Sách Phật giáo

Tìm hiểu Pháp môn Tịnh độ (P.2)

Thứ sáu, 16/04/2015 09:39

Giáo lý căn bản của Tịnh Độ tông chủ trương người tu theo Tịnh Độ (kể cả xuất gia và tại gia)  phải nhất tâm niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và sự trang nghiêm thanh tịnh của cõi Cực Lạc  nơi Tây phương Tịnh độ, bằng tự lực của mình với niềm tin sâu sắc, ước nguyện thiết tha và hành trì miên mật (Tín, Nguyện, Hạnh)

GIÁO LÝ CỦA TỊNH ĐỘ TÔNG

A. Xuất xứ về giáo nghĩa căn bản của Tịnh Độ Tông.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ còn được gọi là Thập Lục Quán Kinh là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ tông. Kinh miêu tả thế giới Cực lạc phương Tây của Phật A Di Đà và dạy 16 cách quán hành trì để sống thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hành giả thoát khỏi các nghiệp bất thiện và được tái sinh nơi Tịnh độ Tây phương.

Kinh này nói rõ xuất xứ giáo pháp của Tịnh Độ tông đã được Đức Phật Thích Ca trình bày trước nguyện vọng của Hoàng hậu Vi Đề Hi trong ngục tối.  Hoàng hậu Vi Đề Hi là mẹ của vua A Xà Thế đã bị con mình bắt bỏ ngục vì bà đã cố gắng tìm cách cứu chồng là vua Tần Bà Sa La đã bị bỏ ngục trước đó. A Xà Thế mưu cướp ngôi vua nên đã bắt cha mình là vua Tần Bà Sa La bỏ ngục. Bà Vi Đề Hi tìm cách giúp chồng bằng cách hằng ngày đến thăm và dấu các thức ăn đưa vào ngục. Bị phát hiện, bà bi con hạ lệnh cho bỏ ngục. Bà cầu mong Đức Phật đến cứu giúp vượt qua nỗi khốn khổ này, và xin tái sinh nơi một cõi yên lành, chỉ có an lạc không có khổ đau. Đức Phật đã xuất hiện và dùng thần lực cho bà thấy rõ mọi thế giới tịnh độ, nơi chỉ có an lạc không có khổ đau. Cuối cùng bà chọn cõi thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà. Đức Thế tôn đã dạy bà phương pháp niệm danh hiệu Phật để được vãng sinh về cõi ấy và dạy phương pháp thiền định gồm 16 phép quán tưởng. Tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp bậc của đài sen chín phẩm từ Hạ phẩm hạ sinh đến Thượng phẩm thượng sinh (Cửu phẩm Liên hoa). Muốn được tái sinh về cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà, hành giả phải thực hành các quy định trong giáo lý Tịnh Độ tông là tu tam tịnh nghiệp. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Thế Tôn có nói cho bà Vi Đề Hy rằng: “Nay ta sẽ vì bà mà nói rộng các pháp quán, cùng khiến đời vị lai tất cả hàng phàm phu, những người muốn tu tịnh nghiệp được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc quốc. Này Vi Ðề Hi! Người muốn sang nước Cực lạc ấy nên tu ba phúc: Một là hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ bậc sư trưởng, có tâm nhân từ, chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì Tam quy y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi. Ba là phát tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa và khuyến tấn người khác tu hành niệm Phật. Ba sự như vậy gọi là tam tịnh nghiệp”. Đó là nội dung căn bản của giáo nghĩa tu Tịnh độ mà đức Phật giảng giải cho bà Vi Đề Hy và cũng là giáo nghĩa căn bản của pháp môn Tịnh độ sau này.

B. Nội dung căn bản của giáo lý Tịnh Độ tông.

Giáo lý của pháp môn Tịnh Độ đều có cơ sở từ kinh luận. Trong hệ thống kinh sách giáo lý Đại thừa có thể nói có rất nhiều bộ kinh đề cập đến pháp môn niệm Phật và cảnh giới Tịnh Độ. Chư Phật, chư Bồ Tát và chư vị cao Tăng tuyên dương pháp môn này đều nói rõ ưu điểm trên hai phương diện tự lực và tha lực. 

