Góc nhìn Phật tử

Tình trạng động vật bị ngược đãi trong nghệ thuật

Chủ nhật, 28/10/2022 12:10

Nhân danh nghệ thuật để bào chữa cho việc ngược đãi động vật là phi đạo đức. Động vật không phải là vật dụng nghệ thuật để sử dụng theo ý thích, chúng là những sinh vật có ý thức và đáng được đối xử về mặt đạo đức.

Damien Hirst bên cạnh một trong các tác phẩm nghệ thuật sử dụng động vật của mình - Ảnh: Oli Scarff

Damien Hirst bên cạnh một trong các tác phẩm nghệ thuật sử dụng động vật của mình - Ảnh: Oli Scarff

Vào tháng 7 vừa qua, tác phẩm nghệ thuật A Hundred Years của Damien Hirst sẽ bị xóa khỏi Bảo tàng Kunstmuseum, Đức sau khi bị PETA và văn phòng thú y của Wolfsburg phản đối thành công. Tác phẩm này được miêu tả là một hộp thủy tinh lớn được chia thành hai ngăn, người quan sát có thể nhìn thấy quá trình giòi nở thành ruồi trong ngăn đầu tiên. Trong ngăn thứ hai, những con ruồi trưởng thành sẽ bị thu hút bởi ánh sáng tia cực tím của một thiết bị điện được bố trí bên trong chiếc hộp, nơi bọn ruồi bị hạ gục đến chết.

Giám đốc phòng trưng bày, Andreas Beitin, cho biết tác phẩm diễn tả việc côn trùng chết liên tục do ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, qua đó đánh giá hành động của con người đã hủy hoại môi trường sống tự nhiên của côn trùng. Tuy nhiên, Damien Hirst đã phải giết chết hàng loạt côn trùng để có thể làm nổi bật điều này. Đây không phải là nghệ thuật, Damien Hirst được cho là đã lạm dụng nghệ thuật.

Và Damien Hirst không phải là người duy nhất, có vô số nghệ sĩ đã giết chết động vật hoặc hành hạ chúng khốn khổ. Guillermo Vargas từng bị quốc tế chỉ trích vào năm 2008 khi cùm một con chó chết đói bên dưới những dòng chữ "ngoài tầm với" làm từ thức ăn cho chó. Kinh khủng hơn, nghệ sĩ Tom Otterness đã nhận nuôi một con chó từ một nơi trú ẩn cứu hộ vào năm 1977, trước khi trói nó vào hàng rào và bắn chết để phục vụ một cuộc triển lãm. Không từ nào có thể miêu tả sự tàn bạo này.

Nghệ thuật thể hiện có thực sự quan trọng hơn cuộc sống của động vật? Đây là cốt lõi của vấn đề. Trên thực tế, việc thể hiện nghệ thuật được coi là quan trọng hơn việc bảo vệ động vật khỏi bị lạm dụng cho thấy điểm lỗi của việc "tự do thể hiện cái tôi" nhân danh nghệ thuật. Động vật không phải là cọ vẽ để thể hiện các vấn đề của con người. Chúng là những sinh vật sống, biết hít thở, có ý thức và hoàn toàn xứng đáng được sống một cuộc sống không bị con người bóc lột.

Hiện nhân loại đã văn minh, súc quyền ở một số nơi đã thành luật nhưng vẫn còn không ít người có hành vi bạc đãi, hành hạ, giết hại thú vật bừa bãi. Có thể phát xuất từ quan niệm ‘vật dưỡng nhơn’, đấng sáng tạo đã tạo ra loài vật để phục vụ loài người nên họ có toàn quyền sinh sát loài vật. Khi một người có hành vi hành hạ thú vật, có thể thấy rõ tâm từ bi của người ấy đã chai sạn. Khi họ xuống tay giết hại các vật nuôi một cách tàn độc, man rợ, vô tội vạ có thể thấy nơi đó dấu tích của sự dã man.

Đạo Phật không cho phép tín đồ cố ý giết hại các loài sinh vật. Vì nuôi dưỡng tâm từ, vì tôn trọng sự sống bình đẳng của mọi loài, vì sợ nghiệp quả giết hại nặng nề nên người Phật tử nguyện không làm tổn hại các loài vật, không bảo người khác bức hại, thấy người khác có hành vi giết hại không cổ xúy, chẳng vui mừng. Người nào hành hạ súc vật thì tạo ác nghiệp nặng nề. Như người đánh xe bò tàn ác ở trong kinh bị quả báo mà Thế Tôn đã xác chứng là do làm nghề đánh xe bò, hành hạ súc vật.

Thế nên, người Phật tử luôn nuôi dưỡng tâm từ, nguyện thương yêu tất cả vạn loại chúng sinh. Quán chiếu sâu sắc đến nghiệp báo ác địa ngục, ngạ quỷ để không làm tổn hại súc vật. Mọi chúng sinh đều có sự sống, đều tham sống sợ chết, đều khổ đau khi bị hành hạ. Điều gì mình không muốn thì loài vật cũng không muốn. Yêu thương muôn loài là nhân lành của phước báo sống lâu, khỏe mạnh, không gặp các hiểm nạn, hạnh phúc an vui.

loading...