Sách Phật giáo

Thiền sư Khánh Hòa và công cuộc vận động ở Nam Kỳ

Thứ sáu, 19/10/2017 10:18

Thiền sư Khánh Hòa sinh năm 1877 tại làng Phú Lễ tỉnh bến Tre, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường. Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông phát sinh vào khoảng năm ông được bốn mươi tuổi. Ông du hành khắp các tổ đình và Nam Kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc.

Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học

Công đầu của phong trào chấn hưng thuộc về thiền sư Khánh Hòa. Ông sinh năm 1877 tại làng Phú Lễ tỉnh bến Tre, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường. Sau đó ông được đưa về chùa Kim Cang ở Tân An và làm lễ thế độ với thiền sư Chánh Tâm. Năm năm sau, ông được đưa về chùa Long Triều và học Phật với thiền sư Đạt Thụy. Y chỉ sư đầu tiên của ông là thiền sư Chơn Tánh, trụ trì chùa Tiên Linh ở Bến Tre. Sau khi đắc pháp ông được thiền sư Chơn Tánh ủy nhiệm công việc trụ trì chùa Khải Tường. Khi thiền sư Chơn Tánh tịch, ông về làm trụ trì chùa Long Phước. Năm 1907 ông về trụ trì chùa Tiên Linh. Ông đắc pháp với thiền sư Đạt Thụy và có pháp hiệu là Như Trí. Ông rất có chí cầu học, hễ nghe ở đâu có bực cao tăng là tìm tới để họ thọ giáo. Năm hai mươi tám tuổi, trong kỳ kết hạ tại chùa Long Hoa ở quận Gò Vấp, gia Định, ông được mời giảng kinh Kim Cương Chư Gia cho đại chúng. Đây là lần đầu ông làm giảng sư Phật học. Ông được các bậc tôn túc khen ngợi và từ đó tiếng tăm của ông được đồn xa.

Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông phát sinh vào khoảng năm ông được bốn mươi tuổi. Ông du hành khắp các tổ đình và Nam Kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc. Ông liên kết được một số các vị cao tăng đồng chí, trong số đó có Huệ Quang, Pháp Hải và Khánh Anh, những người đã cộng tác chặt chẽ với ông trong suốt thời kỳ hoạt động của ông sau này. Năm 1923 trong một buổi họp của đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của ông, một tổ chức tăng sĩ được thiết lập gọi là Hội Lục hòa liên hiệp với mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo. Trong số những người cộng sự của ông, có một vị tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết tên là Thiện Chiếu. Thiện Chiếu khác hẳn với hầu hết các tăng sĩ đương thời, vì ông là người tân học xuất gia. Năm 1927, Thiện Chiếu được ông gửi ra Bắc để vận động. Tại đây, Thiện Chiếu đã tiếp xúc với các Tổ đình Linh Quang, Hồng Phúc, Tiên Lữ v.v..., nhưng gặp nhiều trở ngại, cuộc vận động bất thành.

Sau mùa an cư tại Quy Nhơn, Khánh Hòa trở về Nam đề nghị khởi xướng phong trào ở Nam Kỳ trước. Năm 1928 ông cùng ba vị tăng sĩ đồng chí là Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm lo tổ chức việc xây dựng Thích Học Đường và Phật học Thư Xã tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn. Năm 1929, Khánh Hòa và Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ hữu tâm ở Trà Vinh gửi mua cho Thư Xã một bộ Tục Tạng Kinh gồm 750 tập và an trí tại chùa Linh Sơn. Năm 1929, Khánh Hòa cho ấn hành một tập san Phật học bằng quốc ngữ lấy tên là Pháp Âm. Pháp Âm đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột Mỹ Tho, dựa trên sự ủng hộ kinh tế của bổn đạo chùa này. Đó là tờ báo Phật đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam. Số đầu ra ngày 13/8/1929. Nhưng Thiện Chiếu cho từ báo ấy là "xưa" quá, cho nên ông tự ý vận động xuất bản một văn tập lấy tên là Phật Hóa Tân Thanh Niên, nhắm tới giới thanh niên trí thức. Tờ này đặt căn cứ tại chùa Chúc Thọ ở Xóm Gà (Gia Định). Trong khi công việc vận động xây dựng Thích học đường đang được xúc tiến thì Khánh Hòa cùng các bạn đồng chí quyết định thành lập một hội Phật học để làm bàn đạp cho sự tiến tới thành lập Phật giáo Tổng Hội. Ông triệu tập các đồng chí, và với sự cộng tác của một số cư sĩ tại Sài gòn như các ông Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phổ và Nguyễn Văn Cần... thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học.

