Sách Phật giáo

Tham luận của BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 17/11/2017 01:20

Suốt hơn hai thiên niên kỷ, từ khi hiện hữu trên đất nước Việt Nam cho đến nay, Phật giáo luôn cùng chung vận mệnh thăng trầm của xứ sở, chuyển mình đáp ứng nhu cầu của lịch sử trong công cuộc đổi mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chống giặc ngoại xâm, tạo thành truyền thống tốt đẹp tiếp nối qua các thời đại, tô bồi cho khối đại đoàn kết toàn dân; tạo mối tương quan mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc, góp phần làm sáng ngời lý tưởng dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc như Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định “Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ sở ta”.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội,
Kính bạch Đoàn Chủ tọa Đại hội,
Kính thưa Quý vị Đại biểu,

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc được tổ chức trang nghiêm trọng thể giữa lòng thủ đô Hà Nội - trái tim của Tổ quốc Việt Nam - trong niềm hân hoan chung của tăng ni, phật tử cả nước kỷ niệm 36 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tình hình đất nước và Giáo hội đang trên đà phát triển tốt đẹp hội nhập cộng đồng thế giới. 

Trước hết, thay mặt Ban Trị sự và tăng ni, phật tử tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng con thành kính đảnh lễ thù ân chư Tôn túc Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi xin gửi đến Đại hội lời chúc mừng trân trọng nhất, kính chúc Đại hội thành công rực rỡ!
 
Kính thưa Đại hội,

Suốt hơn hai thiên niên kỷ, từ khi hiện hữu trên đất nước Việt Nam cho đến nay, Phật giáo luôn cùng chung vận mệnh thăng trầm của xứ sở, chuyển mình đáp ứng nhu cầu của lịch sử trong công cuộc đổi mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chống giặc ngoại xâm, tạo thành truyền thống tốt đẹp tiếp nối qua các thời đại, tô bồi cho khối đại đoàn kết toàn dân; tạo mối tương quan mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc, góp phần làm sáng ngời lý tưởng dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc như Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định “Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ sở ta”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn quy về một mối là thời điểm thuận lợi cho Phật giáo Việt Nam tiến hành công cuộc thống nhất các tổ chức, hệ phái trong ngôi nhà chung của Giáo hội, đoàn kết toàn thể tăng ni, phật tử cả nước, phát huy sức mạnh hoằng pháp độ sanh với tinh thần nhập thế, phục vụ dân tộc và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời ngày 7/11/1981 là kết tinh trí tuệ và nguyện vọng chính đáng của Phật giáo đồ, là chân lý tất yếu và là sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam.

Với phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”, Giáo hội đã quán triệt sâu sắc và kiên trì thực hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời thể hiện tinh thần đồng hành cùng dân tộc, hộ quốc an dân trên những thành tựu phật sự lợi đạo ích đời trải theo chặng đường hình thành và phát triển về kiện toàn tổ chức và các lãnh vực hoạt động có hiệu quả thiết thực của Giáo hội trên 35 năm qua. 

Qua đó, tăng ni, phật tử ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài hướng tâm mạnh mẽ đến với Giáo hội, tin tưởng sâu sắc vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, đã không ngừng nỗ lực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các hoạt động phật sự chung của Giáo hội, sống tốt đời đẹp đạo, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, ngăn chặn lối sống suy thoái đạo đức cá nhân và xã hội, tệ nạn tiêu cực tham nhũng, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm thời đại, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhân bản, văn minh và tiến bộ; ngày càng tích cực hơn nữa để đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế xã hội của nước nhà; quan tâm đến quốc phòng an ninh, ý thức đề cao cảnh giác trước những âm mưu của một số kẻ xấu lợi dụng tôn giáo, nhân quyền nhằm chia rẽ các tôn giáo, suy giảm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, chống đối chế độ... 

Các công tác Tăng sự và Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp cũng như Từ thiện xã hội luôn được Giáo hội quan tâm đúng mức, tiến triển khả quan; quan hệ quốc tế được tăng cường hữu nghị liên kết với Phật giáo các nước lân bang, khu vực Asean và thế giới ngày càng mở rộng; tăng ni, phật tử bảo quản, trùng tu, tôn tạo các cơ sở tự viện xuống cấp; thực hiện nghi lễ, thuyết giảng, tọa đàm, triển lãm, in ấn, phát hành kinh sách, báo chí nhằm xây dựng nếp sống đạo đức đúng chánh pháp và đạo lý dân tộc, nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình, đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh... Nhiều vị Giáo phẩm tiêu biểu trong Giáo hội đã được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; nhiều tăng ni, cư sĩ tham gia Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác trong vai trò quản lý xã hội...
 
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Giáo hội luôn tích cực phát huy giá trị minh triết Phật giáo, giữ vững vai trò, vị trí của mình và đóng góp thiết thực trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội trên các phương diện: chính trị, ngoại giao, phát triển kinh tế xã hội, phong phú nền văn hóa dân tộc và lớn mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những thành quả ấy xuất phát từ sự kiên định đường hướng hoạt động Giáo hội đã viết tiếp trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam như Chủ tịch Quốc hội, nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Những đóng góp thiết thực của Phật giáo Việt Nam vào sự nghiệp đổi mới đất nước chứng tỏ Phật giáo hoàn toàn là tôn giáo nhập thế, luôn đồng hành cùng dân tộc”.

