Sách Phật giáo

Những lời Phật dạy - trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P6)

Thứ sáu, 05/05/2016 11:26

Này tôn giả, hãy sống (và an trú), Pháp này là như vậy, khiến người có trí không bao lâu như vị bổn sư của mình (chỉ dạy) tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú. Ta đã thông suốt Pháp ấy một cách mau chóng. Và cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc trưởng lão và Ta tự cho rằng Ta như người khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.

TRÍCH LỤC
II. NGƯỜI ĐEM ÁNH SÁNG
1. MỘT NGƯỜI

“Một người, này các tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đó đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

“Một người, này các tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện duy nhất, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương đương, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

“Sự xuất hiện của một người, này các tỳ-kheo, là sự xuất hiện của đại nhãn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt tính đa dạng của các giới, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác”. (AN 1: xiii, 1, 5, 6)

Ghi chú:
- Đại nhãn, mắt lớn: great vision.
- Sáu vô thượng: Thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng, tùy niệm vô thượng.
- Bốn vô ngại giải: nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện tài vô ngại giải.
- Nhiều giới: numerous elements (18 giới, dhatu).

2. BỒ-TÁT NHẬP THAI VÀ ĐẢN SINH

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá ông Anāthapiṇdika (Cấp Cô Ðộc).

2. Rồi một số rất đông tỳ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực về, đang ngồi tụ họp trong thị giả đường, câu chuyện này được khởi lên giữa chúng Tăng:

“Thật hy hữu thay chư hiền! Thật vị tằng hữu thay chư hiền, là đại thần thông lực, đại uy lực của Như Lai! Vì Ngài biết được chư Phật quá khứ – đã nhập Niết bàn, đã đoạn các hý luận, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt luân hồi, đã thoát ly mọi khổ – chư Thế Tôn ấy sinh tính như vậy, danh tánh như vậy, tộc tánh như vậy, giới hạnh như vậy, pháp hạnh như vậy, tuệ hạnh như vậy, trú hạnh như vậy, chư Thế Tôn ấy giải thoát như vậy”.

Khi được nghe nói như vậy, Tôn giả Ānanda nói với các tỳ-kheo ấy: “Thật hy hữu thay chư hiền, Như Lai được đầy đủ các pháp hy hữu! Thật vị tằng hữu thay chư hiền, Như Lai được đầy đủ các pháp vị tằng hữu!”

Nhưng câu chuyện giữa các tỳ-kheo ấy bị gián đoạn; vì Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến thị giả đường, sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Thế Tôn gọi các tỳ-kheo:

– Này các tỳ-kheo, nay các ông ngồi nói chuyện gì? Câu chuyện gì giữa các ông bị gián đoạn?

– Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi tụ họp tại thị giả đường, câu chuyện sau đây được khởi lên: “Hy hữu thay, chư hiền! ... chư Thế Tôn ấy được giải thoát như vậy”. Khi được nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, Tôn giả Ānanda nói với chúng con như sau: “Thật hy hữu thay... Như Lai được đầy đủ các pháp hy hữu! Thật vị tằng hữu thay... Như Lai được đầy đủ các pháp vị tằng hữu!” Câu chuyện này giữa chúng con, bạch Thế Tôn, bị gián đoạn vì Thế Tôn đến.

Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda:

– Do vậy, này Ānanda, hãy nói lên nhiều nữa, những đặc tánh hy hữu, vị tằng hữu của Như Lai.

3.– Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Chánh niệm tỉnh giác, này Ānanda, Bồ-tát sinh trong thiên chúng Tusita (Đâu-suất-đà)”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, chánh niệm tỉnh giác, Bồ-tát sinh trong thiên chúng Tusita, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

4. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Chánh niệm tỉnh giác, này Ānanda, Bồ-tát an trú trong thiên chúng Tusita”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, chánh niệm tỉnh giác, Bồ-tát an trú trong thiên chúng Tusita, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

5. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Chánh niệm tỉnh giác, này Ānanda, Bồ-tát an trú tại thiên chúng Tusita cho đến trọn thọ mạng”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, chánh niệm tỉnh giác, Bồ-tát an trú tại thiên chúng Tusita cho đến trọn thọ mạng, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

6. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Chánh niệm tỉnh giác này Ānanda, Bồ-tát sau khi từ thiên chúng Tusita mạng chung, nhập vào mẫu thai”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, chánh niệm tỉnh giác, Bồ-tát sau khi từ thiên chúng Tusita mạng chung, nhập vào mẫu thai, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

7. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Khi Bồ-tát nhập vào mẫu thai, này Ānanda, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và loài người. Cho đến các thế giới ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, với đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư thiên hiện ra. Và các chúng sinh sống tại những chỗ ấy nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: ‘Cũng có những chúng sinh khác sống ở đây’. Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư thiên hiện ra ở thế giới”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

8. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ānanda, bốn vị thiên tử đến canh gác bốn phương trời và nói: ‘Không cho một ai, người hay không phải loài người được phiền nhiễu Bồ-tát, hay mẹ vị Bồ-tát’.” Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

9. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ānanda, mẹ Bồ-tát giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống các thứ rượu nấu, rượu lên chất men”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

14. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Trong khi các người đàn bà khác, này Ānanda, mang bầu thai trong bụng chín tháng hay mười tháng rồi mới sinh, mẹ Bồ-tát sinh Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ Bồ-tát mang Bồ-tát trong bụng đúng mười tháng rồi mới sinh”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

15. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Trong khi các người đàn bà khác, này Ānanda, hoặc ngồi hoặc nằm mà sinh con, mẹ vị Bồ-tát sinh Bồ- tát không phải như vậy. Mẹ Bồ-tát đứng mà sinh Bồ-tát”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

16. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sinh ra, này Ānanda, chư thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

17. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sinh ra, này Ānanda, Bồ-tát không đụng đến đất. Có bốn thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: ‘Hoàng hậu hãy hoan hỷ! Hoàng Hậu sinh hỷ một bậc vĩ nhân’.” Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

18. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sinh ra, này Ānanda, Ngài sinh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch. Này Ānanda, ví như một viên ngọc ma-ni bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại. Viên ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nại cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy, này Ānanda, khi Bồ-tát từ bụng mẹ sinh ra, Ngài sinh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

19. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sinh ra, này Ānanda, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho Bồ-tát và cho bà mẹ”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

20. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Bồ-tát khi sinh ra, này Ānanda, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lên tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: ‘Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sinh ở đời này nữa’.” Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

21. Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sinh ra, này Ānanda, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư thiên, hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên của chư thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và loài người. Cho đến các cảnh giới giữa các thế giới, tối tăm, u ám, không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực chư thiên hiện ra. Và các chúng sinh sống tại các chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: ‘Cũng có những chúng sinh khác sống ở đây’. Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư thiên hiện ra ở thế giới”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

22.– Do vậy, này Ānanda, hãy thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Như Lai. Ở đây, này Ānanda, các cảm thọ khởi lên nơi Thế Tôn được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại; các tưởng khởi lên được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại; các tầm khởi lên được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại. Này Ānanda, hãy thọ trì việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Như Lai.

23.– Vì rằng, bạch Thế Tôn, các cảm thọ khởi lên nơi Thế Tôn được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại; các tưởng khởi lên được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại; các tầm khởi lên được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại. Bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Như Lai.

Tôn giả Ānanda nói như vậy. Bậc Ðạo Sư chấp nhận. Các tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Ānanda nói.
(MN 123, Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp)
 
3. TẦM CẦU GIÁC NGỘ

(1) Tầm cầu trạng thái tối thượng của an bình siêu việt

5.– Này các tỳ-kheo, có hai loại tầm cầu này: Thánh cầu và phi thánh cầu. Thế nào là phi thánh cầu? Ở đây, có người tự mình bị sinh lại tầm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.

6-11. Cái gì gọi là bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm? Vợ con; đầy tớ nam, đầy tớ nữ; dê và cừu; gà và heo; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái; vàng và bạc: những chiếm hữu các thứ ấy là bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm; và người nào nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sinh lại tầm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm. Như vậy gọi là phi thánh cầu.

12. Thế nào là thánh cầu? Ở đây, có người tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sinh, tầm cầu cái vô sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tầm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tầm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tầm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tầm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Như vậy, gọi là thánh cầu.

13. Này các tỳ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi giác ngộ, khi còn là Bồ-tát chưa chứng đắc, tự mình bị sinh lại tầm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.

Rồi Ta suy nghĩ như sau: “Tại sao Ta, tự mình bị sinh lại tầm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sinh, tầm cầu cái vô sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tầm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tầm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tầm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tầm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn.

14. Rồi sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dù cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

15. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đến chỗ Ālāra Kāḷāma ở, khi đến xong liền thưa với Ālāra Kāḷāma: “Hiền giả Kāḷāma, tôi muốn sống phạm hạnh trong Pháp và Luật này”. Này các tỳ-kheo, được nghe nói vậy, Ālāra Kāḷāma nói với Ta: “Này tôn giả, hãy sống (và an trú). Pháp này là như vậy, khiến kẻ có trí, không bao lâu như vị bổn sư của mình (chỉ dạy), tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú”. Không bao lâu Ta đã thông suốt Pháp ấy một cách mau chóng. Và này các tỳ-kheo, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc trưởng lão (thượng tọa) và Ta tự cho rằng Ta như kẻ khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.

Ta suy nghĩ như sau: “Ālāra Kāḷāma tuyên bố Pháp này không phải chỉ vì lòng tin: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta mới an trú’. Chắc chắn Ālāra Kāḷāma biết Pháp này, thấy Pháp này rồi mới an trú”. Rồi Ta đi đến chỗ Ālāra Kāḷāma ở, sau khi đến, Ta nói với Ālāra Kāḷāma: “Hiền giả Kāḷāma, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này?” Được nói vậy, Ālāra Kāḷāma tuyên bố về vô sở hữu xứ.

