Góc nhìn Phật tử

Sự bình an của đất trời

Thứ ba, 27/01/2024 07:58

Không có sự bình an trong cuộc đời mà chỉ có sự bình an trong tâm hồn mỗi người. Đừng trách đời, trách người, cũng đừng tự trách mình. Điều quan trọng là thấy ra được chính mình dù trải qua bao nhiêu gian khó.

Cuộc đời là bài toán khó, mà đáp số không thể tìm thấy trong đó, vì nó chỉ có trong lòng mỗi người.

Mười lăm năm trước, mình đã bị sốc khi đọc được lời dạy này của Thầy Viên Minh trong mục Hỏi & Đáp trên trang trungtamhotong.

Không sốc sao được khi suốt hơn hai mươi năm nỗ lực “cày cuốc”, loay hoay sắp xếp, xử lý, giải quyết đời sống của gia đình và công việc của chính mình sao cho ổn thỏa, sao cho được như ý. Giờ Thầy lại dạy “cuộc đời là bài toán khó, mà đáp số không thể tìm thấy ở trong đó”, hàm ý rõ ràng, rằng dù chúng ta có nỗ lực cách nào chăng nữa thì cuộc đời cũng chẳng bao giờ như ý mình được đâu.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Không sốc sao được khi nghe Thầy nhắc tất cả được-mất, hơn-thua, thành-bại, vui-khổ chỉ là trò chơi mà vũ trụ sắp đặt để giúp mỗi người tự thấy ra chính mình. Khi chưa thông suốt được chính mình thì phạm sai lầm và đau khổ là đương nhiên, nên “đừng trách đời, trách người, cũng đừng tự trách mình”. Đọc câu này xong là lúc nước mắt trào ra, bản lĩnh nam nhi đã bay mất lúc nào không hay. Hóa ra trong suốt hơn 20 mươi năm gây dựng cái gọi là “sự nghiệp”, mình đã tự trách người & hận mình đủ nhiều nên nước mắt mới tự trào ra mà không thể kìm lại.

Vậy đáp số cho bài toán cuộc đời nằm ở đâu? Nói rằng nó ở trong lòng mỗi người, nhưng nội tâm chúng ta còn mênh mông hơn cả vũ trụ này, chưa hiểu rõ và thông suốt cái tâm ấy mà đã muốn có ngay đáp số có phải là tham lam quá hay không?

Đa số chúng ta đều đi tìm bình an, nhưng lại không biết bình an thật sự là như thế nào:

Phải chăng cuộc sống bình an là một hoàn cảnh hay điều kiện sống thanh thoát thảnh thơi mà mỗi người có thể “nỗ lực để sở hữu”, để khi cần mang ra cho mình và người thân cùng hưởng dụng?

Phải chăng bình an nội tâm là một trạng thái hoàn toàn an yên mà mỗi người có thể “tu luyện để đạt tới”, và dùng nó như một khả năng ưu việt để đối trị với đời mỗi khi gặp khó khăn?

Hay thật ra đó chỉ là những ước vọng bình an xuất phát từ cái "Ta” còn đang “vật lộn đối phó với đời” để “lựa chọn đồ tốt”, hoặc đang “nỗ lực đối trị” để được “hoàn hảo như ý”? Mỗi chúng ta hãy thử trở về chiêm nghiệm lại xem.

Nếu sống chỉ là loay hoay tìm ra cách đối phó hay đối trị với đời và với chính mình như vậy, chắc chắn các bậc thầy tâm linh đã không gọi kiếp người là “đáng sống”, có phải vậy không?

Một trong những nguyên lý vận hành của tâm, là bất cứ điều gì chúng ta đạt được hay sở hữu được thì sau một thời gian cũng sẽ nhàm chán. Nhàm chán là một trong những biểu hiện của bất an, vì vậy chúng ta không thể tìm thấy bình an ở bên ngoài, ở đó chỉ có bất mãn & thỏa mãn thôi.

Cũng chẳng thể tìm thấy bình an bên trong khi nội tâm vẫn còn mải mê thương & ghét, vẫn còn loay hoay lựa chọn lấy bỏ giữa tốt & xấu, giữa đúng & sai. Làm sao có thể bình an khi trong nội tâm vẫn còn tìm kiếm, vì tìm kiếm cũng là bất an rồi. Khi tâm còn khép lại để hướng về một mục tiêu cục bộ, chưa thể mở rộng để đón nhận tất cả thì chắc chắn bất an sẽ còn hiện diện, và tâm sẽ ngày càng “khô héo” mà thôi. 

Thật may mắn cho chúng ta, trong vũ trụ này tồn tại một loại bình an hoàn toàn khác. Nó quá bình dị nên nằm ngoài mọi sự tìm kiếm, tưởng tượng và nắm bắt của lý trí. Ngược lại, nó chỉ bất ngờ xuất hiện khi lý trí được buông xuống. Ngay khoảnh khắc ấy, bạn sẽ phát hiện ra nó, hay nói cách khác là nó tự đến ôm lấy bạn. Đó là cảm nhận không thể nào mô tả bằng lời! Mà chỉ mỗi người khi đủ duyên sẽ tự mình trải nghiệm qua. 

Và khi ấy bạn sẽ biết bình an thật sự là đã có sẵn, nhưng nó chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc bạn không xác định mình là “Tôi”, để tâm có thể trọn vẹn và lặng yên một cách tự nhiên, không còn đảo điên kiếm tìm bất cứ điều gì.

Sự bình an ấy giống như một “tác phẩm” của vũ trụ, của Trời-Đất, vốn luôn có sẵn ở đó để mỗi người chiêm ngưỡng và cảm nhận. Nó âm thầm xuất hiện như đóa hoa lặng lẽ nở, nó tịch lặng hơn cả mặt hồ trên núi, trong sáng như ánh mắt trẻ thơ, và sừng sững như đỉnh Phú Sĩ… Dù có dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ hơn nữa thì cũng không thể mô tả chính xác được cảm nhận bình an tuyệt đối ấy, nhưng bất cứ ai cũng có thể “chạm tới” khi tâm tự nhiên xả ly. 

Nó có thể bất ngờ xảy ra trong lúc rửa bát, hay khi dọn rác, lau nhà, hoặc đi lang thang bát phố… và ngay cả khi kiệt sức hay bệnh đủ “nặng” để nằm yên trên giường và không còn muốn làm bất kỳ điều gì, kể cả suy nghĩ. Đó là những lúc tâm chúng ta không hướng tới một mục tiêu cụ thể nào, mà trọn vẹn một cách tự nhiên với tất cả.  

Có thể đặt tên cho nó là Sự Bình An của Đất Trời, vì đó tuyệt đối không phải là phần thưởng dành riêng cho những cố gắng và nỗ lực của “ai” đó, cũng không phải ưu đãi dành riêng cho một nhóm người nào đó, để rồi có thể mang về cất đi, đến khi cần mới lấy ra hưởng dụng hay trục lợi từ nó…

loading...