Sách Phật giáo
Phẩm chất đạo đức của nhà lãnh đạo Phật giáo
Thứ bảy, 16/10/2013 09:01
Phật giáo được xem như một tổ chức, một thành viên trong hàng ngàn tổ chức và thành viên của một xã hội. Bởi vậy, Phật giáo ít nhiều phải có trách nhiệm trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước ngày nay.
-
Đoàn lãnh đạo Văn phòng Nhân quyền Chính phủ thăm và chúc mừng GHPGVN
-
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp thân mật Đoàn đại biểu cấp cao lãnh đạo TW GHPGVN
Tác giả bài khảo cứu này là một Tỳ-kheo Tăng sinh trẻ đang trong giai đoạn học tu dưới sự chỉ bảo của chư Tôn đức. Tác giả không phải là Trụ trì, Trưởng ban quản chúng, Thư ký hay một chức vụ, Giáo phẩm nào. Không nhân danh gì để đem vấn đề này ra bàn thảo. Nhưng cũng không vì chưa phải là trụ trì, chưa giữ các chức vụ quan trọng trong các ban ngành Phật giáo mà sinh viên không thể suy nghĩ và trình bày những vấn đề mà đề tài vốn chỉ cần tư duy, quan sát và một phần nào đã ứng dụng.
Rất mong chư Tôn đức và độc giả hoan hỷ bổ chính cho những thiếu sót của Tăng sinh để cùng hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa những tiêu chuẩn đạo đức của một nhà lãnh đạo Phật giáo mà trong bối cảnh xã hội ngày nay đang rất cần, đó cũng là cách góp phần xương minh Phật pháp.
Rất mong chư Tôn đức và độc giả hoan hỷ bổ chính cho những thiếu sót của Tăng sinh để cùng hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa những tiêu chuẩn đạo đức của một nhà lãnh đạo Phật giáo mà trong bối cảnh xã hội ngày nay đang rất cần, đó cũng là cách góp phần xương minh Phật pháp.
Ảnh minh họa |
I. DẪN NHẬP
Nếu xã hội được xem như một cơ thể sống thì con người và các thành phần trong xã hội ấy là các tế bào tạo nên các bộ phận trong cơ thể. Từ đấy sự hư hỏng của một cá nhân, sự sụp đổ của một tổ chức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu xã hội nói chung. Do đó, ổn định một tổ chức để đưa xã hội đi lên là vấn đề cần thiết, nhất là trong xã hội ngày nay, xã hội của khoa học không ngừng phát triển về mọi mặt. Cần có nhiều yếu tố để có một tổ chức ổn định, trong đó, sự đóng góp của công tác lãnh đạo có vai trò không nhỏ.
Phật giáo được xem như một tổ chức, một thành viên trong hàng ngàn tổ chức và thành viên của một xã hội. Bởi vậy, Phật giáo ít nhiều phải có trách nhiệm trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước ngày nay. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi phải xây dựng một đội ngũ lãnh đạo Phật giáo mới, đội ngũ vừa hoàn thiện về mặt đạo đức vừa hoàn bị về mặt kiến thức để thích ứng với con người và xã hội hôm nay.
Trải qua hơn 20 thế kỷ, Phật giáo đã tồn tại và phát triển trên mảnh đất Việt Nam, bằng chính hơi thở của hơi thở Việt Nam, bằng trái tim của trái tim Việt Nam và bằng tâm hồn của tâm hồn Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng Phật giáo tồn tại vì con người chứ không phải vì Phật giáo. Mà nói đến con người là nói đến một cá thể có đầy đủ tâm sinh vật lý đang tồn tại trong một điều kiện và môi trường nhất định. Điều này có nghĩa là con người trong thời kỳ nguyên thủy không phải là con người trong thời đại phong kiến, lại càng không phải là con người trong xã hội ngày nay. Do đó các nhà lãnh đạo Phật giáo phải hiểu cuộc đời hôm nay với những nhu cầu về trí tuệ, tình cảm và điều kiện sinh hoạt của con người trong xã hội để công tác lãnh đạo có hiệu năng hơn.
Luật tạng đã quy định năm tiêu chuẩn cho một nhà lãnh đạo Phật giáo,[1] bao gồm:
1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.
