Góc nhìn Phật tử

Ơn đức Phật

Thứ sáu, 09/03/2024 07:39

Từ thuở bé, chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đã được nghe những câu chuyện cổ tích như là Tấm Cám hay Cây Tre Trăm Đốt, và còn nhiều câu chuyện khác nữa. Trong những câu chuyện ấy, luôn có hình ảnh của một ông Bụt hiện ra để giúp đỡ cho những người bất hạnh.

Nhưng đến hôm nay, tôi mới biết hình ảnh ông Bụt hiền thuở đó chính là biểu tượng của đức Phật từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam, luôn gần gũi thiêng liêng dường nào. Chính vì nhân duyên ấy, hôm nay tôi muốn giới thiệu đôi nét về cuộc đời của đức Phật cho mọi người được biết. 

Tôi lớn lên gần một ngôi chùa nhỏ, nhưng ít khi vào lễ Phật, có vào thì chỉ để hái xoài vì trong chùa có một cây xoài rất ngon, hay chỉ ăn chè vào những ngày Rằm. Lúc ấy, tôi thường thấy mọi người chắp tay xá hay lạy một cách rất thành kính trước một bức tượng trong chùa. Nhìn xung quanh toàn những người lớn tuổi, vì lúc ấy người ta luôn quan niệm rằng “trẻ vui nhà, già vui chùa”, nên chùa chỉ toàn các cụ ông, cụ bà chứ còn trẻ thì đến chùa làm gì. Thời gian dần qua, tôi lớn lên đi học và đi làm, nên lúc này hình ảnh ngôi chùa chỉ còn trong ký ức. Nhưng nhân duyên may mắn đã đưa tôi quay về với cửa Phật.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ngã rẽ cuộc đời đã khiến tôi từ bỏ mọi ham muốn của thế gian để quay về nương tựa nơi thiền môn. Từ ngày tôi phát tâm xuất gia, mọi người trong xóm và bạn bè tôi đều hỏi rằng: “Tại sao đi tu?”; hay là bị thất tình như người đời thường nghe vở cải lương Chuyện Tình Lan Và Điệp, hay do nó chán đời... cũng vì vậy mà ba mẹ tôi phải nghe bao nhiêu tai tiếng. Họ còn nói rằng: “Con ông bà là đồ bạc nhược, không lo làm ăn mà vào chùa núp bóng từ bi”. Nhưng tôi đi tu là vì muốn tìm đến con đường giác ngộ giải thoát cho mình, và làm lợi ích đến tất cả chúng sanh. Còn hạnh phúc thế gian chỉ là tạm bợ, không bền vững, có rồi mất, hợp lại tan, vinh rồi nhục… làm cho bao người phải đau khổ trong kiếp sống nhân sinh. Khi được đọc và tìm hiểu về cuộc đời đức Phật, tôi cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh cao cả và một tấm lòng rộng lớn, vô bờ bến vì tình thương chúng sanh đang chìm trong sông mê biển ái, cái mà họ cho là hạnh phúc, rồi tạo biết bao ác nghiệp nhưng nào có ai hay biết.