Hồi đó Khánh Hòa đã được năm mươi lăm tuổi. Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập năm 1931, điều lệ của hội được phê y ngày 26 tháng Tám năm ấy. Thiền sư Từ Phong chùa Giác Hải ở Chợ Lớn được bầu làm chánh hội trưởng. Khánh Hòa giữ trách vụ phó nhất hội trưởng và chủ nhiệm tạp chí Từ Bi Âm. Tạp chí này chào đời ngày 1/3/1932. Hai vị cố vấn là thiền sư Huệ Định (71 tuổi) và thiền sư Trí Thiền (50 tuổi). Ông Trần Nguyên Chấn làm phó nhì hội trưởng. Chùa Linh Sơn ở số 149 đường Douaumont được lấy làm trụ sở, ngay cạnh khu đất riêng của ông Trần Nguyên Chấn. Ngay sau khi hội được thành lập, sáu căn nhà ngói được khởi công xây dựng gần chùa Linh Sơn, trên khu đất của ông Trần Nguyên Chấn với sự đồng ý của ông này. Khuôn viên chùa chật hẹp nên thư viện cũng được xây cất trên đất ông Chấn. Thư viện này có tên là Pháp Bảo Phương. Tục Tạng Kinh được đem an trí tại đây. Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ ở Chợ Lớn gửi mua thêm cho Pháp Bảo Phương một Đại Tạng Kinh vừa mới được ấn hành tại Trung Hoa(28).

Bàn ghế tủ giường đã được trang bị cho học tăng nội trú của Thích học đường nhưng mãi đến 1934 mà trường này vẫn chưa khai giảng. Nguyên do là sự bất đồng ý kiến giữa chư tăng và một số cư sĩ không chịu làm theo đường lối và ý hướng của các vị này. Ông Trần Nguyên Chấn nhất định không cho khai giảng Thích học đường. 

Chương trình của Khánh Hòa thất bại vì các thiền sư đã không nắm được thực quyền trong hội. Hội đã bị một số cá nhân dùng địa vị trong xã hội của họ để khuynh loát và hướng dẫn về một nẻo khác. Ngay từ khi mới thành lập hội, ông Trần Nguyên Chấn đã vận động mời ông Khrautheimer (thống đốc Nam Kỳ) làm hội trưởng danh dự và ông Rivoal (đốc lý thành phố Sài Gòn) làm phó hội trưởng danh dự và ông Rivoal (đốc lý thành phố Sài Gòn) làm phó hội danh dự. Sự thỏa hợp với chính quyền là để nhằm vào an toàn và quyền lợi của hội. Tuy vậy, những quyền lợi đó không có gì đáng kể: sự trả lại ruộng đất các chùa bị chiếm hữu tại các xã và sự miễn thuế thân cho tu sĩ Phật giáo.

Các Thiền sư Bích Liên và Liên Tôn

Thất vọng về Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, đầu năm 1933 Khánh Hòa từ bỏ chức vị phó hội trưởng và chủ nhiệm Từ Bi Âm. Lúc đó Từ Bi Âm đã ra tới số 45. Ông rút về Trà Vinh để cùng các thiền sư Huệ quang và Khánh Anh mưu toan tìm con đường mới. Một vị thiền sư ở chùa Thiên Phước quận Trà Ôn tên là Chánh Tâm được mời giữ chức chủ nhiệm Từ Bi Âm. Tuy vậy nhờ sự hợp tác của các thiền sư Bích Liên và Liên Tôn mà Từ Bi Âm còn đóng được một vai trò hoằng pháp đáng kể. Từ Bi Âm không đóng góp được gì trong việc xây dựng ý thức văn hóa dân tộc, nhưng trong mười năm trời cũng đã làm được công việc phổ thông hóa Phật học bằng quốc ngữ.

Bích Liên và Liên Tôn phát xuất tại Bình Định. Chính Khánh Hòa đã khám phá được hai người này khi ông ra thuyết pháp tại giới đàn Long Khánh ở Quy Nhơn và năm 1928. Nhận thấy thực tài của hai người, ông bèn kết làm thân hữu và mời hai người vào Nam họat động. Bích liên đã làm chủ bút Từ Bi Âm trong khi Liên Tôn làm phó chủ bút. Trần Nguyên Chấn làm quản lý của tạp chí này, và đã không bao giờ để cho Từ Bi Âm chết vì lý do tiền bạc.