Tuy nhiên, từ trước đến nay trong hầu hết các sách nói về Tịnh Độ tông đều nhấn mạnh rằng Tịnh Độ tông lấy 3 bộ kinh và 1 bộ luận làm nền tảng (tức Tam kinh Nhất luận). Ba bộ kinh đó là kinh A Di Đà miêu tả thế giới Cực lạc đẹp đẽ trang nghiêm có Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp, Kinh Vô Lượng Thọ nói về tiền thân Đức Phật A Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát 48 lời nguyện để cứu độ chúng sinh, kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ phép quán tưởng niệm Phật và bộ luận Vãng sinh Tịnh độ của ngài Thế Thân giảng giải rõ về ý nghĩa của ba bộ kinh trên. Ngoài ra đôi khi còn nhắc đến Tịnh Độ tứ kinh, nghĩa là ngoài 3 bộ kinh kể trên, người ta còn bổ sung kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện và có khi bổ xung thêm cả kinh Đại Thế Chí Niệm Phật Viên thông là Tịnh Độ ngũ kinh

Có thể tóm tắt một cách đơn giản tinh thần nội dung giáo lý Tịnh Độ là: Con người hay nói rộng hơn là chúng sinh sống trên cõi Ta bà đầy ngũ trược ác thế này rất đau khổ. Hiểu cuộc đời này là khổ não, lẽ sống là vô thường, sinh tử luân hồi là quy luật, thì phải chọn cho mình một cuộc sống tốt hơn, không đau khổ, để được sống an lành và hạnh phúc và để được giải thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau trên trần thế. Muốn thể phải tu nhân tích đức, phải có một pháp môn tu sao cho mọi chúng sinh với mọi căn cơ có thể hành trì để có thể tái sinh vào một cõi đầy niềm vui, không còn khổ não, đó là cõi Cực lạc. Vậy pháp môn đó là gì? Đức Phật thường nói có tới 84.000 pháp môn tu. Tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của chúng sinh mà chọn pháp môn tu cho phù hợp. Pháp môn mà nhiều người tu (kể cả tại gia và xuất gia) là pháp môn Tịnh Độ hay còn gọi là pháp môn niệm Phật. Sở dĩ pháp môn Niệm Phật phổ biến và nhiều người tu vì nó không đòi hỏi trình độ và căn cơ người tu cao hay thấp, sang hay hèn, giầu hay nghèo và đặc biệt đó là một pháp môn dễ tu nhất. Với pháp môn Niệm Phật thì đi, đứng, nằm, ngồi hay làm chuyện gì mình cũng có thể niệm Phật được. Mục đích và hướng đến của người tu Tịnh Độ là chuyển hóa khổ đau thành an lạc thực sự và cầu được vãng sinh vào thế giới Cực lạc. Nhưng mục tiêu của người cầu vãng sinh Cực lạc không phải để hưởng sự an vui đó mà là để được giải thoát, giác ngộ, thành Phật. Nói cách khác, cảnh giới Cực lạc chỉ là môi trường hay phương tiện tốt nhất giúp cho mọi người được vãng sinh không còn thối chuyển trên con đường giác ngộ, hoặc không còn thối chuyển trên con đường đạt đến hạnh phúc thật sự. Muốn vãng sinh Cực Lạc phải có 3 điều kiện: Tín, Nguyện và Hạnh, đó là những yếu tố cần thiết, là tư lương của người hành giả tu theo Tịnh Độ cần phải có trên con đường tu tập. 

