân lý, khả năng quán trí phát sinh được nhờ trong định và, cũng từ đó mà hành giả hiểu rõ được chân lý như thật của muôn pháp. Quán đạt chân lý gọi là tuệ; khi trí huệ đầy đủ thì tất cả mọi thứ phiền não tự tiêu trừ và các năng lực thiện pháp xuất hiện, thành tựu trọn vẹn mọi thứ công đức, cho đến lúc thành đạo

2.5. Ngũ lực[2] ở trong 37 phẩm trợ đạo gồm năm lực vĩ đại, năm thần lực của ngũ căn. Nếu người tu hành nhờ nuôi dưỡng cho đủ năm căn như nói ở trên (Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Huệ căn) được tăng trưởng thì sẽ có sức mạnh, có năm lực bao gồm Tín lực, Tấn lực hay Tinh tiến lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực hay Huệ lực.

2.6. Thất bồ đề phận hay còn gọi là thất giác chi[3] là bảy pháp tu hành tuần tự hướng đến thành tựu đạo quả bồ đề, giúp chúng sinh, giúp hành giả đi đến giác ngộ giải thoát. Thất giác chi bao gồm:                 

2.6.1. Trạch giác chi là phân tích, suy luận các pháp để phân biệt chân thực và giả dối. Đức Phật cũng đã từng dạy: Ngay cả những lời Ngài giảng, Ngài cũng không bắt buộc tứ chúng[4] tin theo một cách mù quáng mà phải tìm hiểu xem giáo lý đó có thật sự đem lại hạnh phúc và giải thoát cho con người đúng theo tiêu chuẩn và cứu cánh của đạo Phật hay không? Trạch giác chi chứng tỏ chỉ có đạo Phật mới có thái độ phân tích khách quan và sáng suốt. Nếu con người tin ở tôn giáo một cách mù quáng thì chỉ làm cho đời sống tinh thần của họ càng thêm mê muội. Vì thế, nếu muốn đạt đến suy nghĩ đúng đắn thì phải rèn luyện tu tập pháp môn này.

2.6.2. Niệm giác chi là pháp tu có công năng tiêu diệt tà niệm và vọng niệm. Tà niệm và vọng niệm là một trở ngại lớn lao đối với việc tu tập cải tạo của con người làm cho tiến trình giải thoát bị thoái hóa. Loại bỏ tà niệm, vọng niệm thì chánh niệm mới phát khởi để giúp chúng ta thấu rõ chân tướng vô thường, khổ não và vô ngã của vạn vật trong vũ trụ.

2.6.3. Tinh tấn giác chi là pháp tu đòi hỏi hành giả phải nỗ lực, kiên trì để vượt qua mọi thử thách. Giáo lý của Đức Phật là dạy cho con người tu tập nhằm đạt đến giải thoát giác ngộ, nhưng muốn đạt đến trình độ tối thượng ấy đòi hỏi con người phải nổ lực, tinh tấn. Vì thế tinh tấn là điều kiện đồng thời là phương tiện rất cần thiết để hành giả thực hiện lý tưởng giải thoát giác ngộ này. Giáo lý của đạo Phật đòi hỏi con người phải có rất nhiều cố gắng, hy sinh và kiên nhẫn để chống lại phiền não khổ đau. Nếu thiếu sự nỗ lực tinh tấn thì không thể nào dẹp tan được giặc phiền não vọng tưởng và dĩ nhiên khổ đau sẽ gắn liền với chúng ta đời đời kiếp kiếp. Ngày xưa khi đức Phật tĩnh tọa dưới gốc cây bồ đề, Ngài đã thề rằng: “Nếu ta ngồi đây mà không chứng được đạo quả, thì dù thịt nát xương tan, ta quyết không bao giờ đứng dậy”.Vì tinh tấn như thế mà Ngài thành đạo.Cho nên hàng tứ chúng và Phật tử ngày nay cần noi gương đức Phật mà quyết tâm tu tập để không có gì có thể cản trở bước tiến trên con đường giải thoát giác ngộ, cũng như không để khổ đau nào cò thể làm ta ngã lòng.

2.6.4. Hoan hỷ giác chi cũng là một pháp tu giúp cho hành giả trên con đường tu tập. Bởi vì không có một cố gắng hay hành động nào lâu bền mà không tìm thấy hứng thú trong việc làm của mình. Việc tu học Phật thì cũng thế, càng tinh tấn nổ lực thì kết quả càng mỹ mãn, vì vậy hoan hỷ là một yếu tố giúp cho con người phấn khởi trên đường tu đạo khó khăn để dẫn đến cứu cánh cuối cùng là giải thoát. Khi đi sâu vào thiền định thì Tam thiền có công năng đối trị với sân hận, bất mãn khiến cho tâm người tu hành hoan hỷ và thụ nhân được sự mát mẻ và vui thích trong khi thiền định.

