Góc nhìn Phật tử
Tư duy chiều sâu để hiểu câu pháp “thiểu dục tri túc”
Thứ bảy, 02/01/2020 10:43
Năm 2019 đã khép lại, chúng ta đang bước vào năm 2020, năm bắt đầu của một thập niên mới. Đây là thời kỳ mà cả nhân loại đang sống trong nền văn minh khoa hoc hiện đại phát triển. Nhưng theo lịch pháp Phật giáo thì đây lại là giai đoạn bắt đầu của thời kỳ Mạt Thượng Pháp.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật
Sống trong vũ trụ nói chung cũng như trong vòng xoáy luân hồi của tam giới và trái đất này, chúng ta không khỏi bị chi phối bởi quy luật của tự nhiên và các quy luật vô thường khác đem lại. Đó là điều tất yếu của quy luật nhân quả luân hồi.
Trong sự phát triển kinh tế và khoa học như hiện nay, theo Giáo sư - tiến sĩ Klaus Schwab, người sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới khi nhìn nhận về cuộc Cách mạng thứ tư ông cho rằng: “Tốc độ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện không có tiền lệ lịch sử”, nó sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính là Kỹ thuật số, Công nghệ sinh học và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (A1), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano. Công nghiệp 4.0 thưc chất nảy nở từ cuộc cách mạng lần thứ 3 là sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Và giờ đây là thời kỳ 4.0; tiếp theo đó là thời kỳ văn minh không gian.
Với tuệ giác “Chánh biến tri”, từ hơn 2500 năm trước, đức Thế Tôn đã có huyền nhiệm về thời kỳ này. Đó là thời kỳ hiện đại mà chúng ta đang sống và cho rằng: “Đến thời kỳ Mạt thượng pháp, văn minh khoa học con người lên cao. Vật chất ở thế giới Diêm phù đề (cõi Ta bà) phát triển dồi dào, con người sa vào hưởng thụ (lợi dưỡng) vật chất, cạnh tranh hơn thua, nên con người trở nên hung dữ, bởi tính cố hữu (tham, sân, si) và sợ hãi vọng tưởng nên họ chế ra những khí cụ giết người hàng loạt để sát hại nhau trên trái đất cũng như trong tam giới đều biến đổi”.
Tại sao Đức Phật lại tiên liệu cho thời kỳ này như vậy?
Nhân ngày thành đạo (8/12) là Phật tử chắc ai cũng hiểu, đó là sau 49 ngày ngồi Thiền na dưới cội Bồ đề đức Thế Tôn đã Thành tựu Tam minh - Lục thông nên Ngài đã thấy được cái mà chúng ta không thể thấy. Chính vì điều này mà trong giáo lý mỗi khi luận bàn về những điều vi diệu đều có câu nhắc nhở Phật pháp bất khả luận.
Với trí huệ Chánh Biên Tri, theo giáo lý đạo Phật chúng ta thường gọi đó là Thiền thanh tịnh khai mở nên Như Lai biết được những điều mà các nhà khoa học đến bây giờ mới nhận thức được qua tư duy logic.
Ở thời kỳ khoa học phát triển như vũ bão hiện nay, nhiều người lo lắng và cho rằng: nếu giáo lý đạo Phật không đổi mới thì không theo kịp cuộc cách mạng lần thứ 4 này. Ngược lại, hiện nay không ít người khi nghiên cứu Triết học Tây phương lại nhận định: “Triết học Tây phương đang “chững lại” nếu không muốn nói là tàn nụi, bởi vấn đề mà triết học đặt ra không còn gì để nói nữa, những cái gì đáng để nói thì đã nói hết rồi, và bây giờ như “con rắn quay lại nuốt cái đuôi của mình”. Đó là điều bế tắc của triết học đương đại hiện nay. Tại sao vậy? Bởi vì họ cho rằng với triết học hiện đại không có một hệ thống tư duy hay nói đúng hơn là có được nguồn mạch năng lượng của (trí vô sư) như giáo lý đạo Phật. Đó là Giới - Định - Tuệ.” (1)
Vậy thực tế (Giới - Định - Tuệ) đức Phật muốn nói với chúng ta điều gì ở thời kỳ khoa học phát triển dữ dội như vũ bão hiện nay?
Với góc nhìn của Phật giáo cho thấy: sự gia tăng về vật chất để thỏa mãn (ái dục) khát vọng của con người quá mức như hiện nay, đó là tiền đề của mọi tiền đề dẫn tới thảm họa về chiến tranh, cũng như về môi trường, môi sinh của vạn loài trong tam giới và trái đất này.