Rồi Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được Pháp mà Ālāra Kāḷāma tuyên bố: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta an trú’.”

Rồi này các tỳ-kheo, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt Pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi Ta đi đến chỗ Ālāra Kāḷāma ở, Ta nói với Ālāra Kāḷāma: “Này hiền giả Kāḷāma, có phải hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy?” –”Vâng, hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy”. –”Này hiền giả, tôi cũng tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy”. –”Thật lợi ích thay cho chúng tôi, thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính Pháp ấy hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; Pháp mà hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính Pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; Pháp mà tôi biết, chính Pháp ấy hiền giả biết; Pháp mà hiền giả biết, chính Pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, hiền giả là như vậy; hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!”

Như vậy, Ālāra Kāḷāma là đạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các tỳ-kheo, rồi Ta tự suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt vô sở hữu xứ”. Như vậy Ta không tôn kính Pháp này và từ bỏ Pháp ấy, Ta bỏ đi.

16. Rồi Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta, khi đến xong Ta nói với Uddaka Rāmaputta: “Hiền giả, tôi muốn sống phạm hạnh trong Pháp và Luật này”. Ðược nói vậy, Uddaka Rāmaputta nói với Ta: “Này tôn giả, hãy sống (và an trú), Pháp này là như vậy, khiến người có trí không bao lâu như vị bổn sư của mình (chỉ dạy) tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú”. Ta đã thông suốt Pháp ấy một cách mau chóng. Và cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc trưởng lão và Ta tự cho rằng Ta như người khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.

Ta suy nghĩ như sau: “Rāma tuyên bố Pháp này không phải vì lòng tin: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta mới an trú’. Chắc chắn Rāma thấy Pháp này, biết Pháp này, rồi mới an trú”. Này các tỳ-kheo, rồi Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta ở, Ta nói với Uddaka Rāmaputta: “Hiền giả Rāma, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này?” Này các tỳ-kheo được nghe nói vậy, Uddaka Rāmaputta tuyên bố về phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Rồi Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Rāma mới có lòng tin. Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Rāma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Rāma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Rāma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Rāma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy ta hãy cố gắng chứng cho được Pháp mà Rāma tuyên bố: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, tự an trú’.”

Rồi không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt Pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này các tỳ-kheo, Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta ở, sau khi đến, Ta nói với Uddaka Rāmaputta: “Này hiền giả Rāma, có phải hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy?” – ”Vâng hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy”. –”Này hiền giả, tôi cũng đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy”.

–“Thật lợi ích thay cho chúng tôi! Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi, tự tri tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính Pháp ấy hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; Pháp mà hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính Pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; Pháp mà tôi biết, chính Pháp ấy hiền giả biết; Pháp mà hiền giả biết, chính Pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, hiền giả là như vậy; hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!”

Như vậy, Uddaka Rāmaputta là đạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các tỳ-kheo, rồi Ta suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Như vậy, Ta không tôn kính Pháp ấy và từ bỏ Pháp ấy, Ta bỏ đi.

17. Này các tỳ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước

Magadha (Ma-kiệt-đà) và đến tại tụ lạc Uruvelā (Ưu-lâu-tần- loa). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Rồi Ta tự nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn”. Và Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: “Thật là vừa đủ để tinh tấn”.

18. Rồi này các tỳ-kheo, Ta tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sinh, tìm cầu cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn và đã chứng được cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Ta tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Ta tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Ta tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Ta tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Ta tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết bàn.

Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sinh nữa”.(MN 26, Kinh Thánh cầu)

(2) Chứng đạt Tam minh

11. [Saccaka Aggivessana hỏi Thế Tôn] – Phải chăng, một lạc thọ không khởi lên nơi Tôn giả Gotama một cách khiến cho lạc thọ ấy không thể chi phối tâm và an trú? Phải chăng một khổ thọ khởi lên nơi Tôn giả Gotama một cách khiến cho khổ thọ ấy không thể chi phối tâm và an trú?

12. – Này Aggivessana, sao có thể không như vậy được? Ở đây, này Aggivessana, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ðời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà có thể sống hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh đời sống phạm hạnh thuần tịnh. Hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

13-16. Rồi này Aggivessana, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dù cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.... [như Kinh văn II,3(1), đoạn 14-17]... Và này các tỳ-kheo, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ rằng: “Thật đáng cố gắng tinh tấn ở nơi đây”.

17. Rồi này Aggivessana, ba ví dụ khởi lên nơi Ta, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe. Ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống và đặt trong nước. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra”. Này Aggivessana, ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống đặt trong nước ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến lửa nóng hiện ra được không?

– Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì cành cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống lại bị ngâm trong nước, nên người ấy chỉ bị mệt nhọc và bực bội.

– Cũng vậy, này Aggivessana, những tôn giả sa-môn hay những bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với chúng thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt, nếu những tôn giả sa-môn hay bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và nếu những tôn giả sa-môn hay bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Đó là ví dụ thứ nhất, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.

18. Này Aggivessana, rồi một ví
loading...