1.Tín (Xây dựng niềm tin): 

Đây là điều kiện đầu tiên để cho người tu Tịnh Độ vững bước trên con đường tu hành. Lòng tin là nền tảng để ước nguyện tu hành hướng về thế giới Cực lạc, niềm tin là nguồn gốc phát sinh mọi công đức. Hành giả Tịnh Độ phải có niềm tin rằng đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc là có thật, rằng một khi mình tự tin rằng mình chuyên tâm tin tưởng, hành trì theo giáo lý của đức Phật và kiên trì niệm Phật quyết chí vãng sinh thì sẽ được vãng sinh. Niềm tin này đối với hành giả tu Tịnh Độ không bao giờ được thối chuyển. Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng niềm tin này phải dựa trên nhận thức và lý trí. Tin có thế giới Cực lạc là dựa trên căn bản tin Pháp, tức là tin vào lời dạy của Phật. Tin những lời Phật dạy tức là tin vào giáo lý của Đức Phật nói về Vô thường, Khổ (trong Tứ  Diệu Đế), Vô ngã, tin vào luật Nhân quả, Nghiệp báo, Duyên sinh. Vì vậy người ta thường nói lòng tin là một trong những món tư lương để cho hành giả bước trên con đường tu theo Tịnh Độ. 

2. Nguyện (Ước mong): 
 
Có lòng tin chưa đủ, người tu Tịnh độ phải phát nguyện, phải có ước nguyện, có lòng mong muốn được vãng sinh về thế giới Cực lạc và mục tiêu là thành Phật hay đạt được sự giác ngộ trọn vẹn.  Biểu hiện của phát nguyện về Cực lạc phải được thể hiện trên mọi hành vi, lời nói và tâm ý của hành giả. Ước nguyện đó là rũ bỏ mọi phiền muộn, chấp trước để được tâm thanh tịnh, an lạc mới mong được vãng sinh về Tịnh độ, mong có khả năng để cứu độ chúng sinh. Phát nguyện vãng sinh Cực lạc tức là xác định điểm đến và lý tưởng của mình. Tâm nguyện như vậy mới tương ứng với tâm nguyện của Tịnh Độ, mới có cảm ứng với Phật và Thánh chúng ở nơi Cực lạc. Nếu có người niệm Phật A Di Đà mà không phát nguyện vãng sinh Cực lạc, mặc dù có phúc đức lớn do niệm Phật, người đó sẽ không được vãng sinh nước Cực lạc. Điều này có thể ví như một người đang làm một công việc mà không biết mình làm công việc này để làm gì, hay một người đang đi trên con đường mà không biết mình sẽ đi về đâu.  
 
3. Hạnh (Hành trì): 

Hạnh là sự thực hành phải cho kiên nhẫn và đúng pháp, nghĩa là chuyên niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật không xen tạp và không tán loạn và cần nhất là phải hành theo đại nguyện của mình. Khi tâm nguyện hướng về Tịnh độ thì mọi hành động, ngôn ngữ đều được tu tập liên tục, nghĩa là việc hành trì theo phương pháp niệm Phật, quán tưởng đều phải hợp nhất giữa thân, khẩu và ý, không để cho các yếu tố khác chi phối, lôi kéo làm tâm bị tán loạn, ảnh hưởng đến trong khi niệm Phật. Mọi công đức, thiện pháp mà ta có đều hồi hướng về cõiTịnh Độ trang nghiêm, thanh tịnh. Như vậy, điều quan trọng trong sự thực hành niệm Phật A Di Đà để được vãng sinh đòi hỏi hành giả phải nhất tâm. Để có được kết quả là nhất tâm, hay một lòng không tạp loạn, hành giả phải tinh tấn nỗ lực niệm Phật và xem niệm Phật như là một sự nghiệp chính trong đời sống. Đó gọi là Niệm Phật nhất tâm bất loạn hay Niệm Phật tam muội. Nói cách khác, tâm của hành giả phải thường niệm A Di Đà một cách chí thiết và thể hiện tâm niệm này qua hành động, lời nói bằng cách ăn chay, bố thí, cúng dường Tam bảo, nói lời ái ngữ, không tà hạnh và sống đời sống có tiết độ.