2. Phải biết rõ các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng của giới luật.
3. Kiến thức phải rộng rãi.
4. Có đủ khả năng giải quyết những tâm tư, khúc mắc của đệ tử.
5. Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử.
Như thế, vấn đề đạo đức hay phẩm chất của một nhà lãnh đạo Phật giáo thật ra đã được xác định từ rất sớm, nhưng mang tính khái quát. Với con người và xã hội hôm nay, ta thử lắng nghe thế hệ trẻ đang mơ ước những gì về người lãnh đạo.
II. MỘT SỐ PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC NƠI NHÀ LÃNH ĐẠO PHẬT GIÁO
1. Hiểu biết và xử lý thông tin tốt
Nhà lãnh đạo giỏi cần có khả năng hiểu biết nhanh, tiếp thu lẹ. “Hiểu biết” có nghĩa là hiểu đúng, vì có người nói hiểu nhưng lại hiểu sai. Hiểu sai thì không thể gọi là “có khả năng hiểu biết”. Tiếp thu lẹ cũng phải được hiểu ở hai mặt: tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin. Có người am hiểu thông tin rất nhanh nhưng lại lúng túng khi ứng dụng các thông tin ấy trong cư xử. Do vậy, một nhà lãnh đạo Phật giáo tốt phải là những người phải có đầy đủ các khả năng trên.
2. Hiểu biết tâm tư nguyện vọng của người khác
Chúng ta chỉ nói về bản chất của một con người khi ta đã xem xét con người ấy một cách toàn diện trong những hoàn cảnh cụ thể chứ không chỉ xem xét những đặc trưng riêng lẻ như sự hiểu biết, quan điểm, kỹ năng hoặc cá tính. Bởi lẽ mỗi con người đều có tất cả những đặc tính đó ở những mức độ khác nhau. Hơn nữa, những đặc tính đó tác động qua lại lẫn nhau, và tính trội của chúng trong mỗi hoàn cảnh cụ thể thay đổi nhanh đến mức ta không đoán trước được. Từ đó, chúng ta thấy nhân cách con người được thể hiện trong các môi trường sinh hoạt khác nhau như gia đình, hàng xóm, trường học, hay các đoàn thể... Như thế để hiểu được một con người, chúng ta chỉ còn cách là đặt con người đó trong môi trường xã hội mà họ đã sinh ra, trưởng thành và đang sinh sống. Thế thì một nhà lãnh đạo, không phân biệt ở lãnh vực nào, muốn thành công phải hiểu mọi đối tượng mà chúng ta giao tiếp.
3. Giới luật tinh nghiêm
Giới học là một trong ba môn học của Giới – Định – Tuệ. Giới thường được hiểu như là sự ngăn ngừa điều quấy, chấm dứt điều ác. Vì thế hướng đi của giới là đem lại lợi ích cho mình và người, giúp người tu tập thấy nhẹ nhàng thân tâm, an lạc trong từng bước đi, hơi thở. Từ đấy giới biểu hiện một nếp sống văn minh, lịch nhã phù hợp với nền văn hóa và văn minh của loài người. Như thế, một tu sĩ Phật giáo nghiêm trì giới luật là tự thiết lập cho mình một phong thái điềm tĩnh, thanh thoát, là tự tạo cho mình một niềm hạnh phúc thật sự. Các đặc tính này rất cần thiết cho một nhà lãnh đạo. Và đây chính là cơ sở của niềm tin, sự kính trọng và sự phục tùng từ người khác.
4. Am hiểu Kinh – Luật – Luận
Kho tàng kinh điển Phật giáo được gói gọn trong ba tạng Kinh – Luật – Luận. Bởi thế, người được xem là uyên thâm Phật học tất phải thông suốt ba lĩnh vực này. Đây là nền tảng để người lãnh đạo có kiến thức sâu rộng trong nhiều lãnh vực. Từ sự hiểu biết này, người lãnh đạo rút ra một “phương thức” hành động thích hợp cho Phật giáo ngày nay.
