Trong nước
Ni giới TP.HCM kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, noi gương hành đạo của chư Ni tiền bối
Thứ bảy, 03/10/2022 02:02
Trong khuôn khổ Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, chiều 1-10, Ban Tổ chức đã khai mạc tọa đàm chủ đề “Ni giới TP.HCM: Tiềm Năng - Hội nhập - Phát triển”, tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (cơ sở II - xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).
Chứng minh có sự hiện diện của Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn, Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM, Phó Trưởng Thường trực Ban Tổ chức Đại lễ, cùng chư tôn đức Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương: Ni trưởng Thích nữ Huệ Hương, Ni trưởng Thích Như Như, Ni trưởng Thích Như Minh, Ni trưởng Thích Như Cương, Ni trưởng Thích Nhật Khương, Ni trưởng Thích Như Huệ, Ni trưởng Thích Tịnh Nghiêm, Ni trưởng Thích Đàm Thành, Ni trưởng Thích Đàm Lan, Ni trưởng Thích nữ Như Thảo, cùng Ban Điều phối, Ban Thư ký tọa đàm.
Chư Ni điều phối tọa đàm gồm chư Ni Ban Tổ chức: Ni sư Thích Như Nguyệt (chùa Phước Viên), Ni sư Thích Phụng Liên, Ni sư Thích Tuệ Liên, Ni sư Thích Như Ngọc, Ni sư Thích Như Nguyệt (chùa Huê Lâm), Ni sư Diệu Hiếu; Ban Thư ký tọa đàm: Ni sư Thích nữ Huệ Đức, Ni sư Thích nữ Huệ Khánh; cùng sự tham dự của chư Ni Phân ban các tỉnh thành, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, học giả tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - Đại học Quốc gia TP.HCM…
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Ni trưởng Thích nữ Như Cương, Phó Trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM, Phó ban Tổ chức, Trưởng Tiểu ban Nội dung cho biết 40 bài viết được tuyển chọn từ 70 bài viết từ chư Ni, các nhà nghiên cứu, học giả các nơi được gởi đến Ban Tổ chức. “Mỗi đề tài quí vị gửi đến như những làn gió thanh lương, len lỏi vào tâm hồn với những ý tưởng tuyệt diệu, những góp ý chân thành, thẳng thắn trên mọi góc nhìn, thật hoàn chỉnh mà cũng thật trọn vẹn. Tất cả là tiền đề để lãnh đạo Ni giới lấy đó làm chất liệu xây dựng một Ni giới vững mạnh, nếp sống của chư Ni thanh tịnh, an lạc không chỉ riêng TP.HCM mà còn trên cả nước”.
Trong khuôn khổ của tọa đàm chỉ hạn định trong thời gian cho phép nên Ban Tổ chức mời các tác giả trình bày tham luận tiêu biểu về những nét son, những đặc thù cũng như những tồn đọng cần được gửi gắm đến chư Ni Thành phố nói riêng và toàn quốc nói chung.
40 bài tham luận được Ban Tổ chức Đại lễ tuyển chọn thực hiện ấn phẩm “Ni giới TP.HCM: Tiềm năng - Hội nhập - Phát triển” nhân Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni, cùng ôn tầm trang sử của chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam. Tọa đàm mang đầy đủ tính chất khoa học bởi Tiểu ban Nội dung đã chọn 40 bài viết, với sự kết hợp với 1 phó giáo sư và 3 tiến sĩ có chuyên môn nghiên cứu học thuật đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM – Đại học Quốc gia TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN viết lời giới thiệu cho ấn phẩm này.
Tọa đàm đã chọn 11 bài tham luận trình bày tại 2 phiên, với 4 nhóm chuyên đề: Chư Ni tiền bối hữu công; Tự viện tiêu biểu Sài Gòn - Gia Định; Tiềm năng, hội nhập, phát triển; Ni giới TP.HCM qua lăng kính các tỉnh, thành.
Các tác giả tại tọa đàm đã khẳng định thêm về hành trạng, công tích của các bậc Ni tiền bối đã “khai sơn phá thạch”, đặt nền móng cho sự hình thành của Ni giới Việt Nam. Đặc biệt trong khuôn khổ của tọa đàm, nhấn mạnh ở hàng trạng của những bậc Ni tiêu biểu đóng góp trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam trong vai trò lãnh đạo tinh thần của chư Ni, khai sơn tạo tự Ni, tập hợp Ni chúng, xây dựng các Ni trường đào tạo lớp lớp Ni tài, thành lập Ni bộ Nam Việt (sau đổi tên thành Ni bộ Bắc tông). Những bậc Ni tiền bối tiêu biểu của Phật giáo miền Nam, Sài Gòn - Gia Định tiêu biểu có Ni trưởng Diệu Tịnh, Ni trưởng Như Hòa, Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Diệu Ninh, Ni trưởng Liễu Tánh, Ni trưởng Huyền Học, Ni trưởng Trí Hải, Ni trưởng Tịnh Bích, Ni trưởng Huỳnh Liên…
Chư vị Ni tiền bối với vai trò lãnh đạo tinh thần, tập hợp Ni chúng để ổn định nếp sống thiền môn, xây dựng các Ni trường đào tạo Ni tài ở miền Nam của các bậc Ni tiền bối là dấu ấn đậm nét trong hành trình phát triển của Ni giới. Hành trình đó gắn liền với các bậc Ni tiêu biểu như Ni trưởng: Diệu Tấn, Diệu Xinh, Như Thanh, Như Hòa… trong việc thành lập Ni bộ Bắc tông, tổ chức của Ni giới miền Nam đầu tiên được công nhận bằng văn bản. Chư Ni tiền bối đã xây dựng các Ni trường như Hải Ấn, Kim Sơn, Từ Nghiêm, Dược Sư trên đất Sài Gòn - Gia Định đào tạo Ni lưu, truyền trao mạng mạch, tôn chỉ, giá trị truyền thống bao đời của chư Tổ, làm giềng mối vững chắc cho Ni giới sau này.