Như vậy, theo pháp môn Tịnh Độ, tín, nguyện, hạnh (lòng tin sâu sắc, ước nguyện thiết tha và trì danh niệm Phât miên mật) là ba điều kiện không thể thiếu được, còn được gọi là tư lương của hành giả pháp môn Tịnh Độ. Riêng về niệm Phật cũng cần nói thêm rằng trong Đại Trí Độ luận có nói: “Niệm Phật tam muội có thể trừ các thứ phiền não và tội đời trước. Lại nữa, Niệm Phật tam muội có phước đức lớn hay độ chúng sinh…” 

Tóm lại giáo lý căn bản của Tịnh Độ tông chủ trương người tu theo Tịnh Độ (kể cả xuất gia và tại gia)  phải nhất tâm niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và sự trang nghiêm thanh tịnh của cõi Cực Lạc  nơi Tây phương Tịnh độ, bằng tự lực của mình với niềm tin sâu sắc, ước nguyện thiết tha và hành trì miên mật (Tín, Nguyện, Hạnh), đồng thời hành giả phải nương nhờ Phật lực (tha lực) để được vãng sinh về Cực lạc trong trạng thái nhất tâm bất loạn. Về phần Hạnh tức phương pháp hành trì (trong Tín, Nguyện, Hạnh), không phải chỉ có chuyên trì niệm Phật, quán tưởng mà còn thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện, tạo công đức lớn, phát Bồ Đề tâm, nguyện thành Phật đạo, hóa độ chúng sinh. Chính trong kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng đã có nói rõ điều này: “Hành giả muốn vãng sinh Tịnh độ phải hội đủ ba điều kiện: Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười nghiệp lành. Hai là thọ trì Tam quy, ngũ giới, không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người khác cùng tu”. 

Chính vì ý nghĩa ấy, cho nên không thể hiểu đơn giản pháp môn Tịnh Độ chỉ là niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn mà cần phải hội đủ ba tịnh nghiệp như kinh Vô Lượng Thọ đã nói ở trên. 

C. Các bộ kinh chính của Tịnh Độ Tông. 

Giáo nghĩa của pháp môn Tịnh Độ nằm trong 3 bộ kinh chính gọi là Tịnh Độ tam kinh, bao gồm kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ. Ngoài ra, sau này các hành giả Tịnh Độ còn cho rằng pháp môn Tịnh Độ có 5 bộ kinh gọi là Tịnh Độ ngũ kinh. Đó là gồm 3 bộ kinh nói trên và thêm 2 bộ kinh khác là kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện, nguyên là một phẩm trích từ kinh Hoa Nghiêm và kinh Đại Thế Chí  Niệm Phật Viên Thông, nguyên là chương Niệm Phật Viên Thông của kinh Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm.  Thực ra 2 bộ kinh đó là một phần của các bộ kinh lớn khác mà các hành giả Tịnh Độ ghép vào vì có nói đến phát Bồ Đề tâm là một phần trong ba tịnh nghiệp và có nói đến công đức niệm Phật. Vì vậy cho nên thường khi nói đến các kinh chính của pháp môn Tịnh Độ, các hành giả đều chỉ nói đến 3 bộ kinh chính. Sau này còn bổ sung thêm kinh Niệm Phật Ba La Mật và bộ luận Vãng Sinh Tịnh Độ (do Bồ tát Thế Thân biên soạn).Thực ra kinh Niệm Phật Ba La Mật mà Đức Phật tuyên dạy tại núi Kỳ Xà Quật gần thành Vương Xá, cần được xem như là bộ kinh chính của pháp môn Tịnh  độ vì đề cập nhiều nhất về phương pháp niệm Phật Ba La Mật. Nhưng không hiểu sao từ bao lâu nay, các hành giả về Tịnh Độ tông không thấy nhắc đến bộ kinh này và trong các đạo tràng tu Tịnh Độ cũng không mấy Phật tử biết đến bộ kinh này. Có thể do bộ kinh Niệm Phật Ba La Mật đề cập đến triết lý sâu sắc ở một trình độ cao mà các hành giả Tịnh Độ tông cho là không phù hợp với pháp môn dễ tu là Tịnh Độ tông. 