2.6.5. Khinh an giác chi là pháp tu giúp cho hành già lúc nào cũng nhẹ nhàng và an tịnh. Khinh an có nhiệm vụ hóa giải ngọn lửa phiền não để tâm không còn giao động. Người có tâm khinh an sẽ cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng thư thái như khách đi xa trút bỏ được gánh nặng, nhờ thế họ có thể nhẹ nhàng, thong thả đi tiếp tới đích mà không gặp chướng ngại nào.

2.6.6. Định giác chi là pháp tu giúp cho tâm ta định để thấy rõ mọi việc. Con người ta, nếu tâm bị giao động thì vọng tưởng tha hồ phát sinh, tức là tâm không thể tập trung và an trú trên một đối tượng nào. Do đó khi tâm đã định sẽ giúp hành giả thấy rõ được bản chất chân thật của đối tượng trong thế gian. Có người dùng định để phát triển thần thông, nhà thôi miên dùng định để chữa bệnh hay sai khiến kẻ khác làm theo ý họ. Còn Phật giáo chỉ dùng định để phát triển trí tuệ vì trí tuệ là điều kiện tối hậu để đạt đến lý tưởng giải thoát giác ngộ.

2.6.7. Xả giác chi là pháp tu làm cho tâm không bị chi phối bởi ngoại cảnh. Xả giác chi làm cho người ta có gặp nghịch cảnh cũng không bất bình và có gặp thuận cảnh cũng không tham ái luyến tiếc. Được như vậy, họ thản nhiên trước lời tán dương hay phỉ báng. Họ cũng thản nhiên, tự tại, trước mọi lợi lộc hay mất mát, trước cám dỗ của địa vị hay danh vọng và dù vui hay khổ thì họ vẫn an nhiên, tự tại.

2.7. Bát chính đạo hay Bát thánh đạo là tám con đường chân chính, ngay thẳng giúp chúng sinh tu học đi đến đời sống tốt đẹp và cũng là tám con đường mầu nhiệm dẫn dắt chúng sinh đến địa vị Thánh. Bát chính đạo là pháp tu chính, cốt lõi mà bất cứ hành giả nào muốn đạt đến giác ngộ giải thoát cũng phải đi qua. Bát chính đạo gồm có: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và cuối cùng là chính định.

2.7.1. Chính kiến thấy và hiểu biết đúng đắn mọi vấn đề trong thế giới và xã hội con người theo giáo lý của Đức Phật, nghĩa là nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, thấy rõ việc nào là thiện, điều nào là ác, hiểu rõ luật nhân quả. Chính kiến là nhận biết đúng đắn về bản chất của sự vật là vô thường, vô ngã, là do duyên sinh, duyên khởi, là nhận thức rõ bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến hết mọi khổ đau, tức là nhận thức đầy đủ về Tứ Diệu Đế.

2.7.2. Chính tư duy suy nghĩ đúng đắn, chân chính, nghĩa là đừng để đầu óc của mình nghĩ ngợi đến những cái xấu, đến những vấn đề bất thiện như tham lam, tức tối, giận hờn, ghen tỵ, đố kỵ, âm mưu đen tối, hãm hại...nghĩa là không nghĩ đến những điều đem cái hại đến cho người khác. Chính tư duy giúp hành giả và chúng sinh hướng về cái tâm cao thượng, tâm thiện mỹ, về từ bi hỷ xả, nhẫn nhục, trầm tĩnh, về lòng thương yêu giúp đỡ chúng sinh trên trần thế.

2.7.3. Chính ngữ lời nói đúng đắn, ngôn ngữ chân chính, nghĩa là không nói những lời nói gây cho người nghe có những đau khổ, buồn tủi, không nói những lời nói gây chia rẽ, hung bạo, căm thù. Chính ngữ là nói những lời lẽ đưa đến xây dựng niềm tin, đoàn kết hòa hợp, thương yêu và có ích, những lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng, làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu và thanh thản, mát lòng. Không nói những lời nói đem lại cái hại cho người khác, không nói những lời nói làm cho người nghe khó chịu. Chính ngữ là nói những lời nói không đem lại nghiệp ác về khẩu nghiệp. (Phần này sẽ được phát triển rộng trong Phần thứ Hai của cuốn sách này).

