Đạo Phật trong tim tôi

Quay về và thở đi...

Thứ năm, 18/11/2022 06:45

Mỗi người luôn có một cột mốc để thay đổi trong cuộc đời. Suy nghĩ, tư duy, lối sống và cả nhận thức của tôi đều thay đổi từ sau tuổi 25, khi tôi có duyên tìm đến Phật pháp.

Audio

Tôi đặc biệt thích đến chùa, thích không khí trang nghiêm nhưng tĩnh tại ở chùa, thích ngắm nhìn vẻ từ bi và nụ cười hiền dịu của Quan Thế Âm Bồ Tát, thích nhắm mắt lại hít thật sâu, thở thật đều rồi lắng nghe tiếng chuông chùa, ngửi hương thơm thâm trầm của những làn khói nhang. Chỉ cần bước chân vào đến cổng chùa tôi cảm giác như người mình nhẹ bỗng, tĩnh tại và bình yên.

Cách đây tròn 2 năm, tôi có duyên được đến Trung tâm Thiền tập quốc tế Làng Mai (Thái Lan). Thật ra lúc đó chỉ đơn giản vì tôi cần một kỳ nghỉ nên mới đi nhưng sang tới bên ấy mới biết người ta tìm đến đó để... trị liệu. Thời điểm đó tôi vẫn chưa nhận ra bản thân mình cũng cần được tư vấn và trị liệu. Điều tôi được học, được thực hành trong suốt một tuần chỉ là THỞ. Nghe hơi lạ lẫm vì thở là bản năng bẩm sinh, mới lọt lòng mẹ đã biết thở chứ có cần ai dạy đâu. Vậy mà lúc đó tôi 24 tuổi lần đầu tiên TẬP THỞ và học cách lắng nghe cảm xúc của mình, lắng nghe cơ thể mình.

Người đang sống cũng nên tập thở để lắng nghe cơ thể, lắng nghe cảm xúc của mình, để biết mình may mắn vì còn được hít không khí tự nhiên bằng một cách tự nhiên.

Người đang sống cũng nên tập thở để lắng nghe cơ thể, lắng nghe cảm xúc của mình, để biết mình may mắn vì còn được hít không khí tự nhiên bằng một cách tự nhiên.

Mỗi ngày tôi thức dậy lúc 4 giờ 30 sáng, vệ sinh cá nhân, tập thể dục, thiền hành, ăn sáng, phụ làm bếp, nghe pháp thoại. Buổi trưa sẽ có thiền buông thư sau đó sinh hoạt tự do đến giờ pháp thoại buổi chiều và phụ mọi người dọn dẹp, vệ sinh trong khuôn viên Làng hoặc đi chuẩn bị bữa cơm chiều. Buổi tối cũng sẽ có buổi pháp thoại sau đó là mọi người nghỉ ngơi và kết thúc một ngày.

Ở đó tôi được lắng nghe rất nhiều những trúc trắc của nhân sinh nào là trầm cảm, mất kết nối với gia đình, áp lực công việc hay những đổ vỡ trong tình cảm. Mỗi câu chuyện đều được lắng nghe và được hướng dẫn để tự chữa lành. Tôi vốn không phải kiểu người có thể thoải mái chia sẻ câu chuyện và cảm xúc của mình nên tôi chọn im lặng. Nói vậy không có nghĩa là vấn đề của tôi không được giải quyết. Tôi cũng làm theo cách mà các sư cô chỉ dạy là tự quay về thủ thỉ, tâm sự với chính mình để tự chữa lành bản thân trước.

Một tuần lễ sống không điện thoại, không internet, phải thực hiện nghiêm ngặt theo thời khóa tưởng chừng như rất khó với một người làm truyền thông như tôi. Nhưng ngày một, ngày hai, ngày ba,… và đến ngày thứ bảy tôi lại ước thời gian đứng yên lại cho tôi có thêm thời gian tận hưởng không gian sạch và lành ở Làng. Tôi sợ khi rời khỏi đó, thân và cả tâm tôi sẽ phải đua nhau chạy để giải quyết mớ công việc còn tồn đọng rồi phải lao vào cuộc sống mưu sinh. Nhưng đâu còn cách nào khác, dù gì chúng ta cũng phải sống tiếp. Tôi từng đọc được một câu nói rất hay “Khi chúng ta không thể thay đổi thế giới thì chúng ta phải thay đổi mình”. Cuộc sống ngoài kia với biết bao ồn ào, tấp nập, bận rộn vẫn cứ thế diễn ra nhưng chúng ta có quyền chọn cho mình thái độ sống tích cực và tĩnh tại. Đó là những gì tôi học được từ Làng Mai.

Mỗi người luôn có một cột mốc để thay đổi trong cuộc đời. Suy nghĩ, tư duy, lối sống và cả nhận thức của tôi đều thay đổi từ sau tuổi 25, khi tôi có duyên tìm đến Phật pháp. Tôi là đứa mỗi khi mệt hay áp lực cực kỳ dễ nỗi cáu, thậm chí có lần không kiểm soát đến mức đập đồ hoặc tự làm đau mình rồi sau đó ngồi ôm mặt khóc tức tưởi như một đứa con nít. Tôi cũng là một đứa rất để tâm đến những lời nói bên ngoài, cố làm vừa lòng mọi người xung quanh. Nếu ai động viên, nói những lời tích cực thì xem như là động lực phấn đấu thêm nhưng chỉ cần có người buông vài lời trách móc thì tôi xem như mình vừa gây ra một lỗi lầm tai hại rồi đêm về tự dằn vặt bản thân. Mấy lúc mệt mỏi với thân tâm như vậy tôi lại quay về tập thở, tự nói với mình "bỏ đi, dừng lại và thở đi". Sau đó, tôi thấy mình bình ổn trở lại.

Con người thường có xu hướng không quan tâm đến những gì mặc định thuộc về mình. Ví như sinh ra đã biết thở, lớn lên biết đi, biết chạy, chỉ cần là người phát triển bình thường thì các bộ phận trên cơ thể sẽ cứ thế làm hết chức năng của nó mà mình hiếm khi lắng nghe nó cho tới khi nó bất thường. Có một giai đoạn tôi mắc chứng bệnh có cái tên rất khó nhớ “chóng mặt kịch phát lành tính”, tôi không thể đi đứng bình thường, chân không còn vững, đầu thì quay như chong chóng gặp bão, thậm chí tôi còn không thể tự ngồi dậy. Những lúc cơ thể có vấn đề thì tinh thần cũng xuống theo. Tôi lại tập thở, tập lắng nghe tiếng thở và tự trấn an mình.

Những ngày dịch covid 19 bùng phát đỉnh điểm, cả thành phố vắng lặng nhưng vì công việc tôi vẫn phải lao ra đường. Mỗi ngày trôi qua phố xá càng lúc càng thưa vắng, những sợi dây văng càng lúc càng nhiều, tiếng còi xe cấp cứu càng lúc càng dày đặc,… Tang thương và chết chóc hiện lên ngay trước mắt. Lúc đó tôi cũng quay về ngồi yên và lại lắng nghe tiếng thở của mình. Không phải cứ đến lúc hấp hối mới phải tập thở. Người đang sống cũng nên tập thở để lắng nghe cơ thể, lắng nghe cảm xúc của mình, để biết mình may mắn vì còn được hít không khí tự nhiên bằng một cách tự nhiên.

Quay về và thở đi...

*Bài dự thi trên được gửi từ Phật tử Nguyễn Thị Ngọc Bích. Địa chỉ: Quận Bình Thạnh, TP. HCM

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

loading...