5. Tự tín
Trong Phật giáo, niềm tin được xem như điều kiện không thể thiếu trong quá trình dẫn đến giác ngộ. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng:
Tín vi vô lượng công đức mẫu
Tín năng thành tựu Phật Bồ Đề
Tín năng trưởng dưỡng công đức hải
Tín năng siêu xuất sanh tử khổ.
Nghĩa là:
Lòng tin là mẹ của vô lượng công đức
Lòng tin có thể thành tựu Phật Bồ Đề
Lòng tin có thể nuôi lớn biển công đức
Lòng tin có thể vượt qua khỏi khổ sanh tử.
Ở phương diện lãnh đạo cũng thế, chữ “tín” mang một ý nghĩa rất quan trọng, nhất là “tự tín”. Tự tín là tin vào chính mình, tin ở mục đích, đường lối mình hướng đến là đúng, và tin ở khả năng mình chắc chắn sẽ thực hiện được điều mình cần làm. Có niềm tin vững chắc như thế ta mới đứng vững trước cơn lốc khen chê, mới không bị chao đảo trước làn sóng dư luận và vượt qua mọi chướng ngại để đi đến thành công. Người lãnh đạo mà thiếu tự tin và thiếu lập trường thì rất khó thực hiện chức năng, vai trò của mình. Cho nên “tự tin” là phẩm chất đạo đức không thể thiếu nơi một nhà lãnh đạo Phật giáo.
Trong Kinh Tương Ưng I, Đức Phật dạy cho Dạ-xoa Alavaka rằng:
Này Hiền giả:“Lòng tin đối với người, là tài sản tối thượng. Chánh pháp khéo hành trì, đem lại chơn an lạc. Chân lý giữa các vị, là vị ngọt tối thượng. Phải sống với trí tuệ, được gọi là sống tối thượng”.[2]
6. Chịu đựng sự căng thẳng
“Chịu đựng sự căng thẳng” thật sự có cần thiết đối với một nhà lãnh đạo Phật giáo hay không? Vì tất cả pháp là huyễn hóa, là hư vọng kia mà! Ở đây, chúng ta chỉ áp dụng cho đối tượng “rất người” mà thôi, còn các bậc “xuất trần thượng sĩ” thì không bàn. Cổ đức có câu:
“Vị trước ca sa hiềm đa sự
Trước dĩ ca sa sự cánh đa”
(Ca sa chưa mặc than nhiều việc
Mặc được ca sa việc lại nhiều!)
Thật vậy, người lãnh đạo Phật giáo là người “làm dâu trăm họ”. Nếu thiếu đi sự nhẫn nại thì thất bại ngay. Trong cuộc sống, những việc vừa lòng thì ít mà nghịch ý thì nhiều, đôi lúc công việc đến dồn dập nếu mình không có sức chịu đựng thì làm sao lãnh đạo? Đương đầu với các tình huống phức tạp như vậy, người lãnh đạo có khả năng chịu đựng càng cao thì công việc dễ thành; bằng ngược lại, dễ nổi nóng, gương mặt lúc nào cũng cau có thì gây cảm tình với người khác còn khó, nói chi đến lãnh đạo họ?
7. Dân chủ nhưng quyết đoán, hòa đồng nhưng không nhu nhược
Dân chủ là một phương pháp rất được nhiều người áp dụng, vì nó khai thác được nhiều sáng kiến kinh nghiệm của những người dưới quyền, của tập thể. Mặt khác, nó còn tạo ra được sự thỏa mãn lớn cho người dưới quyền. Bởi lẽ họ có cảm giác như mình thực hiện những công việc do chính mình đề ra. Tuy nhiên người lãnh đạo không nên ỷ lại tập thể, mà phải có lập trường và hướng đi đã được chính bản thân mình hay tập thể vạch ra. Nếu người lãnh đạo mà theo đuôi đám đông để giải quyết mọi công việc thì còn gì là lãnh đạo? Nói thế như có vẻ mâu thuẫn với chủ nghĩa dân chủ, nhưng kỳ thật người lãnh đạo tốt phải là người có khả năng tiếp nhận, phân tích và tổng hợp mọi dữ kiện để mở ra một lối đi được xem như là phù hợp và đúng nhất cho một tập thể.