Thiền sư Bích Liên tên là Nguyễn Trọng Khải sinh năm 1876. Khi nhận làm chủ bút Từ Bi Âm ông đã năm mươi bảy tuổi. Năm ba mươi mốt tuổi ông đậu tú tài Nho học, và năm ba mươi bốn tuổi ông đậu tú tài Nho học một lần nữa. Ông xuất gia năm 1919 tại chùa Thạch Sơn ở Quảng Ngãi, pháp danh là Chơn Giám, tự là Đạo Quang, hiệu là Trí Hải. Bích Liên chỉ là tên ngôi chùa mà ông khai sáng và trụ trì sau khi ông xuất gia. Năm 45 tuổi, ông đắc pháp với hòa thượng Hoằng Thạc chùa Thạch Sơn. chuyên về Tịnh Độ Tông, ông đã sáng tác các sách sau đây bằng chữ Hán: Liên Tông Thập Niệm Yếu Lãm, Tịnh Độ Huyền Cảnh, Tây Song Ký, Tích Lạc Văn. Ông cũng sáng tác nhiều bằng chữ Nôm. Quy Sơn Cảnh Sách và Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi là hai tác phẩm dịch Nôm nổi tiếng hơn cả trong số này. Văn Nôm ông rất chỉnh đốn. Ta hãy đọc một đoạn trong Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi:

"Lại thỉnh kẻ tao ông mặc khách
Lối cửa hoàng nhà bạch vào ra,
Rừng văn nhẹ bước thám hoa
Ngang cung bút chiến, chơi tòa các vi

Tan lửa đóm, tiếc dày công học
Mòn đĩa nghiên uổng nhọc chí bền
Lụa hồng bảy thước đề tên,
Đất vang một cụm lấp nền văn chương

Lại thỉnh kẻ xuất trần phi tích
Thượng sĩ kia với khác cao tăng
Trai tinh ngũ giới đạo hằng
Gái tỳ khưu lại đủ ngằn nết tu

Làng hoa trúc vào câu mật đế
Nhà hỗ nô vắng kệ khổ không
Kinh song trăng thảm lạnh lùng
Nhà thiền leo lét đèn chong canh dài...
...
Lại thỉnh kẻ giang hồ cơ lữ
Đường Bắc Nam trải thứ hành hương
Lợi quyền muôn dặm toan đương
Ngàn vàng trữ lại trong hàng hóa buôn

Thân sương gió thịt chôn bụng cá
Bước đá mây xương rã đường dê
Vía theo mây Bắc sè sè
Hồn theo ngọn nước xuôi về biển Đông

Lại thỉnh kẻ lướt xông chiến trận
Sức phương cường mình bận áo binh
Cờ điều phất bóng tượng tranh
Trung chùm mũ bạc đem mình chống đương

Gan ruột nát theo đường kim cổ
Da thịt rơi đầy chỗ can qua
Cát vàng văng vẳng tiếng ma
Mờ mờ xương trắng ai mà thu cho?...(29)

Trong các tập san Từ Bi Âm và Tam Bảo, Bích Liên còn viết nhiều bài Phật pháp bằng thơ lục bát. Năm 1938, ông được mời về làm giáo sư tại Phật học đường Long Khánh ở Quy Nhơn. Ông mất tại chùa Bích Liên năm 1950, thọ bảy mươi bốn tuổi. Sau đây là bài kệ truyền thừa của ông:
Chân ngọc hồng sơn chiếu 
Trừng châu bích hải viên 
Lý minh tri tính diệu 
Trí mật ngộ tâm huyền

Tịch duyên hoài túy liễu 
Lạc quốc ngự kim liên 
Thánh cảnh quy lai nhật 
Tông phong chấn cổ huyền 

Thiền sư Liên Tôn sinh năm 1882 ở Bình Định. Ông tên là Võ Trấp, ba mươi tuổi đậu tú tài Nho học. Năm ba mươi bảy tuổi ông xuất gia tại chùa Tịnh Lâm, học với thiền sư Từ Mẫn, được pháp danh là Như Phước, tự là Giải Tiềm, hiệu là Huyền Ý. Liên Tôn chỉ là tên chùa nơi ông trụ trì, ở làng Hưng Trị, quận Phù Cát, do ông lập nên năm ông bốn mươi mốt tuổi.

