Quốc tế
Pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất nước Lào
Thứ năm, 03/10/2022 09:34
Trong một lần xâm chiếm Viêng Chăn (Lào), quân Xiêm đã cướp các pho tượng đồng của thành phố này để đưa về nước. Tuy nhiên, trước pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất Lào – Tượng Phật Ông Tự (chùa Ông Tự), do quá nặng không thể khiêng được, họ đành phải bỏ lại.
Tượng Phật Ông Tự là pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất ở Lào hiện nay. Pho tượng phật miêu tả Đức Phật trong tư thế ngồi thiền định, có chiều cao 5,8m, rộng 3,4m. Vì tượng Phật quá lớn, cho đến nay, người Lào cũng không xác định được phải đúc bằng bao nhiêu tấn đồng.
Theo dã sử Lào, vào thế kỷ XVI, khi Viêng Chăn trở thành thủ đô của vương quốc, cũng trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất nước đương thời thì nhân dân Viêng Chăn đã đúc 4 pho tượng Phật bằng đồng: tượng Phật Ông Tự, tượng Phật Phạ Xúc, tượng Phật Phạ Xảy và Phạ Xổm.
Thế kỷ XVIII, Lào chiến tranh với Xiêm, quân Xiêm đã đưa ba pho tượng kia về nước bằng đường thủy. Tượng Phật Phạ Xúc trên đường đi bị đắm thuyền trên sông Mekong và đến nay vẫn chưa xác định được pho tượng ở đoạn sông nào.
Tượng Phật Phạ Xảy hiện đặt ở chùa Phô Xay Noỏng Khai (Thái Lan). Tượng Phật Phạ Xổm ở chùa Pạ Thum Vạnalam Bangkok (Thái Lan). Còn tượng Phật Ông Tự vì quá lớn nên trong các cuộc chiến tranh sau này giữa người Xiêm và người Lào, vẫn không bị đưa ra khỏi Lào và còn lại ở chùa Ông Tự đến ngày nay.
Hiện nay, pho tượng được bày tại sỉm lớn (rộng 16m, dài 40m, cao 25m) của chùa Ông Tự (chùa mang tên pho tượng phật). Ngôi chùa nằm trên phố Xayxệthảthilát, ở vị trí trung tâm của Thủ đô Viêng Chăn.
Ngôi chùa ban đầu có tên là Vat Xỉ Phum do Phạ Nha Chănthabuli mường Chănthabuli xây dựng nên. Sau này ngôi chùa bị hư hỏng, đến thời vua Xayxệthảthilát, nhà vua đã cho xây dựng lại lấy tên là chùa Ông Tự vào năm 1566.
Chùa ông Tự đã trải qua các cuộc xâm chiếm của giặc nước ngoài vào các thời kỳ sau: 1574, quân Myanma chiếm được Viêng Chăn; 1779, phong kiến Xiêm chiếm Viêng Chăn lần thứ nhất; 1827, phong kiến Xiêm chiếm Viêng Chăn lần thứ hai; 1873, giặc Hõ từ biên giới Trung Quốc vào Viêng Chăn tàn phá chùa Ông Tự tìm của quý khiến ngôi chùa bị hư hỏng nặng.
Đến giai đoạn 1911 - 1927, người Pháp đã cho sửa chữa ngôi chùa với hình dáng như ngày nay.
Năm 1939, một nhà sư người Sri Lanca đã mang một cây bồ đề đến trồng ở phía Tây của chùa chừng 15m.
Ngôi chùa ngày nay trở thành trung tập học tập Phật giáo dành cho các nhà sư ở Đông Nam Á. Chùa còn có 3 khu nhà ở của các nhà sư, có trường học cho sư – hai nhà học dành cho sư cấp II và một nhà học dành cho sư cấp I.