Góc nhìn Phật tử
“Tôi Muốn”
Chủ nhật, 21/03/2024 03:10
Tôi viết, viết liên tục trên trang Phatgiao.org.vn và thực không ngờ chính cái hành trình của tư duy (chánh tư duy) đã cho tôi mỗi ngày nhìn lại ngay chính mình thôi. Đó là hành trình “thấy lỗi mình, đừng nhìn lỗi người”.
“…Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên/ Tôi muốn sống như loài hoa hiền/ Tôi muốn làm một thứ cỏ cây/ Vui trong gió và không ưu phiền…”. Đó là lời bài hát của tác giả Lê Hựu Hà viết vào năm 1970, được Elvis Phương thể hiện, “… khi đã có ban Phượng Hoàng, rồi có giọng hát Elvis Phương, thì Tôi Muốn mới bừng sáng trở thành một ca khúc nổi tiếng được giới trẻ yêu thích. Bài hát có giai điệu và lời ca nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ in sâu vào lòng người trong thời điểm tao loạn, những mất mát do thời cuộc đã làm cho lòng người dao động, anh em bạn bè ly tán. Khi đó Tôi Muốn có tác dụng như là sự nối kết giữa người và người, là lời kêu gọi từ tâm:..”
Ca khúc làm dậy sóng một thời gian khá dài được mọi người lắng nghe, chiêu cảm môt cách chân thành vì đa phần ca từ thời thượng vẫn ảnh hưởng rất nhiều tâm lý “hiện sinh” trong văn nghệ sĩ.
“…Tôi muốn mọi người biết thương nhau/Không oán ghét, không gây hận sầu/ Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau/ Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu…” . Sự chân thành, giản đơn, đem cái từ tâm ban rãi khắp cùng đó cũng là một ước nguyện, một gánh nặng thiện pháp dù dung dị, bình thường, Lê Hựu Hà đã gieo mầm trong khắp giới, trong công chúng yêu nghệ thuật. Cho dù bản thân tác giả cũng chỉ là người bình thường, với đời sống thế tục, tham dục còn đầy ắp trong tâm tưởng, nhưng cái tham dục không dự phần vào sáng tác. Nó là thế giới riêng, sự phân thân, mà cảm hứng trong văn học nghệ thuật vẫn thường được gọi là “thoát tục” là vậy.
Văn học -Nghệ thuật (VHNT) vẫn được gọi là một thứ đạo dù không thuyết pháp, tụng chú, trì kinh…nhưng là gieo mầm thiện pháp. Con đường truyền đạo của VHNT hoàn toàn là tuỳ duyên, hoàn toàn là sự chủ động tiếp cận tư tưởng của công chúng. Chưa bao giờ là sự gượng ép, cưỡng bách, chưa bao giờ gò vào một thế giới thần quyền hay một cái khung chật chội, ức chế, ám thị...
Từ ngàn đời, đạo (tất cả các tôn giáo) đã tồn tại trên tinh thần tự nguyện như vậy. Và cái tính thần tự nguyện dung chứa cả những độc tố, ác pháp, mê tín, thần quyền…Mà người theo đạo cũng vẫn tuỳ duyên mà có thể sau một thời gian thấm thía, thay đổi, rời xa, cải đạo…Và Đức Phật, từ khi tìm thấy con đường giải thoát rốt ráo, chứng đắc viên mãn đã chỉ đường cho mọi chúng sinh cụ thể, rõ ràng bằng nhiều pháp hành với lời nhắc nhở “Hãy thắp đuốc lên mà đi, ta chỉ là người hướng đạo” và để con người không sa vào lòng tin mê muội, huyễn hoặc, Đức Phật còn dặn dò về “lòng tin chân chánh”.
Học và hỏi, hỏi để hiểu, hiểu để hành đó là con đường giáo dục hiệu quả mà mọi dân tộc phát triển trên thế giới áp dụng. Giống như dân tộc Do Thái (Irsael) một dân tộc thượng đẳng mà thế giới công nhận thì chẳng bao giờ họ bận tâm đến kết quả học tập, đến thành tích học tập của con cái mà mỗi ngày từ trường về, câu đầu tiên họ hỏi con là “Hôm nay con có câu hỏi nào không?”.