8. Rộng lượng và tha thứ
Trong tập thể, nội quy có chức năng đảm bảo tính trật tự và kỷ luật chung cho mọi người và giúp tập thể đi ra khỏi rối loạn. Vì vậy, nội quy là sản phẩm tạo ra từ những rối loạn, mất trật tự của cá nhân và tập thể. Chính vì thế mà tính chất của nó không mang tính cố định. Ấy vậy, khi con người không hiểu biết sâu sắc về tính chất này đã biến nó thành một cái “ách”, cái “khuôn” hơn là một công cụ để bảo vệ an toàn và hạnh phúc cho cá nhân và tập thể. Nói thế có nghĩa là người lãnh đạo phải sử dụng nội quy đúng chỗ, phải biết mở ra một lối thoát cho người dưới quyền khi họ vi phạm.
9. Lắng nghe sự đóng góp của người khác
Người xưa nói: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Khi ở trong cuộc, ta dễ bị tâm sinh lý kích động, dễ bị chi phối bởi việc công hay việc tư nên ta không còn đủ sáng suốt làm việc. Do đó, ta rất cần nhận được sự đóng góp của người khác. Tuy nhiên, ít có người lãnh đạo muốn người dưới quyền xen vào quyết định của họ, mà chỉ muốn người dưới quyền tuân phục và khen ngợi mình. Người lãnh đạo Phật giáo là người phải có khả năng lắng nghe, nghe để hiểu những tâm tư và nguyện vọng của người khác, nghe để chỉnh lại những sai lầm mình đã vấp phải và phòng ngừa những sai lầm mình có thể vấp phải. Được như thế, việc lãnh đạo và mục đích của tập thể mới bảo đảm tốt được.
10. Bình đẳng với mọi đối tượng
Sau khi vẹt được bức màn vô minh, khơi sáng ngọn đèn trí tuệ, Đức Thế Tôn tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật.” Từ đấy, Ngài đi đến kết luận rằng: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn”. Như thế đạo Phật không chỉ bình đẳng về mặt trí tuệ mà còn bình đẳng về mọi phương diện khác nữa. Trên cơ sở này, đặt lại vấn đề bình đẳng cho một nhà lãnh đạo Phật giáo trong thời đại này có ý nghĩa rất lớn.
11. Thẳng thắn, cương trực trong cư xử
Phải chăng người lãnh đạo lúc nào cũng cần đến thẳng thắn và cương trực? Thẳng thắn là không quanh co, cương trực là dám nói thẳng ý kiến của mình theo lẽ phải trong bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, không một người lãnh đạo nào muốn để lại ấn tượng bất hảo trong lòng người khác. Muốn bảo vệ chân lý và được mọi người hoan hỷ chấp nhận là cả một nghệ thuật của người lãnh đạo. Thế nên, người lãnh đạo cần phải có một thái độ thận trọng và nhã nhặn trong lúc cư xử mang lại niềm vui và lợi ích cho mọi người. Cố nhiên, nó khác với không nói thẳng vì bị sức ép từ quyền lực của người khác, vì tư lợi cá nhân khống chế… Do đó, vấn đề là ở chỗ “tiến” và “thoái” đúng lúc.
12. Khiêm tốn
Khiêm tốn được thể hiện trong cách nhìn và thái độ đúng mức khi đánh giá tự thân. Khiêm tốn nghĩa là không tự cao, tự phụ. Người lãnh đạo Phật giáo cần có cái nhìn khách quan về tài năng và đạo đức của mình. Chính cái nhìn này sẽ mở lối cho người lãnh đạo vươn tới; bằng ngược lại, với vẻ mặt vênh váo, với thái độ kênh kiệu, người ấy không chỉ tạo ra một mẫu người khó nhìn, mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong cuộc sống.
13. Đặt việc chung lên hàng đầu
Người xuất gia là kẻ “hủy hình thủ khí tiết, cát ái từ sở thân”, nghĩa là xả bỏ thân hình giữ khí tiết, cắt ái nhiễm giã từ người thân. Đó là lý tưởng mà chúng ta đang vươn tới. Thế nhưng trong quá trình thực hành, chúng ta có thật sự “hủy hình thủ khí tiết, cát ái từ sở thân” chưa, hay chỉ là việc “bỏ cái này vớ lấy cái kia”? Là linh hồn của một tổ chức của những người xuất gia, người lãnh đạo Phật giáo phải nhìn lại chí hướng, việc làm và mục đích của mình để giảm bớt và dần dần loại bỏ những lợi ích riêng tư nếu có. Được như thế chúng ta mới vượt thoát được gông cùm của cái tư, để dùng tất cả thời gian và tâm trí vào việc chung, việc mà chúng ta gọi là “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”!
