Góc nhìn Phật tử

Truyền thông tôn giáo: Một con đường

Thứ sáu, 13/04/2019 08:49

Học hành dang dở, nhưng đam mê viết lách đã giúp tôi mở ra một cánh cửa nghề nghiệp đàng hoàng đó là làm truyền thông tôn giáo. Và với tôi mà nói đấy là một con đường.

>>Góc nhìn Phật tử

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bốn năm xuyên suốt tham gia câu lạc bộ điểm báo của nhật báo Tuổi trẻ TP HCM, đọc kỹ và viết điểm báo hàng tuần - 208 bài điểm báo. Không gián đoạn dù nắng mưa hay đau đầu sổ mũi, nếu cho rằng đấy là một khóa học có cường điệu không? Đọc và điểm báo, nhất thiết bạn phải tiếp cận phong cách ngôn ngữ báo chí đương thời và phong cách viết của rất nhiều cây bút; cấu trúc tin và bài, tuyến bài. Bạn nhất thiết nắm được những khái niệm căn bản có tính nghiệp vụ của nghề báo, bạn sống cùng các nhà báo qua tác phẩm của họ. Vụng về cách mấy, đấy cũng là nơi có thể học hỏi và tôi đã viết được chút ít.

Nhưng có lẽ đấy mới chỉ nhập môn của một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù. Tôi cộng tác với tuần báo công giáo và dân tộc TP HCM ở mục bạn đọc, gia đình rồi văn hóa, trong nhiều năm liền tham gia một vài sự kiện ở trung tâm  mục vụ TGP Sài Gòn, tiếp cận cung cách làm truyền thông của công giáo.

Tiếp sau đó tôi đã cộng tác viết bài cho báo Giác Ngộ TP HCM. Khi Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo VN thành lập ban Thông tin truyền thông tôi chính thức bước vào cộng tác với một lĩnh vực truyền thông còn lạ với không ít người: Truyền thông phật giáo.

Hơn một trăm bài viết cho trang Phatgiao.org.vn, vài chục bài cho trang Đạo phật ngày nay và một số trang khác, vụng về viết trên tạp chí nghiên cứu Phật học – đấy là truyền thông Phật giáo.

Ngoài lý luận căn bản tối thiếu cho nghề truyền thông, bạn nhất thiết cần phải “xâm nhập” đời sống tôn giáo, ở đây chỉ mạo muội đề cập riêng Phật giáo. Vỡ lòng biệt ngữ, lịch sử Đạo và nhập môn kinh điển....

Tôi may mắn được TW Giáo hội tạo điều kiện tham dự hai khóa tập huấn nghiệp vụ truyền thông Phật giáo toàn quốc ở miền Bắc và Nam, tập  huấn hoằng pháp viên và dự một số sự kiện lớn của giáo hội... Vốn liếng ít ỏi song cố gắng, rốt cuộc cũng có thể cho rằng “viết được”, làm được một hạt cát trong nghề truyền thông ở lĩnh vực truyền thông Phật giáo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam nói đơn giản có hai chức năng: Thứ nhất là làm một trong nhiều kênh cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo, nắm tình hình và điều hành của giáo hội; chức năng thứ hai  là truyền thông Phật giáo, làm báo nhà Phật. Nếu cho rằng “nghề” này có chức năng hoằng pháp, giáo dục giáo lý Phật giáo cho số đông cũng không sai nhưng cơ bản là thông tin và truyền thông.

Nếu định nghĩa nghề nghiệp nhất thiết gắn với “tiêu chí” thù lao, thu nhập, trả công... Gắn với tiền, thì truyền thông Phật giáo không hội đủ điều kiện để cho rằng đấy là một cái nghề.

Giáo hội công khai và rõ ràng đã xem truyền thông cũng như mọi lĩnh vực khác trong hoạt động của mình, với bậc xuất gia là Phật sự; với Phật tử cư sĩ hay tình nguyện viên, là công quả - tức phục vụ bất vụ lợi. Trừ số ít ấn phẩm in có trả nhuận bút theo khung của nhà nước quy định, đa số trang tin, báo điện tử, ngay cả trang của ban thông tin truyền thông trung ương hoàn toàn không chi trả nhuận bút.

Nhưng, nếu định nghĩa “nghề” là hoạt động có tính nghiệp vụ, hao tốn tâm – sức, có thành quả lao động, có phục vụ xã hội, không nhất thiết gắn với thu nhập, truyền thông Phật giáo là nghề.

Thực tế tôi viết cho truyền thông tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hàng ngày, đấy là con đường nghề nghiệp của tôi, phụng sự xã hội theo cách riêng.

Không trung cấp, cử nhân không đồng nghĩa không có con đường nghề nghiệp hay không có chỗ đứng để phụng sự xã hội, thể hiện bản thân và thăng tiến - ít ra đấy là cách nghĩ của tôi, một cá nhân.

loading...