Đạo Phật trong tim tôi

Thí dụ dược thảo 

Thứ năm, 31/03/2023 01:29

Thí dụ dược thảo chính là một trong chín hình ảnh thí dụ của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Thí dụ nói lên Đức Phật đối xử bình đẳng với tất cả chúng sanh.

Nhắc đến kinh Pháp Hoa, chúng ta thường nhớ đến Pháp Hoa cửu dụ. Bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thí dụ dược thảo chính là một trong chín hình ảnh thí dụ của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Thí dụ nói lên Đức Phật đối xử bình đẳng với tất cả chúng sanh. Đồng thời giáo pháp của Ngài cũng giống như vậy. Như một trận mưa mang lại sự sống cho muôn loài. Những giống cỏ thượng, trung, hạ và cây lớn, nhỏ tùy theo hoàn cảnh sống và nhu cầu mà hấp thụ lượng nước khác nhau. Tuy là có sự khác biệt như vậy nhưng cây cỏ nói riêng và vạn vật nói chung đều nhờ vậy là sinh trưởng, phát triển. Tuy là làm được những điều lớn lao như vậy nhưng trận mưa không cần báo đáp. 

Loại cỏ hạ là những chúng sinh tu tập giữ gìn 5 giới hoặc tu thập thiện nghiệp với mong ước kiếp vị lai sẽ tái sanh vào cõi người hoặc cõi trời. Đây chính là Nhân thừa và Thiên thừa. Loại cỏ trung là những chúng sanh tu tập Tứ diệu đế hoặc Thập nhị nhân duyên để đạt giải thoát của hàng Nhị thừa, gồm: xe dê (Thanh văn thừa) và xe hươu (Duyên giác thừa). Loại cỏ thượng chính là những chúng sanh tu hạnh Bồ tát, mong cầu khát ngưỡng quả vị Phật quả. Đây chính là xe trâu (Bồ tát thừa). Cây nhỏ là những chúng sanh quyết lòng tu thành Phật, thực tập tâm từ bi và đồng thời có niềm tin kiên cố mình sẽ thành Phật trong vị lai. Đây là hàng Bồ tát nhỏ, từ sơ địa đến thất địa. Cây lớn là những Bồ tát có sức thần thông lớn, chuyển pháp luân vô thượng để tế độ chúng sanh. Đây là hàng Bồ tát lớn, từ bát địa đến thập địa. Hiểu cách khác cây nhỏ ví như những vị Bồ tát thị tùng Báo thân Phật hay nói cách khác là hàng Bồ tát Quyền thừa như các vị Bồ tát mười phương, Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền… Cây lớn chỉ hàng Bồ tát thị tùng Pháp thân Phật tức là hàng Bồ tát Viên thừa như các vị Bồ tát tùng địa dũng xuất, Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh.

Hình ảnh ba cỏ, hai cây khác biệt nhau như thế nhưng chúng có điểm cùng xuất phát điểm đó là đều mọc lên từ đất và đồng thời là sinh trưởng, phát triển được đều là nhờ mưa. Hình ảnh này nhắc cho chúng ta đều có chung Phật tánh hay hiểu cách khác đó chính là tánh sáng suốt hay tâm thiện của chúng ta. Nhưng vì vô minh, vọng kiến ngăn che nên sanh các tánh ham muốn khác nhau, tạo tội sai biệt khiến cho trầm luân mãi trong biển sanh tử, chịu nhiều đau khổ. Khi đã bước vào dòng thác trí tuệ của Như Lai thì tất cả chúng sanh đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp hay giới tính… Tùy theo năng lực tiếp thu giáo pháp của mỗi chúng sanh mà chứng ngộ khác nhau. Mặc dù nhất thời chưa thể hiểu được hết giáo pháp của Ngài và tuy có sự chứng ngộ khác nhau nhưng chúng ta đã cắt bớt được phần nào phiền não, trần lao và nghiệp chướng. Đồng thời đều cảm thấy an lạc, tự tại, giải thoát trong cõi Ta Bà ảo mộng này. Tất cả đều giống nhau ở điểm là đều nhờ ông Phật bên ngoài mà ông Phật bên trong ta thức tỉnh. Hay nói cách khác là nhờ Đức Phật có thật trong lịch sử, bằng xương, bằng thịt mà Phật tánh bên trong bị che mờ suốt vô lượng kiếp nay lại được bừng sáng.

Hiểu thêm bước nữa, chúng ta thấy rằng hơi nước bốc hơi tạo thành mây mà rơi xuống là nước. Tuy là khác nhau trên mặt hình thức nhưng đều có cùng bản chất. Thăng hoa là Phật mà rớt xuống là chúng sanh. Ta Bà và Cực Lạc hay loạn động và thanh tịnh như hai mặt của một bàn tay.  

Mọi sai khác đều ở khả năng lĩnh hội của từng chúng sanh còn pháp do Đức Phật thuyết thuần một vị, bình đẳng như cơn mưa trút xuống thế gian. Khẳng định rằng chân lý Nhất thừa bao trùm lấy tất cả. Người nghe pháp đóng vai trò quan trọng như cây cỏ tùy theo khả năng mà hấp thụ nước khác nhau. Trên bước đường tu, tùy thuộc theo khả năng lãnh hội của chúng sanh mà chứng ngộ chân lý khác nhau. Đức Phật chỉ là người chỉ cho ta con đường đi đến giác ngộ, giải thoát còn đi hay không là phụ thuộc vào mỗi người. Ai ăn nấy no ai tu nấy chứng là vì thế. 

Trong kinh Pháp Hoa, Ngài đã khẳng định rằng chư Phật mười phương thị hiện trên cuộc đời đều để giúp khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho chúng sanh. Tức là mở bày cho chúng sanh thấy rồi tiến đến hiểu và sống trong trí huệ của Như Lai (chân lý). Ngài giúp cho chúng sanh bước lên thuyền pháp để đi từ bờ mê lầm, vượt qua biển khổ mà đi đến bờ giác ngộ. Thay vì chỉ lễ kính bậc giác ngộ mà chúng ta nên tu tập để trở thành bậc giác ngộ như Ngài. Chúng ta nên cố gắng thực hành theo giáo pháp của Ngài để được an lạc, giải thoát, tự tại ngay trong cuộc đời hiện tại. Đồng thời ta cũng đã tạo căn lành làm nhân tố cho ta tái sinh về các cõi an lành trong kiếp vị lai. Đó chính là kính trọng không bằng tuân mệnh. 

Phật pháp cao siêu rất nhiệm mầu

Làm cho con hiểu được cớ sao 

Luân hồi sanh tử quá đau khổ 

Thúc giục con tìm đường giải thoát 

Tắm trong dòng thác trí tuệ Phật 

Phần nào con khỏi nỗi ưu sầu 

Thân tâm an lạc khi trụ thế

Mãn kiếp Ta Bà, đáo Tây Phương

Một phần chân lý con đã hiểu 

Giúp con tránh khỏi những nguồn mê

Sống cho đẹp đạo tốt đời

Để không nuối tiếc khi nhìn lại 

Một đời làm người trên thế gian 

Kiếp người trôi qua rất là mau 

Vì thế ta phải tinh tấn nào.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Minh Nhựt; địa chỉ: xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. HCM.

loading...