14. Hy sinh vì mục đích chung
Mục đích chung ở đây là lý tưởng, là mục tiêu tập thể đang hướng đến. Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng “thuận buồm xuôi gió,” mà có lúc phải đối đầu với nhiều gian nan, trở ngại. Trong mọi tổ chức, lãnh đạo là người “đứng mũi chịu sào”. Do đó, nếu phải hy sinh thì lãnh đạo là người hy sinh trước nhất. Hy sinh ở đây không hẳn là tính mạng, mà tất cả những gì thuộc về quyền lợi cá nhân để có thể bảo toàn mục đích và lợi ích chung cho tập thể. Xét cho cùng, muốn trở thành một nhà lãnh đạo Phật giáo đúng nghĩa ắt hẳn trước hết phải có lòng hy sinh. Có thể nói lòng hy sinh là điểm tựa cho niềm tin của tập thể đối với người lãnh đạo, là một trong những yếu tố quyết định để trở thành người lãnh đạo trong trái tim của quần chúng.
15. Điềm đạm
Điềm đạm là phong thái ung dung, nhàn nhã. Nó không phải là hình thức khô cứng do khổ luyện có được, mà là thành phẩm được làm ra từ một tâm hồn thanh thản. Điềm đạm là một phẩm chất rất quan trọng và đặc trưng của một nhà lãnh đạo Phật giáo. Nếu ta đã hơn một lần tiếp cận với bậc lãnh đạo Phật giáo chân chính, dẫu vị ấy chưa nói gì và làm gì cho ta, chỉ với gương mặt phúc hậu, hiền từ toát ra từ một tâm hồn an tịnh, vị ấy cũng đủ làm cho ta thoải mái; bằng ngược lại, với vẻ mặt dữ tợn, lúc nào cũng tỏ ra lo lắng, gắt gỏng, nóng nảy, bực bội thì khó gần gũi. Do vậy, nhà lãnh đạo Phật giáo ít nhiều phải có an lạc bên trong và sự điềm tĩnh bên ngoài để cảm hóa người khác.
16. Không lợi dụng quyền lực
Một cách chung nhất, quyền lực là năng lực của chủ thể phối hợp với quyền hạn mang tính pháp quy của người đang giữ vai trò đó nhằm ảnh hưởng, tác động tới đối tượng. Quyền lực tạo ảnh hưởng tốt gọi là quyền lực hợp pháp, ảnh hưởng xấu gọi là bá quyền. Mặt khác, quyền lực sử dụng không đúng lúc, đúng nơi, đúng người cũng gọi là lạm quyền. Trong quá trình gây ảnh hưởng, tác động đến người khác, người lãnh đạo Phật giáo không nhất thiết phải sử dụng đến quyền lực, vì đó là phương pháp kém hiệu quả nhất trong các phương pháp quản lý con người. Phương pháp hay nhất trong việc cảm hóa người khác của nhà lãnh đạo Phật giáo là tình thương và sự quan tâm. Điều này nhẹ nhàng nhưng ảnh hưởng rất mạnh mẽ, khơi dậy ý thức tự giác trong chúng. Sự “ảnh hưởng” hay mối “quan hệ” này mang tính truyền thống được khai nguồn từ Đức Phật.