Phải nói rằng pháp môn Tịnh Độ đều dựa trên cơ sở từ những kinh và luận này. Đặc biệt trong giáo lý Đại thừa có nhiều bộ kinh nói  đến pháp môn niệm Phật và cảnh giới Tịnh độ. Chư Phật, chư Bồ tát và chư vị cao tăng tuyên dương pháp môn này đều nói rõ ưu điểm trên hai phương diện tự lực tha lực. Tự lực là do hành giả phải quyết tâm tự mình thực hiện, ngoài ra hành giả còn nhở ở tha lực tức là còn nhờ vào các đức Phật và Thánh chúng. Ngoài các bộ kinh chính đã nói ở trên, có thể thống kê các bộ kinh sau đây nói đến pháp môn Tịnh Độ: đó là các bộ kinh Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, Đại Phật A Di Đà kinh, Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ kinh, Cổ Âm Thanh Tán Đà La Ni kinh v.v… 

Sau đây ta điểm qua nội dung của các bộ kinh chính của pháp môn Tịnh Độ: 

1. Kinh Vô lượng thọ: 

Kinh Vô lượng thọ còn được gọi kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ. Tên chính của bộ kinh này là Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Đây là một trong các bộ kinh chính của pháp môn Tịnh Độ. Kinh này được Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Chân Thường, Hòa thượng Thích Đức Niệm và một số dịch giả khác dịch sang tiếng Việt từ bản Hán văn do Pháp sư Khương Tăng Khải và cư sĩ Hạ Liên Cư dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán[1]. 

Nội dung của kinh Vô Lượng Thọ nói về lịch sử của Đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện của Ngài để độ chúng sinh giải thoát. Kinh nói rằng ở vô lượng vô số kiếp về đời quá khứ lâu xa có đức Phật xuất thế hiệu là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai. Khi đó có một nhà vua tên là Thế Nhiêu, sau khi nghe đức Phật thuyết pháp liền ngộ đạo, phát tâm xuất gia trở thành vị Tỳ kheo tên là Pháp Tạng. Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và phát nguyện độ hết chúng sinh trong cõi Cực lạc của mình. Ngài lập 48 lời nguyện giúp chúng sinh giải thoát. 

Những nguyện quan trọng là nguyện thứ 18: “Khi con thành Phật, chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu con, hết lòng tin tưởng, nếu có điều lành nào, tâm tâm hồi hướng nguyện sinh về cõi nước con, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sinh, thề không thành Chính đẳng, chính giác. Ngoại trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch, phỉ báng chính pháp”. Và nguyện thứ 19: “Khi con thành Phật, chúng sinh khắp mười phương nghe danh hiệu con, phát tâm Bồ đề, tu các công hạnh, hành sáu Ba la mật, kiên cố không lùi, lại đem các căn lành hồi hướng nguyện sinh về cõi nước con, một lòng nghĩ đến con ngày đêm không dứt, đến khi mạng chung, con cùng Thánh chúng Bồ Tát liền đến tiếp đón, khoảnh khắc sinh về cõi con được Bất thối chuyển. Nếu không được như nguyện, thề không thành Chính giác”. (Kinh Vô lượng thọ - Thích Đức Niệm và Minh Chánh dịch) 

Nội dung 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà cho ta thấy con đường tu tập Tịnh Độ dựa vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà và nhất tâm niệm Phật là con đường tu dễ nhất, mọi căn cơ có thể tu chứng được, đó là lý do tại sao Tịnh Độ tông được truyền bá rộng rãi nhất. 

2.Kinh A Di Đà: 

