Góc nhìn Phật tử

Tiếng lòng của hư không

Thứ sáu, 08/03/2024 12:28

Tiếng “OM” của các đạo sĩ Hindu đánh thức hư không buổi sớm mai tại thành trì Bodhgaya, có lẽ muốn kéo con người tỉnh thức khỏi cơn mộng mị chăng?

Audio

Sau đó không lâu, khi ánh dương rọi vào những chiếc lá Bồ Đề, chạy dài theo từng mảng vô định, cũng là lúc đoàn người bắt đầu lũ lượt đi vào Thánh địa, vỡ ra dòng thanh âm hỗn độn mang từ chốn phồn hoa về nơi u tịch.

“Ôi! Bodhgaya!”

hoangphap_tieng-long-cua-hu-khong_full_08032024_090326

Có người thốt lên như thế, làm nhớ lại một nhà thơ khuyết danh người Nhật đến từ cụm đảo Matsushima sáng tác bài thơ ngộ nghĩnh chỉ gồm có hai từ: “Ôi! Matsushima!”. Và chúng ta đặc biệt yêu thích bài thơ lạ kỳ ấy. Thi sĩ rõ ràng đã bị choáng ngợp bởi những gì ông đang quan sát, cái vẻ đẹp đã tự nó hiển lộ, tới mức, tất cả những gì có thể thốt ra được – là tên của cụm đảo trước khi rơi vào hư không.

Nơi ẩn sĩ Siddhattha trang nghiêm thiền tọa suốt bốn mươi chín ngày và thành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Giác tại đấy, bây giờ là khoảng hư vô được tái dựng bằng những công trình hậu thế. Bốn mươi chín ngày tu tập và bảy tuần lễ sau đó nữa, sự thinh lặng chảy vào hư không như điều hiển nhiên của dòng quy luật bấy giờ. Không một bám chấp nào trên đời có thể câu dính vào trạng huống giác ngộ, khi mà màn chiến thắng được kéo lên để sơn hà đại địa rúng động vẫn không thể tìm được mảy may sự tồn sinh của bậc Đại Giác, vì có sinh ắt có diệt và bất diệt ngay nơi sinh diệt là vô vi khó giải thích giữa cõi hữu vi:

Vị chiến thắng, không bại

Vị bước đi trên đời

Không dấu tích, chiến thắng

Phật giới rộng mênh mông

Ai dùng chân theo dõi

Bậc không để dấu tích? (Dhp 179)

Những vị nguyện trọn đời đi theo dấu chân (dẫu không thể thấy tìm) của Đấng Thiện Thệ cũng đưa mình vào một tinh thần “khắc kỷ” với những nguyên tắc bất di bất dịch, hầu mong đạt tới cứu cánh Phạm hạnh, tìm cầu giải thoát với đời sống “tối giản” của một đạo sĩ, ẩn sĩ, bần Tăng, khất sĩ:

Tài sản không chất chứa

Ăn uống biết liễu tri

Tự tại trong hành xứ

Không, vô tướng, giải thoát

Như chim giữa hư không

Hướng chúng đi khó tìm. (Dhp 92)

Ta cầu mong gì hơn trong sự hỗn độn của thời đại và xứ sở? Trong nguyện lực tự thân, vị ấy tìm thấy ánh sáng le lói nơi đường hầm tối và ánh sáng ấy là của thinh lặng giữa hư không, dẫu xung quanh biết bao tiếng ồn có thể sẽ làm xao nhãng ít nhiều tâm trí của người thực hành thiền định.

Vui thay! Chúng ta sống

Không rộn, giữa rộn ràng

Giữa những người rộn ràng

Ta sống, không rộn ràng. (Dhp 199)

Bài kệ khiến gợi nhớ về Beethoven. Như nhiều người đã biết, về cuối đời ông đã điếc hoàn toàn. Sự thể này đã giải phóng một sự độc đáo sâu thẳm bên trong ông, một tinh thần tự do tự tại. Một trăm năm sau, người ta thưởng thức lại sáng tác bản Giao hưởng số 9 và khen ngợi như một kiệt tác của thiên đường với thanh âm do thiên thần hầu cận Chúa biên soạn.

Thế gian tiêu tan khi ta bước vào bằng sự lắng nghe thinh âm của hư không. Tiếng lòng của hư không là đấy. Là gì? Một hơi thở sâu cùng tâm thế đón nhận thinh lặng – không cần quá nhiều điều kiện để cấu thành – ta tìm kiếm niềm vui từ nội tại. Niềm vui ấy sẽ giao hòa với sự tịch mặc cô liêu ở thế gian, dẫu ngay lúc ấy, thế gian có đang chênh vênh cùng hỗn độn. Món quà quý giá là làm sao mà bạn cũng gần tương tự như thi sĩ Basho để có thể viết lên những dòng thơ cảm tác tặng cho riêng đời mình, sau khi cảm nhận tiếng lòng của hư không:

Ao cũ

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao (Basho)

loading...