Vậy sống chậm lại được chăng?
Dưới đây là nhận định cũng như quan điểm của không ít học giả và các chân sư khi nhìn nhận về sự phát triển kinh tế và khoa học hiện nay cho rằng:
Thế giới công nghệ gia tăng tốc độ. Đó là mục tiêu theo đuổi của lòng ham muốn. Thực tế kinh nghiệm cuộc sống mách bảo: Không phải cái gì cũng cần đến tốc độ! Vậy sống chậm lại được chăng? Với Duy thức Phật học cho thấy: Những gì có hình tướng đều không thật! Cái bất sinh bất diệt lại là cái nhỏ nhiệm - vô hình (?) Phàm tình những cái ta thấy ở bên ngoài. Thực chất xuất phát điểm lại ở bên trong. Tâm thức không sắc mầu, không hình dạng. Nhưng đó là ánh sáng “ Vô tri giác minh.”(2) Ánh sáng của điện Từ Quang. (3)
Trong vòng xoáy luân hồi vô thủy vô chung. Từ ánh sáng bản lai Thanh tịnh, Đức Thế Tôn trực ngộ tâm linh, Ngài khuyên chúng ta: Trở về với thực tại Trí Vô Sư của chính mình. Ở đó không có tốc độ, cũng không có cái gọi là tốc độ! Chỉ có Thực tại- rỗng lặng hằng tri! Nhưng dung thông lưu xuất diệu hữu và ôm chứa tất cả mọi sự, mọi vật, mọi loài.
Cũng đồng quan điểm này, đứng trước sự phát triển sản xuất không bền vững, bởi định hướng thiên lệch chỉ tập trung vào phát triển vật chất và khoa học công nghệ nên các nhà xã hội học, các nhà hoạt động tôn giáo cũng như các khoa học gia chân chính đã bày tỏ phê phán và cho rằng:
Vào những thập niên 60 của thế kỷ trước. Các nước phương Tây đã vận dụng thành công về công nghệ kỹ thuật. Nhưng mọi sự lại không ổn trong những thập niên này. Đó là những câu hỏi mà nhiều người quan tâm đến tinh thần và đạo đức.
Câu hỏi này, khi được hỏi các chân nhân đều được trả lời:
“Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng về kiến thức (và giáo dục chỉ quan tâm đến điều này). Nhưng lại không quan tâm đến phát triển lòng tốt thiện nhân”
Nếu phải so sánh sẽ thấy:
“Con người không phải là sản phẩm của máy móc, nên không mong gì có được hạnh phúc thật sự nếu chỉ tùy thuộc vào ngoại cảnh…”
Thực tế để sống được, đương nhiên con người phải có tối thiểu tài sản-vật chất. Nhưng nguyên nhân thực sự mang lại sự hài lòng và mãn nguyện chúng ta phải tìm từ trong nội tâm con người. Đó là lòng nhân và sự thiên lương trong sáng, chứ không phải vật chất hữu vi.
Một thực tế bởi gia tăng tốc độ phát triển sản xuất, nhằm đáp ứng sự khát ái tiêu dùng vô độ của con người nên tài nguyên trái đất cạn kiệt, môi sinh, môi trường toàn cầu cũng như tam giới bị rối loạn biến đổi. Năm 2017 đã có hơn 15.000 (nghìn) nhà khoa học từ 184 quốc gia đã ký tên vào Thông điệp chung cảnh báo đến nhân loại về sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng tồi tệ.
Cùng với thông điệp nêu trên của các nhà khoa học, với tinh thần “tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững” Tuyên bố Hà Nam 2019 (Vesak LHQ-16) được tổ chức tại Việt Nam vừa qua Tuyên bố chung gồm 6 điều đều đề cập tới vấn đề tiêu thụ và giảm thiểu việc gia tăng tốc độ sản xuất hương tới phát triển bền vững để ngăn chặn sự phóng dục khát ái của con người với tinh thần “thiểu dục tri túc” đức Phật dạy.
Trên tinh thần này, bài viết “Ngày tháng tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều nữa” của nhà văn Mạc Ngôn giải Noben văn học đã khuyến cáo mọi người hãy dùng tác phẩm văn học của mình cũng như các (thể loại khác) để nói với “những người giầu có không chính đáng, nói với những chính trị gia (giả dối) kia rằng, cái điều được gọi là lợi ích quốc gia vốn không phải là điều quan trọng nhất, mà điều quan trọng nhất thật sự hiện nay chính là lợi ích lâu dài của nhân loại và trái đất”.