2.7.4. Chính nghiệp là hành vi chân chính, đúng đắn, nghĩa là không có hành vi giết hại, trộm cướp, tà dâm. Chính nghiệp là thực hành những việc làm lương thiện, là thực hiện sự thương yêu, cứu người, giúp đỡ người có khó khăn, là không ham muốn thú vui bất thiện. Chính nghiệp giúp con người ta có một nghề nghiệp đúng đắn, không hại chúng sinh hữu tình, không gây tội lỗi sai trái. Chính nghiệp là thực hiện những việc làm không gây ra các nghiệp ác về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

2.7.5. Chính mạng là thực hiện đời sống chân chính, đúng đắn, nghĩa là phải có phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chính, nghề nghiệp lương thiện, không sống bằng những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo, lừa đảo, dối trá hại người. Chính mạng còn có nghĩa là sống đúng chính pháp, không mê tín dị đoan, không sống trong ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng, không chạy theo dục vọng. Chính mạng là thực hiện một đời sống không bệnh tật, ít muốn, biết đủ, chân thành.

2.7.6. Chính tinh tấn thực hiện sự nỗ lực đúng đắn, cố gắng một cách lành mạnh, nghĩa là nỗ lực đoạn trừ điều ác, nỗ lực thực hành điều thiện. Chính tinh tấn không phải là muốn làm hơn người khác mà là cố gắng, là nỗ lực ngăn chặn không cho phát sinh những điều ác, nỗ lực ngăn chặn làm cho những điều ác đã phát sinh phải tiêu diệt, nỗ lực làm cho những điều thiện chưa phát sinh thì nhanh chóng phát sinh và nỗ lực làm cho những điều thiện đã phát sinh thì phát triển cao hơn nữa.

2.7.7. Chính niệm là nhớ nghĩ một cách chân chính, đúng đắn, nghĩa là đừng nhớ nghĩ những điều bất thiện, đừng để cho các đối tượng bất chính dẫn dắt mình đi lang thang, tâm ý phải an trú vào thiện pháp, không quên thiện pháp. Chính niệm là sống theo quán xét thân, tâm, thọ, pháp để điều phục hành động của mình cho đúng đắn,

2.7.8. Chính định là tập trung tư tưởng một cách đúng đắn, nghĩa là đừng để tâm thức bị rối loạn, tập trung tư tưởng làm an tịnh tâm thức một cách đúng đắn, có hiệu quả phát triển tuệ giác. Chính định là phải ly dục, ly tham ái mới đưa đến chính định được.

3. Chính ngữ, phương pháp tu nói:

Ta biết rằng trong Tứ Diệu Đế, Đức Phật nhấn mạnh đến Đạo Đế vì đó là giáo lý căn bản chỉ rõ con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau, đưa đến hạnh phúc trong đời sống hàng ngày hay đến hạnh phúc tuyệt đối ở Niết Bàn. Trong Đạo Đế, Đức Phật nói rõ 37 phẩm trợ đạo mà cái chú trọng nhất là Bát thánh đạo. Trong Bát thánh đạo, Đức Phật chỉ rõ tám con đường chân chính, ngay thẳng giúp chúng sinh tu học đi đến đời sống tốt đẹp và cũng là tám con đường mầu nhiệm dẫn dắt chúng sinh đến địa vị Thánh. Tám con đường ấy đều có liên quan mật thiết với nhau, nhưng nếu nói về con đường tu tập để giải trừ khẩu nghiệp (như một phần mục đích của cuốn sách này) thì phải nói đến Chính ngữ. Đó là con đường giúp cho chúng sinh tu tập để nói những lời nói đúng đắn, ngôn ngữ chân chính, theo chính pháp. Dân gian ta thường có câu:

    Lời nói không mất tiền mua,

    Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Trong dân gian, để làm vừa lòng nhau, người nói phải lựa lời để không nói lời làm cho người khác buồn phiền khổ đau, không nói xấu người khác, không đặt điều thêm bớt, không đem chuyện người này nói lại với người kia. Nhưng “lựa lời mà nói…”, đấy mới chỉ là đạo xử thế của thế gian, chứ không phải là Chính ngữ trong Tứ Diệu Đế theo con đường Đức Phật dạy. Con đường Chính ngữ của Đức Phật không phải là lựa lời mà nói, mà phải nói lời chân thật, đúng đắn nhưng phải đúng lúc và đúng chỗ. Người nắm được chính ngữ không bao giờ nói sai sự thật, lời nói không thiên vị, không nói xuyên tạc, không nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, không nói giỡn cợt, nói móc máy, nói mỉa mai, nói to tiếng, nói tranh luận hơn thua, nói xỉ vả, chửi mắng, nạt nộ, la hét, hù dọa. Chính Ngữ còn là lời nói hiền lành lời nói không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh, không nói lời dâm dục, tục tĩu.

