Kinh Phật
Thọ giới và giữ giới trong kinh điển Phật học
Chủ nhật, 16/05/2022 04:52
Khi xưa, Phật thuyết pháp 49 năm hơn ba trăm pháp hội, diệu nghĩa thật thâm lường ẩn áo uyên thâm kín nhiệm. Nhưng không vượt thoát ba cửa vô lậu. Đó là con đường: “Giới-Định-Tuệ”.
Vì sao? Vì có giữ giới tâm mới có định, tâm định thì tuệ mới phát sanh. Như vậy chúng ta khẳng định rằng giới là căn bản chính để thuận dòng giải thoát, con đường thành Phật tác Tổ cũng từ đây.
Kinh Tâm Địa Quán Phật dạy:
“Người giữ gìn giới luật dù xuất gia chỉ trong một ngày đêm cũng được hai trăm vạn kiếp không sa đọa ác thú. Người đó thường sanh nơi nhàn cảnh, hưởng phước trí thù thắng, thường gặp Thiện tri thức, vĩnh viễn không thoái chuyển, thường gặp chư Phật được Phật thọ ký, ngồi tòa kim Cang thành bậc Đại Giác”.
Do đó, người xưa thường nói: “Giới có công năng như chiếc bè báu đưa người qua bể khổ, giới là cửa ngõ vào cảnh Niết Bàn. Thế nên trong mười tông phái của Phật giáo, dù chúng ta tu theo tông phái nào cũng phải lấy giới làm thầy. Cho nên người muốn được quả vui, dứt trừ mầm mống của khổ đau mà không giữ gìn tịnh giới thì không thể được”.
Kinh Đại Niết Bàn Phật dạy:
“Giới là thềm thang của tất cả pháp lành, cũng là cội gốc của tất cả thiện pháp: như quả đại địa là cội gốc của tất cả thảo mộc phát sanh.
Giới là một đấng Đạo Sư tối cao của các thiện căn: là vị thượng chủ dẫn dắt đàn thương nhân.
Giới là thắng tràng của tất cả các thiện pháp: như thắng tràng của Thiên Đế Thích.
Giới là công năng đoạn trừ vĩnh viễn tất cả ác nghiệp và tam ác đạo, như các dược thảo có công năng trị liệu tất cả các thứ ác bệnh.
Giới là tư lương trên đường hiểm sanh tử, giới là chiếc áo giáp đồng, là cây gậy thần trừ diệt ác thần kiết sử.
Giới là một thần chú tối linh, diệt trừ rắn độc phiền não. Giới là cây cầu để qua khỏi hạnh nghiệp tội ác”.
Như vậy, chúng ta khẳng định rằng: Dù chúng ra có thực hành pháp môn nào: hoặc Thiền quán, Tịnh độ, Mật chú… bất luận đoạn phiền não hay chứng chơn thường, đối với giới pháp của Phật dạy, đều phải óc tính cách quyết định thọ mạng của hành giả. Nếu không giữ giới được tinh nghiêm thì tất cả các việc công phu hành trì đều không có thể thành tựu.
Như trong Kinh Lăng Nghiệm Phật đã từng dạy:
“Như nấu cát mà muốn thành cơm, trọn không thể có được”. Ngay đây hành giả phải tự nghiệm lấy, chớ nói suông vô ích, đến khi bệnh nặng những tri kiến, tri giải học suông một đời làm sao cứu nổi cơn vô thường sắp đến! Phải biết rõ vua Diêm La không kiêng nể một ai, cho dù chúng ta thông suốt Tam Tạng Kinh điển.v.v… Đều không màng đến nếu không tịnh nghiệm giới pháp.
Thiền Sư Quy Sơn dạy:
“Một mai bệnh nặng trên giường, mọi thứ đau đớn đoanh vây bức bách. Sớm tối lo nghĩ, trong lòng lo sợ bồi hồi. Đường trước mịt mờ chưa biết về đâu, bây giờ mới biết ăn năn, đợi khát đào giếng sao kịp?
Hận mình sớm chẳng lo tu, đến lúc tuổi già nhiều điều tội lỗi. Khi sắp rời bỏ cuộc đời sự sống tan rã nhanh chóng, trong lòng khiếp sợ kinh hoàng. Giống như lưới thủng chim bay, thức tâm theo nghiệp. Như kẻ mắc nợ, ai mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng đâu sa đó”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ, trên từ chư Phật dưới các bậc Tổ sư đều dạy chúng ta lúc còn khỏe mạnh phải thúc liễm thân tâm trau dồi giới đức. Song điều tiên quyết ở đây là làm sao để phát huy năng lực của định và tuệ?
Nhưng nếu không có giữ gìn giới hạnh trang nghiêm thì thử hỏi định và tuệ làm sao phát khởi?
Kinh Niết Bàn, Phật dạy:“Nếu không có hộ trì giới luật làm sao được Phật tánh? Tất cả chúng sanh dù sẵn có Phật tánh, nhưng phải nhờ trì giới. Sau đó Phật tánh mới hiển lộ, nhân thấy Phật tánh mới chứng được giác trí”.