Cũng từ tác phẩm văn học của chúng ta cũng hãy nói với “những nhà giầu mới nổi, những kẻ đầu cơ, những kẻ cướp đoạt, những kẻ lừa gạt và tham nhũng rằng, tất cả những gì mà họ có được bắt nguồn từ mục đích phi nhân tính, thì đều có nhân quả của nó và Thần linh cũng sẽ không che chở cho họ được”.
Một thực tế mà tất cả chúng ta đều thấy rất rõ đó là vấn đề suy thoái đạo đức tinh thần và lối sống xã hội ngày càng gia tăng xấu ác hiện nay. Nguyên nhân chính vì những dục vọng khát ái vô độ đã dẫn đến sự sản xuất tiêu thụ quá mức cho phép, nên kéo đến suy thoái môi trường tự nhiên và xã hội nói chung.
Vạn vật đồng nhất thể: “Nếu ví trái đất và tam giới là một cơ thể sống như con người thì đất dai khoáng chất là xương thịt, xăng dầu là dòng máu nuôi cơ thể, và những cánh rừng là những lá phổi của con người. Thì tại sao chúng ta lại khai thác cạn kiệt cái cơ thể ấy”.
Khái niệm “thiên địa nhân đồng nhât thể” đã có từ lâu trong đạo học phương Đông. Còn theo giáo lý đạo Phật, đức Thế Tôn cũng đa dạy: “tất cả duy tâm tạo” đó chính là tâm bất nhị, là tâm giác ngộ, là cái nhất thể của vạn vật. Thế nên kiến giải về Địa văn hóa Đông Tây các học giả và chân sư cho rằng “Tây phương là khai phá, Đông phương thì căn cốt”. Vậy khoa học thì nói gì? Dưới cái nhìn tư duy của mình khoa học hiện đại cũng nói: “Toàn bộ vũ trụ có thể quy về lượng tử, đó là một thể đồng nhất. Cái sức mạnh chi phối lượng tử để tùy ý vẽ nên vũ trụ vạn vật mới thực là rốt ráo”. Để minh chứng điều này của khoa học- Ernst Mach nhà bác học lỗi lạc người Áo đã nêu ra nguyên lý: “Bất kể vật chất nào trong vũ trụ cũng phải gắn kết chặt chẽ với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ; không tồn tại bất kỳ một cá thể độc lập nào; sự phân chia vật chất thành những thành phần đối lập loại trừ nhau là sai lầm, giả tạo, bởi toàn bộ vũ trụ là Một!”.
Tại sao đức Phật nói thiểu dục tri túc?
Vì dục vọng và khát ái của con người không biết đâu đủ. Đó là cội gốc của tam độc (tham, sân, si) gây nên. Vậy đức Phật dạy “thiểu dục tri túc”, theo nguyên nghĩa nội hàm là ít ham muốn, tức biết đủ thì không khổ. Vậy thế nào là đủ? Phật dạy để biết được cái đủ trong cái thừa, thì con người cần phải có chánh tri kiến, chánh tư duy (nhất như trí) mới thấy được cái chân thường trong cái vô thường của vòng tương tục. Vậy, thiểu dục tri túc, pháp này thuộc lĩnh vực đạo đức, lối sống đây là quá trình thực nghiệm sâu xa của đức Phật. Cho nên, thiểu dục tri túc ý nghĩa câu này là nhằm vào suy nghĩ bên trong, chứ không dựa vào hình thức vật chất bên ngoài.
Thỏa mãn ham muốn cũng là một dạng của hạnh phúc, nhưng chóng tàn và khó đạt đến. Vì không phải lúc nào ta cũng đạt được những ham muốn. Vả lại, ham muốn này đạt được, sẽ nảy sinh ham muốn khác. Đó là thực tế căn bản tạo điều kiện cho (vọng tưởng) bất mãn và lỗi lầm gia tăng. Đây là thuyết duyên khởi, hay nói đúng hơn là trùng trùng duyên khởi theo giáo lý đạo Phật trong trường hợp tâm lý này.
