Góc nhìn Phật tử

Tết nay nhớ mẹ

Thứ ba, 30/01/2021 12:32

Định mệnh thật trớ trêu. Bà không kịp nhìn con ngày trở về mái nhà xưa do cơn bệnh bất ngờ. Bà mất đúng vào cái ngày anh được ân xá.

Phụng dưỡng cha mẹ như thế nào mới được phước lớn?

Tôi nhận được lời mời sang chơi nhà anh, một người vừa được ân xá nhân tết cổ truyền 2021. Nhà anh đối diện nhà tôi và luôn then cài cửa đóng, chỉ mở ra khoảng 6 giờ sáng để một bà cụ trạc tuổi mẹ tôi bước ra bắt đầu một cuộc mưu sinh bằng những xấp vé số trên tay. Cánh cửa ấy vội vàng khép lại mỗi khí bà trở về cô lẽ một mình cùng với tiếng chuông cầu nguyện nghe thật buồn, nghe trống vắng vô chừng. Đêm giao thừa thì tiếng chuông cầu nguyện nhà bà lại kéo dài hơn, đau xót hơn như chờ đợi một cái gì xa vắng trong khi phố xá đang tràn ngập sắc màu chào đón giao thừa.

Đã thành thông lệ. Cứ vào thời khắc chuẩn bị chào năm mới thì tôi cũng sang nhà bà để chúc tết kèm theo những đòn bánh tét với gói trà xuân. Nhà bà quạnh quẽ quá. Bà nói: Chồng tôi mất đã lâu, tôi có mỗi thằng con trai, nó học giỏi lắm. Thấy con ham học, cực mấy tôi cũng cố sức bán buôn khắp phố để có tiền cho nó ăn học đến nơi, đến chốn. Khi thì đội nón bán bánh cam, bánh còng; khi thì thúng bắp luộc, mâm xôi; lại có khi là những nải chuối già hương chín bói...Vậy mà lúc nào cũng thấy bà cười hớn hở như bao khó nhọc gian nan chưa hề đến với mình. Cái ngày con trai trúng tuyển đại học, bà vui mừng suốt đêm không ngủ, gặp ai bà cũng khoe: “Nhờ trời Phật hộ độ nên thằng nhỏ đậu vô đại học, mai mốt nó làm kỹ sư “cầu cống” cho nở mặt nở mày với chòm xóm”.

Vui thì có vui nhưng lo thì càng lo với cái chuyện đóng tiền học cho con suốt 4 năm trên giảng đường đại học. Vậy là bà làm thêm nhiều chuyện: rửa chén quán ăn; giặt quần áo cho gia đình hàng xóm... ai gọi gì thì bà làm nấy mà chẳng hề ra giá tiền công cốt chỉ chắt chiu đóng tiền học phí. Cứ vào khoảng 27, 28 tết là hai mẹ con bà về quê nghe đâu miệt Trà Vinh, Trà Cú gì đó xa lắm để tảo mộ ông bà, dở chà bắt cá, quết bánh phồng, làm mứt chuối ngào gừng, gói bánh tét, bánh ú...rồi tất tả trở về đón tết trong căn nhà nhỏ nhưng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thằng nhỏ ra trường và có việc làm ngay. Bà mừng rơi nước mắt và cạo đầu ăn chay trường từ đó đến nay. Vậy mà sự đời có mỉm cười với bà, một người phụ nữ hình như sinh ra để hứng chịu những vất vã lo toan, cam chịu với những mất mát và chưa có được một giây phút bình yên. Thằng con bắt đầu ăn chơi trác táng khi có tiền rủng rĩnh trong túi. Số tiền cho mẹ mỗi tháng ít dần rồi mất dạng. Nó ăn chơi, nếm trải nhiều thú vui trên đời theo trào lưu của bạn bè, đồng nghiệp. “gái gú”; “ma túy”; “bài bạc” nó đều nếm trải đến độ phát nghiện. Có lần nó lén lấy con heo đất của mẹ nó giành dụm suốt mười năm trời được hơn 8 triệu đồng để mua ma túy. Lần khác nó ăn cắp đôi bông tai của bà để bán lấy tiền đánh bài. Bà khóc thật nhiều nhưng không hề la mắng một lời. Nó bất hạnh vì mồ côi cha từ nhỏ, thôi thì của đi thay người vậy, biết đâu nó suy nghĩ lại. Bà cứ tự an ủi.