Ông có sáng tác Đáo Liên Thành Lộ bằng chữ Hán, hiện chưa tìm lại được. Sáng tác chữ Nôm của ông có: Sa Di Luật Diễn Nghĩa, A Di Đà Kinh Diễn Nghĩa, Kim Cang Bát Nhã Diễn Nghĩa. Tác phẩm thơ Chứng Đạo Diễn Ca của ông hiện cũng chưa tìm lại được.

Ông vào Nam năm 1931 do thư mời của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Theo đề nghị của Bích Liên, năm 1931 hội cũng có viết thư mời một vị tăng sĩ có tân học là Trí Độ vào hợp tác với Từ Bi Âm. Ngoài ba cây bút gốc Bình Định, Từ Bi Âm còn có ba cây bút khác cũng thuộc giới tăng sĩ: đó là Thiện Dung (từ Mỹ Tho), Giác Nhựt (từ Cần Thơ) và Nhựt Chánh (Sài Gòn). Để ủng hộ cho tờ báo, chủ nhiệm Từ Bi Âm là Chánh Tâm đã cúng ruộng chùa Thiên Phước do ông trụ trì vào Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Tạp chí Từ Bi Âm có thể nói là đóng góp đáng kể gần như duy nhất của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Tuy nhiên, Bích Liên và Trí Độ không làm việc được mãi với hội này. Cuối năm 1936, Bích Liên trở về Bình Định, nhận chức giáo thọ cho Phật học đường chùa Long Khánh, Quy Nhơn; Trí Độ cũng về Bình Định và sau đó ra Huế dạy trường An Ban Phật học ở Báo Quốc.

Hội Lưỡng xuyên Phật học

Nóng lòng về chuyện đào tạo tăng tài, Khánh Hòa rút về chùa Long Hòa, tổ chức Phật học đường lưu động lấy tên là Liên Đoàn Phật học Xã. Khoảng năm mươi vị học tăng được thu nhận vào liên đoàn và lớp học đầu được khai giảng tại chùa Long Hòa, do các vị Huệ Quang, Khánh Anh và Pháp Hải giảng dạy. Khánh Hòa kêu gọi tín đồ ủng hộ tài chính cho chùa Long Hòa để chùa có thể cung phụng cho lớp học đủ mọi vật dụng. Chủ bút Từ Bi Âm lúc bấy giờ là thiền sư Chánh Tâm, một pháp hữu của Khánh Hòa, cũng kêu gọi đóng góp vào công trình này.

Sau hai khóa nữa ở chùa Thiên Phước (Trà Ôn) và chùa Viên Giác (Bến Tre): lớp Phật học này bị tan rã vài lý do thiếu tài chính. Lúc ấy Khánh Hòa thấy rằng cần phải thành lập một hội Phật học có đông đảo hội viên đóng góp tài chính thường trực mới có thể duy trì được một Phật học đường. Ông bèn cùng các pháp hữu thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh. Cộng tác với họ có một số các vị cư sĩ mà họ chọn lựa trong giới có nhiều đạo tâm nhất: Nguyễn Văn Khỏe, Trần Văn Giác, Phạm Văn Liêu, Huỳnh Thái Cửu, Ngô Trung Tín và Phạm Văn Luông. Ban đầu, một bản điều lệ của ban "Cai quản tạm thời" được công bố ngày 1/3/1934; ông Huỳnh Thái Cửu đứng ra làm trưởng ban. Sau khi giấy phép được ký ngày 13/8/1934 thì thiền sư An Lạc chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho được bầu làm hội trưởng.

Hội Lưỡng Xuyên Phật học (Lưỡng Xuyên có ý nghĩa là "hai con sông", đó là các sông Tiền Giang và Hậu Giang) được thành lập chính thức ngày 13/8/1934, đặt trụ sở tại chùa Long Phước ở Trà Vinh(30).

Công việc đầu tiên của hội là tổ chức Phật học đường. Công việc tổ chức cơ sở và tuyên truyền chọn học tăng được thực hiện rất mau chóng. Phật học đường Lưỡng Xuyên được khai giảng ngay vào cuối năm 1934. Các thiền sư Huệ Quang và Khánh Anh được mời đến giảng dạy. Khánh Hòa đảm nhiệm trách vụ đốc giáo. Hai vị cư sĩ hữu tâm và Ngô Trung Tín và Huỳnh thái Cửu họp nhau mua tặng cho Phật học đường một bộ Đại Tạng Kinh khác để làm tài liệu học tập. 

Phật học đường Lưỡng Xuyên có thu nhận cả tăng sinh lẫn ni sinh, nhưng ni sinh được tổ chức thành lớp riêng do thiền sư Minh Tịnh điều khiển.