Cái điều “Tôi Muốn” nếu cứ ban rãi như thế lại chính là phương pháp truyền đạo hiệu năng nhất, không cần nhờ đến hộ pháp, thần quyền, không nhờ đến chú thuật, tam minh, lục thông. Quyền năng, thần thông có từ khi Đức Phật còn chưa ra đời nhưng mãi đến khi Đức Phật thành đạo, truyền bá tinh thần khoa học thực chứng. Sau thời Đức Phật lại bắt đầu thời kỳ mà mọi dân tộc trên thới giới tin, nghe theo, sản sinh ra đạo Phật với rất nhiều hệ phái và cách truyền đạo cũng khác nhau.
Ở Việt Nam, khi có thông tin rộ lên về một A-la-hán ra đời, xiển dương, phục hưng lại chánh Pháp của Đức Phật tất cả mọi người hầu như đổ dồn về nơi ấy. Đó cũng là hiệu ứng tự nhiên lòng kính ngưỡng với Đức Phật. Đến nay, sau hơn 40 năm Giáo pháp Nguyên thuỷ Chơn Như đã tạo dựng mạnh mẽ một hệ phái mới có giáo pháp riêng, có tôn chỉ riêng, nhiều trú xứ trên khắp vùng miền…
Là một người hoạt động VHNT, tôi vốn rất nhạy cảm với cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ, đồng thời cũng là một “tín đồ” Nguyên thuỷ sau những năm tháng tìm kiếm “chánh pháp” “chánh đạo”. Có lúc tôi tỏ rõ sự bức xúc trước hiện tượng đố kỵ, ganh ghét xúc xiểm vì cái danh xưng A-la-hán. Bằng sự mày mò, tìm kiếm, chiêm nghiệm như lời dạy của Đức Phật “tự tu, tự chứng, tự đạt”. Tôi cũng bắt đầu dị ứng với sự khác biệt của các giáo phái khác, sự pha trộn, sự dối lừa…
Tôi viết, viết liên tục trên trang Phatgiao.org.vn và thực không ngờ chính cái hành trình của tư duy (chánh tư duy) đã cho tôi mỗi ngày nhìn lại ngay chính mình thôi. Đó là hành trình “thấy lỗi mình, đừng nhìn lỗi người”. Và “Tôi muốn” của Lê Hựu Hà lại dạy cho tôi bài học thấm thía về sự “cưỡng bách, ức chế” mà mình đã vô tình tạo ra cái từ trường cho thế giới xung quanh.
Tôi muốn đó là những điều mình nghĩ là đúng, tôi muốn là những việc mình làm là đúng, tôi muốn… tại sao mọi người không muốn. Và rồi tự tôi khó chịu vì điều đó, không bao giờ tôi lo nghĩ, tôi hành sự vì lợi lạc cho mình, tôi luôn vì mọi người…Vậy mà tại sao chẳng ai theo. Vả rồi sự cưỡng cầu, sự mong muốn áp đặt, sự tự mãn cái tri kiến, cái sở đắc, cái sở tri…sản sinh cái tưởng từ bao giờ mà những người luôn quanh quẩn, tìm kiếm, dung nạp cái sơ tri, sở đắc mắc phải. Khi mà trong anh thiếu sự phản tỉnh, sự tỉnh giác, sự chắc lọc của “Tứ chánh cần” là anh đang tạo nên chính cái từ trường ác pháp từ cái sở tri, sở đắc
Tất cả mọi người đều khác nhau, chẳng ai giống ai được. Nếu anh hiểu được nguyên lý cơ bản ấy thì anh mới có cơ may thoát ra ngoài sự ức chế của chính anh. Và điều này khiến tôi tâm đắc với một “slogan” là “Hãy bước ra sự khác biệt bằng văn minh và tử tế”. Cũng không đơn giản bởi vì ngay cả khi bạn vượt qua mọi giới hạn để chứng đắc đến A-la-hán thì có phải tất cả A-la-hán đều giống nhau khi vẫn mang thân tứ đại, vẫn là con người phàm tục, thế gian.
Chỉ khi thấy lỗi mình, đừng nhìn lỗi người, mọi duyên sự đều thực sự câu hữu tứ chánh cần bạn mới thấm thía con đường “dọn dẹp” những nghịch duyên cho chính bạn tạo ra. Bạn hiểu nhân quả là của bạn, nghịch duyên là của bạn thì tất cả nhẹ nhàng hơn, chẳng phải tốn công sức tác ý tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Bạn đang nhẫn nhục, đang tuỳ thuận, đang bằng lòng để chuyển đổi nhân quả của chính mình. Đó là hành trình mà tôi đang trải qua.