Còn không nói được như vậy thì im lặng như Đức Phật đã từng dạy : im lặng như chính pháp. Vì thế có thể đổi câu ca dao tục ngữ trên là:

Lời nói không mất tiền mua

Nói lời chính ngữ cho vừa lòng nhau

Nói chung, Chính ngữ là những lời nói đúng đắn, chân thật, luôn luôn lúc nào cũng ôn tồn, nhã nhặn, dịu dàng, nhẹ nhàng, từ tốn, khiêm cung và lời nói không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Chính ngữ là một pháp tu nói, là con đường giải trừ khẩu nghiệp mà Đức Phật dạy để mọi người Phật tử và hàng tứ chúng phải nghiêm mật thực hành.

B. Tứ nhiếp pháp nói về ái ngữ.

Ðức Phật ra đời nhằm mục đích cứu vớt chúng sinh ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Trong quá trình tu tập, người Phật tử không nên quá chú trọng đến chính mình mà quên người, không nên chỉ lo giác ngộ cho mình mà không tìm cách giác ngộ cho người. Đức Phật đã dạy: Phải tự giác, giác tha, tức là không phải chỉ lo được giác ngộ cho mình mà phải lo giác ngộ cho người khác. Trong đạo Phật, càng lo tự lợi cho chính mình chừng nào lại càng đi ngược với sự tu hành chừng ấy. Trái lại, càng hy sinh cho người, càng chú trọng đến lợi tha, tức là quan tâm đến quyền lợi cho người khác, lại càng mau chứng ngộ chừng ấy. Vì vậy, Đức Phật đã nêu ra pháp môn Tứ Nhiếp để tùy theo căn cơ của người tu Phật mà thực hiện. Tứ Nhiếp pháp là bốn phương pháp thiết thực làm lợi ích cho người và làm cho người khác được cảm hóa sâu sắc từ những điều Đức Phật day, là bốn pháp môn có công năng nhiếp phục nhân tâm, cảm hóa người đời.

Bốn phương pháp đó là: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự.

Tuy nhiên, trong tài liệu này, chủ yếu nói về Con đường giải trừ khẩu nghiệp, nên chỉ điểm sơ qua về ba nhiếp pháp khác như Bố thí, Lợi hành và Đồng Sự. Chủ yếu chú trọng nói đến Ái ngữ nhiếp pháp là chính.

1. Bố thí pháp hay Bố thí nhiếp pháp là phương pháp thực hành hạnh bố thí. Trong xã hội loài người luôn luôn tồn tại những cảnh khổ đau, một bộ phận nhân lọai đang chịu trong cảnh nghèo hèn, thiếu thốn về vật chất, mê muội về tinh thần và luôn luôn sống trong cảnh lo sợ. Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Từ bi nghĩa là lòng thương xót, cứu khổ cho con người nói riêng và chúng sinh nói chung. Muốn cứu khổ chúng sinh thì phải xả bỏ tính ích kỷ, phải cho người túng thiếu những gì mà mình có, những gì mà người khác mong muốn. Đó tức là hạnh bố thí. Có thực hành bố thí, ta mới cảm phục được người chung quanh, giúp họ gần gũi và thân mến mình, mong cầu học đạo. Bố thí có ba cách: Tài thí (cho tiền bạc, của cải, vật chất), Pháp thí (đem giáo lý giảng dạy hoặc truyền bá cho mọi người) và Vô úy thí (giúp cho người khác không hoang mang, lo lắng, sợ hãi).

Hình thức cao nhất của bố thí là Bố thí Ba la mật, nghĩa là bố thí không vì mình mà bố thí, bố thí rất nhiều mà không thấy mình có bố thí; bố thí mà không phân biệt thân sơ, không chấp ta, người, thù, bạn; bố thí mà không chấp số lượng những vật bố thí. Khi ấy, bố thí không còn là một việc làm phúc hay ban ân nữa, hoặc không phải là một việc làm để cầu mong điều có lợi cho mình, không nghĩ gì đến việc người được bố thí chịu ơn mình hay trả nghĩa mình. Mà bố thí chính là một việc làm tự nhiên xuất phát từ tâm từ bi được chứng ngộ, và phải coi những người được ta bố thí chính là ân nhân của mình.

Trong kinh Kim Cang, Đức Phật có nói với Tôn giả Tu Bồ Đề rằng : “Nếu có người đựng đầy bảy báu trong đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí (tài th&

loading...