Đức Phật là một con người bằng da bằng thịt, có cha có mẹ và có lịch sử rõ ràng, chẳng phải là một đấng thần linh nào do con người tưởng tượng ra. Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để tìm ra chân lý vì lòng từ bi. Qua lịch sử cuộc đời Ngài, cho chúng ta thấy được lúc lên bảy tuổi, một hôm đi dự lễ cày ruộng, Ngài đã rơi lệ đau xót khi thấy cảnh chúng sanh xâu xé, giành giật nhau để sống. Người thợ săn đang rình bắt con diều, con ó; những con này lại đang rình bắt con gà, con chim nhỏ khác. Và chính những con gà, con chim nhỏ kia lại cũng đang săn tìm những con côn trùng nhỏ mà lưỡi cày đã đào bới lên. Sự sống trên cái chết, cảnh tượng ấy phơi bày ra trước mắt mọi người, nhưng chỉ có một mình Ngài nhận thấy và đau xót, vì Ngài đã hòa mình vào nỗi đau khổ của chúng sanh, đã chan hòa tình thương của mình trong vạn vật như nước đại dương mà mỗi làn sóng vang dội đến tận đáy lòng mình. Đó là lý do chính thúc đẩy Ngài đi tìm đạo sau này. Trước khi rời cung điện để ra đi tìm đạo, thái tử Tất Đạt Đa đã nói với lòng mình: “Ta không muốn là một kẻ chinh chiến tắm bánh xe trong máu đào của muôn bãi chiến, để rồi lưu lại cho hậu thế một kỷ niệm gớm ghê. Tiếng kêu đau thương của thế giới xé rách màng tai, lòng từ bi của Ta chỉ muốn xóa bỏ cảnh khổ đau của nhân loại. Hỡi nhân loại đang quằn quại trong đau thương, hỡi cõi đời sầu khổ, vì các người mà Ta đành bỏ tuổi măng tơ, bỏ ngôi báu, bỏ những ngày vàng và đêm ngọc. Gỡ cánh tay bám víu của người vợ hiền, cắt ngang tình yêu của phụ vương và xa lánh đứa con đang nằm trong bụng mẹ”. Và Ngài đã nói với người giữ ngựa Xa-nặc: “Người à, sẽ là một thứ tình yêu ích kỷ nếu Ta chỉ ở bên cạnh những người thân để hưởng những lạc thú hạn hẹp. Ta muốn đừng bịn rịn với Tổ quốc nhỏ hẹp này để yêu thương vũ trụ rộng lớn”. Sau năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh nhưng Ngài vẫn chưa tìm được chân lý giải thoát. Cuối cùng, Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh ép xác để về lối tu trung đạo. Việc tu giống như dây đàn, căng quá thì đứt, chùng quá thì âm thanh phát ra không bổng không hay. Trong lúc ấy, Ngài đã tiếp nhận một bát sữa của nàng Sujata. Sau đó, sức khỏe đã được hồi phục nên Ngài đi xuống sông Ni Liên Thiền để tắm. Và tiếp đó, Ngài đã đến cội cây Tất Bát La (cây Bồ-đề) ngồi thiền suốt 49 ngày. Đến rạng sáng ngày thứ 49 thì Ngài đã chứng quả vị Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Qua đó cho ta thấy, đâu phải Ngài chán ngán cõi đời mà đi tu như nhiều người thường nghĩ. Đạo của Ngài là đạo cho đời, đạo của tình thương. Đại nguyện của Ngài là cứu toàn thể chúng sanh thoát vòng đau khổ. Lịch sử của đức Phật Thích-ca là lịch sử của lòng từ bi và trí tuệ, đã tiếp diễn một cách dũng mãnh không một giây thối chuyển. Những giáo lý của Ngài tồn tại cho đến phút cuối cùng khi Ngài nhập Niết-bàn, và những lời dạy ấy vẫn còn lưu truyền mãi đến ngày nay. Do đó, chúng ta thường hay gọi Ngài bằng những danh từ Giác Ngộ, đấng Đại từ Đại bi. Đồng thời, theo lịch sử truyền bá Phật giáo đến bây giờ, Phật lịch là 2564 năm, chúng ta sẽ thấy một điểm sáng chói lòa là mặc dù Phật giáo được lan truyền khắp thế giới, qua bao nhiêu dân tộc, tập quán, phong tục, tôn giáo khác nhau, thế mà vẫn không gây một sự đổ vỡ nào và không đổ một giọt máu của ai.

