Góc nhìn Phật tử

Nuôi dưỡng sơ Tâm

Thứ sáu, 14/03/2024 08:48

Sư em Khải An đến bên con hỏi: “Sư cô ơi! Sao từ khi vào chùa đến nay, con không còn thấy quý thầy, cô xuất gia dễ thương như trước nữa?” Câu hỏi ấy đánh động vào trái tim con rất nhiều.

Không biết còn bao nhiêu người đặt ra câu hỏi như em. Vì sao hình ảnh một số tu sĩ trẻ lại thay đổi sang chiều hướng tiêu cực sau một thời gian tu tập, phải chăng tâm ban sơ của họ nay đã không còn? Trái tim cống hiến và nguyện ước kế thừa mạng mạch Phật pháp bốc hơi sau những năm tháng cơm dưa rau cháo? Làm sao để tu sĩ trẻ chúng con nuôi dưỡng trái tim ban sơ, không quên chí nguyện ban đầu? Những bài học trong Kinh Trung Bộ đã giúp con nhận ra được câu trả lời.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Hình ảnh Thế Tôn bước vào nơi trụ xứ của tôn giả Rāhula, dạy Tôn giả về lòng chính trực thật ấm lòng và xúc động! Ngài dùng hình ảnh chậu nước, con voi và cái gương để nhắc nhở Tôn giả biết sống đời cao thượng. Hay trong kinh 62 – Đại Kinh Giáo giới La-hầu-la, với trí tuệ cao siêu của bậc Thầy nhân loại, Thế Tôn hướng dẫn La-hầu-la đi vào thiền định như sau: “Con phải thiền làm sao giống như đất vậy: đất không thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên. Vì vậy, nếu thực tập thiền như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì. Hãy tập thiền như nước, như lửa, như gió và như không gian: Tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích. Thực tập được như nước, như lửa, như gió, như không gian, tâm sẽ không còn vướng bận gì cả.” Những bài học thấm nhuần chất từ bi, hỷ xả của Phật đã giúp con đứng vững giữa cuộc đời với muôn vàn đau thương.

Con còn nhớ lúc mới trở về Việt Nam sau ngày tháng du học, bước vào môi trường phiên dịch, trước những khó khăn và tị hiềm. Lời Phật dạy: “Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, dùng từ bi diệt hận thù” văng vẳng trong tâm thức, nhắc con phản tỉnh thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, nuôi dưỡng lòng từ để diệt tâm ác, thực hành tâm xả để không buồn đau vì tổn thương đến từ ngoại cảnh và cả nội tâm. Thế Tôn – nhà giáo dục vĩ đại, Ngài uốn nắn Tôn giả La-hầu-la từ khi còn thơ bé đến khi trở thành một trong mười vị đại đệ tử, với danh hiệu “Mật hạnh đệ nhất”, giúp Tôn giả giữ vững tâm ban sơ, không quên chí hướng trên đường đạo. Là một tu sĩ trẻ, nương theo giáo lý này, chúng con đang một ngày hoàn thiện bản thân hơn để không thẹn là Thích tử Như Lai.

Sư em chính là búp măng non đang nảy mầm trong vườn hoa Phật pháp. Theo Kinh Trung Bộ, chúng con thuộc dạng “tâm viên ý mã”, nên giữ gìn trái tim ban sơ là điều khó. Muốn nuôi dưỡng trái tim ấy chúng con cần vận dụng phương pháp giác sát các pháp thiện và bất thiện, đồng thời thấu rõ nguồn gốc của chúng. Con đã chọn hướng đi sáng suốt cho con và cả Sư em.

loading...