Kinh A Di Đà là một bản kinh chính của pháp môn Tịnh Độ. Đây là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ tông, lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Kinh này giới thiệu cõi nước Cực lạc của Đức Phật A Di Đà và  trình bày phương pháp nhất tâm niệm danh hiệu A Di Đà và sẽ được A Di Đà tiếp độ về cõi Cực lạc lúc lâm chung. Nguyên bản tiếng Phạn của kinh này vẫn còn tồn tại và người ta cũng còn tìm thấy những bản dịch Hán ngữ của hai dịch giả lừng danh là Ngài Cưu Ma La Thập và Pháp sư Huyền Trang. Kinh này được dịch sang tiếng Việt có nhiều bản, như bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, của Thiền sư Nhất Hạnh, của Hòa thượng Thích Tuệ Nhuận, của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới Vạn Phật Thánh Thành v.v… Kinh A Di Đà do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng về y báo và chính báo[2] của đức Phật A Di Đà nơi thế giới Cực lạc ở phương Tây, cách cõi Ta bà này mười vạn ức cõi Phật nhằm ca tụng cõi Cực lạc. Kinh A Di Đà cũng chỉ rõ pháp môn niệm Phật để được vãng sinh về cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Do kinh A Di Đà thuyết minh cảnh tướng trang nghiêm của cõi Tây Phương Cực lạc, nguyện lực độ sinh của Đức Phật A Di Đà, đặc biệt khuyên tu niệm Phật để được vãng sinh nên đây là bộ kinh ngắn gọn và hàm chứa giáo lý Tịnh Độ sâu xa mà các chùa, các tịnh xá đều đọc tụng hàng ngày. Theo lời Phật dạy trong kinh, nguyên nhân khiến chúng sinh cần nên phát nguyện sinh về Tịnh độ là do nơi đó có chư Phật, chư Bồ tát và các bậc thượng thiện nhân. Kinh A Di Đà có nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào mà được nghe nói Đức Phật A Di Đà rồi nhớ kỹ lấy danh hiệu của Ngài mà niệm trong một ngày, hai, ba, bốn, năm, sáu hoặc bảy ngày, một lòng tâm không tạp loạn, thì người ấy đến khi lâm chung, Đức Phật A Di Đà  cùng hàng Thánh chúng hiện thân trước người đó, người đó lúc chết không điên đảo, liền được vãng sinh về nước Cực lạc của Đức Phật A Di Đà”.   

Hơn nữa trong kinh còn nói rõ chúng sinh nào dù còn mang đầy nghiệp chướng phiền não, nhưng mỗi khi đã quyết chí tu hành được vãng sinh sẽ chứng được địa vị Bất thối chuyển, từ đó thẳng tiến tu hành đến quả vị Vô thượng Bồ đề. 

3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ: 

Như trên đã nói, kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ tông. Kinh miêu tả thế giới phương Tây của Phật A Di Đà và dạy cách hành trì: sống thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thì hành giả thoát khỏi các nghiệp bất thiện và được vãng sinh nơi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Trong kinh này, ngoài việc giới thiệu và giảng giải cho bà Vi Đề Hy biết về tất cả các cõi tịnh độ, nơi chỉ có an lạc không có khổ đau.  Cuối cùng bà chọn cõi thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Trong kinh, đức Phật còn dạy cho bà và mọi chúng sinh 16 phép quán tưởng, và tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp vãng sinh vào một trong chín cấp bậc của Tịnh độ, từ Hạ phẩm Hạ sinh lên đến Thượng phẩm Thượng sinh. 

Mười sáu phép quán tưởng đó là: 1. Quán tưởng mặt trời lặn, 2. Quán tưởng nước, 3. Quán tưởng đất, 4. Quán tưởng cây báu, 5. Quán tưởng nước cam lộ, 6. Quán tưởng tổng quát, 7. Quán tưởng toà sen, 8. Quán tưởng hình tượng của Tam thánh, 9. Quán tưởng sắc thân của Phật A Di Đà, 10. Quán tưởng sắc thân của Quán Thế Âm Bồ tát, 11. Quán tưởng sắc thân của Đại Thế Chí Bồ tát, 12. Quán tưởng vãng sinh trong hoa sen, 13. Quán tưởng hình tượng nhỏ của Tam thánh, 14. Quán tưởng ba phẩm ở Thượng sinh, 15. Quán tưởng ba phẩm ở Trung sinh, 16. Quán tưởng ba phẩm ở Hạ sinh. Các phép quán này giúp hành giả có thể thấy được A Di Đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ngay trong đời này và đó là dấu hiệu chắc chắn hành giả sẽ được vãng sinh về thế giới Tịnh độ. 

Tất cả mười sáu pháp quán làm nhân tố vãng sinh Cực Lạc, được Đức Phật trình bày một cách rõ ràng, đó đều là những pháp quán rất tinh vi và sâu thẳm. 
4. Kinh Niệm Phật Ba La Mật: 

Ngoài ba bộ kinh và một bộ luận trọng yếu của tông Tịnh độ do Bồ tát Thế Thân soạn thảo, thì kinh Niệm Phật Ba La Mật là bộ kinh nói rõ bản ý, chủ đích của tông Tịnh Độ, lý giải một cách rõ ràng, thấu đáo về mục đích và đường lối tu tập pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh. Bản kinh đó do Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán vào đời Diêu Tần (384-417) và được Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch sang Việt ngữ. 

