Chùa Việt

Thăm chùa Đào Viên ở Nha Trang

Thứ sáu, 23/10/2015 06:22

Chùa Đào Viên ngày nay không chỉ là nơi tăng chúng tu học, phật tử sớm tôi đi về tụng kinh, niệm Phật, tu nhân hướng thiện mà còn là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của người dân Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang. 

Hôm nay, 23 tháng 10, Kỷ niệm 70 năm ngày quân dân Nha Trang – Khánh Hòa nổi dậy chống thực dân Pháp, (23/10/1945-23/10/2015), thăm lại chùa Đào Viên - Tổ 7, thôn Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, quê hương anh hùng thành phố Nha Trang nơi ghi dấu những chiến công anh dũng của quân dân ta góp phần đưa cuộc đấu tranh  101 ngày đêm nổi dậy chông thực dân Pháp thắng lợi.
Bia Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại chùa Đào Viên Nha Trang
Trong Cách mạng tháng Tám 1945, chùa Đào Viên tuy là địa điểm tu hành nhưng thầy trụ trì Thích Trí Thanh đã giác ngộ cách mạng, che dấu và giúp đỡ cán bộ Việt Minh hoạt động.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở địa phương có một số nhân vật cùng các sự kiện nổi bật gắn với chùa Đào Viên như bà Nguyễn Thị Quế (bí danh chin Bông) Bà giữ chức Bí thư xã Ngọc Sơn, ông Nguyễn Biền giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Vĩnh Xương, hai cá nhân xuất sắc đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ông Nguyễn Ghỉnh, chiến sĩ 23/10/1945 đã tham gia hoạt động cho công cuộc chiến đấu 101 ngày đêm Nha Trang – Khánh Hòa. 

Trao đổi với Đại đức trụ trì Thích Thiện Trường được biết, theo thư tịch và theo Hồ sơ khoa học của Sở Văn Hóa Thể thao Du lịch tỉnh Khánh Hòa đề nghị công nhận chùa Đào Viên Di tích Lịch sử Văn Hóa cấp tỉnh năm 2009.
Tháp chuông tại chùa Đào Viên - Di tích Lịch sử cấp tỉnh
Chùa Đào Viên do Đại sư Thích Hoằng Tín thuộc đời thứ 44 dòng Lâm Tế khai sơn vào năm Kỷ Mùi (1919), Ngài là người xã Bình Kiến, huyện Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên. Đại sư đến vùng đất mới Lư Cấm, khi dân cư còn thưa thớt, cây cối râm rạp, Ngài xin làng khai phá khu đất gò hoang, cất một am nhỏ bằng tranh tre, vách đất tu hành. 

Thế rồi ngày tháng dần qua, mọi vật cứ âm thầm theo định luật vô thường “thành trụ hoại không” mà thay đổi. Sau 17 năm khai sơn kiến lập gắn bó với chùa, Đại sư Thích Hoằng Tín đã an tường viên tịch vào ngày 23 tháng 10 năm Bính Tý (1936). Trụ thế 82 năm. 

Chùa Đào Viên được truyền thừa trú trì đời thứ hai là Thượng tọa Thích Trí Thanh, húy thượng Không hạ Long, tự Trí Thanh, hiệu Huệ Hải, đời thứ 41 dòng Lâm Tế kế thế, Ngài là đệ tử của Hòa thượng Thích Bích Lâm, nguyên P.Viện trưởng Viện Hoằng Đạo GHPG Cổ truyền Việt Nam, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, Nha Trang. 

Kể từ khi chùa Đào Viên được Thượng tọa Thích Trí Thanh thừa kế chùa được trùng tu nhiều lần: 

Lần thứ nhất vào năm 1964, chùa Đào Viên được trung tu, lợp ngói móc (sản phẩm của dân làng Lư Cấm). - Lần thứ hai năm 1974, ngôi Tam Bảo được xây cất trang nghiêm, đủ điều kiện  để hoằng dương đạo pháp tấn dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. - Lần thứ ba vào năm 1978-1980 đây là lần xây cất ngôi chùa Đào Viên còn lưu lại đến hiện nay gồm: Chánh điện, nhà Đông, nhà Tây,  nhà khách… 

Trong suốt  thời gian gần một thế kỷ, chùa Đào Viên từ một mái am tranh đến nay thành ngôi Tam bảo huy hoàng. Đào Viên không chỉ là nơi để phật tử tu niệm, học tập giáo lý Phật đà, tìm về bến giác, mà còn là phòng thuốc từ thiện, trị bệnh cứu người, đặc biệt là bệnh đậu mùa, một loại bệnh mà trước đây nếu có người mắc phải thì phó mặc số mạng cho trời, thế mà với bàn tay “lương y như từ mẫu” Thượng tọa trú trì chùa Đào Viên đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người, một địa chỉ đáng tin cậy, giúp đỡ dân chúng, cả trẻ con và người lớn mỗi khi có trở duyên, bệnh tật, ốm đau… 

Điều đáng tự hào khi nói đến chùa Đào Viên là nhớ đến nơi đây đã gắn liền với mãnh đất anh hùng, kiên cường, bất khuất, của người dân Lư Cấm. Mãnh đất mà trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ anh hùng của dân tộc ta đã có biết bao người con của quê hương ngã xuống, lấy máu đào tô thắm cho lá cờ Tổ quốc ngày thêm rạng rỡ quang vinh. 