Trong xu thế phát triển kinh tế thị trường và khoa học công nghệ toàn cầu hóa hiện nay. Đề cập tới vấn đề phát triển bền vững hay nói đúng hơn là ý nghĩa của pháp quân bình như lời Phật dạy, chắc sẽ có người hiểu lầm và cho pháp thiểu dục tri túc đức Phật dạy là yếm thế. Nhưng chúng ta chánh niệm và tư duy có chiều sâu một chút, ta sẽ hiểu pháp này là an vui là đầy đủ. Ở đây xin được nhắc lại câu nói của một nhà hiền triết phát biểu từ những năm của (thập niên 60 thế kỷ 20) như thế này: “Khoa học phát triển mà không có lương tâm, cũng đồng nghĩa với sát hại”
Nếu sản xuất và tiêu thụ, với cách nhìn và cách tiếp cận theo tư duy có chiều sâu của Phật giáo vì một mục tiêu bền vững toàn cầu thì “Tâm bình thế giới đồng” đây là câu kinh Lăng Nghiêm thường đề cập trong nhiều hoàn cảnh tác pháp.
Nhân ngày Thành đạo, không chỉ riêng các tín đồ Phật tử khắc sâu thâm ân đức Thế Tôn, mà giáo lý của ngài đã thức tỉnh bao kiếp trầm luân của kiếp người đã được giác ngộ và giải thoát.
Ngày thành đạo, cũng có nghĩa là ngày đức Phật Thích Ca Văn thành tựu Tam minh-Lục thông, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng…Thành đạo là Ngài đã đi hết cuối đoạn đường mà Bồ-tát đã phải đi và thể nhập tận cùng cái nhỏ tận và cũng trùm hết cái lớn lao tận cùng lớn. Tức Ngài đã thành tựu Đại đạo bao hàm cả vũ trụ sở hữu và biến nhập trong tất cả và ngoài tất cả mà theo giáo lý gọi là Nhất thiết trí.
Từ pháp Thanh tịnh thiền hay còn gọi (Như Lai thanh tinh thiền) đức Thế Tôn giác ngộ toàn triệt, Ngài thấy được tường tận nguyên nhân dẫn tới sinh tử luân hồi của kiếp nhân sinh và các loài và biết rõ phương pháp dứt trừ nguyên nhân ấy. Đây là sở nguyên viên mãn mà trước đó các câu hỏi thôi thúc Ngài cũng như bao người đã tốn bao nhiêu giấy mực để tìm câu trả lời: “Con người từ đâu tới, chết rồi đi về đau và muốn hết sinh tử luân hồi phải tu như thế nào?
Hướng theo giáo pháp và huyền nhiệm của đức Thế Tôn, chúng ta từng bước áp dụng tu hành để sớm đến bờ giác ngộ giải thoát. Đương nhiên thân người khó được Phật pháp khó gặp; giải thoát theo giáo lý Phật dạy cũng có nhiều cấp độ. Nhưng với bản hoài của đức Thế Tôn trước khi nhập diệt Ngài có huyền nhiệm: “Thời kỳ văn minh khoa học lên cao, bóng ma thần quyền được dứt trừ. Số người tu theo pháp môn thiền Thanh tịnh (tức pháp Như Lai thanh tịnh thiền) sẽ được giải thoát khỏi tam giới số người trỏ về Phật giới không nhỏ. Phải chăng đây là bản hoài từ bi cứu độ của đức Thế Tôn chẳng bao giờ vơi cạn đối với muôn loài.
Chú thích:
(1) Giới - Định - Tuệ: Đây là pháp tu nền tảng của đạo Phật (có Giới mới có định, có Định mới có Tuệ) (trích trong bài: “Chỗ đứng của đạo Phật trong triết học ở Hoa Kỳ hiện nay”của GS - Tiến sĩ Nguyễn Huy Liêm - trên trang Điện tử (ĐPNN ngày 9/8/2017).
(2) Vô tri Giác minh: theo đạo Phật là trí vô sư, trí tuệ này không phải do thầy dạy hay học hỏi ở sách vở theo nghĩa thông thường mà có được.
(3) Điện Từ Quang: là ánh sáng trong Phật giới hay còn gọi (bể tánh Thanh tịnh Phật giới) khác ánh sáng của điện từ âm dương của tam giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Bài: Hoằng pháp và truyền thông trong kỷ nguyên 4.0 - tác giả Kiều Công Thược - Chủ tịch HĐQT Công ty VIRD 4.0 (Tạp chí nghiên cứu Phật học số 1- 2018)- Thiền học đời Trần nhiều tác giả ( Nxb-TG- Quý I-2006) và một số tác phẩm thiền học trong và ngoài nước .
2. Bài: Khoa học hiện đại hướng đến Phật giáo- tác giả Truyền Bình (phatgiao.org.vn 30/9/2016)
3. Bài: 15 nghìn nhà khoa học cảnh báo về biến đổi khí hậu môi trường –tác giả Thiện Ngôn (Vườn hoa Phật giáo 17/5/2019)