Góc nhìn Phật tử

Quá khứ như cơm thiu

Thứ hai, 12/06/2021 10:10

Quá khứ là những gì đã qua. Cơm thiu là cơm đã hư, không ăn được. Quá khứ đã qua thì đừng nên nghĩ nhớ quá nhiều, cơm đã thiu thì không nên sử dụng.

Tìm về quá khứ để chữa lành?

Tương tự vậy, có những chuyện, những việc đã xảy ra trong quá khứ, đôi khi ta vẫn có thể nhớ, song ta cũng không nên tiêu tốn thời gian để mãi trầm tư, nghĩ suy về nó. Có những chuyện ta cần nhớ, như hồi tưởng đẹp đẽ về ai đó, lưu giữ kỷ niệm ấn tượng về ai đó, nói chung là những ký ức tích cực. Còn những gì thuộc về tiêu cực như nỗi buồn, sự thất vọng, ta đừng dành quá nhiều thời gian để gặm nhấm, vì nó sẽ làm cho ta thêm sầu khổ, ưu bi.

Nếu thử phân loại quá khứ, ta tạm phân ra hai loại quá khứ khác nhau: quá khứ tốt đẹp và quá khứ đau buồn. Những gì thuộc về quá khứ tốt đẹp ta nên gìn giữ, nhắc nhớ để tạo thêm động lực phấn đấu hơn trong hiện tại. Song quá khứ đau buồn ta nên giảm thiểu, hạn chế suy tư. Nếu không, nó sẽ hệ lụy đến chất lượng sống, sự bình an, thảnh thơi của ta trong hiện tại.

Quá khứ như cơm thiu, tương lai là gạo sống, chỉ có hiện tại là cơm dẻo thơm. Ảnh minh họa.

Quá khứ như cơm thiu, tương lai là gạo sống, chỉ có hiện tại là cơm dẻo thơm. Ảnh minh họa.

Ai đó từng nói, có hai ngày trong tuần chúng ta không nên bận tâm lo lắng. Một ngày là ngày hôm qua với những sai lầm, những âu lo, những hối tiếc. Dù cố làm cách nào đi nữa, ta cũng chẳng thể có được phép mầu để mang ngày hôm qua quay trở lại. Ngày hôm qua đã đi xa.

Còn một ngày nữa mà chúng ta cũng không nên lo lắng, ưu tư, đó là ngày mai với những điều chưa tới, những lo toan bộn bề của công việc, những dự tính, những ước mơ, những hoài bão tràn trề hay những sợ hãi đâu đó mơ hồ trong cuộc sống. Dù có nhiều kế hoạch phát thảo, ngày mai cơ bản vẫn chưa diễn ra.

Do vậy, ta còn một ngày duy nhất để sống, để cảm nhận, để trải nghiệm, đó là ngày hôm nay với bao điều thực tế đang tiếp diễn. Biết trân trọng và làm thật tốt những gì đang có, dù có thể không khỏa lấp được những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng chắc chắn ta sẽ có được một hiện tại nhiệm mầu và một ngày mai an lành, hạnh phúc.

Người ta nói quá khứ như cơm thiu, tương lai là gạo trắng, còn hiện tại là cơm dẻo thơm. Vì quá khứ đã đi qua như cơm đã thiu, dù có tiếc vẫn không ăn được. Tương lai còn phía trước chưa tới, như gạo trắng, cũng không ăn được. Chỉ có hiện tại là cơm dẻo thơm, là những gì đang có mặt với ta hằng ngày, ta sống với nó, thích nghi nó và biết phấn đấu vươn lên từ nó.

Không hẳn quá khứ nào cũng như cơm thiu, nhưng thường thì những gì đã lùi về quá khứ bao giờ cũng mang trong mình dòng chảy của thời gian, và người sau mỗi khi nhắc đến những chuyện xưa, thường gởi vào đó chút luyến lưu, hoài niệm. Vậy nên, quá khứ luôn phảng phất bóng dáng của nỗi niềm, nên ở đây ta tạm ví nó như cơm thiu. Mà cơm đã thiu thì không thể dùng, cũng như những chuyện của ngày qua như gió đi xa, như nước xuôi dòng, không về bến cũ được.

Không nghĩ về quá khứ, không nghĩ đến tương lai?

Hiểu quá khứ như cơm thiu, ta nên tập sống hết mình trong giai đoạn hiện tại. Tập cảm nhận từng khoảnh khắc của sự sống, chắc chắn ta sẽ có được niềm vui.

Ý thức quá khứ như cơm thiu, tự bây giờ, ta hãy phát thảo một kế hoạch sống an lành trong hiện tại cho mình. Bằng cách tập sống sâu sắc và thảnh thơi, biết mở lòng, ta sẽ cảm nhận trọn vẹn những ngày tháng sống bình yên. Thay vì giữ chặt những ý niệm hiềm hận ai đó trong lòng, ta nên tập thứ tha hay buông bỏ, để lòng được nhẹ nhàng. Những gì lợi ích dù là nho nhỏ nhưng có thể làm được cho người, ta nên cố gắng. Nhờ đó, ta cảm nhận được chút giá trị đóng góp của ta với cộng đồng, để sự sống đời ta tuy hữu hạn trăm năm, nhưng ít ra, ta vẫn để lại trong lòng người sau chút gì để thương, để nhớ.

Quá khứ như cơm thiu, tương lai là gạo sống, chỉ có hiện tại là cơm dẻo thơm. Vậy nên, đừng tiếc nuối cơm thiu, đừng vẽ vời với gạo trắng chưa nấu. Hãy biết đón nhận bát cơm dẻo thơm trong hiện tại, để cảm nhận, để thưởng thức, để trọn vẹn và hết mình trong từng khoảnh khắc đẹp đẽ, nhiệm mầu!

Tâm Chánh

loading...