"Chư Ni trình bày tham luận tại tọa đàm: Ni sư Thích nữ Hạnh Chiếu - “Sáng một Niềm tin”; Ni trưởng Thích nữ Như Thảo - “Ni giới TP.HCM: Tiềm năng - Hội nhập và Phát triển”; Ni trưởng Thích nữ Chơn Như - “Ni trưởng Trí Hải - Một vì sao lấp lánh”; TS. Nguyễn Hữu Lộc - “Lịch sử văn hóa của chùa Huê Lâm với Phật giáo Sài Gòn - TP.HCM”; TS. Đặng Hoàng Lan - “Hải Ấn tự - ngôi chùa Ni tiên phong trên đất Sài Gòn - Gia Định”; Ni sư Thích nữ Lệ Thuận - "Ni trường Kim Sơn xưa và nay"; Ni sư Thích nữ Chúc Tường - “Ni giới TP.HCM nhịp cầu giao lưu, kết nối”; Ni trưởng Thích nữ Diệu Cảnh - “Ni giới TP.HCM - Rường cột xuyên suốt toàn quốc”; Ni trưởng Thích nữ Xuân Liên - “Những điểm nổi bật và hạn chế của Ni giới TP.HCM”; Ni trưởng Thích nữ Mỹ Đức - “Ni giới TP.HCM tiên phong và năng động”; Ni sư Thích nữ Như Hải - “Sử dụng tài nguyên Ni giới TP.HCM trước những thách thức”.
Tọa đàm khẳng định vai trò của các bậc danh Ni trong tiến trình phát triển của giáo đoàn Ni giới nói riêng, và trong sự nghiệp xiển dương chánh pháp của Phật giáo Việt Nam nói chung; khẳng định Ni giới TP.HCM đóng vai trò là gạch nối giữa truyền thống và hiện đại, vừa kế thừa vừa phát triển nhằm kiến tạo, xây dựng những giá trị bản sắc riêng của thành phố, góp phần xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN ngày càng vững mạnh.
Nhiều tham luận còn chú trọng vai trò của Ni giới TP.HCM ở lĩnh vực giáo dục mầm non, các khóa tu giáo dục Phật pháp cho giới trẻ, công tác quản Ni của Học viện Phật giáo VN, công tác khám chữa bệnh, nhà tình thương, cô nhi viện; sự nghiệp hoằng pháp ở nước ngoài, con đường hội nhập, gia tăng năng lực của chư Ni trong thời kỳ cách mạng 4.0, vai trò kết nối chư Ni trong nước với cộng đồng Ni giới Phật giáo thế giới; sự phát triển của Ni giới hệ phái Khất sĩ... Cho thấy Ni giới thời hiện đại đã tập hợp, phát huy được thế mạnh, nội lực trong sinh hoạt tu tập, năng lực trong điều hành Phật sự, phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.
Với góc nhìn của chư Ni ở các vùng, miền, địa phương, nhiều nhận định, phân tích khách quan về đặc điểm, hạn chế của Ni giới TP.HCM ở các góc độ hoằng pháp, giáo dục, từ thiện, truyền thông, văn hóa, hoạt động quốc tế... cũng được thẳng thắn đưa ra. Từ đó làm cơ sở đề xuất những giải pháp để phát huy những mặt tiêu biểu, năng động của Ni giới TP.HCM trong thời hiện đại.
Tại tọa đàm, chư Ni đã thảo luận nhiều vấn đề về mô hình để phát triển tu học ổn định, phát triển Ni giới TP.HCM để xứng tầm với sự phát triển của Thành phố năng động; Những thách thức của Ni giới TP.HCM trong bối cảnh xã hội hiện đại; sự lãng phí về tiềm năng nguồn nhân lực Ni trẻ tại TP.HCM; Đề xuất giải pháp để có thể kế thừa những giá trị tinh thần, bài học hành đạo của các bậc danh Ni; bảo tồn di sản, những cơ sở thờ tự, những hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử liên quan đến sự hình thành, phát triển của Ni giới Việt Nam nói chung, Ni giới TP.HCM nói riêng.
Chư Ni, các nữ đại biểu tại tọa đàm cũng thảo luận, đánh giá tiềm năng nhân lực trẻ và những cơ hội, thách thức của Ni giới TP.HCM trong tiến trình hội nhập; Tiếp tục phát huy vai trò là ngọn cờ tiên phong, năng động của Ni giới cả nước, nối kết Ni giới các vùng miền, các hệ phái, kế thừa mạng mạch dân tộc, hòa nhập vào đời sống tôn giáo chung của thế giới; Đề xuất các giải pháp, định hướng đào tạo Ni giới phù hợp với thực tiễn đất nước, đạo pháp, dân tộc trong bối cảnh thời đại mới.