Cái tin thằng kỹ sư con bà 4 bán vé số bị bắt vì tham gia đường dây mua bán ma túy làm bà ngã quỵ. Bà không còn nước mắt để khóc. Không. Trái tim người mẹ lại trổi dậy sự che chở, đùm bọc cho con. Tòa tuyên án con trai bà 10 năm tù giam. Khi bị dẫn giải ra chiếc xe “tù”, nó cố đi lại gần bà với đôi mắt cầu khẩn, van xin bà tha tội. Nó khóc. Những giọt nước mắt đầu đời của một thằng con trai bất hiếu.

Giao thừa đầu tiên bà đón tết một mình trong căn nhà lạnh lẽo với đôi mắt vô hồn, trông ngóng. Giao thừa đầu tiên, người kỹ sư trẻ đón tết trong trại giam với những giọt nước mắt nhớ thương, tủi nhục, hối hận muộn màng. 

Vậy là cứ vào sáng mùng một tết, bà lại thu xếp đến thăm con tại trại giam với lỉnh kỉnh bánh tét lá cẩm, bánh lá dừa nhưn đậu mỡ, tô thịt kho rịu với hột vịt, mấy nải chuối già hương cùng chai dầu gió “Song Thập”...những thứ mà thằng nhỏ quen dùng bấy lâu. Mỗi lần thăm con trở về, bà lại thơ thẩn ngồi đọc kinh đến tận khuya trong tiếng chuông ngân nghe thật nao lòng.

Nghe tin thằng nhỏ được ân xá trước thời hạn 2 năm, bà mừng rơi nước mắt. Bà giặt giủ mấy cái mùng, mền cho thơm, cho mới chuẩn bị đón con về; bà mua một con gà trống chuẩn bị làm mâm cơm cúng kiếng ông bà mừng ngày đoàn tụ; bà lại mua cho con mấy bộ đồ mới, đôi dép da, sợi dây nịt để con dùng. Bà hớn hở sang nhà tôi báo tin vui “cháu ơi! Thằng nhỏ sắp dìa rồi. Vậy là tết nầy nhà tui không còn vắng vẻ nữa. Nhất định giao thừa năm nay, mời cháu qua “bễn” ăn cơm với mẹ con tui nghe”.

Gieo trồng phước đức: Bà già bán cái nghèo

Định mệnh thật trớ trêu. Bà không kịp nhìn con ngày trở về mái nhà xưa do cơn bệnh bất ngờ. Bà mất đúng vào cái ngày anh được ân xá. Khỏi phải nói nỗi đau của một người vừa mất mẹ, một người suốt đời lam lũ vì chồng, vì con chưa có phút giây nào giành để riêng mình kể cả khi nhắm mắt xuôi tay đi vào cõi vĩnh hằng. Anh quỵ xuống bên chiếc quan tài của mẹ mình và bật khóc nức nở: “Mẹ ơi! Thằng con bất hiếu của mẹ đã về xin tạ tội. Mẹ giận con sao mà ra đi không cho con nói được một lời, xin được lạy mẹ thứ tha. Những tưởng tết nay mẹ con mình sum họp, đâu ngờ lại vĩnh viễn chia lìa. Mẹ...mẹ ơi!”. Nhìn anh khóc, nghe anh nói đã có rất nhiều người khóc theo như một phãn ứng dây chuyền.

Đêm nay gió lạnh nhiều. Chỉ còn vài hôm nữa là đến tết. Anh rót trà mời tôi uống với lời cảm ơn sự quan tâm của tôi với bà trong những ngày vắng anh. Anh nói thật ngậm ngùi: “Có những điều những tưởng bình thường nhưng khi mất đi thì mới nhận ra đó là tài sản vô giá mà mình không tìm lại được, đó là tình mẹ”. Anh bật khóc. Tôi im lặng nhìn lên di ảnh của bà như cảm nhận nụ cười viên mãn khi thằng con trai đã về với gia đình. Anh nói: “Tôi sẽ phấn đấu để làm lại cuộc đời mình để mẹ tôi mãn nguyện, để tha thứ mọi tội lỗi của tôi”. Anh vừa nói vừa tiến đến thắp hương trước di ảnh mẹ mình rồi bật lên tiếng kêu thảng thốt, nhói lòng “Mẹ! Tết xưa con còn có mẹ dù trong chốn lao tù. Tết nay con mất mẹ rồi mẹ ơi!”. 

Gió bỗng ùa về phố xá mạnh dần lên. Mưa trái mùa bất ngờ ập xuống như muốn chia xẻ cùng anh nỗi đau bất tận khi ngày tết đã cận kề.

loading...