Có thể nói đây là bản kinh mang tính triết lý vô cùng quan trọng của Tịnh Độ tông, bản kinh này được Đức Phật thuyết giảng trước đại chúng gồm các vị Đại Bồ tát khắp mười phương, các tỳ kheo, chư thiên vương, lại có cả Quốc mẫu Vi Đề Hy Hoàng thái hậu, vua A Xà Thế…..tại núi Kỳ Xà Quật, gần thành Vương Xá. Nhưng đáng tiếc hiện nay tuyệt đại đa số hành giả truyền bá Tịnh Độ tông hoàn toàn không nói đến kinh Niêm Phật Ba La Mật, và hầu như các chùa, các đạo tràng A Đi Đà của pháp môn Tịnh Độ đều không tụng bản kinh này.

Trong phẩm thứ hai Mười tâm thù thắng của kinh Niệm Phật Ba La Mật (Bản dịch từ Hán sang Việt của Hòa thượng Thích Thiền Tâm) có nói: “Pháp môn niệm Phật chính là chuyển biến cái tâm thể của chúng sinh, bằng cách không để cho tâm thể ấy duyên với vọng niệm; với lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; với huyễn cảnh, với kiến chấp, với mong cầu, với thức phân biệt v.v.. Mà chỉ đem tâm thể ấy duyên mãi với danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật. Không bao lâu người niệm Phật tự nhiên đi vào chỗ vắng lặng, sáng suốt, an lạc, cảm ứng với nguyện lực của đức Phật A Di Đà, thấy mình sinh vào cõi nước Cực lạc, thân mình ngồi trên tòa sen báu, nghe Phật và Bồ tát nói pháp, hoặc thấy Phật lấy tay xoa đỉnh”. Điều này cũng tương tự như lời Đức Phật dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ rằng: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng chúng sinh, cho nên tâm các ngươi tưởng Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biến Chánh Biến Tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sinh, vì thế các ngươi phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân của Đức Phật kia”.

Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, Đức Phật cũng đã dạy: “Chư Phật đã dùng Phật nhãn quán sát khắp mười phương, thấy rõ nghiệp lực chúng sinh lành dữ không đồng đều, thấy thân tướng và cảnh giới của chúng sinh xấu tốt có sai biệt. Nhưng điểm sinh khởi chẳng rời sát na tâm sinh diệt. Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát na tâm sinh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn là pháp NIỆM PHẬT”. Và đức Phật cũng đã nói:  “Muốn niệm Phật đúng pháp và tự biết mình chắc chắn vãng sinh, thì người niệm Phật phải phát khởi mười thứ Tâm Thù Thắng đó là: 1.Tín tâm, 2. Thâm trọng tâm, 3. Hồi hướng phát nguyện tân, 4. Xả ly tâm, 5. An ổn tâm, 6. Đà La Ni tâm, 7. Hộ giới tâm, 8. Ba La Mật tâm, 9. Bình đẳng tâm, 10. Phổ Hiền tâm”. 

Vì vậy cần đặt đúng vị trí kinh Niệm Phật Ba La Mật là một trong những bản kinh chính và quan trọng của pháp môn Tịnh độ. 

5. Luận Vãng Sinh Tịnh Độ: 

Luận Vãng Sinh Tịnh Độ là bộ luận quan trọng trong pháp môn Tịnh Độ được chư cổ đức truyền bá tông Tịnh Độ xếp thành bộ luận căn bản để hoằng truyền pháp môn Tịnh độ. Bộ luận này do Luận sư Bồ tát Thế Thân (316-?) người Ấn biên soạn dựa vào ý kinh của bản kinh Vô Lượng Thọ, nên tên chính của bộ luận là Vô Lượng Thọ Kinh Luận, do đó bộ luận này thuộc về Tôn Kinh luận [3]tức là dựa vào ý kinh mà lập ra luận. Bộ luận này gồm hai phần kệ văn và luận văn. Kệ văn là những bài kệ được quy định chữ và vần điệu. Trọng tâm bộ luận này, cả kệ văn và luận văn đều dạy những cương lĩnh của môn tu Ngũ niệm, một phương thức tu hành cầu vãng sinh Tịnh độ. Vì thế, bộ luận này còn được gọi là luận Năm môn thực hành để được vãng sanh Tịnh Độ. 