Kính thưa Đại hội,

Thừa Thiên Huế - một thời là kinh đô, là xứ Thần kinh của cả nước - Phật giáo khi vào xứ Thuận Hóa này đã sớm trở thành một tôn giáo chính thống trong đời sống tâm linh của người dân. Được sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội và sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, trải bao thăng trầm của dòng chảy lịch sử gắn bó bước chân hoằng hóa miệt mài của lịch đại Tổ sư đã làm cho Huế ngày nay từ thành thị đến nông thôn, tại đồng bằng duyên hải hoặc tận vùng cao rừng núi hẻo lánh xa xôi đều có các cơ sở tự viện và nhiều hoạt động phật sự tu học đúng chánh pháp, an sinh xã hội tốt đời đẹp đạo tiếp diễn trong bầu không khí an lành, hướng thiện, góp phần bảo vệ sự bình an cho non sông xã tắc.

Với những lễ hội truyền thống văn hóa đặc trưng Phật giáo đầy chất nhân văn mang tính cộng đồng cao như Phật đản, Vu lan, Khánh đản Quán Thế Âm 19/6 âm lịch diễn ra hàng năm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người và sự quy hướng của phật tử khắp nơi, càng làm cho vùng đất di sản cố đô và văn hóa Phật giáo thêm dày dặn; góp phần làm nên nét văn hóa Huế đa dạng, phong phú và trong thẳm sâu tâm hồn; tính cách của con người xứ Huế - thương người mến vật, yêu chuộng hòa bình luôn hòa quyện vào lẽ sống đời thường.

Kính thưa Đại hội,

Trong thời đại hội nhập ngày nay theo nhu cầu của xã hội phát triển, để mãi được trang nghiêm trong lòng dân tộc, Giáo hội phải là tổng lực tập thể có Trí tuệ cùng nhau tạo nên sức mạnh nội tâm trên nền tảng thực hành giới luật, kiến thức ngũ minh và tinh thần tùy duyên bất biến để xây dựng định hướng chiến lược lâu dài và vị thế vững chắc toàn diện về mặt Kỷ cương của cả hệ thống tổ chức Giáo hội, để Hội nhập và Phát triển trong thời kỳ hiện đại hóa đất nước mang tính xu thế toàn cầu - như nội hàm chủ đề của Đại hội VIII đề ra.

Trong ý nghĩa đó, với mong ước Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh, chúng con xin tham gia một số ý kiến tại Đại hội:

1. Giáo hội do tăng già lãnh đạo, giữ vai trò rường cột của Phật pháp, kính mong Giáo hội có kế hoạch đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện nếp sống Giới - Định - Tuệ của từng thành viên trong tăng đoàn. Lấy trí tuệ làm nền tảng, dùng đức hạnh làm thăng hoa tổ chức qua 7 yếu tố được đức Phật đề cập trong kinh Đại Bát Niết Bàn, gồm: có Tín tâm, có Tàm, có Quý, Đa văn, Tinh tấn, Chánh niệm và Trí tuệ.

2. Thanh tịnh và hòa hợp là yếu tố tiên quyết cho mạng mạch Phật pháp, sự thống nhất ý chí và hành động là yếu tố cơ bản cho sự trường tồn và hưng thịnh của Giáo hội. Tăng ni, phật tử phải được quán triệt và nghiêm túc thực hiện đúng đắn Hiến chương, Quy chế hoạt động, Nội quy chuyên ngành của Giáo hội và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực phát huy nếp sống lục hòa cộng trú, trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đoàn kết nội bộ để xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội trang nghiêm ngày càng phát triển, tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là tôn giáo hộ quốc an dân, tôn giáo của dân tộc.

3. Mọi hoạt động phật sự của Giáo hội không ngoài mục đích hoằng pháp lợi sanh.

Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, tăng già hay cư sĩ nhập thế hành đạo phải bản lãnh và tích cực, dấn thân bằng hạnh nguyện của vị Bồ tát có chức năng như một ngọn đèn có thể soi sáng thế gian mới làm cho đời tốt đẹp và nhân bản hơn. Đội ngũ hoằng pháp này rất cần thiết cho mọi nơi, biên giới, hải đảo, vùng cao và ở nước ngoài được sống hạnh phúc.

Kính thưa Đại hội,

Phật giáo luôn chuyển mình theo đà phát triển văn minh nhân loại, niềm tin đặt trên cơ sở trí tuệ, với quá khứ tốt đẹp luôn là nền tảng, sức mạnh và động lực để hướng tới tương lai tươi sáng hơn, vai trò trách nhiệm của Phật giáo trong giáo dục con người hướng thiện nhằm giảm bớt những mặt trái, tội lỗi đang làm suy giảm những nét đẹp của văn hóa truyền thống là rất quan trọng và bất diệt!

Thành tâm kính lễ chư Tôn đức.
Kính chúc quý vị Đại biểu vô lượng an lạc.
Chúc Đại hội thành công viên mãn.

BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế 
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
loading...