Giai đoạn 1945-1954: Chùa là cơ sở tiếp tế lương thực, đồng thời che dấu cán bộ Việt Minh, cung cấp thuốc men cho các chiến sĩ, trước khi bộ đội rút về mật khu. 
ĐĐ.Thích Thiện Trường đón nhận Bằng Di tích Lịch sử cấp tỉnh
Thời kỳ chống Mỹ, trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) có bốn bộ đội của ta bị bể mặt trận ở Vĩnh Thái rút lên Ngọc Hội vào chùa, được Thầy trú trì che dấu, quân ngụy chạy vào chùa lùng sục bắt bớ nhưng thầy trụ trì chậm rãi đi từ trong chùa ra  và chắp tay với phong thái ung dung, miệng niệm “Nam mô A Di Dà Phật”. Sau khi biết được ý đồ của chúng thầy liền nói: thầy là người tu hành không cần bận việc đời, chỉ tụng kinh gõ mõ, không thấy có ai đi qua chùa….Trước thời điểm gian nguy, ngàn cân treo sợ tóc, với tấm lòng yêu nước Thượng tọa trụ trì đã giúp cho bộ đội ta vượt qua nguy hiểm. Bọn chúng thấy vậy liền rút lui, thầy đã che dấu cho cán bộ cách mạng ở trong chùa hai ngày ba đêm trước khi rút về chiến khu. Thành tích này đã được bà Nguyễn Thị Quế nguyên Bí thư Chi bộ Phụ nữ cứu quốc thành phố Nha Trang lúc bấy giờ xác nhận và năm 2007, cố Thượng tọa trụ trì đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. 

Đúng như câu đối hiện nay còn ghi lại trước chùa: 

“Chúc Nam quốc chí tôn, tứ hải nhân dân hàm khể thủ.   
Lạy Tây phương Đại Thánh, nhất đàn tăng chúng cộng quy y.” 

Nghĩa là:  

Chúc nước Nam bốn biển một nhà, nhân dân đều khể thủ.   
Lạy Tây phương Phật Thánh, một đoàn tăng chúng thảy nương về.

Sau 88 năm trụ thế, Thượng tọa Thích Trí Thanh, trú trì chùa Đào Viên đã an tường viên tịch vào ngày 17 tháng Chạp năm Đinh Hợi, (24/1/2008).

Thừa kế đệ tam trụ trì chùa Đào Viên là  Đại đức Thích Như Đông tự Thiện Trường, đệ tử của Hòa thượng Thích Trí Tâm, thành viên HĐCM, Trưởng ban Nghi Lễ, HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban trực BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang. 

Hiện nay, chùa do Đại đức Thích Thiện Trường trụ trì.
HT.Thích Nguyên Quang trao quyết định Bổ nhiệm trụ trì chùa Đào Viên Nha Trang
Về thăm chùa Đào Viên trong những ngày Nha Trang- Khánh Hòa kỷ niệm 70 năm ngày quân dân Nha Trang - Khánh Hòa nổi dậy chông thực dân Pháp, một tin vui nữa lại đến với phật tử chùa Đào Viên, Đại đức trụ trì đã mua thêm diện tích đất ở phía Đông gần tháp Tổ chuẩn bị xây dựng nhà trù, và các công trình phụ đáp ứng với nhu cầu ngày một phát triển của chùa Đào Viên. 

Chùa Đào Viên ngày nay không chỉ là nơi tăng chúng tu học, phật tử sớm tôi đi về tụng kinh, niệm Phật, tu nhân hướng thiện mà còn là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của người dân Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang. 

Thật đúng là: 

ĐÀO hoa khai chánh mậu, đốn tiệm tam thừa, đạo dẫn hàm linh đăng giác địa. 
VIÊN chi quang ngọc diệp, quyền thiệt vô biên huề tiếp tứ sanh thú nê hoàn.

Nghĩa là:

Hoa Đào nở rộ  tốt, ba thừa nhanh, chậm dìu dắt chúng sinh lên cõi giác. 
Vườn cây xanh  sáng lá, không ngần quyền thực đưa bốn loài thoát khỏi biển mê.

Trí Bửu
loading...