Năm 1935, hội xuất bản sách Phật học giáo khoa bằng hai thứ tiếng Việt và Hán. Tạp chí Duy tâm của hội được ra mắt vào tháng Mười năm 1935. Huệ Quang đứng làm chủ nhiệm và quản lý là bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe. Tòa soạn được đặt tại chùa Long Phước. Tạp chí khởi dịch từ các kinh Ưu Bà Tắc Giới và Quán Vô Lượng Thọ Phật. Hồi ấy phong trào Phật học đã lan rộng cho nên báo Lục Tỉnh Tân Văn tại Sài Gòn cũng mở "Trang Phật học".

Duy Tâm thường lên tiếng kêu gọi thành lập một Phật giáo Tổng Hội để thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam. Từ cuối năm 1937 trở đi, trong số nào Duy Tâm cũng có bài bàn về vấn đề thành lập Phật giáo Tổng Hội. Hội Lưỡng Xuyên Phật học có nhiều liên lạc thân hữu với hội An Nam Phật học và với sơn môn Thừa Thiên. Năm 1936, hội gửi bốn học tăng xuất sắc ra học trường Sơn Môn Phật học(31). Năm 1939 lại gởi ra thêm sáu vị nữa(32). Trường của hội bị đóng cửa trong mấy tháng vì thiếu tài chính, sau nhờ có một nữ cư sĩ ở Đa Kao là bà Thái Văn Hiệp pháp danh là Chân Nhật nhận trợ cấp bảy mươi lăm đồng một tháng cho nên mới mở cửa lại được. Lúc bấy giờ học tăng Hiển Thụy ra Huế học tốt nghiệp. Ông trở vào trường Lưỡng Xuyên cũng mời thêm các thiền sư Mật Thể và Như Ý từ Thừa Thiên vào để phục lực giảng dạy Phật pháp. Nhưng đến cuối năm 1941, trường lại bị đóng cửa vì thiếu tài chính, và hội Lưỡng Xuyên Phật học chỉ còn đủ sức duy trì những lớp tiểu học tại các chi hội địa phương như Sa Đéc, Phú Nhuận và Kế Sách.

Những liên hệ giữa hội Lưỡng Xuyên Phật học và Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học không được tốt đẹp. Trần Nguyên Chấn vì không ưa sự hiện diện của hội Lưỡng Xuyên, nên đã có lần kích bác hội và tạp chí Duy Tâm trên báo Từ Bi Âm. Tạp chí Tiếng Chuông Sớm xuất bản tại Hà Nội trong số 16 ra ngày 24/1/1936 có đăng một bức thư ngỏ gửi ông Trần Nguyên Chấn về việc Từ Bi Âm bài bác hội Lưỡng Xuyên Phật học, khuyên ông Chấn chấm dứt những hành động này. Bức thư do vị trụ trì một ngôi chùa tên là Bảo Long tại Takeo Nam Kỳ ký tên(33).

Năm 1934, Thiền sư Khánh Hòa lui về chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre. Tuy đã già yếu, ông vẫn tổ chức được một Phật học đường cho ni chúng. Đây là trường học đầu tiên cho ni giới tại Nam Kỳ. Năm 1947, ông về chùa Tuyên Linh cũng ở Bến Tre, và viên tịch ở đây vào ngày mười chín tháng sáu âm lịch. Ông thọ bảy mươi tuổi. Năm 1955, thiền sư Huệ Quang, người đồng chí thân cận của ông, lúc bấy giờ đang làm pháp chủ của Giáo hội Tăng già Nam Việt, hướng dẫn một phái đoàn đến chùa Tiên Linh và họp cùng môn đồ của chùa, làm lễ trà tỳ linh cốt của ông. Đó là vào ngày 11 tháng ba âm lịch. Tro và xá lợi của ông được tôn trí tại chùa Tuyên Linh.

Trong suốt hai mươi lăm năm trời, Khánh Hòa luôn luôn hăng hái trong công nghiệp phục hưng Phật giáo. 

Đường lối của ông là một đường lối ôn hòa. Ông thường tránh những cuộc bút chiến và tranh luận. Ông sống rất giản dị. Lúc gần tịch diệt, ông căn dặn chỉ nên tẫn liệm ông với bộ y hậu vải thường, không được dùng vải lụa, không được làm long vị sơn son thếp vàng. Các đồng chí của ông như Huệ Quang, Khánh Anh và Pháp Hải đều rất quý mến ông.