Năm môn thực hành gọi là Ngũ niệm đó bao gồm. 

- Môn lễ bái : thân nghiệp chuyên lễ bái Phật A Di Đà. 
- Môn tán thán : khẩu nghiệp chuyên chấp trì Thánh hiệu Phật A Di Đà, tán dương Phật A Di Đà. 
- Môn phát nguyện: một lòng nhớ nghĩ, phát nguyện khi lâm chung được sinh về thế giới Tịnh độ
- Môn quán sát: chuyên quán sát chánh báo và y báo trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc. 
- Môn hồi hướng: có bao nhiêu công đức thảy đều hồi hướng, cầu nguyện cho mình và tất cả chúng sinh sớm được vãng sinh. 

Ngoài ra, còn có hai bộ kinh cũng được xếp vào Pháp môn Tịnh Đô (gọi là Tịnh Độ Ngũ kinh). Đó là kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện và kinh Đại Thế Chí Niệm Phật Viên thông

Nhưng thật ra Phổ Hiền Hạnh Nguyện chỉ là một phẩm trong bộ kinh Hoa Nghiêm. Phẩm này nói lên 10 đại nguyện của Đại sĩ Phổ Hiền bao gồm 1. Lễ kính chư Phật, 2. Tán thán Như Lai, 3. Phổ hiến cúng dường, 4. Sám hối nghiệp chướng, 5. Tùy hỷ công đức, 6. Xin chuyển pháp luân, 7. Thị hiện Niết bàn, 8. Thường học theo Phật, 9. Hằng thuận chúng sinh, 10. Hồi hướng công đức.

Mười điều phát nguyện của Bồ tát Phổ Hiền rất quan trọng đối với người Phật tử nói chung, chứ thực ra không chỉ giành riêng cho pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ tông. Do vậy, có thể nói Phổ Hiền Hạnh nguyện không nên xếp vào trong các kinh chính của pháp môn Tịnh Độ.

Kinh Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông nguyên là một chương trong bộ kinh Đại Phật đỉnh Thủ Lăng Nghiêm. Chương này nói về Ngài Đại Thế Chí đã đắc niệm Phật viên thông như thế nào. Đó là niệm Phật đạt tới mức vừa viên dung vừa thông đạt, tức niệm Phật đến viên mãn, đến thành tựu. Ý nghĩa của chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông là Ngài Đại Thế Chí hiện thân thuyết pháp, dạy hết thảy chúng sinh về pháp môn niệm Phật đạt đến viên thông. Đó là 4 phương pháp: 1. Trì danh niệm Phật, 2. Quán tượng niệm Phật, 3. Quán tưởng niệm Phật và 4. Thực tướng niệm Phật. 

Vì đó là một chương trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, nên việc đưa vào là một trong Tịnh Độ Ngũ kinh xem ra không hợp lý lắm. Vì vậy các hành giả Tịnh Độ tông ít nhắc đến kinh này là kinh chính của pháp môn Tịnh Độ.

D. Các xu hướng phát triển của giáo lý Tịnh Độ tông ở Việt Nam. 

1.Tịnh Độ tông trước thời Lý-Trần. 

Đây là thời kỳ thuộc thiên niên kỷ thứ Nhất sau Công nguyên, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ X, trước sự kiện Khúc Thừa Hạo giành quyền tự chủ. Như ở trên đã trình bày, pháp môn Tịnh Độ đã vào Việt Nam cùng với thời kỳ đầu khi Phật giáo từ Ấn Độ và từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi đó ở Việt Nam đã có những tác phẩm Phật học như cuốn Cựu Tạp Thí Dụ kinhLục độ tập k
loading...