Góc nhìn Phật tử
Phật giáo và sự hòa hợp các tôn giáo
Thứ bảy, 27/11/2019 06:00
Các nguyên lý tôn giáo đều có mục đích phục vụ con người. Nếu có nhóm cá biệt nào của nhân loại mà không áp dụng các đức tính cao quý được dạy bởi tôn giáo như là từ bi, kiên nhẫn, khoan dung và hiểu biết thì sẽ khó cho những người khác chung sống hòa bình.
Chất liệu từ bi và bình đẳng rất cần thiết cho con người. Thiếu tình thương con người sẽ trở nên khô cằn, héo úa, sự sống cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người sống có tính độc lập cá biệt, không thích sự hòa hợp hòa giải, ưa hận thù chiến tranh. Nhưng khổ nỗi các việc làm đó ảnh hưởng đến đời sống rất nhiều người, nhất là đụng đến vấn đề tôn giáo.
Những người tu tập theo tôn giáo chân chính không có lý do nào để đấu tranh, mà luôn thể hiện trong tính cách hòa bình. Một tôn giáo chân chính không bao giờ khuyến khích các hình thức bạo động dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng thời không có sự phân biệt chủng tộc khi người ta thực hành phương pháp tu tập. Người Phật tử có thể sống và làm việc với những người khác đạo mà không có bất kỳ thái độ thù địch nào. Người Phật tử không bao giờ có máu đổ trong sự phân biệt khác nhau giữa họ với những tôn giáo khác vì lợi ích của tôn giáo.
Quan điểm này đã được đức Phật tuyên bố, hay nói cách khác là rống tiếng rống sư tử oai hùng khi Ngài còn tại thế: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ”. Người xấu xa tội lỗi, dầu ở đẳng cấp nào cũng phải tái sanh vào cảnh khổ, còn người hiền lương đạo đức thì sẽ sanh vào nhàn cảnh. Người đã gây tội ác thì bất luận ở đẳng cấp nào cũng phải chịu hình phạt. Và ngài nhấn mạnh khi xuất gia nhập chúng thì mọi người đều kính nể tôn trọng bằng nhau, không có bất luận sự phân biệt nào.
Các tôn giáo khác nhau có thể có những niềm tin và những quan điểm khác nhau đối với sự khởi đầu và chấm dứt của sự sống, cũng như sự diễn giải khác nhau về lý tưởng giải thóat tối thượng và con đường tu tập thực nghiệm tâm linh. Nhưng chúng ta không nên bận tâm đối với những vấn đề không đồng nhất tạo ra sự xung đột, mâu thuẫn, hiểu lầm, hận thù và đấu tranh. Có nhiều đức tính chung đủ để các nhà tôn giáo trình bày lý thuyết và thực tập, để con người có thể sống đời sống chân chính, an lạc và có văn hóa.
Phật giáo khuyến khích sự hợp tác và hiểu biết trong các tôn giáo khác. Chúng ta có thể ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề. Từ quan điểm này của Phật giáo, nhãn hiệu tôn giáo không phải là điều quan trọng nhất đối với người được xem là tôn giáo. Nhưng, một người hướng dẫn đời sống tâm linh thánh thiện, vô hại có thể được xem như là tôn giáo.
Những người vạch lỗi và chỉ trích Phật giáo chỉ có thể làm được điều đó ở mức độ cạn cợt. Họ có thể chỉ trích các pháp môn tu tập truyền thống, các cách thức và lễ nghi nhưng không thể chỉ trích nguyên lý đã được Đức Phật thiết lập. Vì những nguyên lý này là hoàn thiện ở mọi thời. Mọi người có thể tu tập được những nguyên lý này nếu họ muốn.
Theo Đức Phật, con người do tính tự ngã mạnh mẽ nên phân biệt có sai khác. Khi điều này lắng dịu thì mối quan hệ lành mạnh giữa những con người với nhau sẽ phát triển. Hay nói cách khác con người phải tự mình làm rơi rụng bớt chút ít tự ngã của mình thì vấn đề sẻ dễ chịu hơn nhiều. Bởi vì chính tự ngã của mỗi người nó sẻ đụng độ nhau làm cho sân hận nỗi lên. Mỗi người ai cũng bảo vệ cái tôi của mình thì khó mà có sự hòa hợp, hòa giải. Tìm cầu cách sống hòa bình, an lạc phải bắt đầu từ bên trong buông xã những thủ chấp này chứ không phải bên ngoài mà được. Nếu các nhà tôn giáo ngày nay không thể cùng nhau làm việc trong sự hòa hợp, bình đẳng không có sự phân biệt hoặc thái độ thù nghịch đối với người khác thì hòa bình mà chúng ta nói đến sẽ chỉ là trong giấc mơ mà thôi.
Khi những nhà tôn giáo chân chính, thật lòng nối vòng tay lớn, hợp nhất những nỗ lực lại với nhau thì sẽ loại trừ được tất cả những tranh luận, phân biệt giáo lý sai khác, và sẽ cố gắng phổ biến những giá trị tâm linh của những tôn giáo khả kính vì sự an lạc và hạnh phúc cho con người, mà không phân biệt tín ngưỡng hoặc chủng tộc nào. Chúng ta cũng nên nhớ rằng tôn giáo hiện hữu vì lợi ích của nhân loại và như vậy không nên lạm dụng một cách quá mức trong bất cứ cách nào chỉ vì cho lợi ích và vinh quang của cá nhân.