Thiền sư Pháp Hải và Thiền sư Chí Thành

Về các thiền sư Huệ Quang và Khánh Anh, ta sẽ có dịp nói tới trong một chương sau. Ở đây ta phải nhắc tới thiền sư Pháp Hải, một người đã từng triệt để tùy hỷ và ủng hộ công trình của Khánh Hòa. Pháp Hải sinh năm 1895 tại làng Thong Dong ở Sa Đéc, tên đời là Nguyễn Văn An, xuất gia năm mười bảy tuổi, hòa thượng chùa Tây Hưng tịch, ông đều cầu học với hòa thượng chùa Long Phước, Vĩnh Long. Năm hai mươi tám tuổi, ông trụ trì chùa Phước Sơn ở quận Trà Cú tỉnh Trà Vinh. Năm 1933 và 1934, ông đảm trách việc giảng dạy cho Liên Đoàn Học Xã do Khánh Hòa tổ chức tại các chùa Long Hòa, Thiên Phước và Viên Giác. Khi hội Lưỡng Xuyên Phật học thành lập, ông nhận chức vụ trụ trì chùa Long Phước, trụ sở của hội đồng thời ông cũng làm giáo sư cho Phật học đường Lưỡng Xuyên. Sáu năm sau, ông nhận lời về trụ trì chùa Hiệp Châu ở Sóc Trăng để hướng dẫn Phật sự cho chi hội Kế Sách của hội Lưỡng Xuyên Phật học. Bốn năm sau, ông trở lại chùa Long Phước. Sau khi Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập tại chùa Ấn Quang Sài Gòn (1951), ông được mời ra làm trị sự trưởng cho Giáo hội tại Vĩnh Long. Ông mất năm 1961 vào ngày mồng sáu tháng Tám âm lịch, hưởng thọ sáu mươi sáu tuổi.

Cộng tác với Khánh Hòa còn có nhiều vị cơ sở hữu tâm, phần lớn đều xuất phát tại Trà Vinh, trong đó ta phải kể các ông Phạm Văn Liêu, Nguyễn Văn Khỏe và Phạm Văn Luông. Ngoài ra còn có các ông Nguyễn Văn Thọ (mà sau này xuất gia có pháp hiêu là Trường Lạc, từng phiên dịch và sáng tác nhiều tài liệu Phật học), Huỳnh Thái Cửu, Ngô Trung Tín, Trần Văn Giác, Thái Phước, Thái Khánh, Lữ Long Giao, Trần Thến và Nguyễn Văn Nhơn. Chủ bút Duy Tâm Trần Huỳnh là một cư sĩ có kiến thức Phật học khá sâu sắc, đã soạn được nhiều tài liệu giao khoa Phật học như bộ Phật học giáo khoa thư (hai cuốn), và phiên dịch nhiều kinh điển Hán tự ra quốc văn, đóng góp rất đáng kể cho công trình phổ thông hóa Phật học tại Nam Kỳ.

Tới đây tưởng nên nhắc tới một vị cao tăng đồng thời với Thiền sư Khánh Hòa: Thiền sư Chí Thành mà thiền sư Khánh Anh cho là thuộc hạng "chân tu bậc nhất". Thiền sư Chí Thành sinh năm 1861 tại Quảng Nam. Ông là cháu nội của Hộ quốc công Nguyễn Công Thành dưới triều Tự Đức. Sau khi phong trào Văn Thân khởi nghĩa thất bại ở miền Trung, ông vào xuất gia tại chùa Giác Viên ở Chợ Lớn đó là vào năm 1880, ba năm tròn chuyên làm những công quả như gánh nước bửa củi, giã gạo. Sau đó ông nhập thất và tịnh khẩu, nghĩa là không nói, trong vòng ba năm nữa.

Năm 1882, ông tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Gò Công, Trận Nhâm thìn này đã tiêu diệt tới 16.000 người. Một mình ông đi thu thập được năm mươi thi hài nạn nhân, đem khâm liệm, mai táng và tụng kinh siêu độ. Đến năm 1895, ở Châu Đốc lại bị thủy tai. Ông đốc suất ghe xuồng ra cứu vớt được hưon 500 người và cho về chùa, nuôi cho đến khi nước rút. Trong mười hai năm, ông tịch cốc, chỉ ăn rau trái. 

Sau đó bị mật thám pháp nghi ngờ làm quốc sự, ông bị bắt giam và bị cầm giữ mười tháng. 