Cái kết rất tốt đẹp ấy một phần ở giáo lý dung thông của đạo Phật, một phần do tôn trọng sự sống và lòng từ bi, yêu chuộng hòa bình, nên chủ trương bất bạo động của đạo Phật đã được Liên Hiệp Quốc chọn Phật giáo là đạo của hòa bình thế giới. Đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam còn ghi mãi những tên tuổi như Khuông Việt pháp sư, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh thiền sư, vua Trần Nhân Tông. Hay gần đây nhất vì để bảo vệ Phật giáo được trường tồn trước sự đàn áp của chế độ Ngô Đình Diệm, nên ngài Thích Quảng Đức đã rưới xăng tự thiêu mình và đã để lại một trái tim bất diệt. Đó là một trang sử đầy sự cao cả của các bậc tiền nhân đi trước. Chính vì vậy, mà ông Albert Schweitzer, nhà Ấn Độ học tài ba và nổi danh người Đức, đã khẳng định đức Phật đã sáng tạo ra một nền đạo đức nội tâm hoàn thiện nhất. Và trong lĩnh vực này, đức Phật đã nói lên những chân lý đạo đức không phải của đất nước Ấn Độ mà là của nhân loại. Đức Phật là một trong những nhà đạo đức học vĩ đại nhất, kỳ tài nhất mà thế giới có được. Và đặc sắc của đạo Phật là sự thực tiễn trong cuộc sống qua cách ứng xử, qua mỗi hành động, lời nói, ý nghĩ luôn hòa nhã, hướng đến sự thanh tịnh và nằm trong khuôn mẫu đạo đức. Chính vì thế, chúng ta phải làm sao lan rộng ra cho mọi người để có được sự lợi ích. Nên dù cho đức Phật đã nhập diệt, những lời dạy của Ngài chỉ còn lại trong tam tạng kinh điển, và hàng xuất gia chúng tôi đang cố gắng làm tốt nhiệm vụ đưa đạo vào đời. Cũng từ đó, tôi luôn sống và thực hành theo lời dạy của đức Phật.

“Tìm Phật trên cao chẳng gặp đâu

Phật không là đấng để van cầu

Tìm mình tỉnh thức mình là Phật

Phật ở lòng ta chẳng ở xa”.

Nên trong cuốn Khuyên Phát Bồ-đề Tâm Văn của đại sư Thật Hiền có dạy rằng: “Thế nào là nhớ ơn nặng của đức Phật? Đức Phật Thích-ca Như Lai của ta lúc mới phát tâm, đã vì chúng ta tu Bồ-tát đạo, trải qua vô lượng kiếp chịu đủ các thứ khổ cực. Khi ta tạo nghiệp, đức Phật xót thương, phương tiện giáo hóa, mà ta ngu si, không chịu tin theo. Ta đọa địa ngục, Phật càng thương xót, muốn thay ta chịu lấy khổ sở. Nhưng vì nghiệp ta quá nặng không thể cứu vớt. Ta sinh làm người, Phật dùng phương tiện khiến cho ta gieo trồng căn lành. Đời đời kiếp kiếp Phật luôn theo ta, lòng không tạm bỏ chốc lát. Khi Phật xuất thế ta còn trầm luân, nay được thân người Phật đã diệt độ. Tội lỗi gì mà sinh vào đời mạt pháp? Phước đức nào lại được dự vào hàng ngũ xuất gia? Nghiệp chướng gì mà không thấy được thân vàng của Phật? May mắn nào lại được cung nghinh Xá-lợi của Ngài? Suy nghĩ như vậy mới thấy, nếu trong đời quá khứ không gieo trồng căn lành, thì làm sao được nghe Phật pháp? Không nghe Phật pháp thì làm sao được biết thường thọ ân đức của Phật? Ân đức này núi non cũng khó sánh bằng. Nếu không phát tâm quảng đại, hành Bồ-tát đạo, xây dựng hộ trì Phật pháp, cứu độ chúng sanh thì dù cho tan xương nát thịt cũng không thể đền đáp được”.

Qua đó, cho mọi người thấy được một phần nào là một người xuất gia đúng nghĩa, thì sẽ đem lại hạnh phúc không chỉ cho tự thân, mà còn đem lại hạnh phúc cho số đông. Bao năm qua, tôi đã sống bằng cả một trái tim, sự nhiệt huyết của một người tu sĩ trẻ. Từ một tâm nhỏ hẹp với tình thương vị kỷ thì giờ này, tôi biết mở lòng trải rộng tình thương cho nhiều người, lan tỏa tâm từ và quyết lòng tu tập theo những giáo lý của đức Phật. Từ một người sống trong bóng tối vô minh, tôi đã biết chuyển hóa, quy y theo con đường cao cả của Phật, và trở thành một người tu sĩ trẻ với những quyết tâm tu học. Từ đó, giúp cho nhiều người tìm được sự an lạc, bình yên trong cuộc sống.

“Mai nhé ngày mai ta lại đến

Trường đời gói gọn túi hành trang

Cùng nhau vui bước đời tăng lữ

Gieo rắc tình thương khắp nhân gian”.

loading...