Chùa Việt

Thăm chùa An Lạc trong hương sắc mùa xuân

Thứ sáu, 28/02/2015 11:39

Trong hương sắc của những ngày đầu tiên của mùa xuân Ất Mùi, chúng tôi có dịp đến chiêm bái và vãn cảnh chùa An Lạc, tại đường Tôn Đức Thắng, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Tp.Hải Phòng.

 
 
Bước chân vào cổng chùa, chúng tôi như lạc vào chốn Phật pháp và thanh tịnh. Mọi sự ồn áo, náo nhiệt của một thành phố sôi động như bị lãng quên trước cảnh chùa như hút hồn mọi du khách và phật tử. Khi chúng tôi có mặt tại chùa cũng là lúc trụ trì chùa Ni cô Thích Diệu Hương có việc phải ra ngoài, tiếp chúng tôi là tiểu và các vãi. Khi qua giờ Ngọ các phật tử gần xa và du khách mọi nơi về chiêm bái và lễ Phật càng đông, từ em nhỏ, cụ già, nam thanh, nữ tú. Mọi người đều thành kính thắp nén tâm hương vái Phật cầu sức khoẻ, bình an, hạnh phúc và những ước nguyện đầu năm.
 
 
Ngôi Tam Bảo của chùa An Lạc được quay theo hướng chính Tây, trên cổng Tam quan được treo gác chuông và hai cầu thang lên uốn lượn như rồng bay, phượng múa. Đứng trên cổng Tam quan nhìn xuống ngôi chùa mọi du khách như thấy được cái hồn của chùa An Lạc. Khuôn viên rộng và sạch sẽ, tượng Quan Âm được tô điểm bởi những hàng dậu hoa, chậu hoa đang nở rộ khoe sắc xuân. Cả không gian chùa An Lạc như một thiếu nữ uyển chuyển khoác trên mình chiếc áo mùa xuân của nhà Phật.

Chùa An Lạc là một công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo cho nhân dân làng An Lạc, tổng An Lạc, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) xây dựng. Chùa An Lạc là nơi thờ Phật. Đồng thời trong khuôn viên chùa còn có ngôi Đình An Lạc là nơi tôn thờ cụ Nguyễn Quý là Thành Hoàng có công xây dựng lập ấp dựng lên khu An Chân, phối thờ 2 cụ Trình Vinh và Nguyễn Túc, cả 2 vị đều là danh tướng thời Trần, có công giúp Trần Hưng Đạo phò vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng lịch sử năm 1288. Hiện còn sắc phong lưu giữ tại Viện Hán Nôm (Mã số 3505).

An Lạc vốn là một làng cổ của huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa, tên cũ gọi là An Chân. Làng An Chân được đổi tên thành An Lạc vào khoảng năm 1925, 1926.

Hiện nay Đình Chùa An Lạc là một quần thể kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trong một khu vực thuộc phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng. 5 gian Đình cấp 4 quay hướng Nam. Chùa được xây dựng về hướng Tây, trên khuôn viên đất rộng là một công trình kiến trúc đồ sộ.
 
 
Tương truyền Đình Chùa An Lạc được xây dựng từ thời nhà Trần (1226 - 1400). Xưa kia Đình Chùa An Lạc được xây dựng trên cùng một khuôn viên. Đình Chùa bố cục theo lối: Tiền Thánh hậu Phật. Đình Chùa là một cảnh đẹp ở huyện An Dương cũ. Cuối thế kỷ XIX do người Pháp lấn chiếm đất đai làm Sở Dỗu, Đình Chùa An Lạc được trùng tu xây dựng lại vào khoảng từ năm 1885 - 1895.

Khu Đình Chùa An Lạc đã bị bom đạn giặc Mỹ huỷ diệt trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc từ năm 1964 đến năm 1975. Bước vào thời kỳ đất nước thống nhất, kinh tế xã hội phát triển đổi mới và mở cửa, thể theo nguyện vọng của Đảng, chính quyền và nhân dân phường Sở Dầu, Uỷ ban nhân dân thành phố có Quyết định số 290/QĐ-UB ngày 30/4/1994, cho phép xây dựng lại chùa An Lạc trên khuôn viên Đình Chùa An Lạc cũ.
 
 
 
Đình Chùa An Lạc hiện nay được xây dựng trên khuôn viên diện tích 2598m2. Từ ngoài vào Đình Chùa là cổng Tam quan kiêm gác chuông sừng sững, mái đao tầng lớp như những kiến trúc tam quan khác của các Đình Chùa cổ truyền cũ của Việt Nam. Sau Tam quan là môt sân rộng lát gạch chỉ nghiêng phẳng phiu. Khoảng sân Đình Chùa phía trước là bồn hoa bể cảnh, chính giữa dựng tượng Quan Thế âm đứng bằng xi măng trắng. Bên trái sân Đình Chùa là 3 gian thờ mẫu và tăng phòng. Kiến trúc chính của Chùa An Lạc là toà điện Phật bố cục theo kiểu chữ Đinh, đơn giản gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung. Toà tiền đường xây dựng theo kiểu chồng dầm 2 tầng 8 mái. Mái lợp ngói vảy rồng rêu phòng cổ kính, phần chồng diềm lắp kính để đón ánh sáng trời.

Khu Đình Chùa An Lạc không chỉ là công trình kiến trúc đẹp, cây cối xum xuê mà còn là một trong những cơ sở cách mạng trung kiên của Đảng ta trong thời kỳ hoạt động bí mật và kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây. Nơi đây đã từng là địa điểm liên lạc, cơ sở chỉ đạo đấu tranh của công nhân Sở Dầu, công nhân nhà máy xi măng, xưởng carông Hải Phòng, v.v. 
 
 
 
Năm 1927 - 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh Bí thư đầu tiên của Thành Uỷ Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Công Hoà - Cán bộ Thành uỷ thời kỳ 1936-1939 đã chọn Đình Chùa An Lạc làm cơ sở hoạt động, chỉ đạo cách mạng Hải Phòng. Trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Đình Chùa An Lạc là địa điểm tập hợp lực lượng cách mạng của nhân dân chuẩn bị giành chính quyền ở huyện lỵ An Dương. Trong kháng chiến là nơi tập hợp, đóng quân của tự vệ khu 1 chuẩn bị tập kích Sở Dầu, ga Thượng Lý. Ngày 03/12/1999 UBND thành phố Hải Phòng có Quyết định số 2193 Xếp hạng đăng ký di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. 
 
 
 
Tiếng chuông chùa ngân vang, những tia nắng cuối ngày và những cơn gió đông se lạnh làm chúng tôi bừng tỉnh về thế giới thực tại. Tiếng Nam mô A Di Đà Phật của chú tiểu và tiếng kinh cầu phật tử như là những khúc ca mùa xuân ngân dài mang đến niềm vui, sự may mắn cho mọi người, mọi nhà.
 
Nếu ai đã từng đến Thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng, hãy ghé thăm và chiêm bái cảnh sắc chùa An Lạc để tâm hồn được thanh thoát, tĩnh tâm và chìm đắm trong thế giới của nhà Phật.

Đức Tuỳ
loading...