Năm 1927 ông chứng minh lễ khai giảng lớp tăng học chùa Giác Hoa ở Sóc Trăng, và năm 1929, chứng minh giới đàn chùa Trùng Khánh, Phan Rang.

Phần lớn hành tung của thiền sư Chí Thành còn nằm trong vòng bí mật. Trong thời gian hành đạo tại chùa Giác Viên, không ai biết ông xuất thân nhà quyền quý và là người có học. Tại Châu Đốc, suốt mấy chục năm trời, người chung quanh không ai biết ông là người có học thức. Thiền sư Phổ Huệ ở chùa Tịnh Lâm Bình Định có vào thăm và ở lại chùa Phi Lai một tháng. Khám phá con người thật của Chí Thành, ông làm bài thơ sau đây để tán dương: 

Đương thế Phi Lai chân đạo tôn 
Chí Thành khí sắc cổ phong tồn 
Phong lưu bất tẩy tâm thường tịnh 
Diệu nghĩa năng tham tự tính dung

Vân khứ vân lai vô trú trước 
Hoa khai hoa tạ tổng thành không. 
Phong quang hảo cực tư thời tặng 
Sạ nhược linh san lạc bất ung. 

Ngư Khê tống Tinh Trai ở Vĩnh Long cũng làm bài thơ tặng thiền sư như sau:

Phi kinh trượng cước xả phàm chân 
Y bát tương truyền bản tính chân 
Đại đức quảng khai thanh tịnh lộ 
Chí Thành phổ hóa hải sơn nhân
 
Kim thân tố hội liên hoa tọa 
Ngọc điện huy hoàng động vũ tân 
Công đức khả gia xưng bồ tát 
Thanh sơn bất lão biến từ vân. 

Hội Phật học kiêm tế và Tạp chí Tiến Hóa

Bất mãn với Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và bất mãn luôn với đường lối hoạt động của Thiền sư Khánh Hòa mà ông cho là ôn hòa đến mức thụ động và cổ hủ, Thiện Chiếu đi tìm con đường khác. Nhưng ở đâu ông cũng gặp những phần tử bảo thủ. Lúc đó ông về chùa Hưng Long ở Ngã Sáu Chợ Lớn. Sau những va chạm liên tiếp, ông phẫn chí bỏ luôn chùa Hưng Long, cởi áo tu, về ở nhà một người bạn ở Gò Vấp tên là cư sĩ Thuần Viên. Đến năm 1936, ông tìm về Rạch Giá với thiền sư Trí Thiền, ngày trước đã từng cộng tác với Khánh Hòa và Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và đề nghị Trí Thiền thành lập một tổ chức Phật giáo thật sự tiến bộ. Cuối cùng Hội Phật học Kiêm Tế được thành lập tại Rạch Giá, lấy chùa Tam Bảo ở làng Vĩnh Thanh Vân làm trụ sở. Điều lệ của hội Phật học Kiêm Tế được phê chuẩn vào ngày 23.3.1937. Thiền sư Trí Thiền tức Nguyễn Văn Đồng làm chánh tổng lý của hội. Hai chức vụ phó tổng lý được hai vị Nguyễn Văn Ngọ (trụ trì chùa Thập Phương) và Ngô thành Nghĩa (trụ trì chùa Phước Thanh) đảm nhiệm. Tạp chí Tiến Hóa cho ra số đầu vào ngày đầu năm năm 1938; Phan Thanh Hà đứng tên chủ bút. Thiện Chiếu không giữ chức vụ nào trên mặt giấy tờ cả; ông chỉ làm việc phía sau. Những bài trên Tiến Hóa do ông viết được ký tên bằng bút hiệu. Chủ nhiệm của Tiến Hóa là ông Đỗ Kiết Triệu.

Danh từ Phật học Kiêm Tế nói lên ý hướng của những người chủ trương: đây không phải là một cái hội để chỉ học Phật mà còn là một cái hội để hực hành kinh ban tế thế nữa. Danh từ Tiến Hóa cũng nhằm nói lên lập trường tiến bộ của hội. Ngay sau khi hội thành lập, một Viện Mồ Côi được tổ chức tại chùa Tam Bảo.