17. Sẵn lòng nhận trách nhiệm
Trong cuộc sống, thất bại và thành công là cặp phạm trù song song tồn tại. Do đó, vấn đề là biết nhìn thẳng và đứng lên trong những lần thất bại chứ không phải sợ hãi thất bại. Vì tất cả đều có giá trị riêng của nó. Có câu rằng:
“Mỗi lần vấp là mỗi lần bớt dại
Tuy hơi đau nhưng có hại chi đâu
Mỗi lần vấp là mỗi lần từng trải
Hiểu đời thêm và để hiểu mình thêm”
Tuy thế, xưa nay mấy ai dám nhận sai lầm về mình khi mình vi phạm, nhất là người có địa vị? Thật dễ hiểu, danh vọng càng cao, địa vị càng lớn thì “ông thần” tự ái theo đó lớn lên dần. Bắt nạt người khác, trách mắng người khác thì dễ nhưng trở lại trách chính mình thì rất khó. Bởi vậy Đức Phật dạy: “Thắng trăm ngàn kẻ địch ngoài sa trường thì dễ, chiến thắng bản thân mình thì khó”. Do đó, để bảo vệ “tự ngã”, người ta không ngại đổ lỗi, chạy trốn trách nhiệm của mình. Nhưng đấy là việc làm có lẽ thất bại nhất của một nhà lãnh đạo, vì người dưới quyền sẽ nghĩ gì khi hiểu ra điều đó?
Người lãnh đạo mà dám nhận sai lầm về mình khi vấp phải, không những giá trị không bị giảm, mà hành động can đảm đó là bài pháp không lời có sức thuyết phục rất lớn đối với những người dưới quyền. Đây là đạo đức rất quan trọng đối với một nhà lãnh đạo Phật giáo.
III. KẾT LUẬN
Ngót 20 thế kỷ qua, Phật giáo tồn tại trên mảnh đất Việt Nam là nhờ vào tinh thần uyển chuyển, biết hòa mình vào dòng chảy của dân tộc. Trong quá trình phát triển, giáo dục Phật giáo đã từng bước được các bậc tiền bối xây dựng và củng cố có hệ thống, có truyền thừa một cách cụ thể. Từ ngày thành lập Giáo hội đến nay, chư Tôn đức đã nỗ lực mở rộng phạm vi và môi trường đào tạo. Mỗi tỉnh thành đều có trường Sơ cấp hoặc Trung cấp, Trung ương Giáo hội có Học viện. Ở cấp độ nào, tổ chức Phật giáo cũng cần những nhà lãnh đạo có phẩm chất nêu trên.
Với xã hội ngày nay, đào tạo con người xã hội cho nhân sự Phật giáo là rất cần thiết. Dòng văn hóa nào muốn tồn tại và phát triển cùng nhân loại thì cũng cần phải thực hiện một cuộc thoát xác, trút bỏ gông cùm hình thức để tự biến thành trẻ trung hùng mạnh, tạo dựng được một sức sống mới có gốc rễ, bắt bén được vào tâm hồn và hoài vọng của những con người đại diện cho xã hội mới.
Đứng trước xu thế phát triển của xã hội và nhân sinh, nếu vì một lý do nào đó, các nhà lãnh đạo Phật giáo không tự nỗ lực hoàn thiện những phẩm chất và năng lực chính mình mà còn để cho mình bị mai một, tụt hậu thì đây quả là một bất hạnh cho Phật pháp và chúng sanh.
Bài tiểu luận này được viết ra từ ý thức và nguyện vọng của một Tăng sinh trẻ. Vẫn biết đây chưa phải là tiêu chuẩn tối ưu cho mục tiêu đào tạo các nhà lãnh đạo Phật giáo, nhưng thiết nghĩ đây là một góp nhặt tri thức căn bản cần thiết cho một nội dung giáo dục đương đại.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn Hữu Lam, Nghệ thuật lãnh đạo, Hà Nội, NXB Giáo Dục, 1997.
2. Vũ Văn Dương – Trần Thuận Hải, Nghệ thuật lãnh đạo – quản trị, Đồng Nai, NXB Đồng Nai, 1995.
3. Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, TP. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1997.
4. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua Kinh tạng Pali, TP. Hồ Chí Minh, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1999.
[1] HT. Trí Thủ, Luật Tỳ Kheo – Yết-ma yếu chỉ (tập 1), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.
[2] Kinh Tương Ưng I, Chương 10, phần Àlavi, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1993, tr. 471.
Tác giả: TK.Minh Khai/Nguồn: Daophatkhatsi.vn
Link gốc: http:/daophatkhatsi.vn/
TIN, BÀI LIÊN QUAN