Sách Phật giáo

Ra đi để trở về

Thứ năm, 25/05/2023 11:33

Phan Đăng có đề nghị tôi viết một đôi điều gì đó cho cuốn sách này. Tôi thực sự bất ngờ và nhiều lúng túng. Nếu đây là một tập thơ, tập truyện ngắn hay tiểu luận văn chương thì là điều dễ hiểu vì sao Phan Đăng muốn tôi viết.

Nhưng đây không phải là một cuốn sách thông thường. Đây là con đường của một người đi tìm chính mình để xác thực mình và xác lập mình trong cái thế giới của chính cá nhân mình mà thôi. Đấy là con đường khó nhất và đấy cũng chính là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống.

Bìa cuốn “39 đoản thiền để thấy” của diễn giả Phan Đăng)

Bìa cuốn “39 đoản thiền để thấy” của diễn giả Phan Đăng)

Quả thực, đọc xong cuốn sách này, tôi có ý định từ chối viết. Bởi tôi viết gì thì vẫn ở trong cuốn sách ấy. Nhưng tôi chợt nhận ra Phan Đăng chính là tôi, chính là bạn. Bóng tối hay ánh sáng trong Phan Đăng cũng chính là bóng tối hay ánh sáng của bạn và của tôi. Và con đường Phan Đăng đi cũng là con đường của bạn và của tôi phải đi nếu bạn và tôi muốn tới được nơi nhân loại đã đi tìm trong toàn bộ lịch sử của mình.

Mỗi trang sách của Phan Đăng đã cuốn tôi đi. Cho đến khi đọc hết dòng cuối cùng của cuốn sách, tôi bừng tỉnh và nhận thấy có hai con đường. Đấy là con đường của bông hoa và con đường của cái hạt. Cả hai đều đi tới cái đẹp. Một con đường để ra đi và một con đường để trở về.

Con đường thứ nhất là con đường mở cánh của bông hoa. Mỗi câu chuyện trong từng chương của cuốn sách là hành trình của Phan Đăng ra đi. Cuộc ra đi ấy chính là đi về phía cái TÔI của mình và phải đối mặt với cái TÔI ấy. Trong thế giới cái TÔI vô tận ấy là tất cả những gì có trong đời sống con người với quá nhiều bóng tối. Nhưng ở trong bóng tối của chính mình ấy, Phan Đăng nhìn thấy hoa nở. Bóng tối ấy là Phan Đăng và hoa nở ấy cũng là Phan Đăng. Nhưng hoa chỉ nở khi Phan Đăng thừa nhận bóng tối của mình. Ánh sáng không cách biệt bóng tối như hai thửa ruộng cách nhau bằng một cái bờ. Ánh sáng ở trong bóng tối và ngược lại. Hoa Phan Đăng ở trong bóng tối Phan Đăng và hoa đã nở. Phan Đăng càng nói về bóng tối, thừa nhận bóng tối trong chính con người anh và bước qua thì hoa càng nở.

Con đường thứ hai là con đường của một hạt cây. Đấy là con đường trở về. Phan Đăng đi qua bóng tối để tự nở hoa. Nhưng con đường trở về của Phan Đăng là con đường của một cái hạt. Cái hạt là sự tinh kết tất cả sự sống và vẻ đẹp trong sự tĩnh lặng tận cùng của nó. Mỗi chương trong cuốn sách là một chặng đường và mỗi câu chuyện trong cuốn sách là một bước chân. Từ Cắt để thấy đến Thấy để không thấy là chặng đường ấy. Không có những bước ra đi như vậy sẽ không bao giờ có những bước trở về như vậy.

Khi Phan Đăng viết hai câu thơ: Có một gã ăn mày/ Chợt ngồi nghe mây bay... thì tôi như nhìn thấy toàn bộ Phan Đăng. Nhưng sự thật là hai câu thơ không phải được viết ra bởi bất cứ nghệ thuật ngôn từ nào mà bởi sự thức tỉnh. Gã ăn mày kia là Phan Đăng. Vầng mây kia cũng là Phan Đăng. Cái khoảnh khắc chuyển hóa từ gã ăn mày tới vầng mây chỉ trong một chớp mắt. Nhưng con đường dẫn ta tới được khoảnh khắc ấy có khi phải đi bằng bao kiếp người. Đấy là tất cả những gì tôi nhận được từ cuốn sách này.

(Nguyễn Quang Thiều, giới thiệu cuốn “39 đoản thiền để thấy” của diễn giả Phan Đăng).

loading...