Tạp chí Tiến Hóa số ra mắt đã đăng hình cô nhi viện này, một cô nhi viện có thể gọi là cô nhi viện Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tổ chức theo kiểu Tây phương. Tiến Hóa số 1 cũng đăng hình hội Phật học Kiêm Tế cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá và cho biết rằng hội đã nuôi ăn từ 200 đến 300 nạn nhân bảo lụt tại trụ sở của hội trong thời gian hai tháng. Hình chụp ngày 26.9.1937. Ngoài chủ ý muốn chứng minh rằng hội Phật học Kiêm Tế không phải là hội "chịu nói suông", Tiến Hóa lại tuyên bố rằng tờ báo không những sẽ "tuyên truyền" cho Phật học mà còn ‘tuyên truyền" cho "bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm chúng sanh khỏi khổ được vui". Theo Tiến Hóa, những học thuyết nào có tính cách từ bi bác ái thì đều được Tiến Hóa công nhận là "Phật pháp" cả(34).

Ký giả Trầm Quân của Tiến Hóa giữ mục triết học thường thức. Bắt đầu từ số 1 ông viết về đề tài "Triết học là gì?". Trong số 4, ông đã trình bày Duy Vật Biện Chứng Pháp. Từ các số 6 trở đi, ông phê bình những hình thức khác nhau của Duy Tâm Luận.

Đứng về phương diện lý thuyết. Tiến Hóa chủ trương những điểu sau đây: 

1- Người phật tử mới phải có sự giác ngộ mới. Những sự giác ngộ mới này do các khoa học khám phá. Người phật tử phải học khoa học để biết rằng không có cõi Cực Lạc ở phương Tây và cũng không hề có Thiên Đường cùng Địa Ngọc. Phải học kinh tế học để biết rằng quan niệm giàu nghèo tại mạng là sai, rằng những đau khổ của con người là do những chế độ chính trị đè nén và những cuộc khủng hoảng kinh tế, chứ không phải do một vị thần linh ban phúc giáng họa.

2- Phật Thích Ca chỉ là bậc "sáng suốt hoàn toàn" trong thời đại của Ngài mà thôi. Bây giờ cái biết của nhân loại đã trở thành rộng lớn; phải nắm hết tất cả những cái biết về các khoa học ngày nay thì mới được gọi là Phật. Về địa lý chẳng hạn, ngày xưa Phật chỉ biết được địa dư trong nước Ấn Độ, ngày nay ta có thể học để biết được địa dư cả thế giới. Chữ "Phật" bây giờ phải được hiểu là tổng thể những hiểu biết của các ngành khoa học chứ không thể hiểu theo nghĩa một cá nhân giác ngộ. Phật đã từng nói: "Chúng sinh chưa thành Phật thì ta không thể thành Phật". Câu nói này theo Tiến Hóa, "chứng tỏ rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói thật với chúng ta rằng dầu cá nhân có sáng suốt đến bực nào cũng chưa phải hoàn toàn sáng suốt" và "tri thức của Phật hồi thời đại ấy không bằng tri thức của toàn thể nhân loại sau này"(37).

Những chủ trương trên kia cho thấy lập trường rất mới mẻ và táo bạo của hội Phật học Kêm Tế nhưng đồng thời cũng chứng tỏ rằng gốc rễ Phật học của các lý thuyết gia Tiến Hóa chưa sâu vững.

Đã đành rằng cái khổ của sự nghèo đói là một phần là do sự thiếu học và sự bóc lột kinh tế, nhưng hai nguyên do đó không phải là những nguyên nhân duy nhất, đành rằng "Phật" có nghĩa là hiểu biết nhưng cái hiểu biết ở đây không phải là những tri thức chất chứa do sự học hỏi, mà là cái biết của thật trí bát nhã giải phóng được tâm hồn người. Đã đành rằng muốn cải tạo xã hội thì phải cải tạo "cảnh’, nhưng theo đạo Phật "cảnh" là một phần của tâm, bởi vì "tâm cảnh bất nhị". Cái ý thức mà Tiến Hóa cho là tâm ấy chỉ là một trong những tác dụng phân biệt của tâm mà thôi. Với lại làm sao cải tạo "cảnh" nếu không có được nhận thức chín chắn về ý hướng và đường lối cải tạo? 
Ưu điểm của lập trường Tiến Hóa là sự chú trọng tới hành động. Tiếc thay, Tiến Hóa đã không tạo được một con đường thức hiện có căn cứ vững chãi trên nguồn trí tuệ giác đạo Phật. Thay vì sáng tạo một con đường tranh đầu bất bạo động lấy lực lượng đông đảo của Phật giáo làm hậu thuẩn, thì Tiến Hóa mượn con đường tranh đấu bạo động của chủ nghĩa Mác Lê Nin. Phù hợp v&
loading...