Kiến thức

Tỳ kheo là người thừa tự pháp của Như Lai

Thứ ba, 11/03/2023 09:48

Với mục đích xuất gia là tìm cầu sự giác ngộ và giải thoát, cho nên Đức Phật đã hướng dẫn các đệ tử của Ngài sống đời sống tịch tĩnh, tránh xa những nơi náo nhiệt, tìm nơi thanh vắng để tu tập.

Một vị Sa môn có trí tuệ là người phải tâm tâm niệm niệm luôn ghi nhớ lời di huấn mà Đức Phật đã dạy trước khi Ngài nhập Niết bàn là: Vị Tỳ kheo phải lấy Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) làm thầy, phải y cứ vào Pháp và Luật lấy đó làm tài sản, làm hành trang quý báu của người xuất gia, chứ không phải lấy của cải vật chất của thế gian làm tài sản.

Vì chúng chỉ là vật ngoài thân, nó là rắn độc dẫn chúng sanh luân hồi trong các cõi. “Này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?” 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trong Kinh Sala Đức Phật có dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, ví như trong các loài bàng sanh, con sư tử – vua các loài thú được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ”.

Với mục đích xuất gia là tìm cầu sự giác ngộ và giải thoát, cho nên Đức Phật đã hướng dẫn các đệ tử của Ngài sống đời sống tịch tĩnh, tránh xa những nơi náo nhiệt, tìm nơi thanh vắng để tu tập. Lấy tinh thần “thiểu dục tri túc” làm nguyên tắc cho đời sống Sa môn phạm hạnh, dùng Bát chánh đạolàm kim chỉ nam [chánh kiến (sammā ditthi), chánh tư duy (sammā sankappa), chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammanta), chánh mạng (sammā ājīva), chánh tinh tấn (sammā vāyāma), chánh niệm (sammā sati), chánh định (sammā samādhi)] và Tam vô lậu học [giới (silā), định (samādhi), tuệ (paññā)], tứ Diệu đế làm nền tảng cốt yếu để tu học [khổ đế (dukkha sacca): cần phải thấy, tập đế (dukkha samudaya sacca): cần được đoạn trừ, diệt đế (dukkha nirodha sacca): cần phải chứng ngộ và đạo đế (dukkha nirodhamagga sacca): cần phải thực hành)].

Ngoài ra, trong tam vô lậu học thì chỉ có Tuệ mới có công năng đoạn trừ mọi phiền não (kilesa) và cắt đứt được vòng sanh tử luân hồi. Còn Giới là nếp sống đạo đức phạm hạnh, là nền tảng căn bảncho Định và Định là nền tảng thiết yếu và phương tiện để tiến sâu vào Tuệ giác. Cho nên phương châm tu học chính của mỗi người xuất gia là “Duy Tuệ Thị Nghiệp” tức lấy Trí tuệ làm tài sản cao thượng của Sa môn thì mới xứng đáng trở thành người kế thừa mạng mạch Phật pháp của đức Như Lai.

Bên cạnh đó, mỗi hành giả tu học phải có cái thấy biết đúng như thật về bản chất của các pháp là duyên sinh để cố gắng thúc liễm thân tâm bằng giới hạnh, phòng hộ 6 căn khi tiếp xúc với 6 cảnh, sống chánh niệm tỉnh giác thì mới xứng đáng là đệ tử của Thế Tôn. Tuy con đường này không hề dễ dàng gì nhưng chúng ta hãy trân trọng ngay trong kiếp sống này để tu tập, vì đây là cơ hội quý báu cho việc thực hành thiện pháp (kusala dhamma). Hãy tập buông bỏ mọi thứ vì nếu cứ chấp chặt và dính mắc đến ngũ dục thì e rằng đường sanh tử còn dài, phải nỗ lực hết mình để đoạn tận phiền não, đem đến sự an lạc thanh tịnh giải thoát ngay kiếp sống hiện tại cũng như trong những kiếp sống vị lai. Đây chính là mục đích rốt ráo của mỗi người con Phật. 

Đạo Phật là đạo trí tuệ giúp chúng ta tự hoàn thiện nhân cách của bản thân, tiến tu đạo nghiệphướng đến sự tịch tĩnh, an lạc và giải thoát Niết Bàn (Nibbāna). Và Trí tuệ được ví như chiếc bè phương tiện đưa chúng sanh từ bến bờ vô minh sang bến bờ giải thoát, từ phàm đến thánh. Người xuất gia để xứng đáng được gọi là “Sứ giả Như Lai” tức người mang trên mình sứ mạng hoằng truyền Phật pháp cứu độ chúng sinh thì phải phát huy được sự nghiệp trí tuệ, vì chỉ có trí tuệ thì mới giúp tất cả chúng sanh thoát ly khỏi tham dục, chấm dứt mọi khổ đau của vòng tử sinh luân hồi.

loading...